Sâm Tố Nữ ( Sắn Dây Củ Tròn)
Biên soạn và Hiệu đính
Dược sĩ Xuân Hạo
Danh pháp
Tên khoa học
Pueraria mirifica Airy Shaw et Suvat.
Tên tiếng Việt
Sâm tố nữ, Sắn dây củ tròn.
Phân loại khoa học
Tên Việt Nam: Sắn dây củ tròn
Tên khoa học: Pueraria mirifica
Giới: Plantae
Bộ: Fabales
Họ: Fabaceae
Chi: Pueraria
Loài: P. mirifica
Mô tả cây
Thân: Thân dây leo gần giống với sắn dây, sống lâu năm, có thể dài tới 10m.
Rễ: Rễ củ to, tròn, có lớp vỏ sần sùi phía bên ngoài bao lấy phần ruột màu trắng bên trong.
Lá: Lá kép hình chân vịt, mọc so le gồm 3 lá chét nguyên hoặc xẻ thùy.
Hoa: Hoa màu tím, có 5 cánh, cụm hoa dài khoảng 30cm, hình chùm, mọc so le gồm 3 lá chét nguyên hoặc xẻ thùy, thường mọc ở đầu cành, thơm.
Quả: Quả giáp dẹt màu nâu hoặc vàng nhạt, có lông mềm, thắt lại giữa các hạt.
Sinh thái
Củ sâm tố nữ mọc dưới đất với kích thước tùy thuộc vào môi trường phát triển.
Hoa thường nở vào tháng 2-3, ra quả vào tháng 4.
Phân bố
Trên thế giới: Phân bố chủ yếu trong các khu rừng rụng lá ở vùng Đông Bắc và Tây Bắc Thái Lan, Myanmar và Ấn Độ.
Tại Việt Nam: Phân bố ở các tỉnh phía Tây Bắc Việt Nam như Yên Bái, Sơn La, Tuyên Quang và một số huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An.
Bộ phận dùng
Rễ củ
Thu hái, chế biến
Thông thường, sâm tố nữ được thu hái vào mùa thu đông, trong khoảng thời gian từ tháng 10-12 khi dây sâm đã bắt đầu khô. Rễ củ sau khi đào được rửa sạch, sau đó thái thành lát để phơi khô. Củ sâm tươi không nên nêm nếm vì có thể gây chóng mặt, đau đầu.
Có nhiều cách chế biến củ sâm tố nữ, nhưng các phương pháp chủ yếu được dùng là phơi khô, nghiền thành bột hoặc áp dụng công nghệ bào chế hiện đại để phân lập hoạt chất với hàm lượng cao. Ngoài ra, củ sâm tố nữ sau khi chế biến nên bảo quản ở nơi khô ráo, thoáng mát và tránh ánh nắng trực tiếp.
Thành phần hóa học
Sở dĩ sắn dây củ tròn được gọi là sâm tố nữ vì trong loài thảo dược này có ít nhất 17 hoạt chất có tác dụng estrogen – một loại hormone giúp cân bằng và duy trì sắc đẹp, sức khỏe và sinh lý nữ. Theo đó, 17 hoạt chất này được chia thành 3 nhóm:
- Nhóm isoflavonoid: Genistin, genistein, daidzein, daidzin, kwakhurin hydrat, kwakhurin, tuberosin, puerarin, mirificin và puemiricarpene.
- Nhóm coumestan: Mirificoumestan, mirificoumestan glycol, coumestrol, và mirificoumestan hydrat.
- Nhóm chromen: Miroestrol, isomiroestrol và deoxymiroestrol.
Tất cả các chất này đều là phytoestrogen, có cấu trúc tương tự như 17 β-estradiol (estrogen). Trong đó, miroestrol và deoxymiroestrol có hoạt tính estrogen cao nhất, tương tự như estradiol và được coi là estrogen an toàn nhất cho con người. Đặc biệt, tác dụng estrogen của hai hợp chất này mạnh hơn lần lượt gấp 1000 lần và 10000 lần so với mầm đậu nành.
Tác dụng dược lý
Theo y học cổ truyền
Trong hơn 100 năm qua, sâm tố nữ được y học cổ truyền Thái Lan sử dụng như một phương pháp “cải lão hoàn đồng” cho phụ nữ với tác dụng làm đẹp da, đen tóc, cải thiện trí nhớ, tăng tuần hoàn máu và duy trì sinh lí nữ.
Theo y học hiện đại
Tác dụng estrogen:
Hiện nay, sâm tố nữ được coi là một loại thảo dược có tác dụng estrogen mạnh nhất. Kết quả từ một nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc trường Đại học Reading (Anh) vào năm 2005 đã cho thấy hoạt chất deoxymiroestrol trong sâm tố nữ có tác dụng mạnh gấp 1.000 và 10.000 lần so với 2 phytoestrogen là daidzein và genistin có trong mầm đậu nành, là estrogen tự nhiên tốt nhất cho phụ nữ.
Trước đó, nghiên cứu thử nghiệm công thức thuốc thảo dược từ sâm tố nữ của các nhà nghiên cứu Thái Lan vào năm 2001 cũng đã cho thấy loài cây này có tác dụng làm giảm nhanh các triệu chứng tiền mãn kinh và mãn kinh trên mọi đối tượng phụ nữ. Đồng thời, sâm tố nữ còn giúp duy trì nồng độ hormone FSH/LH luôn ở mức ổn định.
