Tác giả: Lina Triana
Biên dịch: Thạc sĩ – Bác sĩ Nguyễn Đình Trung
nhathuocngocanh.com – Bài viết Tạo hình vùng mu: Mô tả kỹ thuật, chăm sóc hậu phẫu, phòng biến chứng được trích trong chương 10 trong sách Phẫu thuật tạo hình và thẩm mỹ vùng kín phụ nữ
Đồ sộ hay thon gọn: Đâu mới là lựa chọn tốt?
Trong kỷ nguyên của thông tin và công nghệ, quan niệm về thẩm mỹ của con người cũng thay đổi. Thông qua các ấn phẩm truyền thông, chúng ta dần chấp nhận những loại hình nghệ thuật trừu tượng, ‘thiếu vải,’ thậm chí là những loạt ảnh khỏa thân nghệ thuật…và phụ nữ dần trở thành tâm điểm để những nghệ sĩ thỏa sức khai thác những nét đẹp tiềm ẩn. Họ luôn trăn trở, đâu mới thực sự là biểu tượng nghệ thuật của phái nữ, nơi mà mang cả nét kín đáo nhưng cũng gợi cảm. Và cuối cùng, sau bao cuộc tranh luận, vùng mu vẫn được họ đồng thuận là ứng cử viên sáng giá nhất.
Ngày nay chúng ta có nhiều lựa chọn hơn cho các liệu trình trẻ hóa vùng kín, nhưng dường như chỉ có môi âm hộ và âm đạo là được quan tâm nhiều. Hầu như không có ai quan tâm tới vùng mu của mình cả; nhưng sự thật đây lại là 1 khu vực quan trọng không chỉ đối với thẩm mỹ mà còn giúp chúng ta có 1 cuộc sống tình dục lành mạnh.
Hiện nay xu hướng cắt tỉa, thậm chí là wax lông mu thường xuyên dần trở nên phổ biến. Khi áp dụng các phương pháp như waxing hoặc laser để triệt lông, vùng lông này sẽ được tiếp xúc với nhiệt, nhưng điều này lại đồng thời làm tan các mô mỡ dưới da, ảnh hưởng xấu tới thẩm mỹ vùng kín. Hơn nữa, khi quan hệ tình dục, vùng mu là khu vực chịu lực; do đó, chúng cần phải có lớp mỡ đệm ở dưới để tránh tổn thương các tạng phía trong nó. Nên có thể thấy việc wax lông thường xuyên sẽ làm vùng da mu bị tổn thương, bị chùng và có thể xệ hẳn xuống dưới, gây mất thẩm mỹ đồng thời gây đau trong khi quan hệ tình dục.
Một lý do khác nữa khiến vùng da mu bị chùng là do bệnh nhân giảm cân quá nhanh – dẫn tới vùng da trên toàn bộ cơ thể, đặc biệt là vùng mu (vì chủ yếu là lớp da và mô mỡ dưới da) bị lỏng lẻo, thậm chí là xệ xuống dưới, làm ảnh hưởng lớn tới sinh hoạt và đời sống tình dục của họ.
Giải phẫu
Vùng mu là cấu trúc giải phẫu nằm trước xương mu, và đôi khi chúng được gọi là gò mu. Về đặc điểm, vùng này chứa một lượng mỡ tương đối quan trọng, chúng không chỉ giúp tạo ra 1 đường cong mịn màng và hấp dẫn, mà còn đóng vai trò bảo vệ xương mu và các tạng phía trong tránh khỏi tác động của lực ép trong khi quan hệ tình dục.
Còn trên đó là phần da. Da ở gò mu tiếp tục chạy xuống dưới để hình thành môi lớn – giải phẫu cấu trúc đã được đề cập ở chương trước.
Ở những phụ nữ sinh mổ, sau phẫu thuật thường để lại 1 vết sẹo ngay trên gò mu chạy ngang dài trung bình khoảng 10cm.
Mặc dù đã là đường mổ thẩm mỹ, nhưng cơ bản vết sẹo đôi lúc vẫn lộ ra khiến bệnh nhân không được tự tin.
