Dây Đòn Gánh (Dây Gân/Đòn Kẻ Trộm)
Tên khoa học
Gouania leptostachya DC. thuộc họ Táo ta Rhamnaceae.
Tên khác
Dây Đòn Gánh có tên khác là Dây Đòn Kẻ Trộm, Cây Dây Gân, Dây Con Kiến, Dây Xà Phòng, dây Râu Rồng, Đơn Tai Mèo.
Nguồn gốc
- Chi Gouania Jacq. gồm hơn 50 loài cây leo thân gỗ, được mô tả chính thức lần đầu tiên bởi Endlicher (1840) và được Richardson. Cây Dây Đòn Gánh được phân bố chủ yếu ở những vùng nhiệt đới của châu Á. Ở Việt Nam có 2 loài. Dây Đòn Gánh mọc hoang ở khắp các tỉnh miền Bắc nước ta, cây Dây Đòn Gánh thường được tìm thấy ở những nơi nhiều nắng.
- Dây Đòn Gánh là loại cây dây leo ưa sáng và thường mọc thành các quần thể trong rừng thứ sinh, đồi cây bụi hay các vùng núi đá vôi, các tỉnh trung du, miền núi thấp. Dây Đòn Gánh ra hoa hàng năm. Sau khi bị chặt thì phần gốc và thần đều có khả năng tái sinh. Hiện nay vẫn chưa ghi nhận hay quan sát thấy khả năng tái sinh Dây Đòn Gánh từ hạt.
Đặc điểm thực vật
- Dây Đòn Gánh là cây bụi, dài hàng mét. Thân cây có màu nâu sau đó xám nhạt, cành nhẵn.
- Lá Dây Đòn Gánh là lá đơn, xen kẽ, có cuống. Các gân lá phần phụ của lá thường có dọc theo cuống lá, đặc biệt là ở gần chỗ nối với phiến lá. Các gân cũng thường xuất hiện dọc theo mép lá. Lá có chiều dài 4-10 cm và rông 2-6 cm gốc hình tròn hoặc tim đầu thuôn nhọn, mép lá có răng, lá non ở ngọn cành bị biến thành các tua có 2 mặt nhẵn, nhạt. Cuống lá dài 1-2 cm. Lá Dây Đòn Gánh có 4 – 5 cặp gân thứ cấp. Các lá phụ sẽ sớm biến mất do quá trình nở hoa.
- Cụm hoa mọc thành các chùy ở kẽ lá hay đầu canh, dài 10-20 cm và là hoa đơn tính có màu trắng lục, lá bắc hình tam giác nhọn. Hoa đực có 5 lá đài và có lông ở mặt ngoài, 5 cánh hoa có móng hẹp, nhị 5, bao phấn nhỏ, hoa cái có bầu hạ 3 ô. Đĩa rất nhỏ, bao quanh đầu vòi, 3 thùy.
- Quả Dây Đòn Gánh là quả khô có 3 cánh dày, dai đầu có khuyết, thân quả nhẵn, màu nâu vàng sáng. Các cuống vẫn tồn tại sau khi quả phát tán và có vết sẹo ở nơi cuống cắm vào. Thân quả có ít lông và khô có màu sẫm hơn. Khi quả phát triển, các cánh của quả mở rộng theo cả chiều ngang và chiều dọc. Khi còn non, quả có hình trứng và không có cánh
- Mùa ra hoa tháng 7-8 và ra quả tháng 9-12.
- Sau đây là hình ảnh Dây Đòn Gánh
Bộ phận dùng
Bộ phận dùng của Dây Đòn Gánh là toàn bộ phần trên mặt đất của Dây Đòn Gánh.
Thu hái, chế biến
Dây Đòn Gánh được thu hái quanh năm có thể dùng tươi hay sây hoặc phơi khô và dùng.
Tính vị, quy kinh
Dây Đòn Gánh có vị chua, se, tính mát. Lá của Dây Đòn Gánh đem vò thấy nổi bọt như xà phòng.
Thành phần hóa học
- Phenolics, saponin, steroid và các dẫn xuất benzopyran là thành phần chính của Dây Đòn Gánh
- Trong lá Dây Đòn Gánh có chứa saponin và alcaloid.
- Trong dịch chiết ethanol Dây Đòn Gánh đã phân lập được axit epigouanic A, lupeol, axit alphitolic, axit ceanothenic, daucosterol, n-butyl-β-D-fructopyranoside, , quercitrin, catechin , isoquercitrin và kaempferol-3- O.
- Vỏ thân có chứa saponin.
Tác dụng của Dây Đòn Gánh
- Trong 1 nghiên cứu sàng lọc hàng loạt ở Ấn Độ cho thấy cao khô chiết cồn của toàn cây Dây Đòn Gánh đã được bỏ rễ có tác dụng trên biên độ hô hấp, tần số hô hấp, tăng co bóp hồi trang, hạ huyết áp ở chuột lang cô lập.
