Không tìm thấy sản phẩm nào khớp với lựa chọn của bạn.

Tơ Mành (Mạng Nhện/Dây Chỉ)

Danh pháp

Tên khoa học

Hiptage madablota Gaertn, (Hiptage benghalensis (1.) Kurz.). (Họ Măng Rô – Malpighiaceae)

Tên khác

Mạng nhện, dây chỉ, co dầu slao (Thái).

Nguồn gốc

Chi Hiptage Gaertn. có khoảng gần 20 loài ở Việt Nam, trong đó có 1 – 2 loài được dùng làm thuốc. Tuy nhiên, dây tơ mành hiện chưa xác định được cụ thể về loài.

Cây tơ mành có ở đâu? Dây tơ mành thuộc dạng cây bụi, phân bố ở một số tỉnh miền núi phía Bắc từ Nghệ An trở ra. Cây thường mọc ở ven rừng, rừng thứ sinh và đôi khi thấy ở các bờ nương rẫy. Hiện nay chưa quan sát được cụ thể mùa hoa và cây con mọc từ hạt. Dây tơ mành có khả năng tái sinh sau khi chặt đốn. Còn về mùa quả của dây tơ mành sẽ rơi vào tháng 9 – tháng 11.

Hình ảnh cây tơ mành
Hình ảnh cây tơ mành

Đặc điểm thực vật

Cây tơ mành là một loại cây nhỏ, mọc dạng bụi với các cành vươn dài, chúng phụ thuộc vào cây khác để leo lên. Cây có bề mặt lông mịn và màu xám. Lá cây tơ mành mọc đối, có hình dáng thuôn dài, có chiều dài khoảng 9-10cm và chiều rộng 2.5-5cm. Cả hai mặt của lá đều phủ lông, gốc gân chính của lá có hai hạch, và cuống lá dài khoảng 5-6mm.

Hoa cây tơ mành có màu trắng, mọc thành chùm ở kẽ lá. Quả cây tơ mành có ba cánh, nhẵn và hơi mang theo lông. Thân và lá khi bẻ ra có những sợi mành như chỉ (do đó có tên tơ mành hay dây chỉ, hay mạng nhện).

Đặc điểm thực vật tơ mành
Đặc điểm thực vật tơ mành

Bộ phận dùng – Thu hái – Chế biến

Người ta sẽ thu hái các bộ phận như thân, cành và lá tươi của dây tơ mành để đem về rửa sạch và bảo quản đến khi cần sử dụng. Các nguyên liệu này luôn được thu hoạch quanh năm.

Bộ phận dùng tơ mành
Bộ phận dùng tơ mành

Thành phần hoá học

Theo Gorter (1920. Bull. Jard. Bot. Buitenzorg, ser. 3,2: 187) nghiên cứu và chỉ ra rằng trong vỏ cây tơ mành có một chất glucozit gọi là hiptagin. Khi tác dụng với chất kiềm loãng hay axit, hiptagin sẽ tách ra và giải phóng axit xyanhydric.

Tác dụng dược lý

Tơ mành có tác dụng gì?

Tác dụng trên huyết áp: Khi thử nghiệm trên chó hoặc mèo bị gây mê, cao khô của cây tơ mành đã cho thấy khả năng hạ huyết áp. Cao khô được chế bằng cách dùng toàn cây bỏ rễ chiết bằng cồn 50 độ, rồi bốc hơi dưới áp lực giảm đến khô.

Tác dụng trên vận động: Cao khô dây tơ mành làm giảm vận động tự nhiên của chuột nhắt trắng. Tiêm phúc mạc amphetamin liều 2,5 – 5 mg/kg, hoạt động của chuột nhắt trắng tăng lên rõ rệt; tuy nhiên, cao khô của cây tơ mành có tác dụng ức chế sự tăng vận động do amphetamin gây ra.

Độc tính: Trong các thử nghiệm trên chuột nhắt trắng sử dụng đường tiêm phúc mạc, liều chết trung bình của cao khô từ cây tơ mành được xác định là 750mg/kg.

Tính vị – Quy kinh

Thân cành và lá dây tơ mành có vị hơi đắng, chát, tính ôn.

Công năng – Chủ trị

Tơ mành chữa bệnh gì? Các đặc tính của cây tơ mành mang đến tác dụng ôn thận, ích khí, sát trùng, cầm máu. Ngoài ra, chúng cũng có tác dụng diệt trùng và giúp cơ thể giữ được sự cân bằng.

Nhân dân Việt Nam thường dùng lá tơ mành tươi giã nát đắp lên vết thương, vết thương gãy xương. Ðể bó gãy xương, thường phối hợp với lá dâu tằm. Lá tơ mành đốt thành than rắc chữa sâu răng.

Nhân dân Ấn Độ dùng lá tươi làm thuốc diệt côn trùng và dùng ngoài chữa những bệnh ngoài da.

Tinh chất sáp tinh chỉ di của thân cành và lá của cây tơ mành còn được sử dụng trong việc chữa trị các tình trạng như thận hư, di tinh, tiểu nhiều lần, mồ hôi trộm, đau nhức do phong thấp.

Liều dùng

Giã nát thân, lá tơ mành, sau đó lấy bã để đắp lên cầm máu và bó gãy xương. Liều lượng khuyên dùng là 30-50g.

Sắc các nguyên liệu thân, cành và lá dây tơ mành với liều lượng 30-50g cho người lớn uống. Còn trẻ em nên dùng liều thấp hơn.

Bảo quản

Bảo quản ở nơi khô thoáng, tránh ánh nắng trực tiếp, nhiệt độ cao và nơi ẩm thấp.

Một số bài thuốc

Chữa di tinh, cơ thể suy kiệt, ra nhiều mồ hôi, đái rắt, thấp khớp

Lá và thân cây tơ mành sắc nước uống

Thuốc bó gãy xương

Giã nát các nguyên liệu như cành non và lá tơ mành, sau đó đem xào nóng, đợi nguội rồi đắp vào chỗ xương rạn hoặc gãy, sau đó băng lại.

Cầm máu vết thương, sâu quảng

Rửa sạch lá tơ mành và lá quyển bá. Đem đi giã nát, rồi đắp vào vết thương, cuối cùng là băng lại chỗ vết thương vừa được đắp.

Chữa lở loét ngoài da

Chuẩn bị hỗn hợp gồm lá dây tơ mành, lá bạc thau, lá xuyên tiêu, lá trầu không, lá thuốc lào. Tất cả đem rửa sạch, giã nát, xào nóng rồi đắp vào vết loét ngày 1 lần.

Tài liệu tham khảo

  1. Đỗ Huy Bích (2006), Tơ mành , Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, NXB Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội, tập 1, trang 663.
  2. Đỗ Tấn Lợi (2006), Tơ mành, Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, NXB Y học, Hà Nội, trang 543.
  3. Phạm Hoàng Tộ (1999), Tơ mành, Cây cỏ Việt Nam, NXB Trẻ, Hà Nội, tập 2, trang 343.
Không tìm thấy sản phẩm nào khớp với lựa chọn của bạn.