Mỗi người trong chúng ta đều đã từng bị tổn thương gây đau nhức và cũng hầu hết đã một lần nào đó sử dụng thuốc giảm đau. Hiện nay trên thị trường có vô vàn các loại thuốc giảm đau, các dạng bào chế cũng có thể ngày càng trở nên phong phú. Để đưa ra thị trường một dạng thuốc nào đó phải trải qua một quá trình nghiên cứu lâu dài cũng như kiểm nghiệm chất lượng chặt chẽ. Bài viết sau đây, nhà thuốc Ngọc Anh gửi tới bạc đọc những vấn đề liên quan đến việc sản xuất dạng thuốc mỡ Methyl salicylat.
Công thức bào chế thuốc mỡ Methyl salicylat
Thuốc mỡ Methyl salicylat có rất nhiều công thức bào chế khác nhau tuy nhiên trên thử nghiệm không phải loại nào cũng mang lại tác dụng giảm đau kịp thời mà vẫn đảm bảo đặc tính của thuốc mỡ.
Theo khảo sát của các thầy cô có kinh nghiệm trong chuyên ngành bào chế, công thức sau đây đã được sử dụng rộng rãi trong công nghiệp cũng như trên thí nghiệm.
Dược chất
- Methyl salicylat ………………………………10,0g
- Acid salicylic ………………………………… 1,0g
- Long não ……………………………………. 8,0g
- Menthol ……………………………………….1,0g
- Chloralhydrat ………………………………….. 4,0g
Tá dược
- Lanolin ………………………………………… 20,0g
- Vaselin ………………………………………….. 5,1g
- Sáp ong ………………………………………… 5,0g
Đặc điểm, tính chất, tác dụng dược lý các dược chất
Để thiết kế quy trình bào chế bất cứ một dạng thuốc nào đều cần phải chú ý đến một số đặc tính của mỗi thành phần trong công thức như nhiệt độ sôi, nhiệt độ nóng chảy, độ tan trong nước và các dung môi khác, tác dụng dược lý đối với cơ thể….
Methyl salicylat
Nguyên liệu này được tìm thấy trong nhiều sản phẩm tự nhiên, bản chất là este của acid salicylic với công thức phân tử là C8H8O3. Chất này thân dầu nên khó tan trong nước, tan tốt trong các dung môi hữu cơ, nhiệt độ nóng chảy khá thấp là khoảng -9°C, và nhiệt độ sôi cao khoảng 220-224°C, vì thế Methyl salicylat tồn tại ở thể lỏng trong điều kiện thường. Do là este nên dược chất rất dễ bị thủy phân.Cũng như acid acetylsalicylic, methylsalicylic có tác dụng dược lý trên giảm đau, chống viêm từ nhẹ đến trung bình.
Acid salicylic
Bản chất là acid hữu cơ béo, phenolic nên acid salicylic ít tan trong nước ở nhiệt độ thấp, có thể tan 77% trong nước ở 100°C, dễ tan trong ethanol, trong methanol độ tan có thể lên đến 62,48% ở 21°C, độ tan trong aceton gần 40%. Công thức phân tử của acid này là C7H6O3, điểm nóng chảy của nó là 158,6°C, nhiệt độ sôi có thể lên đến 200-211°C, vì vậy ở điều kiện thường Acid salicylic tồn tại dạng rắn. Hợp chất này kém bền, trong không khí hoặc ánh sáng có thể bị oxi hóa. Acid salicylic rất hay được dùng làm tá dược trong các thuốc bôi ngoài da do chúng có tác dụng dược lý làm tróc mạnh lớp sừng trên da, mỏng lớp sừng nên giúp tăng khả năng thấm dược chất vào trong, ngoài ra còn có tác dụng sát khuẩn nhẹ nên giúp làm tăng ổn định dược chất với tác động của vi sinh vật.
Long não
Long não là loại chất hữu cơ có công thức phân tử là C10H16O, thường tồn tại ở dạng tinh thể màu trắng hoặc không màu. Long não rất ít tan trong nước, tan tốt trong ethanol và một số dung môi hữu cơ nhiệt độ nóng chảy khá cao là 179,5°C và điểm sôi là 204°C nên chất tương đối bền với nhiệt. Trong công thức, Long não được xếp vào nhóm thành phần dược chất vì nó có tác dụng trong khử trùng, kháng khuẩn bảo vệ vùng da tổn thương hoặc bảo vệ các chất khác tránh sự phá hủy bởi vi sinh vật.
