Những vấn đề tâm lý và xã hội liên quan tới phẫu thuật thẩm mỹ vùng kín

Xuất bản: UTC +7

Cập nhật lần cuối: UTC +7

Những vấn đề tâm lý và xã hội liên quan tới phẫu thuật thẩm mỹ vùng kín

Tác giả: Christine Hamori, Paul Banwell, Red Alinsod

nhathuocngocanh.com – Bài viết Những vấn đề tâm lý và xã hội liên quan tới phẫu thuật thẩm mỹ vùng kín được trích từ chương 2 sách Phẫu thuật Thẩm mỹ vùng kín : Chỉ định, Kỹ thuật thực hiện và Áp dụng lâm sàng.

Những điểm chính

  • Không có sự thống nhất giữa các nhà giải phẫu học về hình dáng bên ngoài bình thường của cơ quan sinh dục nữ. Trên thực tế, chúng có rất nhiều biến thể giải phẫu lâm sàng.
  • Quan điểm hiện đại về một ‘vùng kín hoàn hảo’ là một CQSDN không có lông mu, da niêm mạc hồng và môi bé hoàn toàn nằm phía trong môi lớn.
  • Các nghiên cứu cho thấy kích thước từng thành phần cấu thành của BPSDN dao động trong một khoảng rất rộng, khiến việc xác định chính xác kích thước ‘bình thường’ trở nên rất khó khăn.
  • Phụ nữ đã trải qua các thủ/phẫu thuật thẩm mỹ vùng kín đều cải thiện về mặt tâm lý rõ rệt.
  • Phẫu thuật cắt một/toàn phần BPSD nữ (FGM hoặc FGC) là một trong những vấn đề gây tranh cãi nhiều nhất ở các nước thế giới thứ ba (nước đang phát triển) vì những bất đồng liên quan đến truyền thống văn hóa hoặc tín ngưỡng tôn giáo.
  • Tiêu chuẩn về nét đẹp hoàn toàn mang tính chủ quan đối với từng người, và bằng cách nào đó đạt được đến vẻ đẹp mong muốn sẽ giúp cải thiện trạng thái tâm lý, thể chất và tình dục, kể cả việc phải trải qua nhiều cuộc phẫu thuật thẩm mỹ lớn.

Đối với ngành thời trang, quan niệm về cái đẹp không ngừng thay đổi và phát triển, điều này cũng tương tự đối với thẩm mỹ cơ thể người. Vào những năm 1950, những chủ đề liên quan đến CQSD đều là điều cấm kỵ. Theo đó, phẫu thuật thẩm mỹ vùng kín không được công nhận là chuyên ngành y học chính thống. Ngày nay, với sự tổ chức của các hiệp hội phẫu thuật thẩm mỹ trên toàn thế giới, hàng triệu ca phẫu thuật thẩm mỹ đã được thực hiện một cách công khai và hợp pháp. Ví dụ, Hiệp hội Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ Hoa Kỳ (ASAPS) gồm các bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ có kinh nghiệm và trình độ tốt, đã công bố rằng có khoảng 16 triệu ca phẫu thuật thẩm mỹ được thực hiện ở Hoa Kỳ trong năm 2014. Các thủ thuật phổ biến như nâng ngực và hút mỡ dường như đã trở thành một phần quan trọng xã hội hiện đại. Còn các phẫu thuật thẩm mỹ vùng kín, được thực hiện từ cuối những năm 1970, hiện đang phát triển rộng rãi và có tiềm năng trở thành một xu thế thời đại. Tuy nhiên một bộ phận dân số vẫn còn những định kiến nhất định về chuyện này. Theo ASAPS, 8745 phụ nữ đã phẫu thuật tạo hình môi âm hộ(không bao gồm trẻ hóa âm đạo) trong năm 2015 ở Hoa Kỳ. Con số này có vẻ nhỏ so với các thủ thuật thẩm mỹ khác, nhưng nó đã tăng 44% từ năm 2013 — đây có thể coi là bằng chứng xác đáng cho một xu thế mới đang dần hình thành.

Những con số thể hiện sự gia tăng nhu cầu thẩm mỹ vùng kín trên toàn thế giới đặt ra một số câu hỏi: Liệu có tiêu chuẩn cho một vùng kín “hoàn hảo”, và nếu có thì tiêu chuẩn này gồm những gì? CHƯƠNG này đề cập đến các định nghĩa về ‘vẻ đẹp’ vùng kín ở nữ dựa trên quan điểm của từng nền văn hóa. Hơn nữa, chúng tôi cũng sẽ đề cập tới những thay đổi về hình thể cũng như tâm lý người phụ nữ sau phẫu thuật, và cuối cùng là những tác động của hiện tượng này tới xã hội hiện đại.

