Không tìm thấy sản phẩm nào khớp với lựa chọn của bạn.

Cẩm Xà Lặc (Mỏ Quạ/Găng Vàng)

Tên khoa học

Tên khoa học Cudrania tricuspidata, họ Dâu tằm (Moraceae).

Tên khác

Cẩm Xà Lặc còn có tên khác là Cây Mỏ Quạ, Xuyên Phá Thạch, Vàng Lồ, Hoàng Lồ, Găng vàng.

Nguồn gốc

  • Cẩm Xà Lặc chủ có nguồn gốc ở các vùng nhiệt đới Châu Á, Australia. Ở Việt Nam Cẩm Xà Lặc là loài cây quen thuộc được phân bố tương đối phổ biến tại các vùng núi thấp có chiều cao < 1000, hay các vùng đồng bằng, trung du. Trên thế giới, Cẩm Xà Lặc được tìm thấy phân bố ở Lào, Thái Lan, Indonesia, Philippine, Campuchia, Quảng Tây , đảo Hải Nam thuộc Trung Quốc, Đông Phi, Australia.
  • Cẩm Xà Lặc là loài cây bụi gai ưa ánh sáng có khả năng chịu hạn mọc rải rác tại các bụi cây ở đồi, ven rừng, đất sau nương rẫy. Ở vùng đồng bằng, Cẩm Xà Lặc thường gặp tại các lùm bụi trong làng. Cây ra hoa quả nhiều hàng năm và có khả năng tái sinh mạnh mẽ nhờ chồi hay hạt. Cây Cẩm Xà Lặc còn được tìm thấy ở các bờ rào quanh nương rẫy.

Đặc điểm thực vật

  • Cẩm Xà Lặc là cây nhỡ có chiều cao 5-10 m. Cành non có lông, phấn trên thân có màu gỉ sắt, cành già có màu xám đen.
  • Lá Cẩm Xà Lặc mọc so le hình bầu dục hay hình trứng dài 5-10cm có gốc tròn rộng 3-5 cm, mép nguyên, đầu thuôn nhọn, mặt dưới của lá có lông trắng nhỏ, mặt trên nhẵn, các lông nhỏ ở mặt dưới lấm tấm những tuyến nhỏ. Lá 3 gân tỏa từ gốc lá, cuống lá có lông màu gỉ sắt, phiến lá tiếp giáp với hai tuyết lá non màu hồng tím, lá kèm sớm rụng.
  • Hoa Cẩm Xà Lặc đơn tính mọc khác gốc, hoa nhỏ, mọc thành bông chùm ở phía đầu cành có lá ở phía dưới, hoa cái có 3 lá đài không đều, bầu có lông hình sao, hoa đực có 3 lá đài có lông phía mặt ngoài, nhị 25.
  • Quả Cẩm Xà Lặc hình cầu, là quả nang, phủ đầy lông, tuyến nhỏ màu đỏ, hạt màu đen, hình trứng.
  • Mùa ra hoa quả vào tháng 3-4 hàng năm.
Mỏ Quạ
Mỏ Quạ

Bộ phận dùng

Tất cả bộ phận của cây Cẩm Xà Lặc đều được dùng làm thuốc, chủ yếu dùng lá tươi, rễ phơi khô.

Thu hái, chế biến

Rễ và vỏ thân Cẩm Xà Lặc đem về rửa sạch đất cắt cắt thành từng mẩu 30-50cm rồi đem sấy hay phơi khô.

Tính vị, quy kinh

Theo Đông y, Cẩm Xà Lặc có vị đắng nhẹ, mùi hăng nồng, tính mát. Vỏ ngoài màu vàng đất các vết cắt màu vàng nhạt nếm sẽ có vị tê tê.

Thành phần hóa học

  • Gỗ thân Cẩm Xà Lặc có chứa chất nhuộm morin hay maclaurin.
  • Vỏ và gỗ Cẩm Xà Lặc chứa curata thon, butyrospermol, acetat, kaempferol, populin, aromadendrin, querectin, taxifolin.
  • Lá Cẩm Xà Lặc có chứa flavonoid.

