Tìm hiểu quy trình bào chế của phương pháp chia viên

Xuất bản: UTC +7

Cập nhật lần cuối: UTC +7

Nhathuocngocanh.com – Nếu đã quá quen thuộc với các loại thuốc viên tròn thì liệu bạn đã từng thắc mắc nó được bào chế như thế nào chưa? Phương pháp chia viên chính là kỹ thuật bào chế “đời đầu” giúp tạo ra những viên thuốc này. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về phương pháp này.

Viên tròn là gì?

Viên tròn là dạng thuốc rắn, hình cầu, có thể mềm hoặc cứng. Đa số các thuốc viên tròn được dùng đường uống, nhai hoặc ngậm. Các thuốc Đông y được bào chế theo dạng viên tròn còn được gọi là thuốc hoàn.

Viên tròn có khối lượng viên dưới 100 mg được gọi là thuốc hạt granullata. Viên tròn có khối lượng viên trên 500 mg được gọi là đại hoàn hoặc viên hoàn boli.

Phân loại viên tròn

Hiện nay có nhiều cách phân loại viên tròn khác nhau. Viên tròn được phân chia chủ yếu dựa trên ba yếu tố chính là nguồn gốc, tá dược chính trong viên, phương pháp bào chế.

Phân loại viên tròn theo nguồn gốc

Theo nguồn gốc, viên tròn được chia làm hai loại chính là viên tròn tây y và viên tròn đông y (viên hoàn).

  • Viên tròn Tây Y: Là loại thuốc được xây dựng trên các nguyên liệu hóa dược, có khối lượng viên từ 100 đến 500 mg.
  • Viên tròn Đông Y (thuốc hoàn): Là loại thuốc chủ yếu được bào chế từ các nguyên liệu thảo dược, được sử dụng theo các công dụng của y học cổ truyền. Hoàn cứng thường có kích thước nhỏ từ 0.1 đến 0.5 mm, sử dụng đường uống. Hoàn mềm có kích thước lớn hơn hoàn cứng, từ 10 cho đến 20 mm, sử dụng nhai hoặc ngậm.

Trong đó, thuốc hoàn được phân thành nhiều loại theo nhiều cách khác nhau:

Phân loại thuốc hoàn theo tá dược:

  • Viên hồ: viên tròn sử dụng tá dược dính là hồ (tinh bột nếp, gôm…).
  • Viên nước: viên tròn sử dụng tá dược dính là nước, cồn, dịch chiết dược liệu.
  • Viên cao: viên tròn sử dụng tá dược dính là cao thuốc.
  • Viên mật: viên tròn sử dụng tá dược dính là mật ong.
  • Viên sáp: viên tròn sử dụng tá dược dính là sáp ong.

Phân loại thuốc hoàn theo thể chất:

  • Hoàn cứng.
  • Hoàn mềm.
Phương pháp chia viên
Phương pháp chia viên

Phân loại viên tròn theo phương pháp bào chế

Có hai phương pháp chính để bào chế viên tròn là phương pháp bồi và phương pháp chia viên. Phương pháp bồi viên thường được sử dụng làm viên hồ và viên nước. Hiện nay phương pháp chia viên được ứng dụng nhiều hơn trong bào chế. Thích hợp sử dụng để điều chế các viên tròn Tây Y, viên hoàn mềm, viên sáp. Hãy cùng bài viết tìm hiểu về phương pháp chia viên.

baiblogNgocAnh 27
Phân loại viên tròn

Phương pháp chia viên

Định nghĩa

Phương pháp chia viên là phương pháp đầu tiên xuất hiện để tạo ra dạng viên tròn, kỹ thuật bào chế đơn giản, dễ làm, không yêu cầu trang thiết bị máy móc phức tạp.

Nguyên tắc phương pháp chia viên: Tạo hỗn hợp khối bột dẻo từ dược chất và tá dược, sau đó chia nhỏ thành các viên tròn có khối lượng nhất định.

