Cây Ban (Điền Cơ Vương/Châm Hương)

Không tìm thấy sản phẩm nào khớp với lựa chọn của bạn.

Cây Ban (Điền Cơ Vương/Châm Hương)

Danh pháp

Tên khoa học

Hypericum japomicum Thumb. (Họ Ban – Hypericaceae)

Tên khác

Điền cơ vương, điền cơ hoàng, địa nhĩ thảo, địa quan môn, nọc sởi, bioc lương, châm hương.

Nguồn gốc

Cây ban là cây gì? Hypericum Thumb. là một chi cây lớn với khoảng 400 loài khác nhau, bao gồm cả cây gỗ và cây bụi. Chúng phân bố rộng rãi trong các vùng ôn đới ẩm, cận nhiệt đới và nhiệt đới. Trong số vài chục loại đã biết ở vùng Đông – Nam Á, có gần 10 loài được sử dụng trong y học.

Cây ban có ở đâu? Ở Việt Nam, có khoảng 6 -7 loài thuộc chi này. Trong số 4 loài được dùng làm thuốc, cây ban là loài có kích thước nhỏ nhất, nhưng lại dùng phổ biến hơn. Cây được phân bố hầu hết các tỉnh, từ vùng đồng bằng đến trung du và miền núi phía Bắc. Ở các tỉnh phía nam, thường thấy ở vùng núi cao. Độ cao phân bố chung đến trên 1500m. Cây còn thấy nhiều ở nước khác như Trung Quốc, Ấn Độ, Nêpan, Srilanca, Niudilan, Malaysia, Thái Lan và Lào.

Ban thuộc loại cây ưa ẩm và có thể hơi chịu bóng. Cây thường mọc lẫn với các loài cỏ dại trên đất ẩm, ở vườn nhà, ven đường đi, ruộng cao và các bãi đất trống trong thung lũng. Cây mọc từ hạt vào cuối xuân hoặc đầu hè, sinh trưởng phát triển nhanh, trong khoảng 3 – 4 tháng là lụi tàn. Quả khi chín tự mở hạt vương vãi ngay trên mặt đất và có thể tồn tại một thời gian dài, qua đông đến mùa xuân năm sau mới nảy mầm.

Hình ảnh cây ban
Hình ảnh cây ban

Đặc điểm thực vật

Ban là một loại cỏ nhỏ, thân mảnh với nhiều cành, chiều cao khoảng 10-20cm, thân nhẵn. Lá cây ban mọc đối, hình bầu dục, không có cuống, trên phiến có những điểm chấm nhỏ, khi nhìn sáng lên càng rõ. Phiến lá dài khoảng 7-10mm và rộng 3-5mm.

Cụm hoa cây ban mọc đơn độc hoặc phân nhánh thành cặp ở đỉnh cành, thân, hoa có màu vàng, cuống hoa dài 4-5mm. Đài hoa có 5 răng hình mũi mác, thuôn ở gốc. Tràng hoa có 5 cánh hình bầu dục, dài hơn đài. Nhị rất nhiều hợp lại thành 3 bó, chỉ nhị rất mảnh, bao phấn nhỏ, bầu hình trứng thuôn. Lá bắc và lá đài nhẵn (điều này phân biệt loài với Hypericum nepalense).

Quả cây ban dạng nang hình trứng, dài 4mm, mở bằng 3 van dọc, hình thai chắc mô ở cạnh các van. Hạt hình trụ, hơi thon có vạch dọc, chiều dài 1mm. Cây thường ra hoa từ tháng 4 đến tháng 6, và mùa quả từ tháng 8 đến tháng 10.

Đặc điểm thực vật cây ban
Đặc điểm thực vật cây ban

Bộ phận dùng – Thu hái – Chế biến

Thường hái về dùng tươi, hái toàn cây cả rễ, có khi phơi hay sấy khô mà dùng. Thông thường, không có quá trình chế biến nào khác được thực hiện, và cây ban được sử dụng nguyên chất như vậy.

Bộ phận dùng cây ban
Bộ phận dùng cây ban

Thành phần hoá học

Cây ban có thành phần chứa gôm và vỏ cây giàu tanin với tỷ lệ 10 – 15%. Phần thân của cây hoa ban chứa kaempferol 3 – glucosid, các loại đường và acid amin. Trong hạt của cây này có chứa dầu màu vàng với tỷ lệ 16,5% khi chiết xuất bằng phương pháp sử dụng ether dầu, trong khi phương pháp ép thông thường chỉ thu được 6,1% dầu. Hạt hoa ban cũng giàu protein, globulin, albumin và lectin.

