Dầu Giun (Rau Muối Dại/Thổ Kinh Giới)
Tên khoa học
Chenopodium ambrosioides L. thuộc họ Rau Muối Chenopodiaceae.
Tên khác
Dầu Giun có tên khác là Cây Rau Muối Dại, Cây Cỏ Hôi, Thổ Kinh Giới.
Nguồn gốc
- Cây Dầu Giun có khoảng 250 loài được phân bố rộng rãi khắp các vùng từ ôn đới ấm đến vùng cận nhiệt đới và nhiệt đới Bắc bán cầu. Ở Châu Á có 9 loài trong đó Việt Nam có 4 loài. Dầu Giun là loài phân bố phổ biến ở những vùng cận nhiệt đới hay nhiệt đới của Châu Á bao gồm các nước Mianmar, Trung Quốc, Ấn Độ, Lào, Việt Nam, Malaysia, Thái Lan. Dầu Giun cũng được tìm thấy ở những vùng địa trung hải thuộc châu Âu. Tại Việt Nam Dầu Giun được phân bố rải rác ở khắp các vùng tỉnh đồng bằng, miền núi thấp và trung du tuy nhiên ở các tỉnh phía Bắc từ Nghệ An trở ra thì cây mọc nhiều hơn.
- Dầu Giun là loại cây ưa sáng và ẩm thường mọc nhiều ở các bãi sông như sông Thương, sông Lô, sông Hồng, sông Mã, Lam, Chu,… dọc theo các bờ kênh, ruộng cao trồng hoa màu và cả ở những bãi đất hoang quanh bản làng. Dầu Giun mọc lên từ hạt và xuất hiện vào tháng 3,4, sinh trưởng nhanh trong mùa hè, ra hoa quả vào mùa thu, đến mùa đông thì cây Dầu Giun sẽ tàn lụi. Những cây Dầu Giun mọc quá muộn không kịp ra hoa thì hoa và quả thường tồn tại qua mùa đông. Hạt Dầu Giun có thể phát tán nhờ dòng nước.
- Nguồn Dầu Giun ở Việt Nam rất phong phú do khả năng mọc nhanh.
Đặc điểm thực vật
- Dầu Giun là loại cây thảo sống hàng năm đôi khi cây có khả năng sống lâu năm. Thân Dầu Giun thẳng đứng, có khía dọc và phân nhiều nhanh có chiều cao từ 50-70 cm hoặc có thể cao hơn.
- Lá Dầu Giun có cuống ngắn, mọc so le gốc thuôn, đầu nhọn và rộng 1-2 cm, dài 5,5-7,5 cm, khía thùy không đều, đầu thùy nhọn, hai mặt của lá có màu lục nhạt, lá phía ngọn gần như nguyên, có phiến hẹp.
- Cụm hoa Dầu Giun là những chùy dày hợp thành bông kép mang lá ở phía ngọn thân, hoa có màu vàng nhạt, nhỏ, bao hoa cò thùy hình trái xoan tù ở đầu, nhị 5, đôi khi tiêu giảm còn 2 hoặc 3 cái bao phấn hình trái xoan.
- Quả Dầu Giun hình cầu, quả bế, màu phớt trắng hay lục nhạt hạt nhỏ, hình mắt chim có màu đen bóng.
- Toàn cây Dầu Giun có lông mịn và mùi hăng điển hình. Mùa ra hoa quả: tháng 5-7 hàng năm.
Bộ phận dùng
Cành mang lá, hoa quả là những bộ phận được sử dụng của Dầu Giun, từ những bộ phận này người ta tinh chế ra Tinh dầu giun.
Thu hái, chế biến
- Cánh mang lá, hoa quả và lá Dầu Giun được thu hái vào tháng 5-6 hàng năm. Vào thời gian này hàm lượng ascaridol và hàm lượng tinh dầu đều cao. Cây non cho ít tinh dầu và hàm lượng ascaridol lại thấp. Cây Dầu Giun già có hàm lượng ascaridol cao hơn so với cây bánh tẻ nhưng hàm lượng tinh dầu lại thấp đồng thời khi đó hạt và hoa cũng rụng đi nhiều. Đối với những cây già chỉ thu hái được 1 lần. Dầu Giun được thu hái vào ngày khô sẽ cho nhiều tinh dầu và tránh thu hái vào mùa mưa gió. Với mỗi cây Dầu Giun có thể thu hái 2-3 lần. Lần đầu người ta dùng liềm hoặc háo sắc để cắt thu lấy ⅔ cây. Với kiểu thu hái này sẽ giúp cây chồi mọc thêm cành và lá cũng như ra hoa. Sau 1 tháng tiếp tục thu hoạch lần 2 sau đó có thể cắt lần 3. Nếu cần thu hoạch để tránh nước lũ tràn ngập thì nên cắt cả cây nhưng không cắt sát gốc.
