Không tìm thấy sản phẩm nào khớp với lựa chọn của bạn.

Chân Bầu (Chưng Bầu)

Tên khoa học

Combretum quadrangulare Kurz thuộc họ Bàng (Combretaceae)

Tên khác

Chân Bầu có tên khác là cây Trâm Bầu, Chưng Bầu, Song Ke.

Nguồn gốc

  • Chân Bầu hiện nay có khoảng 250 loài trên thế giới và được phân bố rộng khắp những vùng nhiệt đới và tập trung chủ yếu ở châu Phi, ở Đông Nam Á hiện nay có 17 loài trong đó riêng Việt Nam có 13 loài.
  • Chân Bầu được tìm thấy ở miền nam Trung Bộ và miền Nam Việt Nam. Chân Bầu còn được tìm thấy ở cả Lào, Campuchia, Thái Lan và Miến Điện. Thường người ta trồng Chân Bầu để nuôi kiến cánh đỏ vì trên loại cây những con cánh kiến cho nhiều sản lượng, hiện nay chưa tìm thấy Chân Bầu ở miền Bắc. Chân Bầu được tìm thấy các tỉnh từ Quảng Nam đến các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, Côn Đảo, Phú Quốc.
  • Chân Bầu là loại cây cận nhiệt đới tương đối điển hình, chịu được hạn ưa sáng và có thể chịu ngập nước trong thời gian nhất định. Chân Bầu thường mọc tập trung thành các đám đôi khi trở thành quần thể chiếm ưu thế ở vùng đồi ven biển, các lùm bụi quanh làng, bờ nương rẫy, hay trăn bờ kênh nương của đồng bằng sông Cửu Long.

Đặc điểm thực vật

  • Cây Chân Bầu là loại cây nhỏ hay cây nhỡ có chiều cao từ 2-10 m. Vỏ thân của cây có màu trắng xám. Cành Chân Bầu non có hình 4 cạnh, méo dìa mỏng còn gốc thuôn, đầu hơi nhọn hoặc tù hai mặt có lông, dày hơn ở mặt dưới, cuống lá dẹt, ngắn, có lông.
  • Cụm hoa mọc ở các kẽ lá và đầu cành, thành bông dài 3-4 cm có lông , lá bắc của cây sớm rụng, ngắn, hoa nhỏ có màu vàng, đài hình chuông, có lông dài ở mặt ngoài, lông mềm dày ở mặt trong, tràng 4 cánh, nhị 8, bầu hơi phình ở giữa, có 2-3 lá noãn.
  • Quả Chân Bầu dài hơi rộng được phủ đầy lông có 4 cánh mỏng, dài 1,5-2 cm hạt có màu nâu, hạt hình thoi.
  • Mùa hoa quả là tháng 9-11.
Chân Bầu
Chân Bầu

Bộ phận dùng

Bộ phận dùng của Chân Bầu là lá, rễ, hạt, quả của cây.

Thu hái, chế biến

Hạt, quả Chân Bầu đươc thu hái vào mùa thu, đông sau đó đem phơi khô và đập lấy hạt.

Rễ và lá Chân Bầu được thu hái quanh năm.

Tính vị, quy kinh

Chưa có dữ liệu.

Thành phần hóa học

Hạt Chân Bầu có chứa 17% tanin, 13% dầu béo với các chỉ số như sau:

  • Chỉ số acid 12,7, chỉ số xà phòng hóa 128, phần không bị xà phòng hóa 4,8, chỉ số khúc xạ 1,466, chỉ số iod 82, tỷ trọng 0,9572.
  • Dầu béo có chứa các acid miristic có vết palmatic 51,85%, oleic 17,28 %, stearic 3,85%. linoleum 27% alkaloid (-) oxalat Ca 4% và oxalic acid tự do 0,5-1%.

Tác dụng dược lý

  • Tác dụng diệt giun: dùng nước sắc từ hạt Chân Bầu có thể chiết được các thành phần từ hạt như flavon, tanin, dầu béo, các phân đoạn chiết bằng cồn và ether cho tiếp xúc trực tiếp với giun lơn, giun đất trên ống kính theo dõi trong thời gian giun chết cho thấy kết quả nước sắc hạt Chân Bầu có tác dụng diệt giun mạnh hơn các thành phần được chiết riêng rẽ. Trên mô hình gây nhiễm giun sán với các loài Hymenolepsis nuna, Aspicularis tetraptera trên chuột nhắt, nước sắc hạt Chân Bầu dùng theo đường uống mỗi ngày với liều 0,75 ml/ chuột trong 10 ngày liên tiếp sau đó đến ngày thứ 11 thì giết chuột đem mổ bụng đếm số lượng giun sán còn sống bên trong ruột chuột. So sánh với lô đối chứng không dùng dịch chiết Chân Bầu kết quả cho thấy nước sắc Chân Bầu có tỷ lệ diệt giun đạt 88%.
  • Dịch chiết ethanol của Chân Bầu đã được chứng minh có tác dụng cải thiện mất nước qua da, điểm viêm da, độ pH của da và hydrat hóa da. Hơn nữa, phân tích mô học cho thấy dịch chiết ethanol của Chân Bầu làm giảm độ dày biểu bì và sự xâm nhập của tế bào mast do 1-chloro-2,4-dinitrobenzen gây ra. Nó cũng làm giảm số lượng bạch cầu ái toan, biểu hiện của ceramidase, nồng độ IgE huyết thanh, tăng biểu hiện của filaggrin, ức chế hiệu quả các cytokine và chemokine như lymphopoietin mô đệm tuyến ức, interleukin (IL)-6, IL-13, TARC ở mức độ mRNA cũng như kích hoạt protein kinase được hoạt hóa bằng mitogen bao gồm cả kinase điều hòa tín hiệu.
  • Chân Bầu có nhiều đặc tính dược lý bao gồm các hoạt động bảo vệ gan, giảm đau, trị kiết lỵ, hạ sốt và tẩy giun sán.

