Cúc Tần (Từ Bi/Cây Lức)

Showing all 2 results

Cúc Tần (Từ Bi/Cây Lức)

Danh pháp

Tên khoa học

Pluchea indica (Họ Cúc – Asteraceae)

Tên khác

Cây từ bi, đại ngải, hoa mai não, cây đại bi, lức ấn, băng phiến ngải

Nguồn gốc

Chi Pluchea Cass. gồm tổng cộng 35 loài, phân bố chủ yếu ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Trong số này, Châu Á có 10 loài, trong đó có 10 loài được ghi nhận tại Việt Nam.

Cây cúc tần thường mọc ở đau? Cúc Tần được phân bố rộng rãi ở nhiều nơi trên thế giới như Ấn Độ, Thái Lan, Lào, Malaysia, Nam Trung Quốc và Việt Nam. Ở Việt Nam, loài cây này có thể được tìm thấy ở hầu hết các vùng đất, trừ vùng núi cao trên 1300m. Thường được trồng để làm bờ rào trong ruộng vườn và nương rẫy, tuy nhiên, ở một số nơi, cây cúc tần đã trở nên hoang dã.

Rau cúc tần là rau gì? Cúc Tần là loài cây bụi, thường xanh, thích ánh sáng và có khả năng chịu hạn tốt. Cây này mọc nhanh trong mùa xuân và hè, đặc biệt nở hoa và cho quả nhiều ở những nơi có ánh nắng mạnh. Loài cây này cũng tái sinh vô tính mạnh mẽ thông qua hạt có túm lông và có thể phát tán xa. Thân và cành của cúc tần thường được sử dụng làm phương tiện nhân giống.

Hình ảnh cây cúc tần
Hình ảnh cây cúc tần

Đặc điểm thực vật

Cây cúc tần là một loại cây bụi, cao khoảng 1 – 2m. Cành của cây khá mảnh và lá mọc so le. Các lá có hình bầu dục, gốc thuôn và đầu hơi nhọn. Mặt trên và dưới của lá thường có màu lục xám, mép lá có khía răng. Kích thước của lá cúc tần dao động từ 4 đến 5cm chiều dài và từ 1 đến 2.5cm chiều rộng, gần như không có cuống.

Cụm hoa cúc tần mọc ở ngọn và sắp xếp thành dạng ngủ. Đầu hoa có cuống ngắn, lá bắc được sắp xếp thành 4 – 5 hàng, hình dạng bầu dục rộng, với các lá ngoài thường dài hơn. Hoa có màu tím nhạt, với hoa cái được xếp trên cùng và nhiều hoa lưỡng tính. Mào lông của hoa thường có màu trắng bần. Tràng hoa cái thường rất nhỏ, có 4 răng nhỏ, trong khi tràng hoa lưỡng tính thường phình to ở đỉnh và có 5 thuỳ nhọn. Hoa có 5 nhị, bao phấn có hình dùi, và bầu hơi có lông.

Quả cúc tần có hình dạng là hình trụ – thoi và có 10 cạnh. Toàn bộ cây thường được phủ bởi lông tơ mịn và có mùi thơm dễ chịu. Mùa hoa quả của cây thường là từ tháng 2 đến tháng 4.

Đặc điểm thực vật cúc tần
Đặc điểm thực vật cúc tần

Bộ phận dùng – Thu hái – Chế biến

Các bộ phận được sử dụng như cành, lá non và rễ. Cúc tần có thể thu hoạch quanh năm, nhưng thường được thu hái chủ yếu vào mùa hè và thu để chế biến thành thuốc. Có thể sử dụng cúc tần dưới dạng tươi hoặc khô.

Đối với cúc tần khô, quá trình thu hoạch thường bắt đầu bằng việc thu hái cây cúc tần tươi về từ vườn hoặc tự nhiên. Sau đó, cây cúc tần được rửa sạch để loại bỏ bụi bẩn và các tạp chất khác.

Tiếp theo, cúc tần được phơi khô dưới ánh nắng mặt trời hoặc trong một phòng khô ráo. Quá trình phơi khô giúp loại bỏ độ ẩm từ cây, làm cho nó trở nên cứng và dễ lưu trữ hơn.

Sau khi đã khô hoàn toàn, cúc tần có thể được sử dụng để chế biến thành các dạng thuốc khác nhau như thuốc sắc, thuốc bột hoặc thuốc uống. Quá trình này giữ lại các hoạt chất và tính chất của cây để sử dụng trong điều trị các vấn đề sức khỏe.

Bộ phận dùng cúc tần
Bộ phận dùng cúc tần

Thành phần hoá học

Cúc tần là loại cây chứa nhiều acid chlorogenic. Ngoài ra, cây cúc tần cũng rất giàu tinh dầu và chứa nhiều thành phần hóa học khác như lipit, canxi, vitamin C, xenluloza, protit, caroten và sắt (Fe).

