Nấm Ngọc Cẩu (Củ Gió Đất)
Danh pháp
Tên khoa học
Balanophora indica (Arnott) Griff.
Tên đồng nghĩa:
Langsdorffia indica Arnott; B. fungosa ssp.indica (Arnott) B. Hansen; B. pierrei Tiegh; B. pierrei var. tonkinense Lecomte; B. gracilis Tiegh; B. sphaerica Tiegh; B. sphaerica (Tiegh) Lecomte; B. annamensis Moore
Tên tiếng việt
Dó đất, Dương đài nam, Tỏa dương, Củ gió đất, Cây không lá, Cu chó, Ký sinh hoàn, Củ ngọc núi, Xà cô, Hoa đất.
Phân loại khoa học
Họ: Balanophoraceae (Dó đất).
Mô tả cây
Cây thuộc dạng thân thảo, nạc mềm, nom như cái nấm. Cây có sắc màu đỏ nâu, sống một năm hay nhiều năm, ký sinh trên thân rễ cây khác, thường là cây gỗ lớn trong rừng sâu. Thân được tạo từ cán hoa lớn, bên trên chứa hoa dày đặc. Cây có phần củ nguyên được thân thoái hóa thành. Cây có nhiều hình dạng khác nhau, sần sùi, không có lá và không phân nhánh.
Hoa đơn tính khác gốc, mọc thành cụm dày trông như dương vật của chó, dài khoảng 2 – 3cm. Cụm hoa đực hình trụ, dài khoảng 10 – 15cm, ở gốc có một vài lá bắc; bao hoa xẻ 4 – 7 thùy, dày và hẹp, dài bằng nhau, có nhị và bao phấn hính móng ngựa; cụm hoa cái hình trứng hoặc thoi, dài từ 2 – 3cm, không có bao hoa. Ruột hoa chứa tinh bột.
Nấm Ngọc Cẩu trồi lên mặt đấy tạo thành cụm. Khi hoa của cây già, hoa sẽ mang màu trắng.
Không có quả.
Sinh thái
Nấm Ngọc Cẩu có dạng hình thái tương đối khác biệt trong giới thực vật có hoa.
Nấm Ngọc Cẩu sinh trưởng với độ cao trên 1500m. Cây sống ký sinh trên rễ của những loài thực vật có hoa khác. Khi chưa có hoa, toàn bộ thân dinh dưỡng là một hệ thống dạng sợi. Cây đực và cây cái thường xen kẽ với nhau. Do khả năng phát tán hạt hạn chế và sự phát triển của thân dưới dạng sợi nên cây thường mọc tập trung thành từng đám.
Mùa hoa: tháng 10 – 2.
Phân bố
Trên thế giới
Chúng thường phân bố chủ yếu ở vùng nhiệt đới châu Á, châu Phi và Australia. Có một số loài phân bố ở cả vùng cận nhiệt đưới và ôn đới ẩm.
Tại Việt Nam
Ở Việt Nam có 3 loài, các loài này thường chỉ phát hiện trong các khu rừng kín, thường xanh ẩm hoặc rừng cây là rộng núi đá vôi.
Cây được tìm thấy ở các tỉnh miền núi; xuất hiện nhiều ở Yên Bái, Hòa Bình, Lào Cai…
Bộ phận dùng
Dùng toàn cây.
Thu hái, chế biến
Được thu hái khi cây phát triển to bằng ngón tay cái và có màu nâu đỏ sẫm.
Sau khi thu hái, Nấm Ngọc Cẩu thường được phơi khô, toàn cây sẽ mềm và chuyển thành màu đen đồng nhất.
Thành phần hóa học
Qua các nghiên cứu, thành phần hóa học sơ bộ của Nấm Ngọc Cẩu khá là đa dạng và phong phú. Phát hiện cây có nhiều chất màu anthoxyanozit, l-arginin, trong dịch chiết nước Nấm Ngọc Cẩu đã được các nhà khoa học phân lập 19 hợp chất gồm: balaxiflorins A và B, 9 hợp chất tanin và acid gallic, 4 hợp chất lignan, 3 hợp chất phenylpropanoid.
Tác dụng dược lý
L-Arginin khi trải qua sự chuyển hóa trong cơ thể sẽ sản sinh ra chất Nitric Oxit (NO). NO tham gia trực tiếp vào quá trình gây giãn mạch ngoại biên, gây giãn mạch và cương cứng dương vật cũng như môi lớn, môi nhỏ của âm hộ. Trên lâm sàng, được điều trị những trường hợp người bệnh mắc chứng rối loạn cương, yếu sinh lý, lãnh cảm, da không đẹp.
Nấm Ngọc Cẩu có một hoạt chất là protodioscin có tác dụng mạnh đến việc tăng cường nội tiết tố của cơ thể một cách tự nhiên nhất. Đối với nam giới, Nấm Ngọc Cẩu chính là dược liệu giúp cho chuyện chăn gối, có thể mang lại hiệu quả cho người hỏng hẳn chức năng sinh lý.
