Găng Trâu (Găng Tu Hú)
Tên khoa học
Randia dumetorum thuộc họ Cà phê (Rubiaceae)
Tên khác
Găng Trâu có tên khác là Găng Tía, Tu Hú Đồng, Găng Tu Hú, Cây Trơi Cho.
Nguồn gốc
- Cây Găng Trâu được phân bố ở vùng nhiệt đới Đông Nam Á và châu Đại Dương. Ở Việt Nam hiện nay Găng Trâu là loài có phạm vi phân bố rộng bao gồm nhiều tỉnh trung du và vùng núi. Độ cao phân bố của Găng Trâu là 500m và cây có ở vùng Thái Lan, Ấn Độ, Malaysia, Lào.
- Găng Trâu thuộc loại cây bụi ưa ánh sáng và cây có thể chịu được khí hậu khô hạn và thường được mọc rải rác trong các bụi cây, quần hệ thứ sinh cũng như bờ nương rãnh, ven rừng. Găng Trâu ra hoa và quả nhiều năm. Găng Trâu có khả năng tái sinh từ hạt và sau khi bị chặt thì bộ phận còn lại của cây vẫn có khả năng tái sinh lên cây chồi. Đôi khi Găng Trâu được trồng làm bờ rào nương rẫy.
Đặc điểm thực vật
- Găng Trâu là cây bụi leo cao có chiều dài khoảng 10 m và phân nhiều cành. Cành Găng Trâu có màu nâu vàng nhạt, cành non ở kẽ lá thường biến thành cái gai thẳng.
- Lá Găng Trâu mọc đối có hình bầu dục hay hình trái xoan, gốc thuôn hay hình nêm, đầu nhọn, có chiều rộng 1,5-6 cm và chiều dài 2-7 cm, phiến nguyên đôi khi lá được chia thành 3-5 thùy nông, mặt dưới của lá có lông dài ở gân, mặt trên của lá nhẵn.
- Cụm hoa Găng Trâu mọc ở đầu cành thành các chùm có chiều dài 3-10 cm, lá bắc sớm rụng, cuống có lông hung, hoa có màu vàng, đài phủ lông rậm, có tuyến dẹt và đài nhỏ 4 răng, tràng hình phễu ống tràng hẹp, 4 cánh hợp thành đài môi, nhị 4 thò ra ngoài hay thụt vào trong đính ở giữa ống tràng, bầu nhẵn.
- Quả Găng Trâu là quả hạch, khi chín màu vàng, hình trứng, nhẵn.
- Mùa ra hoa là tháng 4-7 hàng năm.
Bộ phận dùng
Găng Trâu dùng bộ phận cành, lá, rễ, quả.
Thu hái, chế biến
Thân, lá, cành của Găng Trâu được thu hái quanh năm còn quả thường chỉ thu hái vào mùa đông có thể dùng dạng tươi hay phơi khô và dùng dần.
Tính vị, quy kinh
Chưa có dữ liệu.
Thành phần hóa học
- Trong quả Găng Trâu có chứa 1 số acid hữu cơ và saponin triterpenoid.
- Trong rễ và vỏ thân có 1 ít saponin và tanin.
- Găng Trâu có chứa glycosid, có chứa mannitol, iridoid-10-methylixoside, coumarin glycoside, triterpenoid glycoside, randianin và saponin có tên là dumentoronin A, B, C, D, E, F, flavonoid, alkaloid, tannin, lignan, terpenoid và dầu dễ bay hơi.
- Hạt Găng Trâu có chứa 7,5% dầu béo, trong đó các acid béo là acid stearic, acid palmitic, acid oleic, acid ricinoleic. Phần không xà phòng hóa của Găng Trâu có chứa chất vàng da cam nhạt và sitosterol.
- Hai triterpene-saponin là 3-O-[O-beta-D-glucopyranosyl-(1-4)-O-beta-D-glucopyranosyl-(1-3)-( beta- D- glucuronopyranosyl)]axit oleanolic , 3-O-[O-beta-D-glucopyranosyl-(1—6)-O-beta-D-glucopyranosyl- (1—-3)-(beta -D-glucuronopyranosyl)]oleanolic acid và saponin đã được phân lập từ dịch chiết methanol của quả Găng Trâu.
- Triterpene, saponin, và iridoid glucoside được phân lập từ quả của Găng Trâu.
Tác dụng dược lý
- Găng Trâu có tác dụng kháng khuẩn đối với E.coli và staphylococcus aureus.
- Dịch chiết metanol của lá và vỏ cây Găng Trâu đã được đánh giá về hoạt tính chống oxy hóa in vitro cho thấy hoạt động chống oxy hóa tốt.
- Hoạt tính bảo vệ gan in vivo của dịch chiết lá và vỏ cây Găng Trâu đã được chứng minh chống lại carbon tetrachloride.
- Găng Trâu được sử dụng trong điều hòa miễn dịch, giảm đau, chống viêm, chống dị ứng và kháng khuẩn.
- Phenolic và Flavonoid có tác dụng chống oxy hóa. Quan sát thấy chiết xuất metanol từ vỏ cây Găng Trâu hứa nhiều hàm lượng phenolic và flavonoid tổng số hơn so với chiết xuất methanol từ lá Găng Trâu.