Tác dụng dược lý

Cúc tần có tác dụng gì? Lá và rễ cây cúc tần có những tác dụng dược lý như sau:

  • Chống viêm cấp tính trên mô hình gây phù thực nghiệm chân chuột cống bằng Kaolin khá mạnh.
  • Chống viêm mạn tính trên mô hình gây u hạt thực nghiệm dưới da chuột cống trắng với amian. Tác dụng này yếu hơn nhiều so với tác dụng chống viêm cấp tính.
  • Gây thu teo tuyến ức chuột cống non.
  • Hạ nhiệt rõ rệt đối với mô hình gây sốt thực nghiệm bằng men bia.
  • Giảm đau trên mô hình gây quặn đau với acid acetic và không có tác dụng giảm đau theo cơ chế trung tâm kiểu morphin.
  • Liều gây chết 50% số động vật thí nghiệm xác định bằng phương pháp Bechrens và Karber là 70,5g/kg , chứng tỏ cúc tần có độc tính rất thấp.

Tác dụng của cúc tần đã được thử bằng phương pháp lồng cử động, quan sát ảnh hưởng trên hoạt động tự nhiên của chuột thí nghiệm, thấy cúc tần có tác dụng an thần. Toàn bộ cây cúc tần trừ rễ đã được thử nghiệm và thấy có tác dụng ức chế trên một số biểu hiện quan sát bên ngoài của động vật thí nghiệm như hoạt động vận động tự nhiên, một số phản xạ, trương lực cơ, tư thế, hô hấp. Trong thí nghiệm cần quay, cúc tần làm giảm thời gian chuột bám vào cần, chứng tỏ có tác dụng an thần.

Tính vị – Quy kinh

Cúc tần có vị ngọt, hơi đắng, mùi thơm, tính mát, có tác dụng giải cảm, tán phong nhiệt, giáng hoà, tiêu độc, làm sáng mắt, lợi tiểu, tiêu đờm, tiêu ứ.

Công năng – Chủ trị

Cây cúc tần có tác dụng chữa bệnh gì? Lá, cành non hoặc rễ cây cúc tần được dùng chữa cảm mạo, sốt không ra mồ hôi, phong thấp, tê bại, gân xương mình mẩy đau nhức, gãy xương, bong gân, sưng đau. Còn có tác dụng sự tiêu hoá, chữa lỵ, viêm bong, phù thũng, đái ít. Có khi dùng để chữa rét.

Để chữa cảm sốt, có thể nấu nước xông lá tươi cúc tần cùng với các lá khác như lá tre, bưởi, sả , chanh, hương nhụ. Chữa ghẻ bằng cách lấy lá tươi nấu nước tắm. Người ta còn giã nát lá và cành non cúc tần, thêm ít rượu, xào cho nóng, đắp lên chỗ đau ở hai bên thân để chữa đau, mỏi lưng.

Liều dùng

Bạn có thể dùng cây Cúc Tần để sắc uống hoặc hoàn tán để uống. Nhưng với liều dùng là 8-16g.

Còn nếu dùng cây Cúc Tần để xây giã đắp ngoài da thì liều lượng là không khuyến nghị.

Bảo quản

Cúc tần tươi nên bảo quản ở nhiệt độ lạnh. Còn khô để nơi khô ráo.

Một số bài thuốc phổ biến

Chữa cảm sốt

Cúc tần 20g, lá tre 20g, bạc hà 20g, kinh giới 20g, tía tô 20g, cát căn 20g, cúc hoa 5g, địa liền 5g. Dạng thuốc bột hoặc thuốc viên, mỗi ngày uống 2 – 3 lần, mỗi lần 4 – 6g.

Chữa cảm sốt, nhức đầu, ho, không có mồ hôi

Cúc tần (2 nắm), lá sả 1 nắm, lá chanh (1 nắm). Nấu nước xông và uống nóng, đắp chăn cho ra mồ hôi.

Chữa cảm sốt, nhức đầu, mình mẩy đau mỏi

Rễ cúc tần 20g, củ ráy dại (sao bỏ vỏ), rễ bưởi bung 12g, lá tía tô 8g, kinh giới 8g, gừng tươi 8g. Các vị sắc uống lúc nóng. Nếu sốt không ra mồ hôi thì trong uống, ngoài xông.

Chữa nhức mỏi gân xương, đau lưng

Rễ cúc tần 20g, rễ xấu hổ 20g, rễ bưởi bung 20g, rễ đinh lăng 10g, cam thảo dây 10g. Sắc uống.

Chữa gãy xương

Bột lá cúc tần 200g, bột lá ngải cứu 100g, sáp ong 100g, bột quế chi 40g, bột đại hồi 20g, dầu thầu dầu vừa đủ. Đun sôi dầu thầu dầu, cho sáp ong vào nấu cho tan, rồi cho tiếp 4 vị dược liệu quấy cho đều thành cao đặc. Bắc ra để nguội, đắp thuốc và bó vào chỗ xương gãy. Hai ngày làm một lần.

Cao dán chữa sai khớp, bong gân, chấn thương

Các dược liệu ngải cứu, cúc tần, tinh dầu hồi, quế, menthol, camphor được nấu thành cao, rồi trộn đều với hỗn hợp keo cao su (các thành phần chủ yếu của keo cao su là cao su, colophan, kẽm oxyd và dầu béo).

