Nhathuocngocanh.com – Theo thống kê của hiệp hội y tế thế giới, tỷ lệ người dân từng bị mắc bệnh nhiễm trùng đường hô hấp lên đến 47%. Có thể thấy, đây là một căn bệnh khá phổ biến và có thể gặp ở bất kỳ đối tượng nào. Chúng ta hãy cùng bài viết tìm hiểu về căn bệnh này cũng như cách điều trị, phòng tránh chúng.
Nhiễm trùng hô hấp là bệnh gì?
Nhiễm trùng đường hô hấp là cách gọi chung cho những bệnh có khả năng lây truyền qua đường hô hấp, bao gồm cả nhiễm trùng đường hô hấp trên và nhiễm trùng đường hô hấp dưới. Theo đánh giá của các chuyên gia, các bệnh lý liên quan đến nhiễm trùng đường hô hấp trên thường ít nguy hiểm hơn những bệnh lý về đường hô hấp dưới.
Nhiễm trùng đường hô hấp trên có thể là tình trạng cảm lạnh thông thường, còn nhiễm trùng đường hô hấp dưới nguy hiểm có thể là viêm phổi, làm ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của bệnh nhân.
Dựa vào vị trí của các bộ phận trong đường hô hấp, có nhiều cách để phân chia đường hô hấp trên và đường hô hấp dưới.
- Đường hô hấp trên bao gồm những bộ phận nằm phía trên sụn nắp hoặc dây thanh âm, bao gồm xoang, mũi, họng, thanh quản. Các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên thường gặp là viêm họng, viêm amidan, viêm xoang, viêm tai giữa, viêm thanh quản, cảm cúm, gây ra một số các triệu chứng như ho, đau rát cổ họng, ngạt mũi, nhức đầu, hắt hơi liên tục và có thể có sốt.
- Đường hô hấp dưới bao gồm các khí quản, ống phế quản, tiểu phế quản và phổi. Nhiễm trùng đường hô hấp dưới có thể là viêm phổi, viêm phế quản, gây nguy hiểm cho sức khỏe và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong các bệnh lý truyền nhiễm.
Nguyên nhân gây ra nhiễm trùng hô hấp
Nguyên nhân chính gây nhiễm trùng đường hô hấp là do sự xâm nhập của các chủng vi khuẩn và virus vào cơ thể. Một số chủng chính gây bệnh trên cơ thể người ví dụ như:
- Virus Rhino: Virus Rhino là nguyên nhân dẫn đến tình trạng cảm lạnh ở đa số các đối tượng, thường ở mức độ nhẹ và không gây suy giảm sức khỏe của bệnh nhân. Với những đối tượng có hệ thống miễn dịch yếu như người cao tuổi, trẻ nhỏ,… từ cảm lạnh thông thường có thể tiến triển thành các bệnh lý liên quan đến nhiễm trùng đường hô hấp.
- Virus Adeno: Virus Adeno là tập hợp bao gồm hơn 50 loại virus khác nhau gây nhiễm trùng đường hô hấp: cảm lạnh, viêm phổi, viêm phế quản.
- Phế cầu: Ngoài nguy cơ gây viêm màng nào, phế cầu cũng có thể gây nhiễm trùng đường hô hấp, đặc biệt là viêm phổi.
Một số yếu tố làm tăng khả năng lây truyền bệnh nhiễm trùng đường hô hấp
Nhiễm trùng đường hô hấp là tình trạng bệnh dễ lây lan trong cộng đồng, do có nhiều các yếu tố làm tăng khả năng lây nhiễm như khoảng cách giữa cá thể và các nguồn bệnh, hệ thống miễn dịch của vật chủ, thời gian tiếp xúc với nguồn bệnh,… Trong điều kiện môi trường lý tưởng của các chủng vi khuẩn và virus gây bệnh, các yếu tố liệt kê trên càng được kích thích mạnh mẽ.
Một số các yếu tố môi trường tác động bao gồm:
- Nhiệt độ: Các chủng virus gây nhiễm trùng đường hô hấp thường sinh sống và phát triển tốt trong điều kiện nhiệt độ thấp, vì vậy ta có thể nhận thấy các bệnh lý liên quan tới hô hấp hay các triệu chứng liên quan tới cảm lạnh, cảm cúm thường gặp ở thời tiết lạnh hay thời điểm giao mùa.