- Người ta thường cất tinh dầu từ cây Dầu Giun phơi khô, với nguyên liệu khô có thể cắt dần trong nhiều ngày. Theo các tài liệu nước ngoài người ta vẫn dùng nguyên liệu Dầu Giun tươi để cất tinh dầu.
- Tránh xếp nguyên liệu thành từng đống vì Dầu Giun có thể bị mốc khi đó tinh dầu thu được sẽ cho chất lượng kém. Nguyên liệu phơi ở nơi râm mát thường sẽ cho nhiều tinh dầu hơn nhưng với điều kiện lượng nguyên liệu ít. Trong trường hợp nguồn nguyên liệu nhiều thì người ta sẽ đem phơi Dầu Giun ra ngoài nắng nhưng như vậy sẽ thu được ít tinh dầu hơn nhưng hàm lượng ascaridol trong tinh dầu vần cao và đạt tiêu chuẩn quy định. Cần đảm bảo giữ nhiệt độ trong suốt quá trình chưng cất tinh dầu. Tinh dầu này dễ bị phá hủy trong thời gian dài và khi chưng cất nóng do đó nên chưng cất nhanh và từng mẻ, mỗi mẻ thường chưng cất trong 25-30 phút kể từ lúc nước sôi. Không nhất thiết phải cất đến khi lấy kiệt tinh dầu. Trong những phút đầu tiên cất Dầu Giun hàm lượng ascaridol cao nhất sau đó giảm dần. Hiệu suất tinh dầu thu được cao nhất ở hạt là 0,65-1% và 0,3-0,4 % so với nguyên liệu tươi; 0,35% lá rồ đến cành.
Tính vị, quy kinh
Dầu Giun có vị đắng, cay, tính ôn có độc.
Thành phần hóa học
- Tinh dầu giun là chất lỏng màu vàng đến vàng cam, trong, có mùi đặc biệt khó chịu, nóng chảy,vị đắng. Tan ít trong cồn 70% nhưng tan tối đa trong hỗn hợp tỉ lệ 1/20 cồn 90%/80%, tỷ trọng 0,92-0,98 có chỉ số khúc xạ 1,472-1,478 và góc quay cực 0 đến +1 độ.
- Trong tinh dầu giun có chứa 60-80% hoạt chất ascaridol và 20% p-cymen, d camphor, L limonen. Có tài liệu cho rằng p cymen cũng có tác dụng trị giun. Hàm lượng thành phần ascaridol phái đạt tối thiểu 60-65% nếu thấp hơn có thể xử lí và tinh chế lại để đạt đúng tiêu chuẩn quy định trên.
- Thành phần của tinh dầu giun có thể thay đổi tủy chủng loại và các điều kiện nuôi trồng khác nhau. Tinh dầu cây Dầu Giun mọc ở Mehico có thành phần chủ yếu là transpinocarveol, limonen.
- Quả Dầu Giun có chứa kaenpferol 3 rhamnosid- 4’-xylosid, kaenpferol , kaenpferol -3-rhamnosid-7-hydrosid, isorhamnetin, quercetin.
- Lá chứa kaenpferol – 7- rhamnosid.
- Lá và hạt kaenpferol có chứa acid citric, acid oxalic, muối vô cơ và chenopodiosid B trong đó là các acid echinosiste, đường là acid glucuronic, rhamnose , arabinose và xylose.
Tác dụng dược lý
- Tinh dầu giun là thuốc tẩy giun đã được sử dụng trên nhiều quốc gia nhưng hiện nay có nhiều thuốc tẩy giun thay thế khác vì vừa hiệu quả lại vừa an toàn hơn. Tác dụng này của Tinh dầu giun là do hoạt chất ascaridol trong thành phần, hàm lượng ascaridol trong Tinh dầu giun > 60%. Về tác dụng diệt giun thì ascaridol có tác dụng mạnh gấp 2 lần so với Tinh dầu giun. Đối với giun đũa thì Tinh dầu giun ở giai đoạn đầu sẽ làm kích thích sau đó làm tê liệt hoàn toàn giun. 1 dung dịch nuôi giun có nồng độ 1/5000 cũng có khả năng làm giun bị tê liệt. Trên thí nghiệm với tim ếch cô lập cho thấy với nồng độ Tinh dầu giun 1/10000 gây tổn thương nhẹ và có khả năng phục hồi được.. Trên các tiêu bản chuột cô lập tử cung và ruột thì Tinh dầu giun khởi đầu bằng tác dụng kích thích co bóp sau đó gây tê liệt.