Đối với biến thể khác, nó chứa 31.6% protein và các acid amin quan trọng như lysin, threonin, valin, methionin, isoleucin và phenylalanin. Các loại acid amin khác như histidin, arginin, serin, acid aspartic, acid glutamic, prolin, glycin, alanin và tyrosin có tỷ lệ ở mức trung bình.

Tác dụng dược lý

Cây ban có tác dụng gì?

Tác dụng kháng khuẩn: Thí nghiệm trên ống kính bằng phương pháp pha loãng nồng độ, nước sắc ban (10%) có tác dụng ức chế tụ cầu khuẩn vàng và liên cầu khuẩn.Chất quercitrin, chiết từ cây ban, cũng có tác dụng ức chế và tiêu diệt trực khuẩn lao, phế cầu khuẩn, tụ cầu khuẩn vàng, trực khuẩn lỵ, và phẩy khuẩn tả.

Tác dụng đối với tim mạch: Cao lỏng cây ban với nồng độ thấp trên tim ếch cô lập và tại chỗ ở giai đoạn đầu có tác dụng kích thích tiếp theo là ức chế sức co bóp của tim, còn với nồng độ cao thì gây rung tim và cuối cùng tim ngừng đập.

Các tác dụng khác: Chất japonicin chiết xuất từ cây ban thí nghiệm trên súc vật cho thấy có tác dụng chống sốt rét, làm ức chế mạnh ký sinh trùng plasmodum.

Trên ruột thỏ cô lập cao lỏng với nồng độ thấp tăng cường sự co bóp nhịp nhàng, nồng độ cao gây co thắt.

Tính vị – Quy kinh

Tính chất theo đông y thì cây ban có vị đắng, ngọt, tính bình, không độc vào hai kinh can và tỳ.

Công năng – Chủ trị

Cây ban chữa bệnh gì? Cây ban có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, thẩm thấp, lợi tiểu, tiêu sưng, giảm đau, tiêu thũng trướng, khứ tích tiêu thực (chữa tiêu hoá kém đầy) dùng chữa cam tích, thấp nhiệt hoàng đản, dùng ngoài chữa rắn cắn, bị thương, sưng đau.

Ở Việt Nam, theo kinh nghiệm dân gian, cây ban được dùng chữa viêm gan vàng da, trẻ em lên sởi, vết thương sưng đau, mụn nhọt, sâu răng, hôi mồm, ho, có nơi còn dùng chữa rắn độc cắn.

Ở Trung Quốc, cây ban chữa viêm gan cấp hoặc mãn tính, viêm ruột thừa, viêm amidanm cam tích ở trẻ.

Ở Malaysia, cây ban vò nát đắp ngoài chữa vết thương. Ở Papua New Guinea, cây ban được giã nát với gừng để chữa sốt rét.

Thường thấy nhân dân dùng chữa những vết do đỉa cắn, sâu răng, ho, hôi mồm, sởi.

Liều dùng

Để dùng cây ban điều trị các bệnh hiệu quả, cần sử dụng theo liều lượng quy định tầm 30g đến 70g và sắc để lấy nước. Dùng ngoài không kể liều lượng.

Bảo quản

Nên bảo quản nơi khô thoáng, tránh độ ẩm cao.

Một số bài thuốc

Chữa hoàng đản:

Cây ban 40g hoặc 60g khô sắc uống.

Chữa viêm gan vàng da:

Sắc cây ban tươi với liều lượng 40g để uống.

Chữa trẻ em lên sởi:

Cây ban tươi (1 nắm), sắc uống hàng để giải độc, hoặc phối hợp với kim ngân hoa hay lá diếp cá mỗi vị 1 nắm cùng sắc uống.

Chữa rắn độc cắn:

Cây ban tươi (30g), thiên hồ thảo (30g), thanh mộc hương (15g). Sắc hỗn hợp trên cùng với rượu uống. Kết hợp giã nát ép lấy nước, thêm ít băng phiến đắp lên vết rắn cắn đã được trích rộng ra.

Chữa viêm niêm mạc miệng:

Cây ban tươi (70g) giã nát ép lấy nước, tẩm vào vải gạc rồi lau rửa miệng ngày 1 -2 lần, người lớn có thể ngậm.

Chữa viêm thận cấp:

Sắc hỗn hợp cây ban tươi (60g) và hồng táo (10 quả) thành nước uống.

Tài liệu tham khảo

  1. Đỗ Huy Bích (2006), Cây ban, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, NXB Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội, tập 1, trang 167.
  2. Đỗ Tấn Lợi (2006), Cây ban, Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, NXB Y học, Hà Nội, trang 538.
  3. Phạm Hoàng Tộ (1999), Cây ban, Cây cỏ Việt Nam, NXB Trẻ, Hà Nội, tập 2, trang 410.
Không tìm thấy sản phẩm nào khớp với lựa chọn của bạn.