Trong một nghiên cứu lâm sàng khác tại trường Đại học Mahidol, Bangkok, Thái Lan vào năm 2007, sâm tố nữ giúp cải thiện sinh lý nữ rõ rệt thông qua làm tăng độ ẩm, độ pH, độ đàn hồi, thể tích dịch tiết (dịch âm đạo) và tế bào biểu mô âm đạo. Ngoài ra, một nghiên cứu lâm sàng khác trên phụ nữ mãn kinh còn cho thấy sâm tố nữ có tác dụng bảo tồn xương tương tự estrogen.
Tác dụng chống oxy hóa:
Puerarin và daizein trong sâm tố nữ có tác dụng chống oxy hóa tương tự như α-tocopherol.
Vào năm 2015, kết quả từ nghiên cứu in vitro của T Chattuwwatthana đã cho thấy dịch chiết sâm tố nữ có thể làm giảm tốc độ lão hóa da. Trong một nghiên cứu in vivo khác của Waranya Chatuphonprasert vào năm 2012 trên chuột bị cắt buồng trứng, dịch chiết sâm tố nữ làm tăng nồng độ chất chống oxy hóa glutathion (GSH) và tỉ lệ GSH/GSSH ở cả gan và tử cung một cách đáng kể, trong khi estradiol không có tác dụng này.
Trong một thử nghiệm lâm sàng tại Đại học Chulalongkorn Thái Lan và Anh, những người phụ nữ sử dụng bột chiết xuất từ củ sâm tố nữ có lợi ích làm nở ngực và săn chắc ngực với tỷ lệ lần lượt là 82% và 88%. Theo đó, sâm tố nữ có thể làm phát triển ống sữa ở vú và mở rộng mô mỡ, tăng số lượng dây chằng xung quanh vú để định hình. Ngoài ra, sâm tố nữ còn có thể duy trì collagen, thúc đẩy phát triển các tế bào da mới, làm cho vú mềm, mịn màng và tự nhiên hơn.
Tính vị, tác dụng
Rễ củ sâm tố nữ có vị ngọt, cay, tính bình, quy vào 2 kinh tỳ và vị, có tác dụng sinh tân, chỉ khát, giải cơ, thoái nhiệt, thoái chẩn, thăng dương, chỉ tả. Ngoài ra, hoa sâm tố nữ cũng có vị ngọt, tính bình và có tác dụng giải độc rượu.
Công dụng và liều dùng
Theo kinh nghiệm dân gian, sâm tố nữ thường được sử dụng với liều 5mg/kg/ngày vào buổi tối để hạn chế nếp nhăn, làm đen tóc và kích thích mọc tóc, hạn chế đục thủy tinh thể, hỗ trợ điều trị mất trí nhớ, tăng cường thể lực, tăng tính dẻo dai, tăng cường tuần hoàn máu và điều trị rối loạn giấc ngủ.
Gần đây, sâm tố nữ còn được sử dụng để làm giảm các triệu chứng liên quan đến tuổi tác và sự thiếu hụt estrogen như da nhăn, ngực chảy xệ, loãng xương và tóc bạc.
Những lưu ý khi sử dụng vị thuốc
- Sử dụng sâm tố nữ quá nhiều có thể gây chóng mặt, đau đầu, đau ngực, chảy máu âm đạo bất thường,…
- Người mắc bệnh u nang buồng trứng, ung thư tuyến giáp hoặc có khối u, bệnh gan, phụ nữ đang cho con bú hoặc mang thai… không nên sử dụng thảo dược này.
- Hoạt chất deoxymiroestrol trong sâm tố nữ không bền, có thể bị oxy hóa nhanh ở nhiệt độ cao. Do đó, nên dùng trực tiếp để đảm bảo chất lượng.
- Nên sử dụng các sản phẩm chăm sóc sức khỏe được chiết xuất từ sâm tố nữ này để tăng tính hiệu quả.
Tài liệu tham khảo
- Đỗ Tất Lợi (2013), Những cây thuốc, vị thuốc Việt Nam, Nhà xuất bản Y học, Hà Nội..
- Bộ môn Thực Vật – Trường Đại học Dược Hà Nội (1997), Thực tập Dược – Phân loại thực vật, tr. 108-109.
- Võ Văn Chi (1997), Từ điển cây Thuốc Việt Nam, Nhà xuất bản Y học, Thành phố Hồ chí Minh.
- Phạm Hoàng Hộ (1999-2000), Cây cỏ Việt Nam, tập 1-3, Nhà xuất bản Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh.
- Nguyễn Phương Thảo (2010), Nghiên cứu thành phần hóa học cây Bạch đồng nữ, Tạp chí Dược học.
- Viện Dược liệu (2006), Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật.
Xuất xứ: Việt Nam
Xuất xứ: Việt Nam
Xuất xứ: Việt Nam
Xuất xứ: NHẬT BẢN
Xuất xứ: Việt Nam
Xuất xứ: Việt Nam
Xuất xứ: Việt Nam
Xuất xứ: Việt Nam
Xuất xứ: Việt Nam
Xuất xứ: Việt Nam
Xuất xứ: Việt Nam
Xuất xứ: Việt Nam
Xuất xứ: Việt Nam
Xuất xứ: Việt Nam