Phụ nữ cúng có thể cảm thấy không hài lòng với vùng mu của mình sau phẫu thuật tạo hình thành bụng. Vì ở những trường hợp da bụng bị co kéo, sẽ kéo theo vùng mu lên phía trên, làm giãn các lỗ chân lông và đưa các cấu trúc giải phẫu khác bao gồm môi lớn, môi bé và đôi khi cả âm vật lên trên cao hơn binh thường; điều này làm bệnh nhân không thoải mái khi mặc quần áo bó hoặc khi quan hệ.
Những trường hợp kể trên đều cần được lưu ý, hỏi khám thật kỹ để tìm ra mấu chốt vấn đề trước khi thực hiện chỉnh hình vùng mu.
Đánh giá
Điều quan trọng là lắng nghe bệnh nhân của bạn để tìm ra vấn đề thực sự họ đang gặp phải, từ đó đưa ra phương án điều trị phù hợp.
Thông thường, khi bệnh nhân không hài lòng với vùng mu của mình, họ cũng sẽ gặp các vấn đề ở vùng môi lớn, nên chú ý hỏi họ 1 cách khéo léo vấn đề ở cả 2 khu vực này để có thể đưa ra các trị liệu phối hợp; ví dụ như tạo hình mu + giảm môi lâm hộ hoặc tạo hình mu + làm đầy môi lớn.
Tiếp cận vấn đề
Những vấn đề bệnh nhân có thể phàn nàn với Bs:
- “Tôi thực sự cảm thấy không thoải mái khi mặc quần áo bó vì phần dưới hay bị lộ ra, khiến tôi không còn tự tin khi đi tập nữa”
- “Điều đáng buồn là tôi không dám đi bơi nữa vì mỗi lần mặc đồ tắm, mọi thứ ở dưới dường như đang hiển hiện trước mắt mọi người”
- “Vấn đề này thực sự đã hạn chế sự tự tin của tôi rất nhiều. Giờ tôi chỉ có thể mặc quần áo rộng để che đi khuyết điểm vùng dưới eo. Thật đáng buồn khi không được mặc những gì mình thích”
- Phần da vùng mu bị chùng, nhão:
- “Thật khó chịu mỗi khi đứng lên, phần da thừa cứ như đang muốn kéo tôi xuống”
- “Tôi thật không muốn nhìn xuống dưới đó một chút nào cả, trông chúng thật nhắn nheo, xấu xí. Liệu Bs có thể giúp tôi không?”
- “Sau nhiều năm waxing thường xuyên, vùng da chỗ đó của tôi ngày càng lỏng lẻo thì phải?”
- “Sau 1 liệu trình giảm cân hiệu quả, vùng kín của tôi trông không được căng đầy như trước nữa”
- “Mỗi khi tôi đứng lên, nhìn mình qua gương, điều duy nhất không hài lòng có lẽ là vùng kín đó, liệu tôi có thể làm gì để cải thiện chúng không?”
Vẻ ngoài không tự nhiên:
- “Sau cuộc mổ đẻ, thứ để lại trên vùng da mu là 1 đường sẹo quá lớn, tôi thực sự thấy không ưng ý lắm với vẻ ngoài đó”
- Tôi không nghĩ sau những đau đớn phải chịu đựng khi sinh mổ, tôi còn phải chấp nhận có 1 vết sẹo gớm ghiếc ở vùng bụng dưới của mình!”
- “Tôi không biết phải làm sao, nhưng sau cuộc phẫu thuật tái tạo thành bụng, trông phần dưới đó thật buồn cười!”
- “Tôi nghĩ bác sĩ đã kéo căng vùng da bụng của tôi quá nhiều khi tái tạo thành bụng cho tôi, nên giờ mọi thứ cứ như bị nâng cao lên vậy, trông thật nực cười!”
Cảm giác không thoải mái và/hoặc đau đớn:
- “Tôi đã từng thực hiện tái tạo thành bụng sau nhiều năm điều trị béo phì không hiệu quả. Nhưng sau đó tôi cảm giác như vùng kín đang bị nâng cao lên, khiến chúng cứ cọ sát vào quần áo, làm tôi rất bực mình!”
