[Tổng quan] Điện tâm đồ trong viêm cơ tim và một số bệnh lý màng ngoài tim

Xuất bản: UTC +7

Cập nhật lần cuối: UTC +7

Nguồn: Sách Bài giảng điện tâm đồ

Tác giả: Chủ biên: PGS.TS.BS. Phạm Mạnh Hùng Đồng chủ biên: TS.BSNT. Phan Đình Phong

Năm xuất bản: 2021

Chủ đề: điện tâm đồ trong viêm cơ tim và một số bệnh lý màng ngoài tim

Nhà thuốc Ngọc Anh sẽ gửi đến bạn đọc chủ đề điện tâm đồ trong viêm cơ tim và một số bệnh lý màng ngoài tim qua vài viết sau đây.

VIÊM CƠ TIM

Viêm cơ tim là tình trạng cơ tim bị viêm do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó nguyên nhân do virus thường gặp nhất, ngoài ra có thể do vi khuẩn, ngộ độc, do thuốc … Cơ chế bệnh sinh kinh điển trong viêm cơ tim liên quan nhiều đến phản ứng miễn dịch của cơ thể, dẫn đến những đáp ứng quá mức, làm tổn thương cơ tim trên diện rộng. Trong một vài trường hợp đặc biệt, có thể biểu hiện viêm cơ tim dưới dạng ổ.

Hậu quả của viêm cơ tim dẫn tới phá hủy các tế bào cơ tim gây suy tim cấp. Biến chứng hay gặp trong viêm cơ tim đó là các rối loạn nhịp. Bao gồm cả rối loạn nhịp nhanh nhĩ, rung nhĩ, nhanh thất, rung thất, hoặc các rối loạn nhịp chậm như block nhĩ thất do tổn thương hệ thống dẫn truyền nhĩ thất. Viêm cơ tim kèm theo biểu hiện rối loạn nhịp làm tăng tỉ lệ tử vong, đặc biệt là các rối loạn nhịp nhanh thất hoặc rung thất.

Điện tâm đồ trong viêm cơ tim vừa là công cụ chẩn đoán, vừa phát hiện các rối loạn nhịp giúp chẩn đoán và tiên lượng bệnh.

Biểu hiện điện tâm đồ

Điện tâm đồ đôi khi bình thường, không có biểu hiện bất thường ở bệnh nhân viêm cơ tim. Những thay đổi trên điện tâm đồ do viêm cơ tim không điển hình, dễ nhầm lẫn với những bệnh lý khác.

– Nhịp nhanh xoang.

– Sóng T đảo ngược trên nhiều chuyển đạo.

– Block nhĩ thất các mức độ.

– Rối loạn nhịp nhĩ: ngoại tâm thu nhĩ, nhanh nhĩ, rung nhĩ.

– Rối loạn nhịp thất: ngoại tâm thu thất, nhanh thất, rung thất.

– Có thể có biểu hiện của viêm màng ngoài tim cấp.

Chẩn đoán phân biệt

– Nhồi máu cơ tim cấp: đôi khi rất khó chẩn đoán phân biệt dựa trên điện tâm đồ mà cần dựa vào bệnh cảnh lâm sàng và chụp động mạch vành để xác định. Một số biểu hiện có thể giúp chẩn đoán phân biệt như:

  • ST chênh lên trong nhồi máu cơ tim cấp theo từng vùng liên quan đến vùng tưới máu của động mạch thủ phạm. Trong khi đó, viêm cơ tim thường có đoạn ST chênh lên đồng hướng trên nhiều chuyển đạo.
  • Đoạn ST chênh lên trong nhồi máu cơ tim cấp thường thay đổi biến thiên theo thời gian: biến đổi theo giờ, theo ngày. (Xem thêm bài Điện tâm đồ trong bệnh mạch vành).
  • Viêm cơ tim thường không có hình ảnh sóng Q bệnh lý.
  • Trong nhồi máu cơ tim cấp, thường có hình ảnh đoạn ST chênh lên “soi gương” ở những chuyển đạo có hướng vector ngược nhau.

