Ké Hoa Đào (Phan Thiên Hoa/ Dã Miên Hoa)
Tên khoa học
Urena lobata L. thuộc họ Bông Malvaceae.
Tên khác
Ké Hoa Đào có tên khác là Ké Hoa Đỏ, Dã Miên Hoa, Phù Thiên Hoa, Ké Khuyết.
Nguồn gốc
- Ké Hoa Đào mọc hoang ở nhiều nơi của nước ta, cây còn mọc nhiều ở Philippine, Malaysia, Trung Quốc. Ké Hoa Đào là chi nhỏ chủ yếu gồm 1 số loài được phân bố rải rác ở các vùng cận nhiệt đới và vùng nhiệt đới. Ở Việt Nam, chỉ có 3 loài trong đó Ké Hoa Đào là loài thường gặp khắp các vùng núi, đồng bằng và trung du, nơi có chiều cao < 800m. Trên thế giới, Ké Hoa Đào có vùng phân bố rộng rãi ở những nước có khí hậu nhiệt đới như Châu Á, Châu Phi, Nam Mỹ. Ké Hoa Đào còn được trồng hạn chế ở Zaire, Cộng hòa Trung Phi và Brazin.
- Ké Hoa Đào là cây nhiệt đới khá điển hình, cây Ké Hoa Đào ưa sáng và có thể chịu khô hạn, sinh trưởng tốt trên nhiều loại đất và thường mọc rải rác thành những đám lớn trên nương rẫy, đất bỏ hoang, ven đường đi, bãi trống, đồi. Cây Ké Hoa Đào ra hoa nhiều hàng năm.Ké Hoa Đào có khả năng tái sinh bằng hạt hoặc các cây chồi sai khi bị chặt.
Đặc điểm thực vật
- Cây ké hoa đào là cây gì? Ké Hoa Đào là cây thân nhỏ có chiều cao 1-1,5m cành có hình trụm có lông rải rác và đôi khi mọc dày. Lá Ké Hoa Đào gần tròn, mọc so le, mép chia thành các thùy nông, khía răng không đều, mặt trên đậm màu, mặt dưới nhạt màu, gốc hình tim, mắt dưới có màu xám nhiều lông hình sao, mặt trên có màu xanh, gân tỏa từ gốc và cuống dài 1-5cm.
- Hoa Ké Hoa Đào mọc riêng lẻ ở các kẽ lá có màu đỏ tía hoặc màu hồng, dài, tiểu đài có 5 răng rời nhau hình chuông, tràng 5 cánh thuôn, có lông và nhị tụ họp thành các cột, bầu có lông.
- Quả Ké Hoa Đào có hình gần tròn, có lông, có gai, khi chín quả Ké Hoa Đào sẽ nứt thành 5 mảnh và hạt có lông ngắn, khía dọc. Mùa ra hoa và có quả là tháng 10 năm trước đến tháng 1 năm sau. Khi chín quả tự tách ra cho các hạt rơi xuống đất. Vỏ quả có gai góc dễ bám dính vào quần áo và lông động vật.
Sau đây là hình ảnh cây ké hoa đào:
Bộ phận dùng
Ké Hoa Đào sử dụng bộ phận rễ và phần trên mặt đất của cây.
Thu hái, chế biến
Ké Hoa Đào thường dùng toàn thân dưới dạng cây tươi hoặc cây ké hoa đào khô.
Tính vị, quy kinh
Ké Hoa Đào có vị nhạt, hơi ngọt, dịu tính mát không độc.
Thành phần hóa học
- Phần trên mặt đất của Ké Hoa Đào có chứa mangiferin.
- Toàn cây Ké Hoa Đào có chứa hợp chất sterol, acid amin, phenol,lignan, coumarin, flavonoid, urenalignosides A–D và lignin, phenylethyl glycoside, triglycerid.
- Hạt Ké Hoa Đào chứa dầu béo 13-16%.
- Hai chất béo trung tính chứa dư lượng axit béo không bão hòa, được phân lập từ chiết xuất hexane của Ké Hoa Đào.
- Ba glycoside flavonoid: kaempferol-4′-O-β- D-apiofuranosyl-3-O-β-D-glucopyranosyl-7-O-α-l-rhamnopyranoside, kaempferol-3-O-β-D-apiofuranosyl(1- 2) -β-D-glucopyranosyl-7-O-α-L-rhamnopyranoside và 5,6,7,4′-tetrahydroxy-flavone-6-O-β-D-arabinopyranosyl -7-O-α-L-rhamnopyranoside được phân lập từ các bộ phận trên mặt đất của Ké Hoa Đào.
Tác dụng dược lý
- Cây ké hoa đào có tác dụng gì? Ké Hoa Đào có tác dụng:
Toàn cây Ké Hoa Đào đem phơi hay sấy khô sau đó đem chiết với cồn 50% cho thấy tác dụng kháng khuẩn trên thử nghiệm in vitro với nồng độ 25 mcg/ml, có tác dụng kháng nấm ở nồng độ 25 mcg/ml, tác dụng trên virus, amip. Tác dụng hạ đường huyết liều 250mg/kg ở chuột bị cô lập, tác động lên tế bào ung thư, hệ thần kinh trung ương, lợi niệu. - Cao khô toàn cây Ké Hoa Đào có tác dụng hạ huyết áp ở méo bị gây mê, làm giảm hoạt động tự nhiên của chuột nhắt trắng, làm ức chế sự tăng hoạt động amphetamin, giảm thân nhiệt.