Cách mạng thẩm mỹ vùng kín: Tác động từ xã hội

Từ trước tới nay, chúng ta có thể thấy sự gia tăng rõ rệt nhu cầu phẫu thuật tạo hình vùng kín nhằm phục hồi chức năng và cải thiện thẩm mỹ, đặc biệt là ở phương Tây. Tạo hình môi âm hộ đã được thực hiện từ những năm 1970, khi đó, hầu hết phụ nữ đã thấy môi bé ‘thừa’ ra ngoài quá nhiều so với môi lớn, và họ cần gặp Bs thẩm mỹ để giải quyết vấn đề đó. Sự gia tăng dần dần xu hướng này có thể là do ngày nay chúng ta có thể dễ dàng tiếp cận hình ảnh và thông tin qua Internet, chẳng hạn như những hình ảnh thiếu vải trong phim khiêu dâm và những bức ảnh của người nổi tiếng trong trang phục bó sát, nội y và đồ bơi. Quần áo bó sát như quần legging và quần tập yoga đã trở thành xu hướng thời trang, điều này khiến phụ nữ chú ý hơn tới từng đường cong trên cơ thể mình. Ngày nay, những chủ đề về giới tính được thảo luận nhiều, tuy nhiên câu chuyện về vùng kín thì vẫn nằm trong ‘bóng tối’. Không giống như nam giới, ngay cả khi phụ nữ khỏa thân hoàn toàn trước những người phụ nữ khác, vùng kín của họ vẫn luôn ‘kín’, đó dường như là mộtquy tắc bất thành văn. Sự mơ hồ này khiến nhiều phụ nữ không nhận thức được tất cả các biến thể giải phẫu về kích thước, hình dạng và màu sắc của vùng này; do đó hình ảnh được xem trong sách báo và sách giáo khoa khiêu dâm được coi là tiêu chuẩn.

Trong một số nghiên cứu, hầu hết phụ nữ mô tả một vùng kín ‘tiêu chuẩn’ là vùng không có lông mu, da niêm mạc hồng với môi âm hộ rất nhỏ hoặc chỉ còn lại vết tích. Trong một bộ phim tài liệu gần đây do Lisa Rogers viết có tựa đề “âm hộ hoàn hảo”, cô đã khắc họa chi tiết về cách mà chúng ta nhìn nhận một vấn đề nhạy cảm dưới góc độ xã hội. Một cô gái 16 tuổi nghĩ rằng bạn trai sẽ không còn hứng thú sau khi nhìn thấy cơ quan sinh dục của cô, vì vậy cô quyết định phẫu thuật khi còn khá sớm. Trong một câu chuyện khác, một phụ nữ 21 tuổi đã bị chính chị gái của mình và những người bạn nam khác trêu chọc về vấn đề đó, mặc dù thậm chí họ còn chưa từng nhìn thấy. Cô ấy cảm thấy rất xấu hổ nếu để ai đó nhìn thấy, vì thế đã bỏ khám phụ khoa hàng năm, điều này có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn, đặc biệt là viêm nhiễm âm đạo hoặc ung thư. Trong những câu chuyện trên, quan điểm của người khác giới đóng một vai trò quan trọng, nhưng thực tế cho thấy 98% đàn ông không bao giờ quan tâm đến ‘vẻ ngoài’ của chúng, trái ngược hoàn toàn với những gì truyền thông đang ‘dắt mũi’ chúng ta. Những nhận định sai lầm này còn khiến một số phụ nữ bắt đầu so sánh bản thân với hình ảnh mà họ coi là hoàn hảo, dẫn tới những mặc cảm không đáng có.