– Viêm cơ tim có thể lan tỏa dẫn tới viêm màng ngoài tim kèm theo. Do đó điện tâm đồ có thể có hình ảnh viêm màng ngoài tim, gợi ý viêm cơ tim – màng ngoài tim.

– Các bệnh lý khác làm thay đổi đoạn ST – T: rối loạn điện giải, tăng gánh buồng tim, …

Hình 1. Điện tâm đồ trong bệnh cảnh viêm cơ tim. Sóng T âm không đặc hiệu trên nhiều chuyển đạo.
Hình 1. Điện tâm đồ trong bệnh cảnh viêm cơ tim. Sóng T âm không đặc hiệu trên nhiều chuyển đạo.
Hình 2. Điện tâm đồ trong bệnh cảnh viêm cơ tim. Đoạn ST chênh lên giống như trong Nhồi máu cơ tim cấp.
Hình 2. Điện tâm đồ trong bệnh cảnh viêm cơ tim. Đoạn ST chênh lên giống như trong Nhồi máu cơ tim cấp.
Hình 3. Viêm cơ tim kèm theo viêm màng ngoài tim. Đoạn ST chênh lên đồng hướng trên nhiều chuyển đạo.
Hình 3. Viêm cơ tim kèm theo viêm màng ngoài tim. Đoạn ST chênh lên đồng hướng trên nhiều chuyển đạo.
Hình 4. Viêm cơ tim kèm theo block nhĩ thất cấp 3.
Hình 4. Viêm cơ tim kèm theo block nhĩ thất cấp 3.
Hình 5. Viêm cơ tim gây cơn tim nhanh thất.
Hình 5. Viêm cơ tim gây cơn tim nhanh thất.

BỆNH LÝ MÀNG NGOÀI TIM

Viêm màng ngoài tim cấp

Viêm màng ngoài tim có thể do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân thường gặp nhất là do virus. Màng ngoài tim viêm lan tỏa, có thể gặp chung trong bệnh cảnh của viêm cơ tim – màng ngoài tim. Viêm màng ngoài tim có thể kèm theo tràn dịch màng tim, số lượng ít – nhiều tùy từng ca bệnh.

Biến đổi đ̣n tâm đồ:

Viêm màng ngoài tim có thể không biểu hiện trên điện tâm đồ, hoặc có thể thay đổi đoạn ST – T không điển hình. Điện tâm đồ ở bệnh nhân viêm màng ngoài tim điển hình thay đổi theo thời gian, tùy thuộc vào từng giai đoạn của quá trình viêm màng ngoài tim:

– Giai đoạn 1: Trong vài ngày đầu. Đoạn ST chênh lên đồng hướng lan tỏa trên nhiều chuyển đạo, ST chênh xuống ở aVR. Đoạn PR chênh lên ở aVR, và chênh xuống ở các chuyển đạo ngoại biên và các chuyển đạo trước tim trái.

– Giai đoạn 2: Thường gặp trong tuần đầu. Đoạn ST và PR bớt chênh, dần trở về bình thường.

– Giai đoạn 3: Sau vài tuần. Đoạn ST đẳng điện. Sóng T đảo chiều và âm trên nhiều chuyển đạo.

– Giai đoạn 4: Sau vài tuần, điện tâm đồ trở về bình thường.

Chẩn đoán phân biệt:

– Nhồi máu cơ tim cấp có ST chênh lên:

+ Đoạn ST thường chênh lên và cong vòm.

+ Đoạn ST chênh lên theo từng vùng cơ tim bị tổn thương. Có hình ảnh soi gương ở các chuyển đạo đối diện.

+ Có sóng Q hoại tử.

+ Điện tâm đồ thay đổi theo thời gian (Có tính chất động học đặc trưng).

– Hội chứng tái cực sớm:

+ Điểm J thường chênh lên ở các chuyển đạo trước tim trái.

+ Không có biến đổi đoạn PR.