- Về mặt độc tính Tinh dầu giun có độc tính rõ rệt với động vật máu nóng với liều gây chết bằng đường tiêm dưới da và đường uống lần lượt là 0,2-0,3 g/kg và 0,5g/kg. Độ độc của Tinh dầu giun có liên quan mật thiết đến hàm lượng ascaridol. Tinh dầu giun có độc độc cao vì vậy nếu dùng quá liều thường gây ngộ độc với các triệu chứng rối loạn thị giác, ù tai, da đỏ, bồn chồn, trầm trọng nhất là xuất hiện tình trạng co giật, hôn mê, liệt hô hấp dẫn đến tử vong. Đôi khi có trường hợp khỏi nhưng lại để lại tổn thương về thính giác thậm chí là điếc vĩnh viễn. Điều trị ngộ độc Tinh dầu giun hay ascaridol thì có thể dùng các biện pháp hỗ trợ như dùng thuốc tăng lực hồi sức, cho thở oxygen và tìm cách đưa lượng thuốc còn lưu trong dạ dày ruột ra bằng thuốc tẩy muối và điều trị bảo vệ gan bằng methionin, glucose hay insulin.
- Ở ruột, Tinh dầu giun được hấp thu dễ dàng và sau đó sẽ làm ruột bị tê liệt nhu động ruột và gây táo bón.
Công năng chủ trị
- Cây Dầu Giun có tác dụng gì? Dầu Giun có tác dụng chỉ dưỡng, sát trùng, khử phong, trừ thấp.
- Tinh dầu giun có tác dụng điều trị giun đũa, giun móc nhưng không có tác dụng trên giun sán và giun kim.
- Ở Trung Quốc việc dùng Dầu Giun còn để rửa vết thương bị eczema hay viêm kẽ chân.
Liều dùng
Không dùng quá liều Dầu Giun vì Dầu Giun có độc tính, liều cho người lớn là 1g Dầu Giun tương đương 50 giọt tinh dầu giun cần uống cách nhau 30 phút đến 1 tiếng và ngày chia thành 2-3 lần uống. Sau 1-2 giờ khi uống liều Dầu Giun cuối cùng thì uống 1 liều thuốc tẩy magie sulfat hay uống cả liều 50 giọt tinh dầu giun trong 1 lần uống bằng cách hòa tan trong 30ml thầu dầu. Đối với trẻ em, không được dùng Tinh dầu giun cho trẻ < 5 tuổi, trẻ > 5 tuổi thì dùng 10-20 giọt tùy vào từng độ tuổi.
Kiêng kỵ
- Không dùng Tinh dầu giun cho bệnh nhân gầy yếu suy nhược, thiếu dinh dưỡng, có tổn thương thận, gan, dạ dày, phụ nữ có thai hay cho con bú.
- Không uống rượu bia trong thời gian dùng Tinh dầu giun và nên có chế độ ăn giàu carbon hydrat trước và sau khi dùng Tinh dầu giun.
- Sau khi uống Tinh dầu giun 4-5 giờ thì cần dùng thay 1 liều thuốc tẩy lớn nếu không đi ngoài.
- Không dùng tiếp Tinh dầu giun lần thứ 2 trong 3-4 tuần.
Bảo quản
Tinh dầu giun sau khi thu được cần được bảo quản trong lọ thủy tinh màu vàng có nút kín để chỗ tránh ánh sáng và mát.
Một số bài thuốc có chứa Dầu Giun
- Dầu Giun điều trị đau dạ dày và nuối hơi ở trẻ đang cho con bú: dùng lá Dầu Giun tươi đem ép lấy dịch rồi đun cách thủy trong vài phút và cho uống với đường + 1 ít sữa dùng với liều 5-10 giọt/ngày, ngày uống 2-3 lần.
- Dầu Giun trị bệnh đau thần kinh: lá Dầu Giun dùng hãm uống hàng ngày.
Tài liệu tham khảo
- Đỗ Tất Lợi (2006), Cây Dầu Giun . Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, NXB Y học, Hà Nội, trang 153. Truy cập ngày 26/12/2023.
- Đỗ Huy Bích (2006), Dầu Giun, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, NXB Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội, tập 1, trang 620. Truy cập ngày 26/12/2023.
- Tuyển tập 3033 Cây thuốc đông y, Dầu Giun , trang 294. Truy cập ngày 26/12/2023.