Tác dụng dược lý

  • Thuốc mỡ được bào chế từ lá Cẩm Xà Lặc và lá sài sũng có tác dụng kháng khuẩn trên mô hình in vitro rất tốt đối với chủng Staphylococcus aureus. Bước đầu tiến hành thăm dò điều trị 6 trường hợp bệnh nhân có độ tuổi 20-75 tuổi bị eczema trong đó có 3 trường hợp bị bệnh năng đều cho thấy tất cả bệnh nhân này đều khỏi hẳn và không có dấu hiệu tái phát sau 4 tháng. Các thành phần coumarin, flavonoid trong lá Cẩm Xà Lặc có tác dụng kháng sinh ở mức độ vừa nhưng lại có tác dụng tăng chức năng thực bào, tăng cường chuyển hóa lympho bào, biểu hiện giãn mạch, choáng phản vệ, cường tim nhẹ. Các tác dụng sinh học này của Cẩm Xà Lặc góp phần giải thích cho hiệu lực làm lành vết thương nhanh chóng của lá Cẩm Xà Lặc.
  • Các hợp chất polyphenol trong lá Cẩm Xà Lặc cũng được sử dụng dưới dạng thuốc mỡ để điều trị các vết loét có mủ, vết thương phần mềm , eczema ở người lớn, loét kẽ ngón chân, đều có kết quả tốt.
  • Một bài thuốc gồm 5 vị thuốc trong đó có chứa lá Cẩm Xà Lặc cũng được dùng trong điều chế thành thuốc bôi tại chỗ giúp điều trị tình trạng tổn thương tử cung, kết quả đạt được tốt. Thuốc có khả năng tạo 1 lớp màng giả ở vết thương cổ tử cung sau 1 ngày lớp màng này sẽ tự bong ra. Kiểm tra các tế bào học cho thấy các tế bào hoại tử thoái hóa niêm mạc cùng các chất dịch âm đạo đóng lại thành các mảng. Thuốc này cũng có tác dụng giảm tiết dịch, chống viêm.
  • Thành phần flavonoid trong lá Cẩm Xà Lặc có hoạt tính hoạt hóa enzym cathepsin rút từ mô gan chuột cống trắng và mỏ với mức độ 191% trong môi trường có casein và ở Ph 4,5-5 có mức hoạt hóa cao hơn so với vitamin C 178%. Khi dùng kết hợp flavonoid trong Cẩm Xà Lặc với vitamin C thì mức hoạt hóa tăng vọt lên 252%. Các chế phẩm khác nhau của lá Cẩm Xà Lặc đều biểu hiện tĩnh hoạt hóa enzym cathepsin đáng kể điều này góp phần biết rõ hơn về cơ chế tiêu mủ nhanh chóng trong các vết thương phần mềm. Flavonoid trong lá Cẩm Xà Lặc có tác dụng ức chế men oxy hóa khử peroxydase và catalase máu chuột cống trắng.
  • Một bài thuốc có lá Cẩm Xà Lặc được áp dụng để điều trị viêm loét cổ tử cung. Thuốc đáp ứng được yêu cầu lâm sàng là thay đổi được pH âm đạo, giúp kháng khuẩn, giảm tiết dịch, giúp mô tái tạo nhanh chóng. Trên 360 bệnh nhân cho thấy kết quả khỏi hoàn toàn là 74,5%, đỡ nhiều là 21,8% và đỡ ít là 4%.
  • Lá Cẩm Xà Lặc được áp dụng trong điều trị vết thương phần mềm dưới 3 dạng: lá tương bỏ hết cọng rửa sạch giã nát và đắp lên vết thương, cao mả cỏ , glycerin mỏ quạ. Trên nghiên cứu 120 bệnh nhân có vết thương phần mềm lâu ngày, nhiễm trùng nặng có kết hợp viêm xương, vết thương hậu môn. Thời gian điều trị là 20-30 ngày thì tỷ lệ khỏi bệnh là 74% nếu kết hợp với phương pháp tây y như nạo thì tỷ lệ khỏi là 93%. Đối với viêm xương hay vết thương lâu ngày thì phải nạo rối đắp lá Cẩm Xà Lặc mới có kết quả.
  • Cao nước Cẩm Xà Lặc có tác dụng ức chế các chủng vi khuẩn gồm trực khuẩn mủ xanh, tụ cầu vàng, trực khuẩn coli, bacillus subtilis, shigelaa flexneri. Ngoài ra cao Cẩm Xà Lặc cũng có tác dụng kích thích phát triển mô hạt trong điều trị bỏng.
  • Jo YH và cộng sự đã chỉ ra rằng prenylated, hai chromon (1-2), flavonoid benzylated, cudracuspiflavanone A, mười bốn flavonoid (3-160) trong mỏ quạ có khả năng ức chế lipase tuyến tụy, điều trị béo phì.
  • Yunfeng Hu và cộng sự đã tiến hành nghiên cứu về một dẫn xuất isoflavonoid -hoạt chất scandenolone được phân lập từ cây Cẩm Xà Lặc cho thấy hoạt tính chống ung thư trong tế bào SK-MEL-28.
  • Vejek K. Baipaj và cộng sự công bố nghiên cứu về flavonoid prenylate đã được chiết xuất từ cây Cẩm Xà Lặc có tác dụng phá hủy màng tế bào vi khuẩn do đó chống lại vi khuẩn bacillus cereus, bacillus sutibis , staphylococus aureus, Gram dương.

