Xoắn tinh hoàn: Nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp điều trị

Xuất bản: UTC +7

Cập nhật lần cuối: UTC +7

1xth

Nhathuocngocanh.comXoắn tinh hoàn là một bệnh lý nguy hiểm, là một trong những nguyên gây mất tinh hoàn thường gặp ở nam giới. Cùng Nhà thuốc Ngọc Anh tìm hiểu rõ hơn về xoắn tinh hoàn qua bài viết sau.

Xoắn tinh hoàn là gì?

Hiện tượng tinh hoàn bị xoắn quanh trục của nó gây ra tắc nghẽn và cản trở mạch máu nuôi tinh hoàn, dẫn đến xung huyết, thiếu máu, phù nề và hoại tử tinh hoàn, được gọi là xoắn tinh hoàn. Xoắn tinh hoàn là một bệnh lý cấp cứu ngoại khoa, có thể gặp ở mọi lứa tuổi của nam giới, nhưng chủ yếu gặp độ tuổi thanh thiếu niên từ 12-18 tuổi, thường xuất hiện sau khi ngủ dậy hoặc sau khi chơi thể thao, vận động mạnh.

Nguyên nhân gây ra xoắn tinh hoàn

Nguyên nhân chủ yếu: khi tinh hoàn quay trên thừng tinh để đưa máu từ ổ bụng đến tinh hoàn, nếu tinh hoàn quay tự do thì dòng máu đến tinh hoàn có thể bị chặn lại và gây ra các tổn thương nhanh hơn.

Trường hợp tinh mạc bám cao vào thừng tinh, làm tinh hoàn xoay quanh thừng tinh như quả lắc, được gọi là xoắn trong tinh mạc, thường gặp ở độ tuổi thanh thiếu niên.

Trường hợp dây chằng bìu cố định không hoàn toàn vào vách bìu làm tinh hoàn xoay tự do trong bìu, được gọi là xoắn ngoài tinh mạc, thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

Nguyên nhân khác:

  • Sự phát triển không tương xứng của tinh hoàn và thừng tinh.
  • Sự co cơ bìu.
  • Tinh hoàn phát triển nhanh hơn trong lứa tuổi dậy thì.
  • Hoạt động mạnh hoặc sau chấn thương nhẹ ở tinh hoàn.
  • Di truyền: tiền sử gia đình đã có người bị xoắn tinh hoàn.

Các yếu tố nguy cơ:

  • Thời tiết/ khí hậu: khi thời tiết lạnh, nhiệt độ thay đổi đột ngột có thể xảy ra sự co thắt đột ngột, làm tinh hoàn bị kẹt ở vị trí đó, dẫn đến xoắn tinh hoàn.
  • Tuổi tác: xoắn tinh hoàn có thể gặp ở mọi lứa tuổi, thường xảy ra ở nam giới độ tuổi từ 10-25 tuổi, nhưng hiếm khi xảy ra ở nam giới trên 30 tuổi.
  • Có tiền sử bị xoắn tinh hoàn: khi người bệnh từng bị xoắn tinh hoàn và tự khỏi mà không cần điều trị thì có thể có khả năng bị một lần nữa ở một trong hai tinh hoàn.
5xth
Nguyên nhân dẫn đến xoắn tinh hoàn

Triệu chứng của xoắn tinh hoàn

Người bị xoắn tinh hoàn thường có các triệu chứng và dấu hiệu sau:

  • Đau đột ngột, dữ dội ở 1 bên tinh hoàn.
  • Bìu sưng to và đau có thể lan lên phía trên.
  • Tinh hoàn bị xoắn ở vị trí cao hơn so với bình thường hoặc ở 1 góc bất thường.
  • Rối loạn tiêu hóa: đau bụng, buồn nôn và nôn, đi tiểu thường xuyên.
  • Có thể có rối loạn tiểu tiện như tiểu rắt, tiểu buốt, đi tiểu ra máu.
  • Sốt nhẹ hoặc không sốt.

