Công thức và phương pháp bào chế dung dịch tiêm Natri diclofenac

Xuất bản: UTC +7

Cập nhật lần cuối: UTC +7

Natri diclofenac là một chất chống viêm, giảm đau, hạ sốt không steroid đã và đang được sử dụng nhiều trên thị trường để phòng một số bệnh đau cấp, viêm nặng, đau sau phẫu thuật, hoạt chất này có nhiều dạng bào chế khác nhau như dạng thuốc mỡ, emugel, dạng nén, dạng dung dịch tiêm… Mỗi dạng bào chế lại có tác dụng với từng trường hợp cụ thể, vì thế cần dựa vào đặc điểm của mỗi bệnh nhân để lựa chọn loại thuốc cho phù hợp. Bài viết này, nhà thuốc Ngọc Anh sẽ giới thiệu cho các bạn đọc biết thêm về công thức cũng như kĩ thuật bào chế dung dịch tiêm natri diclofenac.

Công thức bào chế

Dung dịch tiêm natri diclofenac hiện có nhiều công thức bào chế khác nhau nhưng công thức dưới đây đã được nghiên cứu bởi các chuyên gia bào chế nhiều kinh nghiệm và được sử dụng rộng rãi trong qui mô phòng thí nghiệm cũng như qui mô công nghiệp:

Công thức: ( hàm lượng 37,5 mg/ml, ống 2 ml)

  • Natri diclofenac  …………………………..… 3,75 g
  • Natri dithionit  …………………………………0,40 g
  • Dinatri edetat  ….…………………..………..0, 04  g
  • Propylen glycol ……………………………… 30 ml
  • Ethanol tuyệt đối ……..…………………….10 ml
  • Alcol benzylic  ………………………………….2 ml
  • Nước cất pha tiêm vừa đủ ……………… 100 ml

Đặc điểm tính chất, tác dụng của mỗi thành phần

Khi tiến hành nghiên cứu bất kỳ công thức bào chế nào cũng cần tìm hiểu và lựa chọn dược chất cũng như tá dược một cách kĩ càng để tránh xảy ra các tương tác không mong muốn.

Natri diclofenac

Natri diclofenac là dạng muối của kim loại kiềm, có tính chất là bột kết tinh màu trắng hay vàng, với khả năng dễ tan trong cồn như methanol, ethanol, hơi tan trong nước và không tan trong dung môi hữu cơ, có khả năng hút ẩm nhẹ.

Natri diclofenac đóng vai trò là dược chất trong công thức, thể hiện tác dụng dược lí của thuốc, đó là chống viêm, giảm đau, hạ sốt không steroid, dùng để điều trị các cơn đau cấpvà nặng như viêm xương khớp, viêm khớp dạng thấp,  cơn gout cấp, viêm và sưng sau chấn thương, đau sau phẫu thuật.

Natri dithionit

Natri dithionit là một chất chống oxi hoá tan trong nước.

Một chất có thể có nhiều lý do gây ra sự oxi hoá, ví dụ như tự oxy hoá, xảy ra theo phản ứng chuỗi, do một lượng oxy nhỏ hoặc do gốc tự do, vết kim loại nặng, do nhiệt độ cao khi tiệt khuẩn, do pH, hay tia tử ngoại…. Đặc biệt là với thuốc tiêm dung dịch, thì tốc độ oxi hoá càng tăng khi các phân tử dược chất được hoà tan trong dung dịch, điều đó dẫn đến giảm hàm lượng dược chất trong thuốc, làm giảm tác dụng điều trị. Vì vậy cần áp dụng một số biện pháp để chống hiện tượng oxy hoá của dược chất.

Trong công thức dung dịch thuốc tiêm trên, người bào chế đã sử dụng Natri dithionite, là chất khử có thế oxy hoá thấp hơn so với thế oxy hoá của dược chất, nên chúng sẽ bị oxy hoá trước Natri diclofenac. Ngoài ra, đây còn là bẫy oxy tự do vì bị oxy hoá bởi oxy có mặt trong chế phẩm.

Dinatri edetat

Đây là chất hiệp đồng chống oxi hoá tan trong nước, có tác dụng khoá các vết ion kim loại dưới dạng phức, làm mất tác dụng xúc tác của ion kim loại trong các phản ứng oxi hoá dược chất.

Trong công thức trên, kết hợp 2 chất chống oxy hoá là Natri dithionit và natri edetat để tăng hiệu quả chống oxy hoá cho thuốc.

Propylen glycol và ethanol tuyệt đối

Khi sử dụng dung môi đồng tan cho thuốc tiêm thì cần lưu ý 1 số điểm như sau: thứ nhất là về độ hoà tan, khi độ hoà tan của dược chất trong nước không đạt nồng độ yêu cầu thì dung môi đồng tan được sử dụng để giảm sức căng bề mặt của nước, đồng thời giảm độ phân cực của hỗn hợp dung môi nên tăng độ tan của dược chất ít tan. Thứ hai về độ ổn định, dung môi đồng tan sẽ hạn chế được lượng nước trong công thức nên giảm quá trình thuỷ phân, để có hiệu quả thì dung môi đồng tan nên loại khí oxi hoà tan như nước. Tiếp theo là vấn đề về tính an toàn, 1 số dung môi có thể gây phá huyết và độc với cơ khi dùng ở nồng độ và lượng lớn, đặc biệt cần lưu ý với hiện tượng sau khi pha loãng với dịch truyền hoặc máu , dược chất có thể bị tủa lại gây nguy hiểm cho người bệnh. Cuối cùng là về sinh khả dụng, có thể khi dùng dung môi đồng tan với nước sẽ gây kéo dài quá trình hoà tan và hấp thu dược chất do khi tiêm bắp tỷ lệ dung môi bị pha loãng nên gây tủa mịn dược chất, khi đó cần được hoà tan trở lại trước khi hấp thu.