Góc nhìn phương tây

Ở các quốc gia như Hoa Kỳ, Vương quốc Anh và Úc, nơi có quan điểm văn hóa và tôn giáo đa dạng, ý niệm về một vùng kín lý tưởng khá chủ quan. Giáo dục giới tính và chức năng của cơ quan sinh dục được dạy ở trường, nhưng thường họ không được dạy kỹ về sự đa dạng của kích thước, hình dạng và màu sắc vùng kín. Việc thiếu thông tin này khiến nhiều cô gái trẻ băn khoăn không biết hình dáng bên ngoài của vùng kín có bình thường không. Lloyd và cộng sự đã thực hiện một nghiên cứu vào năm 2004 để trả lời câu hỏi này. Họ đã đo các bộ phận cấu thành vùng kín – bao gồm âm vật, môi lớn và môi bé – và đánh giá sự khác biệt màu sắc của 50 phụ nữ khác nhau trong độ tuổi từ 18 đến 50 và thuộc các sắc tộc khác nhau. Nhìn chung, những người phụ nữ này cho rằng vùng kín lý tưởng khi kích thước các bộ phận cấu thành đều nhỏ và cân đối. Tuy nhiên, kết quả cho thấy kích thước âm vật dao động từ 5 đến 35 mm, chiều dài môi lớn từ 7 đến 12 cm, chiều dài môi bé từ 20 đến 100 mm và chiều rộng môi bé từ 7 đến 50 mm. Các phạm vi này quá rộng để xác định một kích thước ‘tiêu chuẩn’. Ngay cả trong các tài liệu y khoa, rất ít tài liệu mô tả cụ thể kích thước chuẩn của cơ quan sinh dục nữ. Tuy nhiên hầu hết đều coi cơ quan sinh dục nữ là đầy đủ và bình thường nếu nó hoạt động bình thường. Để nhấn mạnh thêm về sự đa dạng của BPSD nữ, nghệ sĩ Jamie McCartney đến từ Vương quốc Anh đã tạo ra một tác phẩm điêu khắc trên tường được làm bằng thạch cao gồm 400 bộ phận sinh dục phụ nữ khác nhau, đã được trưng bày tại Bảo tàng Triennale ở Milan, Phòng trưng bày trung tâm thương mại London.

Sharp và cộng sự đã công bố nghiên cứu đầu tiên liên quan đến bệnh nhân tạo hình môi âm hộ, phát hiện ra rằng phương tiện truyền thông trực tuyến và bình luận tiêu cực của bạn bè đóng một vai trò quan trọng trong quyết định phẫu thuật tạo hình môi âm hộ của họ. Phụ nữ thường hài lòng với kết quả phẫu thuật tạo hình môi âm hộ và do đó giải quyết được những vấn đề tâm lý và tình dục của họ. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng vậy.

Góc nhìn đa chiều

Trái ngược với quan điểm hiện đại của các nước phương Tây về phẫu thuật thẩm mỹ vùng kín, các nước Đông Nam Á và một số quốc gia ở châu Phi có các quy tắc văn hóa tiêu chuẩn, theo đó việc phẫu thuật BPSD không phải vì muốn cải thiện thẩm mỹ hoặc vì rối loạn chức năng. Ở đây, tín ngưỡng tôn giáo lại là lý do chính khiến họ buộc phải làm ‘phẫu thuật’.

Nhiều phụ nữ ở các nước thế giới thứ ba sống trong các cộng đồng tôn giáo lớn và / hoặc nơi có truyền thống văn hóa đặc trưng, nơi mọi việc được làm theo một quy chuẩn nhất định mà không cần biết tới lý do. Nhiều người Hồi giáo tuân theo những lời dạy trong kinh Koran tin rằng việc cắt bỏ môi âm hộ, mũ âm vật hoặc thậm chí toàn bộ BPSD là dấu hiệu của sự trong trắng và là tiêu chuẩn của người phụ nữ đã sẵn sàng lấy chồng.

Hầu hết các cô gái trẻ đều phải thực hiện hủ tục này, mặc dù không có lý do nào xác đáng cho chuyện đó. Điều đáng nói là không ai được báo trước về những gì sắp diễn ra với họ, mà dường như đây là một thủ tục bắt buộc trong cộng đồng dân tộc/tôn giáo. Tuy nhiên, vì ai cũng phải làm nên họ coi đó là một việc hoàn toàn bình thường, bất kể có muốn hay không.

Câu chuyện này nếu được kể ra thì sẽ là một điều không tưởng ở các quốc gia Tây phương, nơi mọi người có toàn quyền quyết định đối với những gì gây ra cho cơ thể của họ. Hậu quả là, việc thực hiện các thủ tục bắt buộc đó cũng làm định nghĩa về vẻ đẹp vùng kín của họ bị méo mó đi. Người phương Tây có quan điểm chung về một ‘vùng kín hoàn hảo’ trong khi những cộng đồng còn lại cho rằng những người đã được thực hiện FGM hoặc FGC mới là tiêu chuẩn cho cái đẹp. Tuy nhiên, khách quan nhất thì vẻ đẹp của mỗi người nên do họ quyết định.