Các triệu chứng này tương đối giống với triệu chứng của viêm tinh hoàn, viêm tấy, áp xe vùng bìu, viêm mào tinh hoàn,… Chính vì thế, khi gặp phải một trong các triệu chứng trên, người bệnh nên đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và xác định bệnh lý gặp phải, để có biện pháp điều trị thích hợp.

4xth
Xoắn tinh hoàn có triệu chứng ra sao?

Cách chẩn đoán xoắn tinh hoàn

Bác sĩ và các chuyên gia y tế khác có thể chẩn đoán xoắn tinh hoàn dựa vào những cách sau:

Dựa vào những triệu chứng và dấu hiệu lâm sàng của bệnh: đau đột ngột và dữ dội bên tinh hoàn bị xoắn, bìu bên xoắn sưng to và đau, tinh hoàn bị xoắn ở vị trí cao hơn so với bình thường, mất phản xạ da bìu bên bị xoắn (kiểm tra bằng cách kích thích nhẹ mặt trong đùi, nếu bình thường thì tinh hoàn sẽ có lại, nếu phản xạ co không xảy ra thì có thể bị xoắn tinh hoàn).

Dựa vào các xét nghiệm lâm sàng:

  • Siêu âm Doppler màu có thể đánh giá được tình trạng lưu lượng máu đến tinh hoàn, có giá trị trong việc chẩn đoán xoắn tinh hoàn và phân biệt với các bệnh lý khác.
  • Các xét nghiệm khác: chụp X-quang, xét nghiệm nước tiểu hoặc máu để kiểm tra nhiễm trùng (nếu phát hiện ra nhiễm trùng đường tiết niệu thì bác sĩ hoặc các chuyên gia y tế khác có thể yêu cầu nhiều xét nghiệm hơn), quét hạt nhân tinh hoàn bằng cách bơm 1 lượng nhỏ chất phóng xạ vào máu.
6xth
Cách chẩn đoán xoắn tinh hoàn

Biến chứng của xoắn tinh hoàn

Nếu xoắn tinh hoàn không được chữa trị kịp thời thì có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm sau:

  • Hoại tử tinh hoàn: khi bị xoắn tinh hoàn kéo dài thì dòng máu đến tinh hoàn bị ngưng trệ quá lâu sẽ gây ra nhồi huyết tinh hoàn, dẫn đến hoại tử tinh hoàn và có thể phải cắt bỏ tinh hoàn.
  • Thay đổi hormone giới tính: tinh hoàn là nơi sản xuất tinh trùng và các hormone quy định giới tính nam. Do đó, nếu tinh hoàn bị hoại tử thì chức năng này sẽ suy giảm, dẫn đến nguy cơ biến đổi giới tính và gây ra vô sinh là rất cao.
  • Vô sinh: khi xoắn tinh hoàn không được điều trị hoặc điều trị muộn thì hơn 90% là phải cắt bỏ tinh hoàn, khi đó tinh dịch sẽ ít dẫn, dẫn đến khả năng sinh lý kém và mất khả năng sinh con.

Xoắn tinh hoàn là một cấp cứu cần phải tiến hành phẫu thuật sớm để bảo tồn tinh hoàn, do đó bạn nên đi khám sức khỏe định kỳ và phải liên hệ ngay với bác sĩ khi cảm thấy đau ở vùng tinh hoàn, hoặc có các dấu hiệu khác của bệnh, tránh để lâu gây ra những biến chứng nguy hiểm.

