Không tìm thấy sản phẩm nào khớp với lựa chọn của bạn.

Thùn Mũn (Chua Meo/Chua Ngút)

Tên khoa học

Embelia ribes Burm, thuộc họ Đơn nem Myrsinaceae.

Tên khác

Thùn Mũn có tên khác là Chua Ngút, Cây Phi Tử, Tấm Cùi, Chua Mèo.

Nguồn gốc

  • Cây Thùn Mũn có khoảng 130 loài được phân bố chủ yếu tại các vùng cận nhiệt đới, vùng nhiệt đới. Ở Việt Nam hiện nay chi này có 15 loài trong đó có 7 loài được sử dụng làm thuốc.
  • Thùn Mũn là loại thực vật mọc trườn hay mọc dựa thường xanh có vùng phân bố tương đối hẹp từ các tỉnh thuộc miền Nam Trung Quốc đến Lào, Việt Nam. Tại Việt Nam, Thùn Mũn thường thấy ở các tỉnh trung du và vùng miền núi đôi khi còn thấy ở đồng bằng. Tuy nhiên giới hạn khu vực phân bố của Thùn Mũn chỉ kéo dài đến tỉnh Quảng Nam và Kon Tum. Độ cao phân bố của Thùn Mũn là 1000 mét.
  • Thùn Mũn ưa ánh sáng và có thể chịu hạn, thường mọc ở những quần thể cây bụi ở bờ nương rẫy, đồi hay các vùng ven rừng thứ sinh. Do đặc điểm ưa ánh sáng và mọc nhanh nên Thùn Mũn được coi là loại cây đầu tiền và chiếm phần nhiều trên đất nương rẫy. Cây Thùn Mũn ra hoa quả nhiều năm và có khả năng tái sinh mạnh mẽ ngay cả sau khi bị chặt phá. Trước năm 1990, quả Thùn Mũn đã được khai thác và thu mua ở các tỉnh miền Bắc tuy nhiên lượng khai thác này còn rất nhỏ so với trữ lượng tự nhiên vốn có của Thùn Mũn.

Đặc điểm thực vật

  • Thùn Mũn lá cây bụi có chiều cao từ 1-2 mét. Thân cây Thùn Mũn cứng có màu nâu ti, mọc vươn dài. Cánh lá Thùn Mũn xum xuê, cành non mềm có màu tía, có cạnh còn cành già hơi có khía, hình trụ màu nâu.
  • Lá Thùn Mũn mọc so le hình trái xoan ngược, thuôn hay ngọn giáo, gốc thuôn, đầu tù, đôi khi hơi nhọn rộng 1,5-3 cm và dài 3,5-9 cm, gân chính rõ, phiến lá dày giòn, nếm có vị chua.
  • Hoa Thùn Mũn có màu vàng lục nhạt, mọc dày đặc ở phần cành và đài 4, hình tam giác nhọn, tràng 4, thuôn tù, nhị 4, bầu hình nón, nhỏ.
  • Quả Thùn Mũn hình cầu, có núm nhỏ, khi chín quả Thùn Mũn có màu đỏ và đường kính 6 mm, chứa 1 hạt bên trong.
  • Mùa ra hoa là tháng 2-4 và mùa ra quả là tháng 5-7.
Thùn Mũn
Thùn Mũn

Bộ phận dùng

Bộ phận dùng của Thùn Mũn là quả chín phơi khô, hạt, lá của cây Thùn Mũn.

Thu hái, chế biến

Quả Thùn Mũn được thu hoạch khi chín, khi dùng đem phơi hay sấy khô. Có thể dùng hạt Thùn Mũn bằng cách xát sạch vỏ và lấy hạt sau đó phơi khô, tán nhỏ.

Tính vị, quy kinh

Thùn Mũn có vị ngọt, tính mát.

Thành phần hóa học

  • Trong quả Thùn Mũn có chứa tinh dầu, tanin, acid embelic và 1 chất có cấu tạo quinonic. Embelin là bột kết tinh hình lá nhỏ có màu vàng kim nhũ óng ánh, không mùi, không tan trong nước nhưng tan trong ether, cồn, cloroform, benzen, tan trong dung dịch NaOH loãng và trong đa số dung môi hữu cơ. Điểm nóng chảy là 142-143 độ, hoạt chất được dùng dưới dạng embelat amoni.
  • Năm 1961-1971, Nguyễn Văn Đàn và cộng sự đã tiến hành chiết xuất embelin từ quả Thùn Mũn được tiến hành như sau:
    • Chiết xuất embelin thô: Tẩm bột quả Thùn Mũn với acid HCL 1% hoặc acid H2SO4 2% để yên 1 ngày ở nhiệt độ phòng thí nghiệm. Đun nguyên liệu trên vừa được xử lý với dầu hỏa trong 8 giờ trong bình cầu có gắn ống sinh hàn ngược. Lọc nóng sau đó để kết tinh ở nhiệt độ phòng hoặc tủ lạnh trong 1 ngày và lọc rồi cô cho đến khi có cặn và làm khô.
    • Tinh chế: hòa tan embelin thô trong cồn nóng 90 độ thêm 1-2 g than hoạt vào và đun cách thủy 15-20 phút sau đó đem lọc nóng rồi kết tinh để ở nhiệt độ phòng thí nghiệm trong 5 giờ. Lọc và tiếp tục tinh chế thêm 2 lần nữa sẽ thu được embelin tinh chế. Hiệu suất embelin thô thu được là 0,7-1%. Nếu xuất xuất sử dụng cloroform thì thu được hiệu suất thô là 2%.
  • Ở Ấn Độ người ta còn tìm thấy trong quả Thùn Mũn có chứa embelin 2,5-3, quercitol 1-0 và các thành phần chất béo 5,2%, alkaloid là christembin, phần bay hơi, 1 resinoid. Trong lá Thùn Mũn có chứa caroten 4,6% và vitamin C 62,5%.
  • Thùn Mũn có nhiều tinh dầu, alkaloid, flavonoid, steroid và phenolics.