- Gió: Gió là tác nhân giúp các mầm bệnh tồn tại trong không khí, tăng khả năng lây nhiễm giữa người với người. Tuy nhiên, tại một khu vực giới hạn cụ thể, gió cũng là tác nhân giúp làm giảm nồng độ mầm bệnh tại khu vực đó. Theo các nghiên cứu thực tế, tỷ lệ nhiễm bệnh tăng cao ở những nơi không khí kém lưu thông, khu vực đóng kín.
- Độ ẩm: Đây cũng là một yếu tố quan trọng liên quan đến sự lây nhiễm mầm bệnh của các bệnh lý nhiễm trùng đường hô hấp. Độ ẩm cao khiến dịch bệnh dễ lây lan hơn, tỷ lệ mắc bệnh tăng cao với tốc độ nhanh chóng.
- Ánh nắng mặt trời: Những khu vực có tỷ lệ giờ nắng cao hơn thường có tỷ lệ mắc bệnh thấp hơn. Những khu vực ít nắng, thường xuyên ẩm ướt thì tỷ lệ mắc bệnh cao hơn mức trung bình.
Đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh nhiễm trùng đường hô hấp
Một số các đối tượng có nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cao hơn người bình thường bao gồm:
- Nữ giới có nguy cơ cao mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên: Viêm amidan, viêm xoang
- Nam giới có nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp dưới, ngoài ra cũng hay gặp phải tình trạng viêm thanh quản hay viêm tai giữa.
- Người cao tuổi và trẻ em có hệ thống miễn dịch kém.
- Bệnh nhân có tiền sử mắc phải các bệnh lý khác liên quan đến đường hô hấp.
- Bệnh nhân đang trong quá trình điều trị bệnh tim.
- Đối tượng nghiện hút thuốc lá.
- Trẻ em dưới 6 tháng tuổi, dưới 1 tuổi, trẻ sinh non hay bị các dị tật bẩm sinh thường có nguy cơ cao nhiễm bệnh.
- Đối tượng nhiễm HIV/AIDS làm tổn thương nghiêm trọng hệ thống miễn dịch cũng làm tăng cơ nhiễm trùng đường hô hấp. ((The Healthline Editorial Team — Updated on March 4, 2019, Acute Respiratory Infection, Healthline, Truy cập ngày 25 tháng 10 năm 2021.))
Triệu chứng điển hình của nhiễm trùng hô hấp
Nhiễm trùng đường hô hấp có những triệu chứng điển hình, dễ nhận biết bao gồm ngạt mũi, thường xuyên chảy nước mũi, ho khan, có thể có sốt nhẹ, viêm họng, đau rát cổ họng, đau đầu, nhịp thở không đều (thở nhanh hoặc khó thở), da tím tái (nguyên nhân chủ yếu là do thiếu oxy) và có thể có nhiều các triệu chứng khác kèm theo.
Các triệu chứng trên có thể xuất hiện ở nhiều mức độ khác nhau từ nhẹ cho đến nghiêm trọng. Một số trường hợp bệnh tình có thể tự thuyên giảm mà không cần can thiệp điều trị; tuy nhiên bệnh nhân cần thăm khám bác sỹ nếu nhận thấy các biểu hiện sau:
- Cơ thể xuất hiện các triệu chứng không điển hình của bệnh nhiễm trùng đường hô hấp như khó thở, ớn lạnh, sốt,… Các dấu hiệu này có thể do bệnh viêm phổi hoặc viêm phế quản cấp gây ra.
- Phụ nữ đang trong thời kỳ mang thai, trẻ nhỏ dưới 2 tuổi và bệnh nhân bị hen suyễn nên thăm khám bác sĩ ngay khi nhận thấy những dấu hiệu đầu tiên.
- Tình trạng buồn nôn, nôn, tiêu chảy kéo dài trong nhiều ngày.
- Những đối tượng mắc bệnh suy giảm hệ thống miễn dịch cần chú ý và quan tâm tới tình trạng bệnh của mình ngay từ những ngày đầu.
- Cảm lạnh không tự hết sau 6 đến 7 ngày.
Phương pháp chẩn đoán bệnh nhiễm trùng hô hấp
Một số các phương pháp chẩn đoán bệnh nhiễm trùng đường hô hấp thường được các y bác sĩ áp dụng bao gồm:
- Xem xét các kết quả khám lâm sàng.
- Xác định thời gian bệnh nhân bắt đầu xuất hiện những triệu chứng điển hình.
- Sử dụng ống nghe để xác định các âm thanh bất thường trong quá trình thở của bệnh nhân.