- Một tài liệu đã xác định sơ bộ thấy LD50 của cao khô Dây Đòn Gánh dùng theo đường tiêm trong màng bụng là 500 mg/kg nhưng có tài liệu khác cho thấy LD50 này có thể lên tới 1000 mg/kg ở chuột nhắt trắng và không quan sát thấy chuột chết.
- Chiết xuất methanol từ lá và cành cây Dây Đòn Gánh có tác dụng chống viêm thông qua việc ức chế con đường kích hoạt Src và NF-κB.
- Dây Đòn Gánh thể hiện sự ức chế đáng kể oxit nitric (NO) trong ống nghiệm.
- Dịch chiết methanol của Dây Đòn Gánh cho thấy nhiều tác dụng dược lý khác nhau, có chứa chất chống viêm, , kháng khuẩn và đặc tính chống oxy hóa.
- Dịch chiết ethanol của Dây Đòn Gánh cho thấy tác dụng gây độc tế bào (1, 5 và 25 μg), ức chế sự kích hoạt tế bào RAW 264.7.
- Saponin trong Dây Đòn Gánh có đặc tính hoạt tính sinh học đa dạng, bao gồm cả kháng khuẩn, hoạt động chống viêm, chống oxy hóa, chất chống ung thư, kháng nấm.
Công năng chủ trị
- Dây Đòn Gánh được dùng trong y học cổ truyền với tác dụng lương huyết, thanh nhiệt, giải độc, tiêu viêm, thư cân hoạt lạc.
- Dây Đòn Gánh giúp thông mạch, tiêu sưng, làm tan máu ứ, chữa sưng tấy, giảm đau, đau nhức đòn gánh, đau người, chỗ bị thương do ngã, đau ngang lưng, vác nặng gây đau sụn xương sống cơ lưng.
- Dùng Dây Đòn Gánh theo đường ngoài da giúp giảm mụn nhọt, sưng tấy, đắp vào vết bỏng, giảm đinh độc, lở ngứa, vết thương.
- Lá Dây Đòn Gánh giã và đắp vào trán hay gang bàn tay giúp giảm sản giật, giảm sốt, rắn cắn, cảm gió.
- Ở Indonesia, vỏ cây Dây Đòn Gánh nấu với nước có tác dụng gội đầu và diệt sâu bọ trong đó rễ, thân và lá được nghiền nát được dùng để điều trị một số bệnh về da
Một số bài thuốc có chứa Dây Đòn Gánh
- Chữa sưng tấy, tụ máu, đau do chấn thương, do đau nhức: 10 g Dây Đòn Gánh + 10 g lá náng hoa trắng + 8 g lá bạc thau, tất cả các vị thuốc đem dùng tươi, giã nát rồi thêm 1 ít rượu trắng và đắp rồi bó vào vết thương cứ 1 lần mỗi ngày.
- Dây Đòn Gánh chữa bỏng đặc biệt là bỏng vôi:
- Bài thuốc 1: lá Dây Đòn Gánh tươi đem rửa sạch rồi giã nát, quả bồ kết đem phơi khô rồi tán thành bột mụn. Trộn 2 vị thuốc trên với nhau và bôi vài lần trong ngày.
- Bài thuốc 2: Thân và lá Dây Đòn Gánh sau khi đem rửa sạch thì giã nát và cho thêm 1 ít nước sôi để nguội vào ngâm, sau đó lấy dịch bôi vào vết bỏng.
- Dây Đòn Gánh chữa sốt cao gây co giật ở trẻ nhỏ: 10 g Dây Đòn Gánh + 10 g vỏ núc nác hay quả khế + 8 g ngải cứu + 8 g cỏ nhọ nồi + 8 g rễ táo rừng, tất cả các vị thuốc trên đem phơi khô và sao vàng sau đó sắc với 400ml đến khi cạn còn 100mk thì chia thành 2 lần uống trong ngày.
- Dây Đòn Gánh chữa rắn cắn: lá Dây Đòn Gánh tươi đem giã nát và thêm 1 ít nước sau đó hạn uống còn bã thì đem đắp lên vết rắn cắn.
- Diệt chấy: rễ Dây Đòn Gánh tươi đem nấu với nước sau đó dùng để gội đầu.
- Giúp thông mạch,chỗ bị thương do ngã, đau ngang lưng, tiêu sưng, giảm đau, đau nhức đòn gánh, làm tan máu ứ, chữa sưng tấy, đau người, vác nặng gây đau sụn xương sống cơ lưng: dùng 8-16 g Dây Đòn Gánh tươi đem sắc uống hàng ngày hoặc ngâm rượu trắng rồi uống.
Tài liệu tham khảo
- Đỗ Tất Lợi (2006), Dây Đòn Gánh . Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, NXB Y học, Hà Nội, trang 126. Truy cập ngày 19/12/2023.
- Đỗ Huy Bích (2006), Dây Gân, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, NXB Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội, tập 1, trang 639. Truy cập ngày 19/12/2023.
- Tuyển tập 3033 Cây thuốc đông y, Dây Đòn Gánh , trang 309. Truy cập ngày 19/12/2023.