Menthol
Từ lâu, Menthol hay còn gọi là tinh dầu bạc hà đã được sử dụng làm thơm mát trong các loại kẹo, ngày nay khi kết hợp Menthol và Long não còn cho hiệp đồng tác dụng giúp gây tê, giảm đau, chống viêm. Ngoài ra menthol còn có tác dụng làm ấm nóng vùng da, gây giãn mạch, tăng thấm thuốc qua da hiệu quả. Khi sử dụng menthol trong điều chế thuốc cần quan tâm đến độ tan của nó với nước và các dung môi khác, nhìn chung, ở nhiệt độ thường menthol không tan trong nước, tan tốt trong ethanol và một số dung môi hữu cơ khác. Điểm nóng chảy của menthol ở dạng racemic là 36-38°C, dạng alpha có điểm nóng chảy khoảng 42-45°C, nhiệt độ sôi khoảng 214°C nên ở nhiệt độ thường menthol tồn tại dạng tinh thể màu trắng hoặc không màu trong suốt.
Cloral hydrat
Là một hợp chất hữu cơ tồn tại ở thể rắn, không màu, tan được trong nước và tan tốt trong các dung môi hữu cơ như ethanol, ether, benzen…Điểm nóng chảy của nó khoảng 57°C, điểm sôi ở khoảng 98°C. Dược chất này trước kia sử dụng với tác dụng an thần gây ngủ hoặc thôi miên, nhưng với công thức này thì để tạo hỗn hợp chảy lỏng với long não và menthol, giúp tiêu viêm.
Tương kỵ giữa các dược chất trong công thức
Tương kỵ giữa menthol, long não, cloral hydrat là tương kỵ về mặt vật lý, ở điều kiện thường mỗi chất trên có dạng kết tinh nhưng khi trộn với nhau sẽ tự chảy lỏng nên làm thay đổi trạng thái dược chất từ thể rắn sang chảy lỏng mà không xảy ra tương kỵ hóa học. Khi trộn lẫn các chất này sẽ tự chảy lỏng mà không cần dùng thêm dung môi hoặc nhiệt độ, khắc phục ảnh hưởng của nhiệt đến độ ổn định của thành phần kém bền với nhiệt.
Đặc điểm của hỗn hợp tá dược
Hỗn hợp tá dược gồm Lanolin, Sáp ong, Vaseline, khi phối hợp ba tá dược này với nhau sẽ điều chỉnh được thể chất của thuốc mỡ, không quá cứng, không quá mềm. Đồng thời các tá dược này cũng tạo thành tá dược nhũ hóa giúp giải phóng dược chất nhanh hơn, tăng tính thấm. Để có được các vai trò đó, cần hiểu biết về những tính chất của các tá dược.
Lanolin
Là este của acid béo với alcol thơm nhân steroid (cholesterol), thân dầu nên dễ bị oxi hóa đặc biệt khi hút nước sẽ dễ bị oxi hóa hơn. Lanolin là chất nhũ hóa nên có tác dụng cải thiện bám dính, tính thấm hút nước (có thể hút 200% nước) vừa làm mềm, vừa giữ ẩm cho da.
Sáp ong
Là este của acid béo với alcol béo cao phân tử ( acetyl palmitat). Nó được chia thành hai loại là sáp ong trắng được tẩy màu với đặc tính hơi giòn, dễ vỡ vụn và sáp ong vàng dẻo, quánh, có màu vàng. Sáp ong có vai trò là điều chỉnh thể chất, tạo môi trường dẻo, quánh, độ nhớt cao để ổn định thuốc mỡ.
Vaseline
Vaseline thuộc nhóm hidrocacbon no, có màu trắng hoặc hơi vàng, trong điều kiện phòng thường tồn tại dưới dạng chất bán rắn, thể chất mềm, hay dùng trong bôi trơn, tuy nhiên trong công thức này thì nó có vai trò hòa tan tá dược menthol, long não do chỉ số nước thấp. Vaseline giải phóng dược chất chậm và thấm kém nhưng khả năng nhũ hóa của nó tăng lên khi phối hợp với sáp ong và lanolin.
Việc phối hợp các tá dược này giúp làm tăng sinh khả dụng của thuốc mỡ hơn so với khi chỉ dùng vaseline, hơn nữa nó cũng tăng khả năng giữ ẩm cho vùng da được bôi thuốc.
Cấu trúc hóa lý thuốc mỡ
Cấu trúc hóa lý sẽ quyết định phương pháp bào chế của thuốc mỡ, cách sử dụng, đường dùng, cơ chế giải phóng dược chất…Do dược chất được hòa tan trong tá dược nên thuốc mỡ methyl salicylat có cấu trúc là dung dịch.
Bao bì
Trên thị trường, người ta thường dùng bao bì nhôm hoặc thiếc để đóng gói thuốc mỡ do đặc tính tránh thấm khí tốt nên rất phù hợp khi công thức có hợp chất dễ bay hơi như tinh dầu menthol, long não.
Do acid salicylic kém bền, dễ bị oxi hóa nên dùng bao bì kim loại này có thể tránh ánh sáng ngăn biến đổi dược chất.