Công năng chủ trị

  • Cẩm Xà Lặc được dùng trong đông y với tác dụng thông mạch máu, tan máu tụ, lương huyết, hoạt huyết,chủ trị phong thấp gối đau mỏi, chấn thương sưng đau, phụ nữ kinh bế, hỗ trợ chữa viêm gan, lao phổi,..dùng chữa gân cơ bầm dập ứ máu, chấn thương do đòn ngã.
  • Cẩm Xà Lặc có tính sát trùng, giảm đau, lá được dùng trong chữa lành vết thương phần mềm.
  • Rễ Cẩm Xà Lặc được nhân dân Việt Nam và Trung quốc dùng làm thuốc hoạt huyết khứ phong, phá ứ, bế kinh.
Mỏ Quạ
Mỏ Quạ

Một số bài thuốc có chứa Cẩm Xà Lặc

Điều trị vết thương phần mềm

100-200g Lá Cẩm Xà Lặc tươi, rửa sạch bỏ cuống, giã nhỏ đắp vào vết thương. Mỗi ngày thay băng 1 lần sau 3-5 ngày sẽ thấy đỡ sau đó cứ 2 ngày thay băng 1 lần.

Khứ phong, hoạt huyết, chủ trị bế kinh, phá ứ

10-30g rễ tươi Cẩm Xà Lặc đem sắc uống thường dùng phối hợp với rễ Gai Tầm Xoong, rễ Cà Gai Leo, lá Cây Đa Lông, lá Mã Đề, rễ Lá Lốt.

Chữa vết thương lâu lành

Lá Cẩm Xà Lặc tươi + lá Bòng Bong lấy tỉ lệ bằng nhau đem giã nhỏ và đắp lên vết thương sau 3-4 ngày thay thuốc sau lá Cẩm Xà Lặc + lá Hàn The + lá Bòng Bong tỉ lệ bằng nhau giã nát cứ 3 ngày thay băng 1 lần. Sau 2-3 lần dùng bột chế bằng phấn Cây Cau sao khô 20 g + 16g phấn Cây Chè + 8g Bồ Hóng + 4g Phèn Phi đem rắc lên vết thương rồi để yên cho đóng vảy đến róc thì thôi.

Chữa viêm loét cổ tử cung

Lá Cẩm Xà Lặc + Lá Móng + phèn chua giã nhỏ đắp lên vết loét.

Chữa ho ra máu, lao phổi, khạc ra đờm lẫn máu

Rễ Cẩm Xà Lặc 400 + 30g dây Rung Tíc + Hoàng Liên Ô Rô 20g + Bách Bộ 20g tất cả đem sắc uống.

Chữa kinh giản, lên cơn hàng ngày hay 3-4 ngày/lần

Cây Cẩm Xà Lặc + hạt Cau + Thảo Quả mỗi vị 20g đem sắc uống.

Tài liệu tham khảo

  1. Đỗ Tất Lợi (2006), Mỏ Quạ Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, NXB Y học, Hà Nội, trang 542. Truy cập ngày 15/03/2024.
  2. Đỗ Huy Bích (2006), Mỏ Quạ , Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, NXB Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội, tập 1, trang 684. Truy cập ngày 15/03/2024.
  3. Tuyển tập 3033 Cây thuốc đông y, Mỏ Quạ, trang 280. Truy cập ngày 15/03/2024.
Không tìm thấy sản phẩm nào khớp với lựa chọn của bạn.