Anh Đào Châu Phi
Tên khoa học
Anh Đào Châu Phi có tên khoa học là Prunus africana (Hook. f.) họ Amygdaloideae, chi Laurocerasus.
Nguồn gốc
Anh Đào Châu Phi chỉ được phát triển tại các khu rừng thường xanh từ gần bờ biển đến vành đai sương mù và những khu rừng ở trên núi thuộc Châu Phi, nơi có khí hậu nhiệt đới. Cây phát triển khá nhanh, ưa khí hậu mưa nhiều, chịu được sương giá ở mức độ vừa và nhạy cảm với sương nặng.
Đặc điểm thực vật
- Anh Đào Châu Phi là cây có chiều cao từ 10-20 mét, là cây thường xuân, tán lá rộng, có thể phát triển cao lớn trong điều kiện không có sương giá nhưng kích thước khi được trồng trong vườn chỉ ở mức trung bình. Thân cây thẳng có vỏ ngoài màu nâu, nứt theo kiểu thuôn dài điển hình.
- Lá Anh Đào Châu Phi nhẵn, bóng, mặt trên có màu xanh đậm, mặt dưới màu xanh nhạt, có gân giữa nổi bật, mép lá có răng cưa nông, cuống lá có màu hồng khi đem lá vò nát sẽ ngửi thấy thoang thoảng mùi hạnh nhân.
- Hoa Anh Đào Châu Phi có màu trắng, nhỏ, mùi thơm, mọc thành chùm hay đơn lẻ. Hoa mọc thành chùm có thể dài tới 7cm ở nách lá.
- Quả Anh Đào Châu Phi có màu nâu tim, xỉn, hình cầu, đường kính 1cm, mọc thành chùm phân nhánh.
Bộ phận dùng
Anh Đào Châu Phi sử dụng vỏ cây.
Thành phần hóa học
Các thành phần hoạt tính có nguồn gốc từ chiết xuất vỏ cây chứa β-sitostenone, axit myristic, axit ursolic, axit lauric, axit ferulic, n-docosanol, β-sitosterol, tannin, terpenoid, phytosterol, saponin, ancaloit, flavonoid và axit béo.
Tác dụng dược lý
Tăng sản lành tính tuyến tiền liệt
Vỏ thân cây Anh Đào Châu Phi có thể được sắc thành thuốc hoặc nghiền thành bột đóng nang và uống giúp điều trị và kiểm soát tăng sản lành tính tuyến tiền liệt. Các nghiên cứu trong ống nghiệm đã cho thấy chiết xuất vỏ thân cây Anh Đào Châu Phi ức chế sự phát triển của nguyên bào sợi từ bàng quang, tuyến tiền liệt tăng sản ở người, ức chế enzyme alpha-reductase, làm chống oxy hóa, giảm các triệu chứng viêm do đó đạt hiệu quả trong chống tăng sản lành tính tuyến tiền liệt.
Chống ung thư tuyến tiền liệt
Việc sử dụng thuốc sắc Anh Đào Châu Phi đã được chứng minh có đặc tính chống ung thư và chống khối u, beta-sitosterol và axit ursolic trong Anh Đào Châu Phi giúp chống viêm trên tuyến tiền liệt. Ngoài ra, polyphenol flavonoid trong Anh Đào Châu Phi cũng giúp chống lại tổn thương do gốc tự do gây ra nhờ đó cải thiện triệu chứng bệnh tiểu đường, ung thư.
Tác dụng tăng cường nhận thức
Gần đây, chiết xuất methanol lá và vỏ thân của Anh Đào Châu Phi cải thiện chức năng nhận thức, thể hiện hoạt tính kháng cholinesterase đáng kể ở chuột bạch nhờ cơ chế chống viêm thần kinh, ức chế hoạt động của cholinesterase.
Hoạt động chống tiểu đường
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng chiết xuất Anh Đào Châu Phi làm giảm hoạt động của enzyme dipeptidyl peptidase-4, giúp tăng sản xuất insulin, kiểm soát cũng như duy trì lượng đường trong máu.
Chống sốt rét
Các thành phần tannin, ancaloit mạnh, saponin, terpenoid có tác dụng chống sốt rét, chống lại các bệnh nhiễm trùng ký sinh trùng.
Tác dụng chữa lành vết thương
Anh Đào Châu Phi ngăn ngừa nhiễm trùng, thúc đẩy quá trình chữa lành vết thương đáng kể, tăng tốc độ đông máu, đặc tính làm se của tannin có tác dụng tạo điều kiện phục hồi vết thương nhiễm trùng, thúc đẩy vết thương co lại, cải thiện tốc độ chữa lành.
Giảm các rối loạn tiêu hóa
Anh Đào Châu Phi giúp kháng khuẩn mạnh, kiểm soát các rối loạn đường tiêu hóa , chống lại vi khuẩn, điều trị chứng ợ nóng và đau dạ dày. Ngoài ra, flavonoid làm giảm triệu chứng tiêu chảy cấp tính và mãn tính, ức chế nhu động ruột, duy trì chức năng niêm mạc.
Hoạt động kháng khuẩn
Nhờ đặc tính kháng khuẩn mạnh giúp Anh Đào Châu Phi kiểm soát các bệnh nhiễm trùng da, kháng nấm mạnh mẽ, chống lại các loại nấm gây bệnh trên da, ức chế đáng kể sự phát triển của Pseudomonas aeruginosa, Staphylococcus aureus.
Đau ngực và các tình trạng hô hấp
Anh Đào Châu Phi được người Châu Phi sử dụng để điều trị và kiểm soát các bệnh về đường hô hấp, chứng đau ngực như hen suyễn, dị ứng
Tài liệu tham khảo
- Caroline A C Kadu 1, Alexandra Parich, Silvio Schueler, Heino Konrad, Geoffrey M Muluvi, Oscar Eyog-Matig, Alice Muchugi, Vivienne L Williams, Lolona Ramamonjisoa, Consolatha Kapinga, Bernard Foahom, Cuthbert Katsvanga, David Hafashimana, Crisantos Obama, Barbara Vinceti, Rainer Schumacher, Thomas Geburek (2012), Bioactive constituents in Prunus africana: geographical variation throughout Africa and associations with environmental and genetic parameters, pubmed. Truy cập ngày 07/01/2025.
- James K Ndung’u, Joseph M Nguta 1, Isaac M Mapenay 1, Gervason A Moriasi (2024), A Comprehensive Review of Ethnomedicinal Uses, Phytochemistry, Pharmacology, and Toxicity of Prunus africana (Hook. F.) Kalkman from Africa, pubmed. Truy cập ngày 07/01/2025.