- Tiến hành đo nồng độ oxy trong máu của bệnh nhân. Nếu chỉ số này thấp hơn so với mức độ thông thường, khả năng cao bệnh nhân đã bị nhiễm trùng đường hô hấp.
- Xét nghiệm máu kiểm tra số lượng bạch cầu, qua đó xác định được có tồn tại của vi khuẩn, virus hay không.
- Chụp X-quang trong trường hợp nghi ngờ bị viêm phổi.
- Xét nghiệm các chất dịch từ mũi. ((Jenna Fletcher on February 11, 2019, Lower respiratory tract infections: What to know, Medical News Today, Truy cập ngày 25 tháng 10 năm 2021.))
Phương pháp điều trị bệnh nhiễm trùng hô hấp
Tùy theo tình trạng nghiêm trọng của bệnh lý mà bác sĩ có những phương pháp điều trị khác nhau. Thông thường, nhiễm trùng đường hô hấp mức độ nhẹ, bệnh nhân có thể tự điều trị tại nhà mà không cần ở lại bệnh viện, tự điều trị cho đến khi các triệu chứng biến mất hoàn toàn. Với những trường hợp bệnh nặng hơn, nguy hiểm hơn, bệnh nhân cần ở lại bệnh viện để được theo dõi.
Trong quá trình điều trị, bệnh nhân có thể được kê đơn một số loại thuốc, ví dụ như:
- Paracetamol: Thuốc hạ sốt, sử dụng cho những bệnh nhân có triệu chứng sốt dai dẳng.
- Thuốc chống viêm phi Steroid.
- Thuốc kháng sinh: Trong trường hợp bệnh do vi khuẩn gây ra.
- Vitamin C giúp cải thiện và nâng cao hệ thống miễn dịch của cơ thể.
Kết hợp với sử dụng thuốc điều trị, bệnh nhân nên có chế độ nghỉ ngơi tốt, uống nhiều nước, tránh để tình trạng mất nước, giữ cho cơ thể thoải mái tránh mệt mỏi quá sức. Như vậy tình trạng bệnh sẽ được cải thiện nhanh chóng hơn.
Một số các trường hợp đặc biệt khác:
- Trường hợp bệnh nhân bị nhiễm trùng đường hô hấp nặng, tiến hành truyền dịch và làm ẩm oxy để tránh cơ thể bị mất nước.
- Trẻ nhỏ bị nhiễm trùng thường khó thở, có thể cho sử dụng máy thở để cải thiện tình trạng này.
Một số biện pháp phòng tránh bệnh nhiễm trùng hô hấp
Để tránh mắc phải các bệnh truyền nhiễm qua đường hô hấp, nên áp dụng những biện pháp phòng tránh cần thiết. Một số các biện pháp nên áp dụng ví dụ như:
- Chú ý giữ gìn vệ sinh cá nhân, sử dụng xà phòng để vệ sinh tay sạch sẽ, hạn chế đưa tay còn bẩn lên mắt mũi miệng.
- Sử dụng nước muỗi pha loãng để làm sạch họng ít nhất 2 lần mỗi ngày.
- Giữ môi trường làm việc ở trạng thái thông thoáng bằng cách mở các cửa sổ và cửa ra vào, hạn chế sử dụng điều hòa trong thời gian dài.
- Vệ sinh sạch sẽ môi trường sống bằng cách thường xuyên lau nền nhà, tay nắm cửa, các đồ vật dụng cụ trong nhà, sử dụng các dung dịch khử khuẩn và các chất tẩy rửa thông thường để làm sạch hoàn toàn bụi bẩn, tránh tạo điều kiện thuận lợi cho vi sinh vật phát triển.
- Duy trì chế độ ăn uống nghỉ ngơi hợp lý, kết hợp với thường xuyên luyện tập thể thao để cải thiện và nâng cao sức đề kháng, tăng cường hệ thống miễn dịch cho cơ thể.
- Bệnh nhân nên đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám khi nhận thấy những dấu hiệu đầu tiên.
- Tiêm vaccin phòng ngừa các chủng virus, đặc biệt là ở những đối tượng có nguy cơ nhiễm bệnh cao như người cao tuổi và trẻ nhỏ, bệnh nhân bị suy tim, suy thận, đối tượng có tiền sử hen suyễn hoặc viêm phế quản.
Bài viết đã cung cấp nhiều thông tin về dấu hiệu nhận biết, phương pháp điều trị cũng như phòng tránh các bệnh truyền nhiễm qua đường hô hấp. Từ đó có thể giúp độc giả biết được những cách bảo vệ cho bản thân và những người thân xung quanh mình.