3xth
Biến chứng của xoắn tinh hoàn

Phân biệt xoắn tinh hoàn với viêm tinh hoàn – mào tinh hoàn

Triệu chứng của 2 bệnh lý này tương đối giống nhau, nên thường gây khó khăn trong việc chẩn đoán. Tuy nhiên, viêm mào tinh thường triệu chứng đau và sưng ít cấp tính hơn và các tổn thương xuất hiện ở mào tinh hoàn trước tiên. Ngoài ra, viêm mào tinh còn có một số đặc điểm khác với xoắn tinh hoàn như sau:

  Xoắn tinh hoàn Viêm mào tinh
Khởi phát Đột ngột Vài ngày
Vị trí tinh hoàn Bên bị xoắn cao hơn so với bình thường Không thay đổi
Mào tinh hoàn Khó sờ thấy Sờ thấy và nhạy cảm
Sốt Sốt nhẹ hoặc không sốt Ớn lạnh, sốt 39 – 40 độ C
Nâng bìu Cảm giác đau tăng Cảm giác đau giảm
Nôn hoặc buồn nôn Không
Đau Lan lên bụng dọc theo hướng của thừng tinh hoặc lan xuống đùi  

Đau hoặc khó chịu ở bụng dưới hoặc vùng xương chậu

 

Nhiễm khuẩn niệu Không Xuất hiện máu trong tinh dịch.

Chảy dịch hoặc mủ ra từ dương vật.

 

Thông thường, nếu không thể phân biệt xoắn tinh hoàn với viêm mào tinh – mào tinh hoàn bằng chẩn đoán lâm sàng, thì có thể tiến hành chẩn đoán hình ảnh bằng siêu âm doppler.

Cách điều trị xoắn tinh hoàn

Khi nghi ngờ bị xoắn tinh hoàn thì cần phải tiến hành phẫu thuật để tháo xoắn dây thừng tinh, khôi phục nguồn cung cấp máu cho tinh hoàn càng sớm càng tốt.

Trong vòng 6 giờ đầu tiên sau khi có biểu hiện đau là khoảng thời gian vàng để điều trị xoắn tinh hoàn, nếu có biện pháp can thiệp trong thời gian này thì 100% cứu được tinh hoàn.

Nếu tiến hành phẫu thuật trong khoảng từ 6-12 giờ tính từ khi có biểu hiện đau thì chỉ cứu được 50% tinh hoàn, và chỉ còn 20% khi tiến hành phẫu thuật trong khoảng từ 12-24 giờ.

Nếu tiến hành phẫu thuật quá muộn (sau 24 giờ kể từ lúc có biểu hiện đau) thì thường không cứu được và phải cắt bỏ tinh hoàn.

Cách tiến hành mổ xoắn tinh hoàn: đây là một phẫu thuật đơn giản, ít xâm lấn, đầu tiên bác sĩ sẽ rạch da bìu, rồi tiến hành tháo xoắn thừng tinh, sau đó khâu cố định tinh hoàn vào bìu để tránh lặp lại trường hợp tinh hoàn bị xoay (nếu chỉ bị xoắn 1 bên thì có thể cố định luôn bên còn lại để dự phòng xoắn).

Một số biện pháp bảo tồn tinh hoàn trong khi mổ:

  • Ủ ấm tinh hoàn.
  • Nhỏ thuốc tê lên thừng tinh.
  • Rạch mở bao trắng giải áp.

Sau khi tiến hành phẫu thuật thì cần phải có thời gian để vết thương lành lại, bệnh nhân có thể phải dùng thuốc giảm đau trong vài ngày và tránh các hoạt động gắng sức hoặc tập thể dục trong vài tuần. Bệnh nhân có thể trở lại làm việc và đi học trong vài ngày đến 1 tuần sau khi phẫu thuật.

7xth
Phẫu thuật điều trị xoắn tinh hoàn

Cách phòng ngừa xoắn tinh hoàn

Dưới đây là những cách phòng ngừa xoắn tinh hoàn:

Cách phòng ngừa xoắn tinh hoàn tốt nhất là tiến hành phẫu thuật gắn thừng tinh nối với tinh hoàn vào bên trong của bìu ở cả 2 bên để chúng không thể quay tự do được nữa.

Tránh vận động mạnh, va chạm mạnh ở vùng nhạy cảm này, vì có thể xảy ra các tổn thương tinh hoàn.

Sau khi tiến hành phẫu thuật cắt bỏ 1 bên tinh hoàn thì người bệnh nên cân nhắc việc mặc quần bảo hộ khi chơi thể thao hoặc vận động mạnh để bảo vệ tinh hoàn còn lại.

