Cam Thảo (Cam Thảo Bắc)
Tên khác
Cam thảo bắc, Licorice (Anh)
Tên khoa học: Glycyrrhiza spp. Fabaceae (họ Đậu).
Có 3 loài được Dược điển Việt Nam quy định sử dụng làm thuốc là: Glycyrrhiza uralensis Fisch., Glycyrrhiza glabra L. và Glycyrrhiza inflata Bat.
Mô tả cây
Glycyrrhiza uralensis Fisch.
Cây thảo sống lâu năm, cao 0,30-1 m. Thân khí sinh có lông mềm, thân ngầm rất phát triển. Rễ dài có màu vàng nhạt. Lá kép lông chim lẻ, mọc so le, gồm 9-17 lá chét, lá chét hình trứng, mép nguyên. Hoa màu tím nhạt mọc thành chùm bông ở kẽ lá; tràng hoa hình cánh bướm.
Quả đậu, cong hình lưỡi liềm, dài 3-4 cm, rộng 6-8 mm, nâu đen, có lông cứng, dày, chứa 2-8 hạt nhỏ, dẹt, màu nâu bóng.
Mùa hoa: tháng 6-7; mùa quả: tháng 8-9.
Glycyrrhiza glabra L.
Rất giống loài trên, khác ở chỗ lá chét thuôn dài; hoa màu xanh lơ nhạt; quả rất dẹt, thẳng hoặc hơi cong, dài 2-3 cm, rộng 3-4 mm, nhẵn bóng hoặc có lông ngắn, ít hạt hơn (2-4 hạt). Mùa hoa: tháng 6-8, mùa quả: tháng 7-9.
Phân bố, sinh thái
Chi Glycyrrhiza phân bố ở vùng á nhiệt đới, ôn đới ấm ở châu Á, châu u và Bắc Phi, trong đó tập trung chủ yếu ở Trung Á. Cây ưa sáng, chịu khô hạn cao, sống được trên nhiều loại đất. Cây trồng được thu hoạch sau 5 năm.
Ở nước ta, Cam thảo bắc được nhập chủ yếu từ Trung Quốc.
Bộ phận dùng, thu hái và chế biến
Rễ và thân rễ {Radix et Rhizoma Glycyrrhizae) đã loại bỏ các rễ con, để nguyên vỏ hoặc cạo lớp bần, cắt thành đoạn dài khoảng 30 cm hay cắt lát, phơi khô. Dược liệu là các đoạn thân rễ, chất cứng chắc, khó bẻ gãy, có nhiều xơ dọc. Rễ chưa cạo bỏ lớp bần có màu nâu đỏ hay nâu xám có các vết nhăn dọc, lỗ vỏ và vết tích của rễ con; dược liệu cạo vỏ có màu vàng nhạt; có mùi và vị ngọt đặc trưng.
Thường dùng dưới dạng Sinh thảo, Chích thảo.
Sinh thảo: Rễ Cam thảo rửa sạch, đồ mềm, thái thành phiến mỏng sấy hoặc phơi khô.
Chích thảo: Rễ Cam thảo được tẩm mật ong rồi sao vàng.
Tính vị, quy kinh
Tác dụng
Bô’trung khí, thanh nhiệt giải độc, khứ đờm chỉ khái. Trong hệ thống thuốc đông dược hiện nay có thể nói Cam thảo là một trong những vị dùng nhiều nhất. Có lẽ phải đến 70-80% các bài cổ phương hiện này đều dùng đến Cam thảo. Sở dĩ dùng nhiều như vậy vì Cam thảo có những tác dụng cực kỳ nổi bật mà không nhiều vị có được.
Cam thảo vị ngọt tính hơi hàn là một trong số 3 vị thuốc đi trực tiếp vào 12 kinh mạch (gồm có Cam thảo, Phụ tử, Uy linh tiên). Tác dụng chính của Cam thảo là bổ trung khí, hoãn cấp chỉ thống, là một trong những vị dùng rất tốt cho vùng trung tiêu (tỳ vị). Kiện tỳ ích khí để bồi bổ khí trung tiêu, dùng đối với các chứng tỳ vị hư nhược, khí trung tiêu bất túc, hụt hơi thiểu lực, ăn kém, đại tiện phân lỏng,… Mặt khác nữa Cam thảo có tác dụng hoãn cấp chỉ thống đây là tác dụng cực hay của Cam thảo. Bài thuốc dùng xuất sắc nhất tác dụng này của Cam thảo là CAM THẢO THƯỢC DƯỢC THANG. Bài Cam thảo thược dược thang gồm có cam thảo và bạch thược được dùng với tác dụng giảm co thắt cơ trơn cực tốt, dùng rất hiệu quả với các chứng như đau bụng co thắt, đau bụng đến ngày kinh, đau dạ dày, đau họng, co thắt đại tràng,.. Theo quan điểm của tác giả thì tác dụng của bài cam thảo thược dược thang không thua kém gì chế phẩm NOSPA. Bài Cam thảo thược dược thang chỉ có 2 vị thuốc nên rất dễ bào chế, có thể làm dưới dạng hoàn dùng cho bệnh nhân các chứng kể trên đặc biệt hiệu quả. Tỷ lệ làm hoàn có thể theo công thức Bạch thược 2:1 Cam thảo.
Ngoài tác dụng bổ trung khí, kiện tỳ ích khí, hòa hoãn hòa giải. Cam thảo còn có tác dụng giải độc nên gần như hầu hết các bài thuốc cổ phương đều có sử dụng cam thao. Mặt khác nữa cam thảo lại có vị ngọt nên trong các thang thuốc sắc nước uống lại càng đặc biệt hay dùng hơn nữa, vì vị ngọt làm cho thang thuốc dễ uống thuốc hơn. Đi vào 12 kinh mạch lại có tác dụng giải độc, không có vị nào trong hệ thống thuốc đông dược có tác dụng này. Vì lý do đó mà Cam thảo luôn được lựa chọn dùng với vai trò tá sứ trong gần như mọi bài thuốc có phương.