Những biến đổi tâm lý sau thực hiện phẫu thuật BPSD nữ

Những phụ nữ tự quyết định thực hiện trẻ hóa âm đạo đã có cải thiện tâm lý rõ rệt, và ngược lại, ở những người thực hiện FGM một cách bắt buộc, hầu hết không hài lòng với kết quả. Cụ thể, trong số 258 phụ nữ đã được phẫu thuật thẩm mỹ, khoảng 92% hài lòng với các kết quả đó. Sự hài lòng về chuyện tình dục, mặc dù là một đánh giá chủ quan, đã tăng đáng kể ở phụ nữ và bạn tình của họ. Điều này có thể là do tác động tâm lý khi biết rằng đã được thực hiện phẫu thuật làm đẹp, chứ không hẳn là do tác động thực sự của kết quả phẫu thuật đem lại. Những người khác thì thấy rằng có cải thiện tính thẩm mỹ nhưng chuyện tình dục thì không quá nhiều. Cô gái 21 tuổi đã đề cập đến trước đó, người bị chị gái trêu chọc, nói rằng cô hài lòng với kết quả ngay sau khi được phẫu thuật cắt bỏ một phần môi âm hộ. Mặc dù không thể tránh khỏi cảm giác khó chịu và đau đớn sau phẫu thuật, cô ấy nói rằng cuộc sống của cô đã thực sự sang một trang mới. Kể cả đối với những người bạn khác giới hay bàn tán về cô ấy đi chăng nữa, tất cả cũng chỉ dừng lại ở những câu chuyện phiếm. Vì thực sự thì những người bạn này không quá quan tâm tới ngoại hình khu vực đó. Tất nhiên cô vẫn đạt được sự tự tin nhất định sau khi biết rằng sẽ không ai có thể bàn tán về mình cùng với những câu chuyện nhạy cảm nữa.

FGM và các giá trị văn hóa

FGM đã là một chủ đề gây tranh cãi được thảo luận trong nhiều thập kỷ và bị cấm ở các nước hiện đại, tuy nhiên những nghi lễ này vẫn diễn ra ở các nước đang phát triển thuộc Châu Phi và Đông Nam Á. Những phụ nữ đã trải qua quá trình này đều cho biết họ rất đau đớn nhưng không ai có quyền được sợ hãi và phải cảm thấy hạnh phúc vì điều đó. Khao khát được cộng đồng và gia đình chấp nhận đã chế ngự được nỗi sợ và nỗi đau. Trong những cộng đồng như vậy, việc thực hiện FGM là điều bắt buộc và ít căng thẳng hơn là đặt ra câu hỏi tại sao cần làm như vậy. Những người nhận thức được sớm và cố tình không thực hiện tập tục này đều được coi như là một nỗi ô nhục của toàn bộ cộng đồng người.

Infibulation (khóa tránh giao hợp) là một thủ thuật FGM trong đó hầu hết âm vật của phụ nữ, môi bé, và đôi khi môi lớn được cắt bỏ và âm hộ được khâu kín, chỉ để lại một lỗ nhỏ cho phép kinh nguyệt và nước tiểu thoát ra. Đây là một biện pháp cực đoan để đảm bảo sự trinh trắng, theo đó, âm hộ chỉ được ‘mở’ ra lại khi người phụ nữ này đã có chồng và họ vẫn sẽ phải khâu chúng lại khi người chồng vắng mặt/mất. Điều này được coi là truyền thống ở một số nền văn hóa Đông Bắc Phi nhưng cũng là ‘truyền thống’ gây nhiều tranh cãi nhất. Đó là một hành động đàn áp đối với phụ nữ, những người sinh ra để làm vợ và mang thai càng nhiều con càng tốt. Không có bất kỳ quyền tự do cá nhân nào, kể cả tự do làm việc, mục đích duy nhất của họ là làm hài lòng chồng và được cộng đồng chấp nhận. Về mặt này, những người phụ nữ chấp nhận thực hiện FGM được coi là đủ tiêu chuẩn làm vợ và cũng chứng tỏ được lòng chung thủy trong hôn nhân. Nhiều người không tin vào câu chuyện này và cho rằng nó là phi lý; tuy nhiên, từ quan điểm của các thành viên có tiếng nói trong cộng đồng, những người không thực hiện FGM đều bị coi là dị biệt, và bị kỳ thị. Mặc dù đi ngược lại với khoa học và quyền con người, những cộng đồng này vẫn tiếp tục duy trì ‘truyền thống’ đó suốt bao nhiêu năm. Vì thật ra, việc cố gắng thay đổi một tập tục lâu đời còn khó hơn là chấp nhận và tiếp tục duy trì nó.