Ngoài ra, bao bì nhôm hoặc thiếc còn dễ uốn nắn, gập nếp, khả năng biến dạng cao nên tiện sử dụng.
Tuy nhiệt, khi mùa đông, nhiệt độ thấp, thể chất thuốc mỡ có thể đặc lại, khó lấy, nên có thể dùng bao bì có miệng rộng, không đóng tuýp kim loại để khắc phục hiện tượng này.
Kỹ thuật bào chế
Chuẩn bị dụng cụ thí nghiệm gồm cốc có mỏ, lọ thủy tinh, tuýp nhôm, đũa khuấy và cân đúng khối lượng các chất theo công thức trên sau đó tiến hành bào chế theo quy trình sau:
Mô tả chi tiết:
Tạo hỗn hợp tá dược gồm long não, menthol, cloral hydrat, methyl salicylat trộn đều trong cốc có mở để chúng tương kỵ vật lý và tự chảy lỏng rồi mới cho acid salicylic vào hòa tan thu được cốc 1 chứa dược chất.
Tạo hỗn hợp tá dược bằng cách cho lần lượt các chất lanolin, vaseline, sáp ong vào lọ thủy tinh có nắp rồi đun cách thủy đến đồng nhất.
Hòa tan dược chất trong hỗn hợp tá dược trên, đun cách thủy và lắc đều cho đồng nhất, hạ nhiệt độ xuống gần đông đặc khoảng 40°C rồi đem đi đóng tuýp, dán nhãn.
Các tiêu chuẩn chất lượng
Tùy theo mỗi nhà sản xuất và mỗi cơ sở sẽ sử dụng một công thức có thể giống hoặc khác nhau về lý thuyết nhưng vẫn đảm bảo đúng dạng bào chế, đúng hàm lượng theo yêu cầu. Sự khác biệt được tạo ra là do thay đổi loại tá dược trong công thức hoặc nguồn gốc các tá dược, dược chất hay thay đổi cách tiến hành và mỗi loại này sẽ có một số ưu nhược điểm riêng, nhưng dạng thuốc nào thì vẫn phải đạt được một số yêu cầu nhất định như cảm quan (có thể chất mềm mịn, đồng nhất, không tan chảy ở nhiệt độ thường nhưng có thể bám trên da, niêm mạc,…), không gây ra dị ứng, kích ứng, an toàn với da và niêm mạc, bền vững, ổn định khi bào chế và khi bảo quản có độ đồng đều khối lượng, đồng đều hàm lượng, chỉ tiêu giới hạn vi sinh vật,… đạt yêu cầu dược điển trở lên.
Đặc biệt là phép thử đồng đều khối lượng giữa các lô mẻ sản xuất rất hay được chú ý. Cách thử là dùng 10 tuýp thuốc, cân từng tuýp rồi cân vỏ tuýp đã loại hết thuốc từ đó ta tính được khối lượng thuốc trong mỗi tuýp. Lấy khối lượng này so sánh với khối lượng trên nhãn, do thuốc mỡ methyl salicylat này có khối lượng nhãn lớn hơn 50g nên yêu cầu mỗi tuýp thuốc không được lệch quá 5% khối lượng so với ghi trên nhãn. Để đạt chỉ tiêu đồng đều khối lượng theo tiêu chuẩn dược điển Việt Nam 5 thì phải có không quá 1/10 tuýp vượt quá 5% chênh lệch khối lượng nhãn.
Công dụng, chỉ định, chú ý
Thuốc mỡ methyl salicylat là chế phẩm bôi ngoài da có tác dụng giúp giãn cơ nhờ sức nóng của dược chất nên được chỉ định cho các trường hợp đau nhẹ hoặc trung bình, trong các triệu chứng nhức mỏi cơ, đau cơ, cứng cơ, bong gân, đau khớp, sưng bầm…
Chú ý thuốc có tác dụng điều trị triệu chứng đau mỏi hoặc cơn đau không rõ nguyên nhân,thuốc này chỉ nên dùng trong một thời gian ngắn để tránh tác dụng phụ gây xung huyết da, tổn thương niêm mạc, tuyệt đối không bôi lên vết thương hở.
Cần lưu ý khi sử dụng với trẻ em dưới 2 tuổi vì long não gây kích thích thần kinh trung ương, co giật, menthol có thể gây suy hô hấp ở trẻ.
Menthol có tác dụng giãn mạch, xáo trộn lớp sừng dưới da, làm nóng vùng da mà da trẻ em mỏng nên dễ gây dị ứng, nóng rát da nên phải thật sự cẩn trọng và cân nhắc lợi ích, nguy cơ khi dùng thuốc trên bệnh nhân này.
Tài liệu tham khảo
Dược điển Việt Nam V
Xem thêm: Siro đơn là gì? Phương pháp điều chế siro đơn và phối hợp dược chất