- “Tôi thường lo sợ trước mỗi lần quan hệ, dường như vùng bụng dưới của tôi có vấn đề khiến mỗi lần ‘hành sự’, tôi như bị ai đánh vào vùng đó vậy!”
Đánh giá triệu chứng
Đầu tiên, luôn phải nhắc lại, là hãy nhìn nhận thật chân thực vấn đề của bệnh nhân; là da thừa/da chùng hay mô mỡ thừa, là vẻ ngoài không tự nhiên hay do mô mỡ dưới da quá ít?
Kế hoạch điều trị sẽ được quyết định dựa trên ý kiến chuyên môn của Bs cũng như mong muốn của bệnh nhân. Phụ nữ thường lo sợ rằng sau các liệu trình điều trị như giảm cân hay tạo hình thành bụng, họ phải chịu những hệ quả để lại, và trong đó có những vấn đề ở vùng mu đã liệt kê phía trên. Một số thì lại yêu cầu chúng tôi phải tạo hình lại vùng mu trong khi hiện trạng của họ thì chưa cần thiết phải điều trị ngay. Số khác thì muốn ‘cố định’ lại vùng mu (khi chúng quá lỏng lẻo), nhưng số khác thì lại ngại phẫu thuật…Do đó, có thể thấy để đưa ra được 1 phương pháp điều trị tối ưu thực sự phức tạp đến nhường nào.
Về cơ bản, chúng tôi chia bệnh nhân thành 5 nhóm:
- Da chùng + vùng mu xệ xuống dưới (1)
- Gò mu không đầy đặn (2)
- Vùng mu lớn (mô mỡ dưới da nhiều) (3)
- Những bệnh nhân gặp phải hệ quả của các cuộc phẫu thuật trước đó ở vùng lân cận (4)
- Cố định/tái tạo vùng mu (5)
Ưu nhược điểm của kỹ thuật đối với từng nhóm bệnh nhân
Nhóm bệnh nhân (1)
Ưu điểm
- Lý tưởng khi xuất hiện vùng da thừa và/hoặc xệ xuống phía dưới
- Lý tưởng với những bệnh nhân đã từng sinh mổ (để lại sẹo)
Nhược điểm
Bệnh nhân sau khi giảm cân nhưng đồng thời môi lớn cũng xuất hiện vùng da chùng/chảy xệ thì phải cần lập kế hoạch cẩn thận, nhằm ngăn ngừa tình trạng co kéo quá mức sau khi phẫu thuật, gây dị tật sinh dục thứ phát, giảm tính thẩm mỹ vùng âm hộ.
Sau phẫu thuật có thể để lại vết sẹo ngang ở giữa gò mu và vùng bụng dưới
Nếu cắt đi quá nhiều tổ chức, bệnh nhân có thể có cảm giác co kéo sau phẫu thuật, gây khó chịu trong sinh hoạt hàng ngày cũng như sinh hoạt tình dục.
Một nhược điểm khác khi loại bỏ quá nhiều tổ chức là tình trạng kích thích liên tục mỗi khi âm vật ma sát với quần áo, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động thường ngày.
Cần kết hợp thêm các liệu pháp khác như filler.
Nhóm bệnh nhân (2)
Ưu điểm
Có thể là lựa chọn tốt khi lượng da lỏng lẻo ở mức độ ít hoặc trung bình, lúc này áp dụng các pp trên sẽ không để lại sẹo.
Dễ thực hiện, có thể giải quyết tình trạng đau khi quan hệ tình dục sau khi làm thủ thuật này.
Nhược điểm
Kỹ thuật này yêu cầu Bs phải thảo luận kỹ với bệnh nhân trước khi thực hiện. Nếu làm đầy quá mức, có thể khiến vùng mu trông mất cân đối.
Sau thủ thuật làm đầy có thể xuất hiện u mỡ, có thể gây đau khi quan hệ tình dục do cọ sát thường xuyên.
