Tác giả: Bác sĩ Hà Văn Huy – Học viện Quân Y.
Hoạt động thể chất khi mang thai làm giảm nguy cơ dẫn đến kết cục bất lợi của thai kỳ như đái tháo đường thai kỳ và tiền sản giật. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa thời gian và loại hoạt động thể chất trong thai kỳ và kết quả chuyển dạ sau đó vẫn chưa rõ ràng.
Mục tiêu nghiên cứu
Nghiên cứu này nhằm kiểm tra giả thuyết rằng mức độ hoạt động thể chất cao hơn trong các lĩnh vực lối sống khác nhau trong thai kỳ có liên quan đến thời gian chuyển dạ ngắn hơn.
Thiết kế nghiên cứu
Nghiên cứu này là phân tích thứ cấp của một nghiên cứu thuần tập tiến cứu trong đó những bệnh nhân mang thai đơn không có dị tật thai nhi lớn được thực hiện Khảo sát hoạt động thể chất Kaiser trong mỗi ba tháng của thai kỳ. Khảo sát Hoạt động thể chất của Kaiser được thiết kế đặc biệt để định lượng các loại hoạt động thể chất khác nhau ở phụ nữ và bao gồm 4 chỉ số tổng hợp — nội trợ / chăm sóc, thói quen sống tích cực, thể thao và nghề nghiệp. Nghiên cứu bao gồm những phụ nữ mang thai đủ tháng được nhận để khởi phát chuyển dạ hoặc chuyển dạ tự nhiên. Kết cục chính của phân tích này là thời gian giai đoạn hai của quá trình chuyển dạ. Kết cục phụ là thời gian của giai đoạn hoạt động, giai đoạn đầu và giai đoạn thứ hai kéo dài, phương thức sinh, tỷ lệ sinh mổ giai do đoạn hai kéo dài, sinh qua đường âm đạo, vết rách tầng sinh môn nặng và xuất huyết sau sinh. Những kết cục này được so sánh giữa những bệnh nhân có và không có mức độ hoạt động thể chất cao, được định nghĩa là tổng điểm Khảo sát Hoạt động Thể chất Kaiser ≥75% trong tam cá nguyệt thứ ba. Hồi quy logistic đa biến được sử dụng để điều chỉnh tình trạng béo phì và sử dụng giảm đau ngoài màng cứng.
Kết quả
Tổng số 811 bệnh nhân có đầy đủ dữ liệu Khảo sát hoạt động thể chất Kaiser trong tam cá nguyệt thứ ba đã được đưa vào phân tích này. Điểm Khảo sát Hoạt động thể chất Kaiser trung bình là 9,5 (8,2–10,8). Trong số 811 bệnh nhân, 203 (25%) có mức độ hoạt động thể chất cao hơn trong thai kỳ. Không có sự khác biệt về thời gian của giai đoạn hai quá trình chuyển dạ giữa bệnh nhân có và không có mức độ hoạt động thể chất cao hơn (1,29 ± 2,94 so với 0,97 ± 2,08 giờ; P = 0,15). Thời gian chuyển dạ tích cực ngắn hơn đáng kể ở những bệnh nhân có mức độ hoạt động thể chất cao hơn (5,77 ± 4,97 so với 7,43 ± 6,29 giờ; P = 0,01). Bệnh nhân có mức độ hoạt động thể chất cao hơn ít có nguy cơ bị kéo dài giai đoạn đầu hơn (9,8% so với 19,4%; P <0,01; nguy cơ tương đối được điều chỉnh, 0,55; khoảng tin cậy 95%, 0,34–0,83). Tuy nhiên, tỷ lệ sinh mổ do giai đoạn hai kéo dài, sinh qua đường âm đạo và vết rách tầng sinh môn tương tự nhau giữa 2 nhóm.
Kết luận
Những bệnh nhân hoạt động thể chất nhiều hơn trong thai kỳ có thời gian chuyển dạ giai đoạn tích cực ngắn hơn.