Tác dụng dược lý

Thùn Mũn có tác dụng gì? Thùn Mũn có tác dụng:

  • Cao lỏng Thùn Mũn có tác dụng kháng khuẩn đối với các vi khuẩn Escherichiacoli và Staphylococcus, cao này cũng có tác dụng gây co bóp tử cung và có tác dụng trên khả năng sinh sản, nội tiết sinh dục.
  • Các loại tinh dầu/chiết xuất của Thùn Mũn có hoạt tính chống oxy hóa, bảo vệ tim mạch, kháng nấm, kháng khuẩn, trị đái tháo đường, kháng virus, chống béo phì, bệnh liên quan đến hệ thần kinh trung ương, chữa lành vết thương và chống sinh sản.
  • Chiết xuất nước của Thùn Mũn đã được báo cáo có tác dụng hạ đường huyết, hoạt động bảo vệ tim mạch trong chứng nhồi máu cơ tim do isoproterenol gây ra ở chuột bạch tạng. Nó còn làm giảm đáng kể mức độ tăng homocysteine và LDH trong huyết thanh do methionine gây ra.
  • Embelin được tìm thấy trong hạt của cây Thùn Mũn có hoạt tính làm giảm quá trình tổng hợp cyclooxygenase-2 và kích hoạt protein kinase B. Embelin và các dẫn xuất của nó hoạt động như một chất trị đái tháo đường và chống huyết khối, ức chế PKC, chống tiểu cầu. Nó cũng được sử dụng trong điều trị liên quan đến một số rối loạn thoái hóa thần kinh
  • Quả có tác dụng điều trị sốt, các bệnh viêm nhiễm và nhiều bệnh về đường tiêu hóa.
  • Chiết xuất ethanol từ hạt Thùn Mũn có đặc tính hạ đường huyết, hạ lipid và chống oxy hóa ở bệnh tiểu đường thiếu insulin ở mô hình chuột, gây ra bởi streptozotocin liều cao.

Công năng chủ trị

  • Thùn Mũn có tác dụng kháng sinh, sát trùng. Thân cây có tác dụng bổ huyết, làm se, gây trung tiện, kích thích giải khát, tăng chuyển hóa, bổ. Thùn Mũn được dùng để trị sán, lá tươi Thùn Mũn để chữa rắn cắn. Hạt Thùn Mũn dùng để trị giun kim, giun đũa và sán xơ mít. Thân cây Thùn Mũn dùng để chữa bạch đới, ban trái.
  • Ở Ấn Độ, Thùn Mũn dùng làm thuốc trị giun, dùng nước sắc quả khô Thùn Mũn được dùng làm thuốc trị bệnh về da, ngựa, thuốc hạ sốt. Quả khô Thùn Mũn cũng được dùng làm thành phần trong các bài thuốc chữa nấm da loang bòng và các bệnh về da khác, vết đốt bọ cạp. Nước hãm Thùn Mũn được dùng để trị ho, ỉa chảy.
Thùn Mũn
Thùn Mũn

Một số bài thuốc có chứa Thùn Mũn

  • Thùn Mũn chữa rắn cắn: lá tươi Thùn Mũn đem rửa sạch sau đó giã nát hoặc nhai lá tươi nuốt nước còn phần bã lấy đắp vào vết thương bị rắn cắn.
  • Thùn Mũn chữa giun đũa, giun kim: bệnh nhân cho nhịn đói từ hôm trước đến sáng sớm hôm sau uống 5g bột Thùn Mũn trộn với đường hoặc mật ong, với trẻ con chỉ uống 2-2,5 g Thùn Mũn.
  • Thùn Mũn chữa đau dạ dày ruột, chữa nôn ra máu: quả Thùn Mũn dùng 8-16 g đem sắc nước uống.

Tài liệu tham khảo

  1. Đỗ Tất Lợi (2006), Thùn Mũn . Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, NXB Y học, Hà Nội, trang 167. Truy cập ngày 26/12/2023.
  2. Đỗ Huy Bích (2006), Chua Ngút, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, NXB Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội, tập 1, trang 450. Truy cập ngày 26/12/2023.
  3. Tuyển tập 3033 Cây thuốc đông y, Chua Ngút , trang 180. Truy cập ngày 26/12/2023.
Không tìm thấy sản phẩm nào khớp với lựa chọn của bạn.