Cần phải hút mỡ vùng khác (có nguy cơ nhiễm khuẩn)
Nhóm bệnh nhân (3)
Ưu điểm
- Dễ thực hiện, bệnh nhân có thể có vẻ ngoài đầy đặn sau thủ thuật.
Nhược điểm
- Phải giải thích kỹ rằng nếu họ có cấu trúc xương mu lồi ra ngoài hơn so với bình thường hoặc mô lympho phong phú ở vùng này thì việc hút mỡ ở vùng mu đơn thuần không thể đem lại kết quả như mong muốn.
- Nếu loại bỏ quá nhiều mô mỡ dưới da, có thể làm vùng da đó trở nên lỏng lẻo, bị chùng hoặc xệ.
- Sau liệu trình hút mỡ, bệnh nhân có thể bị đau hoặc cảm giác tức ở vùng mu.
Xét nghiệm tiền phẫu
- Công thức máu
- PT và aPTT
- Creatinin
- Xét nghiệm chuyên biệt khác, tùy theo bệnh lý kết hợp
- Sinh hóa nước tiểu
- Phết tế bào âm đạo.
Lên kế hoạch phẫu thuật
Vô cảm
Gây mê toàn thân được tác giả lựa chọn nếu phải thực hiện thủ thuật cố định/tái tạo vùng mu.
Gây tê tại chỗ đơn thuần là chưa đủ nếu muốn thực hiện hút mỡ hoặc tiêm filler.
Mô tả kỹ thuật
Vô cảm
Thông tin quan trọng
PHẢI đánh dấu vùng phẫu thuật trước khi vô cảm.
- Tê cục bộ hoặc mê toàn thân
Tê cục bộ
Hãy đánh dấu vùng phẫu thuật trước khi gây tê cục bộ vì sau tê, các mốc giải phẫu có thể thay đổi, dẫn tới đường cắt không đúng như dự tính.
Gây mê toàn thân
Tác giả khuyến nghị gây mê toàn thân khi thực hiện chỉnh hình gò mu
Cố định/tái tạo vùng mu (loại bỏ vùng da thừa)
Thông tin quan trọngĐảm bảo không loại bỏ quá nhiều da vùng mu để tránh tình trạng kéo âm hộ lên quá cao, gây kích thích mỗi khi âm vật cọ sát với quần áo.Những điểm cần chú ý
- Đầu tiên để bệnh nhân ngồi, sau đó đánh dấu các nếp gấp da (theo tự nhiên) ở vùng bụng dưới.
- Sau đó đánh dấu khu vực cần cắt bỏ hoặc cố định trong tư thế bệnh nhân đứng.
Nếu bệnh nhân có phần mô mỡ dưới da cũng dư thừa, hãy lên kế hoạch hút mỡ tại khu vực đó luôn; nếu không thì có thể không hút nhưng khi cắt bỏ thì đi sâu xuống các lớp da phía dưới.
Cắt phần da đã được đánh dấu, mép vết cắt hơi vát ra ngoài (để đảm bảo nếp da lộn ra ngoài sau khi cắt)
Nếu bệnh nhân có nhiều mô mỡ thừa, thì nên cắt bỏ cả phần lớp da nông và sâu; nhưng ngược lại thì có thể giữ lớp mô phía dưới để tránh các hệ quả xấu sau phẫu thuật.
Nếu xác định phải cắt 1 lượng tổ chức tương đối lớn thì chỉ nên lóc tách các lớp nông của da và tổ chức dưới da để tránh co kéo vết mổ sau khi khâu nối và nguy cơ để lại sẹo phì đại sau phẫu thuật.
Để giảm khoảng chết dưới đường khâu, cần thêm 1 số mũi khâu hỗ trợ các lớp cân bằng chỉ Vicryl 0 (tự tiêu) hoặc chỉ không tiêu khác mà bạn có.
Cuối cùng, đóng vết mổ. Chắc chắn phải có ít nhất 2 lớp chỉ khâu ở dưới da.