Propylen glycol và ethanol tuyệt đối là hai dung môi đồng tan với nước, được sử dụng trong công thức trên với mục địch làm tăng độ ổn định cho dược chất, nó hạn chế được quá trình thuỷ phân, và có khả năng bảo quản. Chú ý khi sử dụng PG và ethanol cho trẻ em, có thể gây ra một số tác dụng không mong muốn.

Alcol benzylic

NgocanhBlogaaa 77
Hình ảnh: Công thức hóa học của Alcol benzylic

Alcol benzylic là một chất có tính kháng khuẩn chủ yếu với vi khuẩn gram dương, nấm mốc, nấm men, đặc biệt trong thuốc tiêm thì alcol benzylic có tác dụng giảm đau tại chỗ khi tiêm bắp, tiêm dưới da.

Khi dùng chất này trong công thức chú ý tác dụng phụ trên thần kinh hoặc phản ứng quá mẫn, vì vậy chỉ nên sử dụng một lượng nhỏ vừa đủ để hạn chế tác dụng không mong muốn.

Nước cất pha tiêm

Nước cất pha tiêm trong công thức trên để bổ sung thể tích vừa đủ.

Các biện pháp chống oxi hoá cho dược chất

Trong công thức dung dịch thuốc tiêm trên đã sử dụng 1 số phương pháp chống oxi hoá cho natri diclofenac như , sử dụng chất chống oxi hoá và chất hiệp đồng chống oxi hoá, sục khí nitrogen vào nước trước khi hoà tan dược chất, sục khí khi đóng thuốc và hàn thuốc, sử dụng bao bì thuỷ tinh trung tính tránh ánh sáng.

Kĩ thuật bào chế

NgocanhBlogaaa 78
Kĩ thuật bào chế dung dịch tiêm Natri diclofenac

Chuẩn bị dụng cụ bào chế qui mô phòng thí nghiệm, bao gồm: cốc có mỏ, đũa thuỷ tinh, máy kiểm tra độ trong, nồi hấp, màng lọc, nhãn dán,…

Qui trình bào chế cụ thể:

  • Sục khí N2 vào nước pha tiêm trong 15 phút để đuổi hết oxi hoà tan.
  • Cân tá dược và dược chất với lượng như công thức trên.
  • Hoà tan natri dithionite, natri edetat trong cốc có mỏ chứa khoảng 40 ml nước, thu được dung dịch thứ nhất.
  • Hoà tan natri diclofenac trong hỗn hợp propylen glycol, ethanol, và alcol benzylic vào cốc có mỏ thu được dung dịch thứ hai.
  • Phối hợp từ từ dung dịch thứ hai vào dung dịch thứ nhất, khuấy đều.
  • Đo và kiểm tra pH, điều chỉnh pH từ 8,0 đến 9,0 bằng dung dịch NaOH 1M.
  • Bổ sung nước cất pha tiêm vừa đủ 100 ml, sau đó lọc qua màng lọc với kích thuốc lỗ là 0,2 mcm. Soi dịch lọc để kiểm tra độ trong.
  • Dùng ống 2 ml đóng thuốc, kết hợp sục khí nitrogen trong quá trình đóng thuốc và hàn nắp.
  • Tiệt khuẩn ở nhiệt độ 121oC trong 15 phút, sau đó soi kiểm tra độ trong để loại bỏ các ống hở và vẩn đục.
  • Cuối cùng lọ thuốc được dán nhãn đúng quy chế.

Đặc điểm thành phẩm

Thành phẩm sau khi bào chế là thuốc tiêm trong, không màu, yêu cầu cần đạt một số chỉ tiêu chất lượng theo USP. Chú ý bảo quản ở nhiệt độ không quá 30oC, tránh ánh sáng.

Công dụng và lưu ý cách sử dụng

Chế phẩm thuốc tiêm natri diclofenac dùng để điều trị các trường hợp đau cấp và nặng như viêm cột sống dính khớp, viêm khớp dạng thấp, viêm xương khớp, cơn gout cấp, viêm và sưng sau chấn thương, đau sau phẫu thuật.

Thuốc tiêm dung dịch natri diclofenac dùng để tiêm bắp.

Tiêu chuẩn chất lượng

Thuốc tiêm là một trong các loại thuốc vô khuẩn có yêu cầu chất lượng cao, một số chỉ tiêu chất lượng cần đáp ứng là hình thức, độ trong, định tính định lượng, pH, vô khuẩn, chất gây sốt và nội độc tố.

Tài liệu tham khảo

  • Dược điển Việt Nam V
  • Sách giáo trình Bào chế và sinh dược học 1- Bộ môn Bào chế- Trường Đại học Dược Hà Nội

Xem thêm: Công thức và phương pháp bào chế dung dịch tiêm Gentamicin

Để lại một bình luận (Quy định duyệt bình luận)

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

The maximum upload file size: 1 MB. You can upload: image. Drop file here