Độc tính

  • Về độc tính cấp: đã tiến hành trên chuột nhắt trắng, dùng cao Chân Bầu bằng đường uống cho thấy LD50 = 35mg/g súc vật tương đương 35g/kg. Đối với hệ tim mạch trên tiêu bản tim ếch cô lập theo phương pháp Straub cho thấy nước sắc Chân Bầu với nồng độ cao 1/50 làm thay đổi tần số co bóp tim và biên độ tim, còn với nồng độ thấp thì không thấy có sự thay đổi đáng kể nào được ghi nhận. Trên động vật thí nghiệm là thỏ cho thấy Chân Bầu không làm thay đổi huyết áp nhưng có tác dụng gây kích thích hô hấp nhẹ. Trên các tiêu bản ruột chuột lang cô lập nước sắc Chân Bầu có tác dụng làm tăng cường sức co bóp của ruột, tác dụng này của Chân Bầu xuất hiện ở ngay nồng độ thấp 1/2000. Trên chuột cống trắng thăm dò về tác dụng lợi tiểu theo phương pháp valette cải tiến cho thấy cao Chân Bầu (tỉ lệ 1:1) với liều 0,5g/chuột không làm thay đổi thành phần cặn trong nước tiểu, không thấy có tác dụng lợi tiểu.
  • Đã có nghiên cứu về giải độc tính Chân Bầu khi dùng với liều quá lớn bằng cách dùng nước vôi và thấy dung dịch nước vôi ở nồng độ 0,3% có tác dụng hiệu quả nhất. Trên động vật thí nghiệm trước tiên dùng Chân Bầu với liều gây chết 50% sau đó dùng dung dịch nước vôi trong 0,3% cho với liều 0,5ml/chuột kết quả là trong vòng 24 giờ có tác dụng giảm số chuột tử vong, trong khi đó lô không dùng nước vôi trong tỷ lệ tử vong lên đến 40%.

Công năng chủ trị

  • Chân Bầu có tác dụng gì? Hạt Chân Bầu được dùng làm thuốc trị giun sán, quả dùng để chữa giun đũa dùng phối hợp với lá mơ tam thể Paederia tomentosa.
  • Chất nhầy ở cành non và vỏ Chân Bầu, rễ Chân Bầu cũng được dùng để trị giun, đặc biệt là với giun kim, giun đũa. Lương y Việt cúc dùng Chân Bầu để trừ phong thấp, trị đau bụng, chữa sốt rét rừng. Lá sắc uống giúp cầm ỉa chảy.
Chân Bầu
Chân Bầu

Liều dùng

Người lớn dùng 10-15 hạt (14-20g)/ngày.

Trẻ em 5-10 hạt (7-14g)/ngày.

Một số bài thuốc có chứa Chân Bầu

  • Chân Bầu chữa giun kim, giun đũa:
    • Dùng hạt Chân Bầu đem nướng rồi kẹp qua chuối chín sau đó nhai và nuốt, người lớn dùng 10-15 hạt (14-20g)/ngày, trẻ em 5-10 hạt (7-14g)/ngày uống liền trong 3 ngày.
    • Phối hợp hạt Chân Bầu đem nướng với lá mơ tam thể rồi cắt nhỏ hai thứ với nhau đem trộn đều thêm bột và nước để làm bánh ăn vào lúc đói buổi sáng sớm.
  • Chân Bầu giúp nhuận gan: lá và hạt Chân Bầu dùng phối hợp với nhân trần sau đó dùng làm trà uống hàng ngày giúp nhuận gan.

Tài liệu tham khảo

  1. Đỗ Tất Lợi (2006), Chân Bầu . Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, NXB Y học, Hà Nội, trang 169. Truy cập ngày 27/12/2023.
  2. Đỗ Huy Bích (2006), Trâm Bầu, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, NXB Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội, tập 1, trang 1000. Truy cập ngày 27/12/2023.
  3. Tuyển tập 3033 Cây thuốc đông y, Trâm Bầu , trang 1180. Truy cập ngày 27/12/2023.
Không tìm thấy sản phẩm nào khớp với lựa chọn của bạn.