Mặt khác nữa cam thảo lại có thêm tác dụng khứ đờm chỉ khái dùng để chữa ho suyễn thở. Sau khi đã phối ngũ thích hợp, bất luận hàn nhiệt hư thực đều có thể dùng được.
LƯU Ý: Cam thảo vị ngọt nên có thể dùng trực tiếp chỉ cần phơi khô sao qua là được hoặc có thể tẩm mật sao qua. Khi dùng nên lưu ý không dùng chung với Đại kích, Cam toại, Nguyên hoa, Hải tảo (vì có tác dụng tương phản). Trên thực tế lâm sàng vị thuốc Cam thảo khá rẻ nên được dùng cực kỳ phổ biến.
Đặc điểm dược liệu
Hình trụ tròn, vỏ căng không đều. Bề mặt màu nâu đỏ hoặc nâu xám. Thể chất: chắc, mặt gãy của rễ có sợi, màu trắng – hơi vàng, nhiều bột. Bề mặt gãy của thân rễ có lõi ở trung tâm. Mùi: nhạt. Vị: ngọt đặc trưng.
Yêu cầu chất lượng
Theo kinh nghiệm dân gian, dược liệu thượng hạng là loại nhỏ, vỏ căng, màu nâu đỏ, chắc, nặng và nhiều bột. Có vị ngọt và bề mặt gãy có màu trắng – hơi vàng.
Thành phần hóa học
Saponin: glycyrrhizin (6 -14%) tồn tại ở dạng muối Ca và Mg trong cây, có độ ngọt gấp 60 lần saccharose.
Flavonoid: liquiritin, isoliquiritin, liquiritigenin, isoliquiritigenin.
Các dẫn chất coumarin: umbeliferon, hemiarin…
Ngoài ra còn có các hợp chất có tác dụng estrogen có nhân sterol với hàm lượng thấp. Tác dụng dược lý
Saponin trong Cam thảo có tác dụng giảm ho, long đờm, tác dụng chống loét dạ dày, ức chế tác dụng gây tăng tiết dịch vị của histamin, chống viêm và chống dị ứng. Thành phần flavonoid của Cam thảo có tác dụng làm lành vết thương, chống loét dạ dày và kháng Helicobacter pylori trên thực nghiệm.
Acid glycyrrhizic có tác dụng kháng viêm, kháng virus, giải độc mạnh đối với độc tố bạch hầu, chất độc của cá nóc, nọc rắn.
Công dụng và cách dùng
Cam thảo sống dùng chữa cảm, ho mất tiếng, viêm họng, đau dạ dày, ngộ độc. Chích thảo có tác dụng bổ, chữa tỳ vị hư nhược, tiêu chảy, mệt mỏi, kém ăn. Dùng dưới dạng bột, thuốc hãm, nước sắc và cao mềm.
Acid glycyrrhetinic (aglycon của acid glycyrrhyzic) được dùng để tổng hợp carbenexolon, một chất có tác dụng trị loét dạ dày, trào ngược thực quản và kháng viêm. Chế Phẩm
biệt dược Arthrodont (Veyron) dùng trong nha khoa để chữa viêm lợi, chảy máu lợi, viêm khi lắp răng giả có thành phần chính là acid glycyrrhizic.
Kavet chữa đau bao tử: Cao Cam thảo 0,03g, bột Cam thảo 0,1 g, Natri bicarbonat 0,15g, Magie carbonat 0,2g, bismutnitrate basic 0,5g, bột Đại hoàng 0,02g, tá dược vừa đủ 1 viên. Chữa loét dạ dày với liều 2-4 viên/lần, ngày 2-3 lần.
Đặc điểm phân biệt chính của ba loại Cam thảo
Đặc điểm | G. uralensis | G. inflata | G. glabra |
Bề mặt ngoài và lỗ vỏ | Bể mặt ngoài căng không đều, lỗ vỏ rõ | Sần sùi | Không sần sùi, lỗ vỏ hẹp và khó quan sát |
Màu sắc vỏ ngoài | Nâu đỏ hoặc nâu xám | Nâu xám hoặc rám nắng | Nâu xám |
Thể chất, bề mặt gãy | Chắc, hơi xơ rõ, có bột | Cứng, gỗ rất xơ, không nhiều bột | Tương đối chắc |
Ghi chú
Dùng Cam thảo dài ngày có thể gây hiện tượng phù giữ nước.
Phụ nữ có thai, người cao huyết áp không nên dùng.
Cam thảo dây (còn gọi là Cườm, Dây chi chi – Abrus precatorius L. Fabaceae) thường dùng rễ và lá thay Cam thảo bắc ở nhiều nước (ở Việt Nam, Ấn Độ, Mỹ).
Xuất xứ: Hàn Quốc
Xuất xứ: Việt Nam
Xuất xứ: Mỹ
Xuất xứ: Việt Nam
Xuất xứ: Việt Nam
Xuất xứ: Việt Nam
Xuất xứ: Canada
Xuất xứ: Việt Nam
Xuất xứ: Việt Nam
Xuất xứ: Việt Nam
Xuất xứ: Việt Nam
Xuất xứ: Việt Nam
Xuất xứ: Việt Nam
Xuất xứ: Việt Nam
Xuất xứ: Việt Nam
Xuất xứ: Việt Nam
Xuất xứ: Việt Nam
Xuất xứ: Việt Nam