Một số thói quen sinh hoạt giúp hạn chế tiến triển của xoắn tinh hoàn:

  • Tuân thủ đúng theo phác đồ, sự hướng dẫn của bác sĩ trong quá trình điều trị.
  • Trong quá trình điều trị, nếu có thể xuất hiện bất kỳ biểu hiện bất thường nào thì phải liên hệ ngay với bác sĩ để được tư vấn và có biện pháp can thiệp kịp thời.
  • Tái khám định kỳ theo lịch mà bác sĩ đưa ra để được theo dõi tình trạng sức khỏe và tiến triển của bệnh.
  • Tránh tham gia các hoạt động thể chất mạnh, vì có thể xảy ra những va chạm mạnh tác động đến tinh hoàn trong khi vận động, chơi thể thao, làm dây thừng tinh bị xoắn lại.
  • Người bệnh không nên quan hệ tình dục quá sớm sau khi phẫu thuật, tránh tổn thương vùng phẫu thuật.

Một số câu hỏi liên quan

Xoắn tinh hoàn có nguy hiểm không?

Xoắn tinh hoàn là một bệnh lý cấp cứu ngoại khoa, nếu không được được chữa trị và tiến hành phẫu thuật kịp thời sẽ gây ra những biến chứng nguy hiểm, thậm chí phải cắt bỏ tinh hoàn, gây tình trạng vô sinh ở nam giới. Ngay cả khi phát hiện sớm, tinh hoàn được tiến hành điều để bảo tồn thì những chức năng của tinh hoàn vẫn bị ảnh hưởng rất nhiều. Chính vì thế, xoắn tinh hoàn có thể coi là một căn bệnh nguy hiểm ở nam giới, ảnh hưởng đến sinh lý và tâm lý của người bệnh.

2xth
Xoắn tinh hoàn có nguy hiểm không?

Trẻ sơ sinh bị xoắn tinh hoàn có chữa được không?

Nguyên nhân chính xác của trẻ sơ sinh bị xoắn tinh hoàn không được xác định rõ, có thể do chuyển dạ khó, hoặc xảy ra trước khi sinh. Ở trẻ sơ sinh, xoắn tinh hoàn thường xuất hiện dưới dạng khối cứng ở bìu, độ xoắn của thừng tinh cũng khác nhau và không cảm thấy khó chịu vì đau. Do đó, hầu hết trẻ sơ sinh bị xoắn tinh hoàn thường không thể cứu được, cũng có trường hợp có thể cứu được, nhưng rất hiếm và có thể ảnh hưởng đến việc sản xuất nội tiết tố nam sau này.

1xth
Trẻ sơ sinh bị xoắn tinh hoàn có chữa được không?

Có thể tháo xoắn tinh hoàn bằng tay không?

Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể tiến hành tháo xoắn tinh hoàn bằng tay trong khi chờ đợi và kiểm tra lại bằng siêu âm Doppler để đánh giá sự phục hồi và lưu thông của mạch máu đến tinh hoàn. Tuy nhiên, cách này ít được thực hiện, vẫn nên tiến hành phẫu thuật để ngăn ngừa bệnh tái phát tốt nhất.

Có nên điều trị xoắn tinh hoàn tại nhà không?

Xoắn tinh hoàn tiến triển rất nhanh, sau khi có hiện tượng đau tinh hoàn, nếu được can thiệp sớm sau khi chẩn đoán xoắn tinh hoàn thì khả năng bảo tồn được tinh hoàn lên đến 90%. Nhưng nếu để tình trạng xoắn tinh hoàn kéo dài thì khả năng cứu được tinh hoàn sẽ giảm dần, chỉ còn 50% khi kéo dài từ 6-12 giờ và còn 20% khi kéo dài từ 12-24 giờ. Và sau 24 giờ thì khả năng cứu được tinh hoàn rất thấp, kể cả có tiến hành phẫu thuật. Chính vì thế, không nên áp dụng các cách điều trị xoắn tinh hoàn tại nhà, mà phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất khi nghi ngờ bị xoắn tinh hoàn để được chữa trị kịp thời.