Hình 6. Viêm màng ngoài tim. Đoạn ST chênh lên đồng hướng trên nhiều chuyển đạo. Đoạn PR chênh lên ở aVR và chênh xuống ở các chuyển đạo ngoại biên.
Hình 6. Viêm màng ngoài tim. Đoạn ST chênh lên đồng hướng trên nhiều chuyển đạo. Đoạn PR chênh lên ở aVR và chênh xuống ở các chuyển đạo ngoại biên.
Hình 7. Viêm màng ngoài tim. Đoạn ST chênh lên trên nhiều chuyển đạo, có hình dạng tương tự như trong nhồi máu cơ tim cấp nhưng không có hình ảnh soi gương và không có sóng Q hoại tử trên điện tâm đồ.
Hình 7. Viêm màng ngoài tim. Đoạn ST chênh lên trên nhiều chuyển đạo, có hình dạng tương tự như trong nhồi máu cơ tim cấp nhưng không có hình ảnh soi gương và không có sóng Q hoại tử trên điện tâm đồ.

Tràn dịch màng ngoài tim

Khoang màng tim bình thường gồm lá thành và lá tạng liên tiếp nhau. Giữa khoang màng tim có khoảng 50 ml dịch. Trong trường hợp bệnh lý, dịch tràn vào khoang màng tim. Tùy thuộc mức độ tràn dịch màng tim mà có các biểu hiện khác nhau trên lâm sàng. Có nhiều nguyên nhân gây tràn dịch màng tim như viêm cơ tim, ung thư di căn màng ngoài tim, lao phổi, …

Biểu hiện đ̣n tâm đồ:

– Nhịp nhanh xoang

– Điện thế thấp: biên độ sóng QRS ở các chuyển đạo ngoại biên không quá 5 mm (0,5 mV)

– Luân phiên điện học: Thường gặp trong trường hợp tràn dịch màng tim số lượng nhiều, tim co bóp và chuyển động trong túi dịch. Phức bộ QRS của các chuyển đạo ngoại biên thay đổi về trục điện tim hoặc biên độ phức bộ QRS theo từng nhịp tim.

Hình 8. Tràn dịch màng tim. Điện thế thấp. Biên độ phức bộ QRS ở các chuyển đạo ngoại biên < 5 mm.
Hình 8. Tràn dịch màng tim. Điện thế thấp. Biên độ phức bộ QRS ở các chuyển đạo ngoại biên < 5 mm.
Hình 9. Tràn dịch màng tim. Nhịp nhanh xoang kèm theo hiện tượng luân phiên điện học.
Hình 9. Tràn dịch màng tim. Nhịp nhanh xoang kèm theo hiện tượng luân phiên điện học.

Xem thêm:

Tổng quát: Điện tâm đồ trong rối loạn nhịp thất

Điện tâm đồ trong rối loạn nhịp chậm và block dẫn truyền trong thất

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Spodick DH. Differential characteristics of the electrocardiogram in early repolarization and acute pericarditis. N Engl J Med 1976; 295:523
  2. Ginzton LE, Laks MM. The differential diagnosis of acute pericarditis from the normal variant: new electrocardiographic criteria. Circulation 1982; 65:1004
  3. Imazio M, Spodick DH, Brucato A, et al. Controversial issues in the management of pericardial diseases. Circulation 2010; 121:916
  4. Dec GW Jr, Waldman H, Southern J, et al. Viral myocarditis mimicking acute myocardial infarction. J Am Coll Cardiol 1992; 20:85.
  5. Sarda L, Colin P, Boccara F, et al. Myocarditis in patients with clinical presentation of myocardial infarction and normal coronary angiograms. J Am Coll Cardiol 2001; 37:786.
  6. Nguyễn Quang Tuấn. Biến đổi điện tim do viêm màng ngoài tim. Hướng dẫn đọc điện tim 2014. Nhà xuất bản Y học.
Để lại một bình luận (Quy định duyệt bình luận)

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

The maximum upload file size: 1 MB. You can upload: image. Drop file here