Tính vị, tác dụng
Nấm Ngọc Cẩu có vị ngọt, tính ấm, không độc, quy về kinh tỳ và thận.
Cây có tác dụng tăng cường sinh lý, bồi bổ cơ thể, bổ gân cốt, bổ máu, bổ thận, kiện tỳ, hỗ trợ tiêu hóa, lợi tiểu. Nấm Ngọc Cẩu giúp điều trị thận hư yếu, ăn không ngon miệng, đau mỏi lưng gối, di tinh.
Công dụng và liều dùng nấm Ngọc Cẩu
Công dụng nấm Ngọc Cẩu
Bổ thận tráng dương.
Ôn trung táo thấp.
Tán ứ trừ tê, mạnh gân cốt.
Bồi bổ cơ thể, kích thích miễn dịch, chống viêm, chống co giật, an thần.
Nấm Ngọc Cẩu trong dân gian thường dùng làm thuốc bổ, kích thích ăn ngon miệng, trị đau bụng, nhức mỏi chân tay, nhất là dùng cho phụ nữ sau sinh, mới ốm dậy.
Tại Malaysia, người dân ở đó thường sử dụng dược liệu làm thuốc kích dục, bổ thận tráng dương, mạnh gân cốt. Ngoài ra, cây còn bổ trợ bồi bổ cơ thể, chống viêm nhiễm, kích thích hệ miễn dịch, chống co giật.
Liều dùng nấm Ngọc Cẩu
Chủ yếu được dùng dạng sắc hoặc rượu thuốc.
Cây hái về được rửa sạch, thái mỏng, sao qua, rồi ngâm rượu với tỉ lệ 1:5, ngâm trong một tháng hoặc càng lâu càng tốt. Rượu sau khi được ngâm đủ ngày sẽ có màu đỏ sẫm, vị hơi chát đắng.
Uống trước bữa ăn, ngày uống 2 lần, mỗi lần 30ml.
Một số bài thuốc từ cây nấm Ngọc Cẩu
Nấm ngọc cẩu chữa liệt dương
Nấm Ngọc Cẩu 12g, Dâm Dương Hoắc Diệp 30g, Thục Địa 15g, Sơn Thù Nhục 15g, Sơn Dược 15g, Câu Kỷ 15g, Phục Linh 12g, Nhục Thung Dung 12g, Ba Kích Nhục 12g, Bạch Nhân Sâm 12g, sao Táo Nhân 12g, Thỏ Ti Tử 12g, Thiên Môn Đông 9g, Cam Thảo 9g, Lộc Nhung 6g,. Tất cả đem tán mịn trộn mật tạo thành viên, mỗi viên nặng 9g. Uống 1 viên/ 3 lần/ ngày, khi uống với nước đun sôi để nguội.
Kiêng ăn thức ăn tanh, lạnh.
Món ăn hỗ trợ tráng dương từ nấm Ngọc Cẩu
Nấm Ngọc Cẩu 5g, Nhục Thung Dung 5g, Thịt Dê 50g, bột mì 200g. Sắc riêng Nấm Ngọc Cẩu và Nhục Thung Dung, lấy nước thuốc này nhào với bột mì, sau đó cán mỏng phần được nhào, cắt thành sợi, cho vào nấu với thịt dê, nêm gia vị vừa miệng, làm thức ăn điểm tâm hằng ngày.
Sinh lý yếu, hoạt tinh, di tinh, mệt mỏi
Nấm Ngọc Cẩu 120g, Tang Phiêu Tiêu 120g, Bạch Phục Linh 40g, Long Cốt 40g. Tất cả dược liệu được tán mịn, tạo thành viên to bằng hạt ngô, mỗi lần uống 15 – 20g với nước muối loãng. Uống 2 lần/ ngày.
Bổ thận, chữa khớp đau nhức, đau lưng mỏi gối, đại tiện khô táo kết gây đau bụng
Nấm Ngọc Cẩu, Hoàng Bá, Quy Bản, Hoàng Cầm, Đỗ Trọng, Ngưu Tất, Tri Mẫu, mỗi vị 16g; Đương Quy, Địa Hoàng, mỗi thứ 10g; Tục Đoạn, Phá Cố Chỉ, mỗi vị 8g. Tán tất cả các vị thuốc thành bột mịn, trộn đều với rượu và hồ hoàn thành viên, ngày uống 2 lần, mỗi lần 15 – 20g.