Ca lâm sàng
Nữ 81 tuổi làm điều dưỡng tại địa phương được đưa tới phòng cấp cứu do mơ màng và khó thở cả ngày nay. Bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp và Alzheimer. Huyết áp 96/55 mmHg, mạch 120 lần/phút. Nghe ngực thấy giảm tiếng thở và ran ẩm ở vùng dưới xương bả vai phải. Tiếng thổi tâm thu 2/6 ở bờ trên phải xương ức. Theo dõi huyết động thấy chỉ số tim là 4.4 L/min/m2 (bình thường: 2.5-4.2), áp lực tâm nhĩ phải 4 mmHg (bình thường 2-10), áp lực mao mạch phổi bít 6 mmHg (bình thường: 6-15). Sức cản ngoại biên giảm. Dấu hiệu gì nhiều khả năng cũng sẽ thấy ở bệnh nhân này?
- Mạch ngoại biên dội mạnh.
- Lạnh đầu chi.
- Tĩnh mạch cổ nổi.
- Mạch nghịch thường.
- Tiếng tim T3.
Đáp án đúng là A: Bệnh nhân này nhiều khả năng mắc viêm phổi (giảm tiếng thở và ran ẩm ở phổi phải) có dấu hiệu sốc nhiễm trùng, bao gồm tụt huyết áp và mạch nhanh. Bệnh nhân sốc nhiễm trùng xuất hiện tụt huyết áp do giãn mạch ngoại biên (cái dẫn tới giảm sức cản ngoại biên) và mất dịch trong lòng mạch ra mô xung quanh (dẫn tới áp lực tại tâm nhĩ phải và áp lực mao mạch phổi bít giảm tới giới hạn dưới của chúng). Để bù lại sự mất thể tích trong lòng mạch, chỉ số tim và thể tích tâm thu tăng, dẫn tới tăng áp lực đẩy (áp lực tâm thu trừ tâm trương) cái dẫn tới mạch ngoại biên dội mạnh.
Dấu hiệu mạch ngoại biên dội mạnh thường thấy ở giai đoạn sớm của sốc nhiễm khuẩn, còn được biết là pha tăng thể tích. Nếu không được điều trị, nó có thể dẫn tới pha giảm thể tích nặng, bệnh nhân có lạnh và khô đầu chi do giảm tưới máu vì các shunt chuyển tới các cơ quan nội tạng. (Đáp án B)
Đáp án C: Bệnh nhân có tĩnh mạch cổ nổi nhiều khả năng có ứ máu ở hệ thống tĩnh mạch, thường xảy ra trong tình trạng quá tải thể tích (suy tim sung huyết). Trong theo dõi huyết động, những bệnh nhân này có tăng áp lực mao mạch phổi bít và áp lực tâm nhĩ phải do quá tải thể tích trong lòng mạch, giảm chỉ số tim do giảm khả năng co của tim trên tình trạng tim bị cứng co do quá tải thể tích.
Đáp án D: Mạch nghịch thường xảy ra khi huyết áp tâm thu giảm > 20mmHg khi hít vào. Nó thường thấy ở bệnh nhân bị chèn ép tim. Trên theo dõi, bệnh nhân có tăng sức cản ngoại vi và áp lực tâm nhĩ phải và tâm thất phải tăng để cân bằng các chỉ số như áp lực tâm nhĩ phải, tâm thất phải và áp lực cuối tâm trương, áp lực mao mạch phổi bít.
Đáp án E: Ở đa số các trường hợp, biểu hiện tiếng T3 chỉ ra suy tim sung huyết ở giai đoạn sớm và quá tải thể tích dịch trong lòng mạch. Bệnh nhân này bị sốc nhiễm khuẩn đi kèm giãn mạch ngoại biên và giảm thể tích dịch trong lòng mạch. Tiếng thổi tâm thu của cô ta khả năng do hẹp hoặc xơ hóa động mạch chủ.
Tổng kết: Sốc nhiễm khuẩn ở giai đoạn đầu có tình trạng tăng động học của tim xảy ra như cách đáp ứng với giãn mạch ngoại biên và mất thể tích trong lòng mạch. Nó dẫn tới tăng thể tích tâm thu, tần số’ tim, áp lực mạch đập, gây mạch dội ngoại biên.
Xem thêm:
Ad cho e hỏi trị nhiễm trùng đường hô hấp thì nên dùng loại thuốc nào ạ?