Quả Sung
Quả sung là gì?
Tên gọi
Quả sung có tên khoa học là Ficus racemosa L, thuộc họ Dâu tằm (Moraceae). Một số tên gọi khác của quả sung như Ưu đàm thụ; vô hoa quả; thiên sinh tử; ánh nhật quả; văn tiên quả.
Đặc điểm thực vật
Quả sung thuộc loại quả giả, do đế hoa tự tạo thành. Quả giả mọc thành từng nhóm trên thân cây, trên những cành to không mang lá, khi chín có màu đỏ nâu. Quả sung hình lê, dài khoảng 3cm, rộng khoảng 3 đến 3,5cm. Mặt quả phủ lông mịn, cuống ngắn.
Phân bố- Sinh thái
Sung mọc phân bố rải rác ở các khu vực nhiệt đới vùng Đông Bắc châu Phi, Ấn Độ, Malaysia, vùng Tây Bắc Australia, châu Á.
Tại Việt Nam, sung mọc nhiều ở vùng núi thấp (dưới 700m), vùng đồng bằng, vùng trung du. Cây sung là loại cây gỗ ưa sáng, ưa ẩm nên mọc tự nhiên dọc bờ sông, suối. Loại cây này có khả năng chịu ngập úng khoảng 1 tháng.
Bộ phận dùng
Quả già hay quả chín. Có thể dùng tươi hoặc sấy khô.
Thu hái- Chế biến
Quả sung được thu hoạch trong giai đoạn từ tháng 8 đến đầu tháng 10.
Quả sung tươi được sử dụng để nấu ăn cần có độ chín vừa phải, căng mọng, mềm, không có vết nứt, không có vệt thâm. Nếu quả có mùi chua thì đã sang giai đoạn chín quá. Đối với những quả sung chưa chín hẳn có thể được bảo quản ở nhiệt độ thường trong khoảng 1 hoặc 2 ngày để quả được chín hẳn. Những quả sung được bảo quản chín ở nhiệt độ phòng sẽ có hương vị thơm ngon. Chú ý luôn rửa sạch quả sung nếu sử dụng ăn trực tiếp không qua chế biến.
Quả sung khô có thể được ngâm trong nước ấm, đến khi quả sung mềm ra có thể sử dụng.
Tính vị- Quy kinh
Tính vị: Vị ngọt, hơi chát, tính mát
Có công dụng thông huyết, lợi tiểu, chỉ thống, tiêu viêm, tiêu thũng, ho máu.
Thành phần hóa học
Quả sung phù hợp với một chế độ dinh dưỡng lành mạnh nhờ chứa nhiều thành phần các chất dinh dưỡng nhưng ít calo. Thành phần dinh dưỡng trong 1 quả sung tươi nhỏ (40 gam):
Lượng kcal | 3 | Magie | 2% |
Chất đạm | 0 g | Kali | 2% |
Chất béo | 0 g | Vitamin B2 | 2% |
Đường | 8 g | Vitamin B1 | 2% |
Chất xơ | 1 g | Vitamin B6 | 3% |
Đồng | 3% | Vitamin K | 2% |
Quả sung chứa lượng đường tự nhiên, ít calo, có thể sử dụng như một món ăn nhẹ. Tuy nhiên Quả sung khô chứa nhiều đường và chứa nhiều calo hơn do sấy khô.
Tác dụng dược lý
Tác dụng của quả sung theo y học cổ truyền
Một số tác dụng của quả sung như nhuận tràng, giảm táo bón, hỗ trợ điều trị đái tháo đường, hỗ trợ điều trị cholesterol cao, bệnh ngoài da (vảy nến, bạch biến), chống ung thư, chống viêm, kiểm soát cân nặng, chống oxy hóa, bảo vệ tế bào.
