Hành Đen (Ô Phỉ/Ráng Hành Đen)

Cây Hành Đen là gì?
Danh pháp
Tên khoa học của cây Hành Đen là Sphaenomeris chinensis, cây này thuộc họ Quạt xòe – Lindsaeaceae.
Các tên đồng nghĩa: Stenoloma chusanum, Odontosoria chinensis.
Tên gọi khác
Ráng Hành Đen, Ô Phỉ.
Đặc điểm thực vật
Hành Đen là một loài cây sống lâu năm, phần thân cây ở dạng thân rễ mọc bò, tồn tại nhiều vảy hẹp ở trên thân, màu nâu nhạt và quăn.
Lá loại lá kéo lông chim ba lần, lá mọc thẳng bắt đầu từ thân rễ lên, cuống lá khá dài, từ 10 tới 50cm và có màu nâu. Phần lá chét bậc một có cuống và tạo ra một góc từ 45 tới 55 độ đối với trục lá, đầu lá chét thuôn dẹp, có hình như tam giác – ngọn giáo. Còn lá chét bậc hai thì mọc so le, cuống lá chét bậc hai ngắn, những đoạn cuối ở dạng hình nêm, nhẵn và đầu cụt.
Ở đầu các gần của phần thùy lá có các ổ túi bào tử, mỗi thùy sẽ đính từ 1 cho tới 2 ổ. Bào tử có có màu nâu, dạng mũ.
Mùa sinh sản của cây Hành Đen rơi vào khoảng tháng 5 tới tháng 10.
Phân bố – Sinh thái
Hành Đen được xem là một loài dương xỉ nhỏ, dáng lá của cay khá dẹp. Cây phân bố chủ yếu ở những khu vực cận nhiệt đới hay vùng núi nhiệt đới thuộc châu Á. Trong đó có các nước như Lào, Việt Nam, Trung Quốc cùng với nhiều nước khác trong vùng Đông Nam Á.
Tại Việt Nam, Hành Đen xuất hiện và phân bố phổ biến ở những tỉnh miến núi của phía Bắc, độ cao phân bố có thể lên đến 2000m ở Tuyên Quang, Yên Bái, Thanh Hóa, Lào Cai, Sơn La, Thái Nguyên, Nghệ An,… Ít gặp cây Hành Đen hơn ở những tỉnh miền núi nằm ở phía nam.
Đặc tính của cây Hành Đen là ưa sáng và ưa ẩm, có thể hơi chịu bóng và thường mọc lên ở trên các vách núi, chân đồi, ven rừng hay là bờ nương rẫy. Cây có khả năng sinh trưởng mạnh mẽ hơn vào mùa mưa ẩm, đặc biệt là khoảng tháng 5 tới tháng 8. Thân rễ của cây sẽ đẻ ra nhiều nhánh nên thường mọc làm thành khóm, khả năng sinh sản của cây tới từ các túi bào tử. Cũng có thể lấy những cây nhỏ mọc ngoài tự nhiên để trồng.
Bộ phận dùng
Có thể sử dụng toàn cây Hành Đen.
Tính vị – Công năng
Tính vị: Hành Đen có tính mát và vị đắng.
Công năng: Cây có những công năng chính như giải độc, thanh nhiệt và lợi thấp.
Thành phần hóa học
Hành Đen là dược liệu chứa số lượng lớn các flavonoid, đã có khoảng 12 loại flavonoid đã được tách chiết ra từ loài cây này. Bên cạnh đó còn có khoảng 5 loại ancaloid, 1 phenypropanoid và 1 loại sesquiterpenoid.
Một số hợp chất Phenolic được đã được xác định gồm có Acid Vanillic, Acid Gentisic, Acid Syringic cùng với 2 hợp chất mới tìm được gần đây là Acid Gentisic 2-O-β-D-(6-O-gentisoylglucopyranosyl) và Acid Vanillic 4-O-β-D-(6-O-gentisoylglucopyranosyl).
Tác dụng dược lý
Giải độc
Theo một nghiên cứu của J G Yang và các cộng sự cho thấy chiết xuất của Hành Đen có lợi đối với chuột bị ngộ độc Amoni Clorrua và Asen. Kết quả nhận thấy cả chiết xuất C và B của cây giúp giảm tỷ lệ tử vong cho chuột. Riêng chiết xuất C có thể tăng cường khả năng chịu đựng cho chuột khi làm tăng giá trị LD50.
Chống oxy hóa và kháng khuẩn
Chiết xuất Etyl Acetat và Methanol của cây Hành Đen đã cho thấy hoạt tính chống oxy hóa khá đáng kể.
Đối với tính kháng khuẩn, chiết xuất Hành Đen có hoạt tính kháng khuẩn trên các chủng như Staphylococcus aureus, Escherichia coli và Pseudomonas aeruginosa.
Chống nấm
Hoạt động của các hoạt chất Phenolic trong Hành Đen cho thấy chúng có khả năng chống lại một số loài nấm gây bệnh như Aspergillus niger, Candida albicans, Microsporum canis, Cryptococcus neoformans, Trichophyton mentagrophytes và Trichophyton rubrum.
Ức chế tyrosinase
Trong đánh giá về chiết xuất của Hành Đen cho thấy khả năng ức chế hoạt động của tyrosinase đáng kể, hiệu lực mạnh hơn khi so sánh với Arbutin. Tuy nhiên các hợp chất chịu trách nhiệm về tác động này vẫn chưa được biết rõ.
Cách dùng
Có thể dùng Hành Đen để chữa trị những tình trạng như lỵ, cảm cúm, viêm họng, quai bị, sốt và ho. Sử dụng khoảng 40 tới 80g Hành Đen sắc lấy nước uống.
Hoặc có thể lấy toàn cây nhằm nấu nước rửa, tắm để chữa trị mụn lở, bỏng.
Tài liệu tham khảo
1. Đỗ Huy Bích và cộng sự (2006), Hành Đen trang 901, Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam. Truy cập ngày 11/04/2025.
2. Siqi Wu và cộng sự (2017), Seasonal dynamics of the phytochemical constituents and bioactivities of extracts from Stenoloma chusanum (L.) Ching, Pubmed. Truy cập ngày 11/04/2025.
3. Marimuthu alias Antonysamy Johnson và cộng sự (2020), Synthesis of Silver Nanoparticles Using Odontosoria chinensis (L.) J. Sm. and Evaluation of their Biological Potentials, Pubmed. Truy cập ngày 11/04/2025.
4. J G Yang và cộng sự (1989), [Antidotal effect of Stenoloma chusanum(L.) Ching against arsenic and ammonium], Pubmed. Truy cập ngày 11/04/2025.
Xuất xứ: Việt Nam