Phương pháp chia viên thường được ứng dụng trong bào chế viên tròn Tây Y, bào chế viên mật, viên sáp và viên hồ.

Xem thêm: Viên nén là gì? Các phương pháp bào chế, Quy trình sản xuất chuẩn

Quy trình bào chế

Tạo hỗn hợp khối dẻo từ dược chất và tá dược

Sử dụng các dược chất, tá dược cùng tá dược dính vừa đủ, trộn đều để tạo hỗn hợp khối bột dẻo (khối bánh viên). Khối bột dẻo cần đạt một số chỉ tiêu nhất định, bao gồm: thể chất dẻo, dai, mịn, sờ không dính tay, không dính vào thành dụng cụ pha chế, các dược chất và tá dược phân bố đồng nhất, khối bột có độ ẩm thích hợp. Khối bột có đạt các chỉ tiêu đã quy định thì mới có thể tiến hành làm viên tròn. Nếu khối bột quá mềm, viên làm thành sẽ dễ bị biến dạng sau quá trình lưu hành, các viên dễ dính chập với nhau và dính vào bao bì cấp 1. Nếu khối bột quá cứng, viên dễ bị nứt vỡ thành bột, làm hư hao nhiều trong quá trình sản xuất.

Một số điểm cần lưu ý trong quá trình tạo khối bột dẻo:

  • Kết hợp dược chất cùng tá dược theo tỷ lệ phù hợp:
  • Với các dược chất thể rắn, ở dạng hạt thô thì nên nghiền mịn trước khi trộn bột kép với các loại tá dược khác. Sau khi trộn đồng đều dược chất cùng tá dược độn (có thể có tá dược rã, tá dược màu…), thêm từ từ tá dược dính và trộn đều đến khi thu được hỗn hợp đồng nhất.
  • Với các dược chất thể lỏng, thêm từ từ dược chất vào hỗn hợp tá dược rắn đã chuẩn bị trước đó, nhào trộn đều đến khi thu được hỗn hợp bột đồng nhất.
  • Sử dụng lực nghiền trộn vừa đủ: Khi phối hợp các dược chất cùng tá dược, cần sử dụng lực cơ học nghiền trộn để khối bột được đồng nhất. Ở quy mô bào chế nhỏ, có thể nghiền trộn khối bột dẻo trong cối sứ. Ở quy mô sản xuất lớn, sử dụng các thiết bị nhào trộn phù hợp, thời gian nhào trộn thường kéo dài từ 30 cho đến 45 phút. Sau đó, khối bột dẻo được để nghỉ trong khoảng 15 đến 30 phút để tăng độ ổn định.
Thiết bị sử dụng trong phương pháp chia viên
Thiết bị sử dụng trong phương pháp chia viên

Chia viên và hoàn chỉnh viên tròn

Sau thời gian nghỉ, khối bột dẻo đã ổn định được các công nhân tiến hành chia thành viên nhỏ trên bàn chia viên (đối với quy mô sản xuất nhỏ) hoặc trên máy chia viên (đối với quy mô sản xuất lớn).

  • Bước 1: Rắc bột trơn trên mặt phẳng chia viên để tránh khối bột bị dính vào thiết bị.
  • Bước 2: Sử dụng thanh lăn (hoặc mặt trên dao cắt) lăn khối bột dẻo thành khối hình trụ dài.
  • Bước 3: Sử dụng dao cắt cắt rời thành từng viên theo khối lượng đã quy định và làm tròn viên trên dao cắt.
  • Bước 4: Tiếp tục xoa viên trên bàn xoa và bao viên bằng một lớp bột mỏng để hoàn chỉnh viên.

Tài liệu tham khảo

Bài giảng bào chế phương pháp chia viên – Đại học Dược Hà Nội.

Xem thêm:

Viên nén phân tán

1 thoughts on “Tìm hiểu quy trình bào chế của phương pháp chia viên

Để lại một bình luận (Quy định duyệt bình luận)

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

The maximum upload file size: 1 MB. You can upload: image. Drop file here