Công thức và phương pháp bào chế dung dịch tiêm Lidocain hydroclorid

Xuất bản: UTC +7

Cập nhật lần cuối: UTC +7

Dung dịch tiêm Lidocain hydroclorid

Lidocain hydroclorid đã và đang được sử dụng nhiều trên thị trường với công dụng gây tê tại chỗ và chống loạn nhịp tim với nhiều dạng bào chế khác nhau như dạng dung dịch bôi, dạng thuốc mỡ hay gel lidocain, dạng dung dịch tiêm… Mỗi dạng bào chế lại có tác dụng với từng trường hợp cụ thể, vì thế cần dựa vào đặc điểm của mỗi bệnh nhân để lựa chọn loại thuốc cho phù hợp. Bài viết này, nhà thuốc Ngọc Anh sẽ giới thiệu cho các bạn biết về công thức cũng như kĩ thuật bào chế dung dịch tiêm lidocain hydroclorid.

Công thức bào chế

Dung dịch tiêm lidocain hydroclorid hiện có nhiều công thức bào chế khác nhau nhưng công thức dưới đây đã được nghiên cứu bởi các chuyên gia bào chế nhiều kinh nghiệm và được sử dụng rộng rãi trong qui mô phòng thí nghiệm cũng như qui mô công nghiệp:

  • Lidocain hydroclorid ……………………..2, 00 g
  • Dinatri hydrophosphat khan …………0,087 g
  • Natri dihydrophosphat khan ……..…0, 019 g
  • Natri clorid ……..…………………………… 0, 40 g
  • Nước cất pha tiêm vừa đủ ……………100 ml

Đặc điểm tính chất, tác dụng của mỗi thành phần

Khi tiến hành nghiên cứu bất kỳ công thức bào chế nào cũng cần tìm hiểu và lựa chọn dược chất cũng như tá dược một cách kĩ càng để tránh xảy ra các tương tác không mong muốn.

Lidocain hydroclorid

Lidocain có tính chất vật lý là bột kết tinh màu trắng, vị đắng, không mùi, dễ tan trong nước, cloroform, ethanol, nhưng không tan trong ether. Trong công thức có nối đôi liên hợp nên hấp thụ UV, có phổ IR đực trưng.

Dược chất trong công thức trên là lidocain hydroclorid, là một muối của Nitơ bậc 3 với acid HCl, sự kết hợp tạo muối này làm tăng độ ổn định của dược chất, tuy nhiên cần tránh môi trường kiềm vì nếu dược chất trên ở trong môi trường kiềm thì HCl sẽ tách ra tạo dạng lidocain tự do kém bền.

Lidocain hydroclorid đóng vai trò dược chất trong công thức thuốc tiêm trên có công dụng là gây tê tại chỗ, phong bế các đám rối thần kinh ở lưng, tay, ngoài ra còn có tác dụng chống loạn nhịp tim.

Dinatri hydrophosphat khan – Natri dihydrophosphat khan

Mục đích chung của việc sử dụng hệ đệm để điều chỉnh pH là đảm bảo độ ổn định hoá học cho dược chất, tăng độ tan cho dược chất, đảm bảo sinh khả dụng cho thuốc tiêm và giảm đau, giảm kích ứng, hoại tử nơi tiêm.

Như đã biết, mỗi dược chất cần ổn định trong môi trường có pH nhất định trong quá trình pha chế, bảo quản, tại giá trị pH này thì sự phân huỷ dược chất xảy ra ít nhất. Giá trị pH của thuốc thay đổi do nhiều nguyên nhân như tương tác với bao bì, phân huỷ dược chất,.. vì thế cần sử dụng hệ đệm để duy trì pH.

Công thức trên đã sử dụng hệ đệm Dinatri hydrophosphat khan và Natri dihydrophosphat khan để tăng độ ổn định dược chất, giảm đau, giảm kích ứng khi tiêm.

Natri clorid

Natri clorid là một chất đẳng trương cho thuốc tiêm, ý nghĩa của việc đẳng trương hoá dung dịch thuốc tiêm là rất quan trọng. Nếu tiêm một thuốc không đẳng trương  thì có thể gây đau nơi tiêm, tế bào có thể bị tổn thương, hoại tử tổ chức tại nơi tiêm do hiện tượng thẩm thấu.