Bài thuốc bổ thận tráng dương từ nấm Ngọc Cẩu
Nấm Ngọc Cẩu 10g, Đỗ Trọng 16g, Hoàng Kỳ 16g, Thục Địa 16g, Ba Kích 12g, Bạch Truật 12g, Dâm Dương Hoắc 12g, Đương Quy 12g, Hà Thủ Ô Đỏ 12g, Kỷ Tử 12g, Lộc Nhung 12g, Nhân Sâm 12g, Phúc Bồn Tử 12g, Thỏ Ty Tử 12g, Xa Sàng Tử 12g, Long Nhãn 10g, Nhục Thung Dung 8g, Xuyên Khung 8g, Cam Thảo 6g, Đại Táo 5 quả. Cho hết các vị thuốc vào 750ml nước và sắc kỹ còn 250ml chia 3 lần uống trong ngày. Uống 7 thang liền.
Chữa xuất tinh sớm
Nấm Ngọc Cẩu 20g, Gừng Tươi 15g, Thục Địa 30g, Đỗ Trọng 30g, Đuôi Lợn 150g, Đại Táo 8 quả. Ðuôi lợn được cạo bỏ lông, rửa sạch và chặt thành từng khúc. Gừng tươi giã nát. Các vị thuốc rửa sạch. Cho tất cả vào nồi hầm lửa nhỏ trong 2,5 – 3 giờ, cho thêm gia vị, chia thành bữa ăn nhiều lần trong ngày.
Xuất tinh sớm và liệt dương
Nấm Ngọc Cẩu 20g, Tang Thầm (quả Dâu Tằm chín đen) 20g. Hai vị thuốc tán nhỏ, hãm trong phích nước sôi với 10g mật ong. Sử dụng sau 15 phút. Uống thay nước trà hàng ngày.
Người bị tiêu chảy không nên dùng loại nước được làm từ 2 vị thuốc trên.
Bài thuốc phục hồi sức khoẻ cho phụ nữ sau khi sinh
Nấm Ngọc Cẩu sau khi thu hái về, tước bỏ những phiến của lá bắc và bao hoa, đem đi rửa sạch, thái mỏng, phơi khô, sao qua và ngâm trong rượu 35 – 40 độ. Cứ 1 phần Nấm Ngọc Cẩu, 5 phần rượu. Ngâm rượu trên 1 tháng hoặc càng lâu càng tốt; rượu sẽ có màu đỏ sẫm, vị hơi đắng, chát. Nếu không uống được đăng có thể cho thêm ít đường hoặc mật ong cho dễ uống hơn. Uống trước bữa ăn, mỗi lần uống 30ml, 2 lần/ ngày.
Những lưu ý khi sử dụng vị thuốc Nấm Ngọc Cẩu
Những trường hợp nên sử dụng vị thuốc
Nam giới sử dụng khi có biểu hiện tinh lạnh, liệt dương.
Phụ nữ đái đục, bạch đới.
Người già đái són, lạnh bụng, thần kinh suy nhược.
Những người bị phong thấp, lưng lạnh, vận động khó khăn, suy nhược cơ thể, đau lưng, viêm khớp, viêm thận mạn tính.
Hoặc mắc các bệnh ngoài da, vàng da, ngứa nên sử dụng các vị thuốc.
Những trường hợp không nên sử dụng vị thuốc
Không sử dụng cho người bị mẫn cảm, dị ứng với bất kỳ thành phần nào có trong dược liệu.
Ngoài ra, người đi tiêu phân lỏng, phân sống không cầm được cũng không nên sử dụng Nấm Ngọc Cẩu.
Phụ nữ đang trong thời kỳ mang thai hoặc cho con bú nên hạn chế sử dụng dược liệu.
Các điều cần lưu ý khác
Dược liệu Nấm Ngọc Cẩu có thể gây ra một số tác dụng không mong muốn nếu được sử dụng sai cách hoặc sai liều. Do đó cần tham khảo ý kiến của người có chuyên môn trước khi áp dụng các bài thuốc của cây Nấm Ngọc Cẩu
Tài liệu tham khảo
- 1.P.H. Hộ. All Illustrated Flora of Vietnam J. Tre, Ho Chi Minh (2003) 140
- 2. Nguyen, T. H. T., Nguyen, H. H., Nguyen, C. B., Nguyen, T. H. Y., Nguyen, T. T. H., & Quach, T. H. V. (2021). Botanical Characteristics of Balanophora (Balanophoraceae). VNU Journal of Science: Medical and Pharmaceutical Sciences, 37(1).
- 3. Lau, K. M., Li, N. H., & Hu, S. Y. (2003). A new species of Balanophora (Balanophoraceae) from Hong Kong. Harvard Papers in Botany, 439-441.
- 4. Luu, H. T., Nguyen, H. C., Tran, H. D., Nguyen, Q. D., & Nguyen, T. Q. T. (2020, May). Balanophora aphylla (Balanophoraceae), a new holoparasitic species from Vietnam. In Annales Botanici Fennici (Vol. 57, No. 1-3, pp. 67-70). Finnish Zoological and Botanical Publishing Board.
- 5. Ministry of Health. Vietnam Pharmacopoeia V, 2017, PL12.18
Xuất xứ: Malaysia