Tác dụng của quả sung theo y học hiện đại
Nâng cao sức khỏe hệ tiêu hóa
Quả sung chứa hàm lượng chất xơ lớn, giúp làm mềm phân, hạn chế tình trạng táo bón, từ đó giúp tăng cường chức năng hệ tiêu hóa. Một nghiên cứu thực hiện trên 150 bệnh nhân bị hội chứng ruột kích thích, có triệu chứng táo bón. Mỗi lần 1 bệnh nhân dùng 4 quả sung khô (tương đương lượng 45 gam), ngày hai lần, cho thấy tình trạng táo bón được cải thiện hơn so với những bệnh nhân không sử dụng. Ngoài ra, quả sung còn giúp hỗ trợ điều trị tình trạng trào ngược dạ dày.
Cải thiện tình trạng mỡ máu
Quả sung giúp làm giảm nồng độ cholesterol trong máu, hạn chế tình trạng mỡ máu, từ đó ngăn ngừa các bệnh tim mạch.
Cải thiện tình trạng cao huyết áp
Một nghiên cứu trên chuột cho thấy quả sung giúp làm giảm huyết áp ở chuột trong cả điều kiện huyết áp bình thường và điều kiện huyết áp cao.
Cải thiện tình trạng sỏi thận
Trong thành phần dinh dưỡng quả sung có chứa nhiều vitamin và khoáng chất, acid hữu cơ giúp làm tan sỏi dần dần, từ đó hỗ trợ điều trị cho người bị sỏi thận.
Cải thiện tình trạng da
Quả sung đem lại một số công dụng nhất định trên da, đặc biệt ở đối tượng bị viêm da dị ứng, da khô, mẩn ngứa do tác nhân gây dị ứng. Quả sung cũng có tác dụng chống oxy hóa trên tế bào da, hạn chế sự phân hủy của collagen, từ đó hạn chế sự xuất hiện của nếp nhăn.
Một số bài thuốc
Bài thuốc chữa đau dạ dày
Bài 1: Quả sung rửa sạch ngâm 20 phút cùng nước muối pha loãng. Vớt sung để ráo nước. Quả đã ráo nước bổ đôi, phơi khô, sao vàng, tán nhỏ thành bột mịn, đựng trong hũ kín để bảo quản.
Khi sử dụng pha 2 thìa cà phê bột quả sung cùng 100ml nước ấm, uống trực tiếp. Uống trước hoặc sau khi ăn 30 phút- 1 tiếng, ngày uống 2 đến 3 lần, duy trì trong 7 đến 10 ngày.
Bài 2: Lấy 3 quả sung khô ngâm vào ly nước ấm, để qua đêm. Sáng chắt lấy nước uống trước khi ăn sáng. Ngày sử dụng 1 lần, duy trì trong 2 đến 3 tháng.
Bài thuốc chữa viêm họng
Bài 1: Quả sung tươi phơi khô/sấy khô, tán bột, bảo quản trong hũ kín. Khi dùng lấy 1 chút bột đưa vào họng, dùng trong 5-7 ngày.
Bài 2: Quả sung tươi gọi vỏ, thái phiến, sắc lấy nước. Thêm đường phèn, cô cạn tạo thành cao, lấy ngậm hàng ngày.
Bài thuốc chữa táo bón
Bài 1: Quả sung tươi (9 gam) sắc với nước lấy uống hàng ngày (5-7 ngày)
Bài 2: Quả sung chín ăn trực tiếp, 3-5 quả/ngày x 5-7 ngày
Bài 3: Quả sung tươi (10 quả) rửa sạch, bổ đôi, đem hầm cùng ruột già lợn, ăn 1 lần mỗi ngày trong 1 tuần.
Tài liệu tham khảo
Đỗ Tất Lợi (2006), Cây sung . Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, NXB Y học, Hà Nội, trang 495-496. Truy cập ngày 30/12/2024
Đỗ Huy Bích (2006), Sung, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, NXB Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội, tập 2, trang 759-760. Truy cập ngày 30/12/2024
Xuất xứ: VIỆT NAM
Xuất xứ: Việt Nam
Xuất xứ: Việt Nam