Khả năng sinh sản của nam giới sẽ ảnh hưởng như thế nào sau khi mất một bên tinh hoàn?

Khi mất một bên tinh hoàn, thì bên còn lại vẫn có thể hoạt động bình thường, vẫn có khả năng tạo ra tinh trùng và testosterone, do đó khả năng sinh sản và tính năng của nam giới vẫn được duy trì. Nhưng theo các nghiên cứu cho thấy, khoảng ⅓ bệnh nhân sau khi bị xoắn tinh hoàn, số lượng tinh trùng sẽ ít hơn bình thường. Xoắn tinh hoàn cũng có thể tạo ra kháng thể chống tinh trùng, có thể làm tinh trùng thay đổi cách thức hoạt động và di chuyển. Chính vì thế, trường hợp bệnh nhân bị cắt bỏ 1 bên tinh hoàn, thì khả năng sinh con là khoảng 50%.

Bài viết trên là toàn bộ thông tin hữu ích về xoắn tinh hoàn.

Xem thêm:

Liệt dương: Nguyên nhân, phương pháp điều trị

Câu hỏi lâm sàng

Bệnh nhân nam 16 tuổi được đưa đến phòng cấp cứu do đau bụng. 2 giờ trước, bệnh nhân đang chơi một trận bóng vợt thì đột nhiên xuất hiện cơn đau dữ dội, liên tục ở một phần tư bụng dưới phải của bệnh nhân kèm buồn nôn. Bệnh nhân không có chấn thương đến vùng bụng và không có sốt, buồn nôn hay tiêu chảy. Bệnh nhân có các cơn đau tương tự trong 3 tuần qua sau các trận bóng vợt, nhưng những cơn đau tự khỏi nhanh sau khi nghỉ ngơi. Bệnh nhân không có tiền sử có khối ở bẹn hoặc bìu. Bệnh nhân không có bệnh lý mạn và không dùng thuốc. Bệnh nhân có quan hệ tình dục với 1 bạn tình và dùng bao cao su không đều. Nhiệt độ 37.7. Bụng mềm, không ấn đau, không chướng. Có ban đỏ ở bìu và phù; nửa bìu phải có ấn đau. Cơn đau tăng lên khi nâng bìu lên, và bìu không thấu quang. Nguyên nhân nào sau đây nhiều khả năng nhất gây ra triệu chứng ở bệnh nhân?

  1. Viêm mào tinh
  2. Khối thoát vị bẹn nghẹt
  3. Tràn dịch màng tinh nhiễm khuẩn
  4. Tụ máu tinh hoàn
  5. Vỡ tinh hoàn
  6. Xoắn tinh hoàn

Đáp án đúng là B:

Xoắn tinh hoàn
Dịch tễ Phổ biến nhất ở vị thành niên
Triệu chứng lâm sàng Đau bụng, bẹn, bìu

Buồn nôn, nôn

Tinh hoàn nằm ngang với có nâng tinh hoàn lên

Phản xạ bìu mất

Sưng đỏ bìu

Hình ảnh Không có dòng chảy máu vào bìu trên Doppler
Điều trị Phẫu thuật gỡ xoắn và cố định kèm mở đối bên

Gỡ xoắn bằng tay (nếu phẫu thuật cấp cứu chưa có thể)

Bệnh nhân nam vị thành niên có cơn đau bụng nhiều lần và buồn nôn sau hoạt động thể lực gắng sức; Thăm khám nhận thấy bụng bình thường nhưng bìu sưng đỏ, ấn đau. Biểu hiện này gợi ý xoắn tinh hoàn, bệnh xảy ra do giảm cố định của tinh hoàn so với lớp tinh mạc, cho phép tinh tính di động. Thể dục, chấn thương nhẹ hoặc chuyển động lúc ngủ có thể gây xoay tinh hoàn quanh thừng tinh, dẫn đến tắc nghẽn dòng máu và thiếu máu tính hoàn.