Tương tự, phụ nữ trẻ ở một số nền văn hóa Trung Đông tự nguyện tìm tới các dịch vụ tạo hình màng trinh. Bởi vì một số tôn giáo yêu cầu nghiêm ngặt phụ nữ trẻ phải còn trinh cho đến khi kết hôn, những phụ nữ đã có quan hệ tình dục quyết định tìm cách ‘vá’ lại màng trinh của họ. Màng trinh là một màng bao bọc một phần hoặc hoàn toàn cửa âm đạo. Hầu hết mọi người cho rằng màng này sẽ rách ngay trong lần quan hệ đầu tiên, vì thế người chồng có thể kiểm chứng ngay trong lần đầu tiên quan hệ với vợ của mình.

Chẳng hạn, một cô gái theo đạo Hồi muốn sửa lại màng trinh trước cuộc hôn nhân được sắp đặt vì cô ấy biết mình sẽ bị gia đình xa lánh nếu họ phát hiện ra rằng cô ấy không còn trinh trắng. Cô ấy nói rằng cha mẹ cô ấy thà tự sát còn hơn để người khác biết rằng con gái họ đã mất trinh trước khi kết hôn. Khi được hỏi về suy nghĩ kết hôn với một cô gái đã mất trinh, những người đàn ông trong cùng cộng đồng đó trả lời rằng điều đó là không thể chấp nhận được trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Sự xua đuổi người khác giới và tin rằng cái chết là một viễn cảnh có khi còn tốt hơn mất trinh trước hôn nhân đã tạo ra những lo lắng và căng thẳng nghiêm trọng cho phụ nữ sống trong nền văn hóa này. Nhiều người phương Tây có thể phản đối quyết định của cô gái này, nhưng đối với cô, việc tạo hình lại màng trinh là cách duy nhất cứu cả phần đời còn lại của cô ấy. Những phụ nữ Hồi giáo trẻ này tìm kiếm một thủ tục mà họ nghĩ rằng sẽ có lợi cho cuộc sống của họ trong cộng đồng của họ, bất kể quyết định đó có mâu thuẫn với quan điểm cá nhân hay không.

Sự khác biệt căn bản giữa phẫu thuật thẩm mỹ vùng kín và FGM

Bốn nguyên tắc cơ bản phân biệt FGM với phẫu thuật thẩm mỹ vùng kín: (1) quyền tự chủ của bệnh nhân, (2) không ép buộc, (3) quyền lợi và (4) công lý. Những nguyên tắc này giúp đảm bảo rằng bệnh nhân sẽ được thực hiện thủ thuật bởi những Bs có trình độ chuyên môn cao, với sự hỗ trợ toàn diện, và đồng thuận tới từ đôi bên. FGM thường được thực hiện mà không cần thông báo hoặc tư vấn, trong khi các phẫu thuật thẩm mỹ vùng kín thì ngược lại, Bs sẽ giải thích chi tiết tình trạng bệnh, phương pháp phẫu thuật, rủi ro, lợi ích, các biến chứng có thể xảy ra và chăm sóc sau phẫu thuật trước khi bệnh nhân quyết định thực hiện.

Kết luận

Về cơ bản, không có một chuẩn chung nào cho bộ phận sinh dục ngoài của phụ nữ, thực tế cho thấy nhiều phụ nữ đã cải thiện về mặt thể chất và tâm lý sau phẫu thuật nhằm tiến tới tiêu chuẩn mà chính họ đặt ra. Vì có rất nhiều biến thể giải phẫu lâm sàng với sự đa dạng kích thước, màu sắc và sự sắp xếp nên rất khó để xác định một tiêu chuẩn cho tất cả. Những quan điểm về cái đẹp ngày càng phong phú đã giải thích tại sao phẫu thuật thẩm mỹ cơ quan sinh dục nữ ngày càng phổ biến và tại sao bản thân phẫu thuật tạo hình môi âm hộ lại mang lại sự hài lòng cao cho bệnh nhân, từ nhận thức, sự tự tin trong tình yêu, tình dục và cao hơn cả là nâng cao chất lượng cuộc sống.

Để lại một bình luận (Quy định duyệt bình luận)

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

The maximum upload file size: 1 MB. You can upload: image. Drop file here