- Dịch chiết metanol từ lá và vỏ cây Găng Trâu cho thấy sự gia tăng đáng kể về AST, ALT, ALP, LDH, albumin, bilirubin toàn phần, bilirubin trực tiếp và giảm đáng kể tổng lượng protein ở chuột so với nhóm đối chứng. Những con chuột được dùng chiết xuất metanol từ lá và vỏ cây Găng Trâu ở liều 200 và 400 mg/kg trong 14 ngày trước khi nhiễm độc CCl4 cho thấy khả năng chống lại tình trạng nhiễm độc đáng kể.
- Dịch chiết thu được từ vỏ quả Găng Trâu cho thấy hoạt động kháng khuẩn chống lại nhiều loài Proteus, Staphylococcus, Clostridium, Salmonella, Vibrio, Bacillus, Escherichia, và Pseudomonas.
- Chiết xuất nước của hạt Găng Trâu đã được thử nghiệm chống lại vi khuẩn gây bệnh ở người như Staphylococcus aureus, Bacillus subtilis , Escherichia coli, viêm phổi do Klebsiella, và Proteus mirabilis.
- Chiết xuất methanol từ quả Găng Trâu có khả năng bảo vệ gan ở liều 200 mg/kg đã được nghiên cứu trên chuột Wistar đực bạch tạng bị tổn thương gan do rượu.
- Chiết xuất methanol của toàn cây Găng Trâu có khả năng hạ đường huyết đã được chứng minh ở chuột đực Wistar mắc bệnh tiểu đường do streptozotocin gây ra. Nhóm chuột được điều trị bằng Găng Trâu cho thấy mức glucose giảm.
- Dịch chiết ethanol từ quả Găng Trâu có khả năng chống co giật.
- Nghiên cứu độc tính cấp tính cho thấy các chất chiết xuất từ nước và cồn của Găng Trâu ở liều 2000 mg/kg trên mô hình chuột bạch tạng được phát hiện là không gây chết.
- Hoạt tính diệt giun sán của dịch chiết từ quả Găng Trâu đã được nghiên cứu trên giun về khả năng làm tê liệt và tiêu diệt giun cho thấy kết quả tương đương với albendazole (10 mg/mL).
Công năng chủ trị
- Găng Trâu có tác dụng gì? Găng Trâu có công dụng chữa ỉa chảy, đi lỵ, đau bụng, gây nôn. Chất nhầy của Găng Trâu có tác dụng làm mát, dễ chịu, chữa cảm, giải nhiệt, giải khát, chữa chứng yếu mệt cho phụ nữ sau sinh.
- Quả Găng Trâu giúp kích thích tiêu hóa, ăn tốt, tăng cường sức khỏe, ngủ ngon. Quả hoặc vỏ của cây này được dùng làm thuốc sẩy thai và thuốc gây buồn nôn cũng như để điều trị bệnh hen suyễn.
- Ở Ấn Độ, rễ Găng Trâu được dùng chữa viêm bàng quang, chữa lậu, thấp khớp.
- Ở Campuchia, nước sắc rễ Găng Trâu và vỏ cây Găng Trâu có tác dụng chữa đái dầm, nước sắc toàn cây Găng Trâu giúp chữa ghẻ cóc. Găng Trâu được sử dụng ở Đông Bắc Ấn Độ để điều trị bệnh gan.
Một số bài thuốc có chứa Găng Trâu
- Găng Trâu chữa rắn cắn, rết cắn: Lá non Găng Trâu 30 g đem rửa sạch rồi vò nhẹ sau đó cho 1 ít nước đun sôi để nguội vào và ngâm trong 1-2 giờ rồi gạn lấy dịch uống, phần bã thì đem đắp lên vết thương.
- Găng Trâu chữa chứng mệt mết cho phụ nữ sau sinh: 20-30g lá khô Găng Trâu sắc với 400ml nước đến khi cạn còn 100ml rồi đem uống 2 lần/ngày.
- Găng Trâu kích thích tiêu hóa, ngủ tốt, ăn ngon, tăng cường sức khỏe: 5-10 quả Găng Trâu chín đem bổ đôi và bỏ hạt sau đó sấy hay phơi khô và thải nhỏ, sau khi phơi đã khô thì sao với đỗ đen (10g) rồi ngâm hỗn hợp trong 200 ml rượu trắng càng lâu càng tốt. Sau đó uống 3 lần/ngày mỗi lần uống 1 thìa canh vào lúc trước khi ăn và trước khi ngủ.
- Găng Trâu chữa mụn nhọt, lở loét: quả Găng Trâu bôi đôi, bỏ hạt đi và cho vôi vào sau đó lấy đất sét bọc bên ngoài rồi đem đốt tồn tính. Bỏ phần đất sét bên ngoài và tán quả thành bột sau đó rắc bột vào chỗ bị loét.
Tài liệu tham khảo
- Đỗ Tất Lợi (2006), Găng Trâu . Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, NXB Y học, Hà Nội, trang 133. Truy cập ngày 20/12/2023.
- Đỗ Huy Bích (2006), Găng Tía, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, NXB Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội, tập 1, trang 855. Truy cập ngày 20/12/2023.
- Tuyển tập 3033 Cây thuốc đông y, Găng Tu Hú , trang 442. Truy cập ngày 20/12/2023.