Nước cất pha tiêm

Hình ảnh: Nước cất dùng để pha thuốc tiêm
Hình ảnh: Nước cất dùng để pha thuốc tiêm

Nước cất pha tiêm trong công thức trên để bổ sung thể tích vừa đủ.

Các phương pháp tiệt khuẩn thuốc tiêm

Dựa vào thời điểm tiệt khuẩn, chia thành 2 loại chính là quy trình sản xuất vô khuẩn và thuốc tiêm tiệt khuẩn bằng nhiệt cuối. Quy trình sản xuất vô khuẩn gồm các thuốc tiêm tiệt khuẩn bằng lọc, sau khi đã đóng thuốc vào lọ thì sẽ không tiệt khuẩn bằng bất kì phương pháp nào khác, nên phải tiến hành trong môi trường cấp độ sạch A; còn thuốc tiêm tiệt khuẩn cuối là sau khi đã đóng thuốc vào bao bì mới đem tiệt khuẩn. Các phương pháp tiệt khuẩn cụ thể gồm tiệt khuẩn bằng nhiệt khô, tiệt khuẩn bằng nhiệt ẩm, tiệt khuẩn bằng lọc loại khuẩn, tiệt khuẩn bằng khí, tiệt khuẩn bằng bức xạ, …

Kĩ thuật bào chế

Chuẩn bị dụng cụ bào chế qui mô phòng thí nghiệm, bao gồm: cốc có mỏ, đũa thuỷ tinh, nồi hấp, màng lọc, nhãn dán,…

Qui trình bào chế cụ thể:

  • Ban đầu cần cân dược chất và tá dược như công thức.
  • Hoà tan Natri dihydrophosphat, dinatri hydrophosphat và natri clorid vào khoảng 80 ml nước để pha tiêm.
  • Sau đó hoà tan lidocain hydroclorid vào dung dịch trên.
  • Đo pH và điều chỉnh pH 5-7 bằng dung dịch acid HCl 1M hay NaOH 1M nếu cần.
  • Thêm nước vừa đủ 100ml, khuấy đều.
  • Lọc dung dịch qua màng lọc có kích thước lỗ lọc là 0,2 mcm. Soi dịch lọc, kiểm tra độ trong.
  • Đóng, hàn ống thuỷ tinh 2ml.
  • Sau đó hấp tiệt khuẩn ở 121oC trong 15 phút.
  • Soi kiểm tra độ trong thêm lần nữa, loại bỏ các ống hở, vẩn đục.
  • Dán nhãn đúng quy chế.

Đặc điểm thành phẩm

Thành phẩm sau khi bào chế là thuốc tiêm trong, không màu, yêu cầu cần đạt một số chỉ tiêu chất lượng theo USP. Chú ý bảo quản ở nhiệt độ không quá 30oC, tránh ánh sáng.

Công dụng và lưu ý cách sử dụng

Chế phẩm thuốc tiêm lidocain hydroclorid trên có tác dụng gây tê tại chỗ, phong bế đám rối thần kinh ở tay, lưng, khi ấy thì tiêm vào nơi đau. Ngoài ra nó còn có tác dụng chông loạn nhịp tim, khí đó có thể pha với dung dịch tiêm truyền thích hợp để truyền tĩnh mạch.

Tiêu chuẩn chất lượng

Thuốc tiêm là một trong các loại thuốc vô khuẩn có yêu cầu chất lượng cao, một số chỉ tiêu chất lượng cần đáp ứng là hình thức, độ trong, định tính định lượng, pH, vô khuẩn, chất gây sốt và nội độc tố.

Tài liệu tham khảo

  • Slide Hoá Dược_ Bộ môn Hoá dược trường Đại học Dược Hà Nội
  • Sách giáo trình Bào chế và sinh dược học 1 _ trường Đại học Dược Hà Nội.

Xem thêm: Công thức và kỹ thuật bào chế cốm pha hỗn dịch cotrimoxazol

Để lại một bình luận (Quy định duyệt bình luận)

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

The maximum upload file size: 1 MB. You can upload: image. Drop file here