Xoắn tinh hoàn xảy ra nhiều nhất ở tuổi vị thành niên do sự phát triển của tinh hoàn ở khi dậy thì. Điển hình, bệnh nhân có đau tinh hoàn dữ dội khởi phát cấp mà không cải thiện khi nâng tinh hoàn (dấu hiệu Prehn âm tính); tuy nhiên, một vài bệnh nhân có đau bụng dưới hoặc bẹn là triệu chứng chủ yếu. Buồn nôn và nôn là phổ biến. Các cơn đau trước đó tự khỏi mà không cần can thiệp (như ở bệnh nhân này) có thể chỉ ra xoắn tinh hoàn cách hồi

Thăm khám nhận thấy điển hình tinh hoàn nâng cao, ấn đau; tư thế nằm ngang của tinh hoàn có thể nhìn thấy được. Bìu thường có ban đỏ kèm sưng. Phản xạ bìu (tác động vào đùi trong gây nâng tinh hoàn) không xuất hiện điển hình. Chẩn đoán được dựa trên lâm sàng, nhưng siêu âm Doppler có thể dùng để xác định. Xoắn tinh hoàn là cấp cứu ngoại khoa và nên được thực hiện trước thăm khám niệu khẩn cấp để gỡ xoắn vì mất chức năng tinh hoàn có thể xảy ra sau ít giờ.

Ý A: Viêm mào tinh cấp có thể gây triệu chứng tương tự ở bệnh nhân có hoạt động tình dục; tuy nhiên, đau (mà tác động đầu tiên tới phía sau tinh hoàn, tại vị trí mào tinh) là không có khả năng xảy ra cách hồi và thường cải thiện với nâng tinh hoàn lên (dấu Prehn dương tính). Khó tiểu và chảy dịch niệu đạo có thể đi kèm.

Ý B: Thoát vị bẹn nghẹt có thể gây đau bìu và sưng, những bệnh nhân thường có tiền sử có khối to dần kèm tăng áp lực ổ bụng (gồng bụng xuống). Cơn đau tăng dần với nâng tinh hoàn lên làm xoắn tinh hoàn nhiều khả năng hơn thoát vị bẹn. Thêm vào đó, thoát vị bẹn nghẹt không xảy ra cách hồi và tự khỏi mà không can thiệp

Ý C: Tràn dịch màng tinh nhiễm khuẩn là rất hiếm nhưng có thể biểu hiện với đau bụng dưới hoặc đau bìu; tuy nhiên, nhiễm khuẩn có nhiều khả năng gây đau tiến triển và sốt liên tục ngược lại với các triệu chứng cách hồi, tái phát như ở bệnh nhân này. Thêm vào đó, trong tràn dịch màng tinh có xuất hiện thấu quang khi ánh sáng đi xuyên qua đến sau da bìu.

Ý D và E: Tụ máu tinh hoàn và vỡ tinh hoàn có thể gây đau điển hình, sưng bìu, và ban đỏ. Tuy nhiên, những bệnh này thường xảy ra trong bệnh cảnh chấn thương đáng kể (đáy bìu), nhưng không được ghi nhận ở trường hợp này.

Mục tiêu học tập: Xoắn linh hoàn biểu hiện có các cơn ngắt quãng đau bụng, bìu, bẹn, mà điển hình không giảm đau khi nâng tinh hoàn lên. Xoắn có thể xảy ra sau thể dục, và bệnh nhân có thể có triệu chứng thoáng qua, tái phát do xoắn cách hồi.

Tài liệu tham khảo

Tác giả Mayo Clinic Staff (Ngày đăng: 04 tháng 04 năm 2020). Testicular torsion, Mayo Clinic. Truy cập ngày 31 tháng 12 năm 2021.

Để lại một bình luận (Quy định duyệt bình luận)

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

The maximum upload file size: 1 MB. You can upload: image. Drop file here