Có thể đặt dẫn lưu nếu dự tính lấy nhiều tổ chức da và dưới da (Hình 10.1)
Loại bỏ lớp mỡ dưới da
Vùng mu được cấu tạo chủ yếu bởi da và mô mỡ dưới da, nên trong những trường hợp vùng mu tích tụ quá nhiều mỡ, có thể thực hiện các liệu pháp hút mỡ để tạo hình cho cân đối.
Nếu lượng mỡ dưới da nhiều, có thể thực hiện thủ thuật hút mỡ như ở các vùng khác. Đầu tiên pha 10000 ml NaCl 0.9% với 2ml adrenaline (2 ống), trộn hỗn dịch với xylocaine và tiêm vào vùng gò mu 1 lượng vừa đủ. Sau đó thực hiện thủ thuật hút mỡ thường quy.
Sau khi hút mỡ, chú ý phải massage vùng mu thường xuyên (ít nhất 8 lần) để tăng cường tuần hoàn bạch huyết, giảm sưng nề và đồng thời giảm đau sau phẫu thuật. Không nên mặc quần áo bó sau phẫu thuật 1 thời gian (vài tuần).
Nếu bệnh nhân có ‘vẻ ngoài’ không đầy đặn, nên thực hiện các thủ thuật tiêm chất làm đầy (lipofilling). Lượng mỡ này được lấy từ vùng quanh rốn với 1 canuyn 3.0 hoặc 2.0. Chú ý sau khi hút mỡ không cần rửa, sàng lọc hay ly tâm mà chỉ cần để lắng và gạn đi phần nước cũng như dầu nổi trên bề mặt. Sau đó tiêm phần còn lại vào vùng mu bằng canuyn cỡ 1.8 dùng 1 lần. Do luôn có tình trạng hấp thu, phân bố lại tổ chức mỡ nên thường Bs sẽ tiêm hơn mức dự định 1 chút để cân chỉnh là vừa.
Chăm sóc hậu phẫu
- Nếu thực hiện filler thì nên dùng kháng sinh; nếu không thì chỉ dùng các loại kháng sinh dự phòng cơ bản.
- Sử dụng thuốc giảm đau đường uống sau thủ thuật/phẫu thuật.
- Bệnh nhân phải mặc đồ lót chất liệu 100% cotton trong vòng 8 ngày đầu sau phẫu thuật, không nên mặc quần áo bó sát.
- Khuyên bệnh nhân nên massage thường xuyên sau thủ thuật hút mỡ để tránh phù nề tổ chức.
- Sau các thủ thuật có rạch da, có thể tập thể dục và quan hệ lại sau 1 tháng. Nếu chỉ hút mỡ đơn thuần thì sau 2 tuần có thể sinh hoạt lại như thường.
Phòng tránh biến chứng
Giải thích kỹ với bệnh nhân:
- Thủ thuật có thể để lại sẹo.
- Sau phẫu thuật cố định/tái tạo vùng mu, có thể thể lại sẹo/sẹo phì đại vì đây là đường sẹo chịu lực (lực kéo từ phần còn lại của tổ chức da, dưới da). Dưới tác động của các hoạt động sinh hoạt hàng ngày cũng như tình dục, thúc đẩy mô liên kết phát triển, dẫn tới sẹo phì đại.
- Nếu lượng da thừa quá nhiều, không thể giải quyết hết được trong 1 lần phẫu thuật. Bs nên chú ý để lại 1 phần để tránh tình trạng sẹo co kéo, vô tình kéo phần âm hộ lên cao gây ảnh hưởng xấu tới thẩm mỹ.
- Cố định/tái tạo vùng mu rất dễ xảy ra tình trạng mép vết mổ lộn vào trong, gây mất thẩm mỹ, nên chú ý phải có ít nhất 2 lớp khâu phía dưới da để mép vết mổ có thể lộn ra ngoài.
Đánh dấu vùng phẫu thuật:
- Luôn luôn đánh dấu trước khi gây tê.
- Dự tính vị trí sẹo mổ (nếu có) khi bệnh nhân ở tư thế ngồi sao cho chúng bị che bởi các nếp da, sau đó yêu cầu bệnh nhân đứng dậy, đánh dấu đường mổ vừa dự tính.