- Các thử nghiệm cho thấy với liều 1000mg/kg cao chiết Ké Hoa Đào dùng theo đường tiêm màng bụng ở chuột nhắt trắng vẫn không chết.
- Dịch chiết lá Ké Hoa Đào có hoạt tính ức chế α-glucosidase và α-amylase với giá trị IC 50 lần lượt là 43,73 và 83,73 μg/mL.
- β-sitosterol và stirysterol từ chiết xuất Ké Hoa Đào có hoạt tính ức chế rất lớn đối với cả α-amylase và α-glucosidase.
- Chiết xuất cồn từ rễ cây Ké Hoa Đào có hoạt tính kháng khuẩn phổ rộng với tụ cầu vàng, điều trị bệnh viêm phổi do S. Aureus.
- Chiết xuất nước từ lá Ké Hoa Đào với liều 250, 500 và 1000 mg/kg trọng lượng có thể kéo dài khả dụng sinh học GLP-1 lần lượt gấp 3 lần, 5 lần và 7 lần khi so sánh với bệnh nhân tiểu đường. Chiết xuất ở liều 500 và 1000 mg/kg cũng làm tăng nồng độ insulin lần lượt lên gấp 4 lần và 8 lần so với nhóm mắc bệnh tiểu đường. Chiết xuất nước của Ké Hoa Đào cũng cải thiện cấu trúc và chức năng của tế bào β bằng cách tăng khả dụng sinh học GLP-1.
- Một nghiên cứu gần đây cho thấy các hợp chất từ Ké Hoa Đào có thể ức chế sản xuất oxit nitric trong các tế bào đại thực bào do lipopolysacarit gây ra.
- Ké Hoa Đào chứa các chất chuyển hóa bao gồm alkaloid, glycoside, flavonoid và terpen có tác dụng làm dịu, giải lo âu, ở động vật thí nghiệm.
- Lá và rễ Ké Hoa Đào có tác dụng ức chế có thể đảo ngược quá trình sinh tinh và tạo steroid, cho thấy hoạt động chống vô sinh.
- Chiết xuất từ rễ và lá của cây Ké Hoa Đào giúp điều trị bệnh đái tháo đường chống tăng đường huyết trên chuột do streptozotocin gây ra.
Công năng chủ trị
Công dụng của cây ké hoa đào : Ké Hoa Đào có tác dụng tiêu viêm, thanh nhiệt, lợi tiểu, trừ thấp. Rễ Ké Hoa Đào được dùng để chữa khí hư, thấp khớp, lỵ, bạch đới, cảm cúm, tiêu hóa kém, sốt rét, bướu giáp, hen, Cành lá hay toàn cây Ké Hoa Đào dùng theo đường ngoài da giúp chữa thấp khớp, chấn thương bầm dập, rắn cắn, viêm vú. Hoa Ké Hoa Đào chữa sốt, thủy đậu, rối loạn trí não. Ké Hoa Đào được sử dụng để kiểm soát bệnh tiểu đường.
Một số bài thuốc có chứa Ké Hoa Đào
- Tác dụng của cây ké hoa đào trong chữa lỵ, viêm ruột: 30-40 g rễ hoặc toàn thân của cây Ké Hoa Đào + 20g lá ba chẽ đem tất cả đi thái nhỏ, sao vàng và sắc rồi uống, chia thành 2 lần trong ngày. Có thể dùng riêng 40-50 g toàn thân Ké Hoa Đào chặt nhỏ và sao vàng rồi sắc uống.
- Chữa trẻ em tiêu hóa kém: rễ Ké Hoa Đào tươi đem rửa sạch và giã lấy nước ép rồi cho trẻ uống 4 thìa/lần, ngày uống 2 lần và uống trong 4 ngày.
- Chữa rong huyết, rong kinh: 20g rễ Ké Hoa Đào tươi đem rửa sạch + 20g chỉ thiên + 20g mẩn tưới + 20g mã đề rồi sắc lên và uống.
- Chữa bạch đới, khí hư: rễ Ké Hoa Đào + chua ngút + lá bòng bong to mỗi vị thuốc dùng 20g rồi đem sắc và uống.
- Chữa thủy đậu: Ké Hoa Đào phối hợp với hoa ké hoa vàng, lấy mỗi vị thuốc 5-10g ăn cùng với cùi dừa.
- Chữa vết thương bầm dập, gãy, rắn cắn, viêm vú: dùng cành lá Ké Hoa Đào đem giã và đắp vào vùng da bị thương hoặc có thể uống dưới dạng thuốc sắc liều 15-30g/ngày.
Tài liệu tham khảo
- Đỗ Tất Lợi (2006), Ké Hoa Đào . Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, NXB Y học, Hà Nội, trang 99. Truy cập ngày 14/12/2023.
- Đỗ Huy Bích (2006), Ké Hoa Đào, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, NXB Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội, tập 1, trang 1047. Truy cập ngày 14/12/2023.
- Tuyển tập 3033 Cây thuốc đông y, Ké Hoa Đào , trang 540. Truy cập ngày 14/12/2023.