Rau Dừa Nước (Thủy Long/Du Long Thái)
Giới thiệu về Rau Dừa Nước
Danh pháp
Rau Dừa Nước có tên khoa học là Ludwigia adscendens (hoặc Jussiaea repens) thuộc họ Rau dừa nước – Onagraceae (hoặc Oenotheraceae).
Tên khác
Thủy Long, Thủy Thái, Rau Dừa Trâu, Du Long Thái.
Đặc điểm thực vật
Rau Dừa Nước là cây thảo, mọc theo kiểu bò, nổi phía trên bề mặt nước nhờ có các miếng phao xốp dưới dạng hình trứng. Các phao này có màu trắng và thường mọc tạo thành búi. Thân cây có hình trụ, thân khá mềm yếu và bén rễ tại các mấu. Lá cây có hình bầu dục và mọc so le, phần gốc lá thuôn, còn phần đầu thì tù, chiều dài từ 4 tới 6cm, cả hai mặt lá đều nhẵn, tuy nhiên mặt trên sẫm bóng, mặt dưới nhạt. Cuống lá có độ dài khoảng 1cm.
Hoa của Rau Dừa Nước mọc đơn độc, mọc ra từ phía kẽ lá, hoa có màu trắng và kèm theo cuống dài. Lá bắc khá nhỏ, có hình dạng vảy. Đài hoa dính vào bầu hoa, có khoảng 5 răng vừa dài vừa nhọn, tràng 5 cánh mỏng cũng có hình bầu dục, ngoài ra còn có vân. Nhị hoa 10, xếp tạo thành 2 hàng, nhị phía bên ngoài thường ngắn hơn, chỉ nhị mảnh, bao phấn thuôn, bầu hoa có 5 cạnh, kèm theo lông thưa và nhiều noãn.
Quả nang có dạng hình trụ dài, trên quả có lông nhỏ, mở tạo thành 5 mảnh. Trong quả có chứa nhiều hạt, hạt có hình chữ nhật.
Dưới đây là hình ảnh cây Rau Dừa Nước.
Phân bố – Sinh Thái
Rau Dừa Nước phân bố khá rộng rãi ở khu vực Đông – Nam Á và Trung Quốc. Tại Việt Nam, Rau Dừa Nước có thể được bắt gặp ở hầu hết những địa phương thuộc vùng trung du, đồng bằng và các vùng núi có độ cao dưới 600m. Cây này thường mọc ở các khu vực ngập nước. Tại những nơi có nước nông như ruộng, vũng lầy,…cây Rau Dừa Nước sẽ mọc thẳng. Khi mọc ở các vùng có nước sâu thì câu Rau Dừa Nước sẽ nổi lên trên mặt nước nhờ có các phao xốp được biến đổi từ hệ thống rễ phụ.
Rau Dừa Nước có ra hoa và quả hàng năm. Quả nang đến khi già sẽ tự mở và phát tán hạt ra môi trường nhờ dòng nước. Đến mùa hè, phần còn lại của Rau Dừa Nước sau khi bị cắt sẽ mọc tiếp ra nhiều chồi.
Cây Rau Dừa Nước không mọc trên cạn.
Thu hái và chế biến
Rau Dừa Nước có thể thu hái gần như là quanh năm. Sau khi hái về thì làm sạch, cắt thành các đoạn ngắn, sau đó sấy hoặc phơi khô.
Bộ phận dùng
Toàn cây Rau Dừa Nước.
Tính vị – Công năng
Rau Dừa Nước có tính mát và vị ngọt nhạt.
Công năng của rau này là lợi tiểu, giải độc, thanh nhiệt và làm mát máu.
Thành phần hóa học
Ở trong lá và thân của Rau Dừa Nước có các thành phần như chất nhầy, Flavonoid, Tanin và muối của Natri, Kali.
Còn phân tích Rau Dừa Nước về mặt dược phẩm thì thành phần có trong cây gồm Glucid, Tro, Photpho, Caroten, Protid, Cenlulose, Vitamin C, Canxi và Sắt.
Tác dụng dược lý của cây Rau Dừa Nước
Nước sắc của Rau Dừa Nước được dùng trên 33 người bệnh đang bị đái ra máu, đái buốt và rắt, ngoài ra ở trong nước tiểu còn phân tích thấy bạch cầu, albumin và hồng cầu. Sau khoảng 1 tới 3 tuần sử dụng, có 31 người hết hẳn tình trạng tiểu rắt, tiểu buốt, không còn dấu hiệu bệnh lý. Chỉ có 2 người không thấy đỡ. Cũng dùng nước sắc này trên 20 người mắc bệnh đái ra dưỡng trấp, sau khi dùng, nước tiểu của người bệnh đã hết cặn, albumin và dưỡng trấp.
Nước sắc Rau Dừa Nước dùng cùng với Notezin (một loại thuốc chống giun chỉ), thời gian dùng là 2 năm. Kết quả, có 14 người đã khỏi bệnh, 9 người có kết quản dưỡng trấp trong nước tiểu âm tính, còn 5 người không rõ hiệu quả.
Chè làm từ Rau Dừa Nước đã được đánh giá độc tính, nhận thấy chế phẩm không độc, ít gây ra tác dụng không mong muốn.
Cây Rau Dừa Nước chữa bệnh gì?
Hiện nay Rau Dừa Nước được sử dụng để điều trị ho khan, phù thũng, cảm sốt, đái đục và lỵ ra máu.
Đắp ngoài có thể chữa bệnh sưng lở, bỏng, rắn cắn và vết thương ngoài da.
Giã cây Rau Dừa Nước cùng với Dầu thầu dầu, sau đó bôi lên trên da đầu để chữa nấm hoặc bệnh ở da đầu khác.
Có bệnh viện Đông y đã dùng Rau Dừa Nước trong chữa trị bệnh lý viêm bàng quang không sỏi, lao bàng quang, lao thân. Sau đó mở rộng sang lĩnh vực chữa trị đái dưỡng trấp, huyết dưỡng trấp không kèm ấu trùng giun chỉ.
Y học dân gian của người Malaysia đã dùng Rau Dừa Nước để điều trị bệnh da liễu. Còn ở Ấn Độ, người dân sử dụng bột nhão hay thuốc đắp làm nhằm chữa loét, bệnh ngoài da.
Một số nước cũng dùng cây này chữa trị viêm họng, thấp khớp, bỏng và lợi niệu.
Một số bài thuốc
Điều trị cảm sốt
30g Rau Dừa Nước và 10g Thài Lài Tía, sắc nước để uống.
Chữa viêm cầu thận cấp, đái đục hoặc tiểu ra dưỡng trấp
Bài 1: Sắc 100-200g Rau Dừa Nước lấy nước uống.
Bài 2: Dùng 30-40g Rau Dừa Nước, 20-30g Tua Đa, 15-20g Tỳ Giải, nấu nước uống.
Câu hỏi về cây Rau Dừa Nước
Cây Rau Dừa Nước có ăn được không?
Ngoài việc dùng để nấu nước, giã nát làm thuốc, Rau Dừa Nước còn có thể sử dụng làm thức ăn.
Món ăn từ Rau Dừa Nước
Có thể ăn sống hoặc nấu canh Rau Dừa Nước với cá, riêu cua.
Tài liệu tham khảo
Đỗ Huy Bích và các cộng sự (2006), Rau Dừa Nước trang 575-577, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam tập 2. Truy cập ngày 06/01/2025.
Xuất xứ: Việt Nam