Chữa nhiễm khuẩn quanh vết thương phần mềm

Lá cúc tần 40g, lá xạ can 20g. Giã nhỏ đắp lên chỗ lở loét quanh vết thương.

Hỗ trợ tăng cường hệ tiêu hóa

Việc hái một nắm lá cúc tần tươi sau mỗi bữa ăn và ăn sống là một thói quen phổ biến trong y học dân gian và có thể được thực hiện để hỗ trợ sức khỏe.

Điều trị bệnh gai cột sống

Cây cúc tần có tác dụng chữa bệnh gì? Dùng 1 nắm lá cúc tần tươi, rửa sạch và giã nát. Sau đó, trộn chung với 1 ít muối và 1/4 lon bia rồi uống. Sử dụng bài thuốc này trong vòng 1 tuần, giúp giảm đau do gai cột sống gây ra.

Điều trị chứng bí tiểu

Hãy sử dụng 40 gram lá cúc tần khô hoặc 100 gram tươi đun sôi với nước và uống hàng ngày.

Chữa bệnh trĩ

Chuẩn bị lá cúc tần, lá ngải cứu, lá sung và lá lốt, mỗi thứ một nắm cùng với một vài lát nghệ. Nấu nước rồi dùng nước xông hậu môn khoảng 15 phút. Sau khi nước còn ấm, bệnh nhân có thể ngâm trực tiếp 10 – 15 phút rồi lau khô lại bằng khăn mềm. Trong trường hợp trĩ nhẹ, kiên trì thực hiện bài thuốc này 2 – 3 lần mỗi tuần và sau 2 tháng, bệnh có dấu hiệu thuyên giảm đáng kể.

Giảm căng thẳng bằng cúc tần

Nguyên liệu: 50g cúc tần, 50g hoa cúc trắng, 100g óc lợn, 100g đu đủ chín.

Cách nấu: Đun sôi cúc tần, hoa cúc trắng và đu đủ với nước sôi, sau đó đun thêm óc lợn cho nhừ. Ăn nóng trước bữa cơm chính, 2 lần mỗi ngày, liên tục trong 1 tuần để giảm căng thẳng.

Điều trị hen suyễn

Nguyên liệu: 1 bó cúc tần, 1 bó rau muống.

Cách làm: Rửa sạch cúc tần và rau muống. Ngâm cúc tần với nước muối pha loãng, sau đó giã nát và lọc lấy nước cốt. Uống nước này liên tục trong 100 ngày để cải thiện hen suyễn.

Chữa viêm khí quản

Nguyên liệu: 20g cúc tần già, 2 nắm gạo vo sạch, 3g gừng thái nhỏ, 50g thịt lợn nạc đã băm nhuyễn.

Cách nấu: Nấu cháo cho chín nhừ. Ăn nóng khi đói, 3 lần mỗi ngày, liên tục trong 3 ngày để cải thiện triệu chứng bệnh.

Chữa bệnh sỏi thận kèm đau lưng, đái buốt, đái ra máu

Tác dụng của cây cúc tần chữa sỏi thận: Bài thuốc này bao gồm 20g lá cúc tần, 10g rau ngổ, và 1.5g hoạt thạch là những thành phần chính.

Quy trình thực hiện bài thuốc:

  • Bước đầu tiên, cần chuẩn bị lá cúc tần và rau ngổ đã được rửa sạch, sau đó cắt nhỏ và phơi dưới bóng râm, nơi có không khí mát và gió thoáng để dược liệu khô một cách tự nhiên mà không bị ánh nắng mặt trời làm mất đi tinh chất.
  • Hoạt thạch sau khi được nghiền mịn sẽ kết hợp cùng với các loại dược liệu khác.
  • Tiếp theo, hỗn hợp thuốc sẽ được đun cùng với 2.5 lít nước trên lửa nhỏ, cho đến khi lượng nước còn lại khoảng 2 lít.

Lượng thuốc này được chia làm đủ dùng trong một ngày. Bằng cách kiên trì sử dụng hằng ngày, sau một tháng, sẽ nhận thấy sự cải thiện rõ rệt về các vấn đề đau lưng và tiểu tiện, giúp cuộc sống trở nên thoải mái hơn.

Tài liệu tham khảo

  1. Đỗ Huy Bích (2006), Cúc Tần, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, NXB Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội, tập 1, trang 584.
  2. Đỗ Tấn Lợi (2006), Cúc Tần, Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, NXB Y học, Hà Nội, trang 685.
  3. Phạm Hoàng Tộ (1999), Cúc Tần, Cây cỏ Việt Nam, NXB Trẻ, Hà Nội, tập 2, trang 829.

Trị viêm tĩnh mạch, giãn tĩnh mạch

Ranco-Saman

Được xếp hạng 5.00 5 sao
360.000 đ
Dạng bào chế: Viên nén bao phim Đóng gói: Hộp 60 viên

Xuất xứ: VIỆT NAM

Ho và cảm

Cốm Voi Con

Được xếp hạng 5.00 5 sao
165.000 đ
Dạng bào chế: siro Đóng gói: Hộp 16 gói x 4g

Xuất xứ: Việt Nam