Vô cảm:
- Không được vô cảm trước khi đánh dấu vùng phẫu thuật
- Không được cắt bỏ quá nhiều tổ chức
- Khi thực hiện nghiệm pháp véo da, Bs phải dự tính được lượng mô cắt bỏ để vùng âm hộ không bị kéo cao lên sau khi phẫu thuật.
Chú ý khi khâu:
- Chú ý mép vết mổ phải lộn ra ngoài (hoặc sát nhau thì càng tốt), phải dùng ít nhất 2 lớp chỉ khâu các tổ chức dưới da và các lớp cân để đảm bảo giảm thiểu tối đa khoảng chết.
Biến chứng
Cắt quá nhiều
Không được cắt tổ chức quá nhiều vì những lo ngại về tình trạng sẹo co kéo có thể vô tình kéo vùng âm hộ lên cao, gây mất thẩm mỹ và khó chịu cho bệnh nhân.
Sẹo
- Nếu vì 1 lý do nào đó không thể khâu nối các lớp da, tổ chức cân thì nên để mép vết mổ lộn ra ngoài hoặc siết chỉ để tạo đường gồ lên, tránh tình trạng sẹo lõm sau phẫu thuật.
- Khi cắt quá nhiều, đóng vết mổ lại sẽ làm căng giãn vùng da và tổ chức dưới da quá độ. Bs có thể giải quyết bằng cách chỉ cắt bỏ những phần da và tổ chức nông dưới da; đồng thời không lấy bỏ quá nhiều tổ chức ở phía dưới để tránh khi khâu nối, âm hộ có thể bị kéo lên cao.
- Chú ý các nếp tự nhiên để khi ngồi, các nếp này có thể che đi vết mổ. Và 1 điều cực kỳ quan trọng là phải vạch ra đường mổ khi bệnh nhân ở tư thế đứng. Vì khi ngồi, tổ chức dồn lại, nếu vẫn vẽ đường mổ như vậy có thể làm căng đường mổ khi bệnh nhân đứng, làm tăng nguy cơ sẹo lớn, sẹo phì đại.
- Quá trình liền vết mổ có thể lâu hơn so với các thủ thuật khác, nên trong 6 tháng sau phẫu thuật, bệnh nhân vẫn có thể nhìn thấy chúng. Tuy nhiên điều này không đáng lo ngại.
U mỡ
- Nếu lượng mỡ được đưa vào vùng mu quá nhiều, có thể xuất hiện u mỡ. Bệnh nhân có thể cảm giác thấy chúng (và sẽ không hài lỏng) nhưng khi khám thì không sờ thấy. Nên giải thích cho họ yên tâm.
- Nếu có u mỡ đơn thuần, có thể khuyên họ nên massage thường xuyên vùng mu.
- Nếu u mỡ gây đau hoặc khó chịu, có thể véo chúng lên và tiêm vào khối u một lượng steroid (như betamethasone) vừa đủ để hi vọng chúng sẽ thoái biến. Nếu không hiệu quả có thể phẫu thuật cắt bỏ, nhưng chỉ thực hiện khi các pp trên không hiệu quả.
Không cân đối hai bên
Vì không thể tính toán được lượng mỡ hấp thu sau khi filler, nên khi tiêm cần tiêm nhiều hơn 1 chút so với lượng dự tính để chúng có thể hấp thu dần là vừa. Giải thích kỹ cho bệnh nhân rằng, lượng mỡ này có thể bị hấp thu mất ½ sau phẫu thuật, nên nếu cần thì vẫn phải điều trị bổ trợ thêm 1 liệu trình filler nữa.
Nhiễm khuẩn
Nhiễm khuẩn thường xảy ra thứ phát sau can thiệp phẫu thuật hoặc do hoại tử mỡ. Khi quá nhiều mỡ được sử dụng để làm đầy thì khả năng thiếu máu nuôi là rất cao, sẽ dẫn đến hoại tử sớm sau phẫu thuật.