Kỹ thuật bao đường là gì? Quy trình bào chế viên nén bao đường

Xuất bản: UTC +7

Cập nhật lần cuối: UTC +7

Bài viết sau đây, nhà thuốc Ngọc Anh xin trình bày về Kỹ thuật bao đường là gì? Quy trình bào chế viên nén bao đường

Kỹ thuật bao đường là gì?

Kỹ thuật bao đường là phương pháp bao truyền thống, thường áp dụng để bao các viên nén bằng cách phủ các tá dược thường là đường nên viên nhân.

Ưu nhược điểm của phương pháp bao đường

Ưu và nhược điểm của kỹ thuật bao đường
Ưu và nhược điểm của kỹ thuật bao đường

Ưu điểm

Dễ làm, nguyên liệu rẻ tiền dễ kiếm: chủ yếu là đường

Thiết bị đơn giản

Viên bao có hình thức đẹp: màu đẹp và bóng.

Nhược điểm

Nhiều công đoạn tốn thời gian: một quá trình bao cần trải qua 5 giai đoạn, có thể kéo dài nhiều ngày.

Không giữ được kí hiệu trên viên nhân, do đó khi bao xong mới có thể tiến hành in ấn.

Vỏ bao thường dày, tăng kích thước và khối lượng lên từ 100% đến 200% so với viên nhân do đó ảnh hưởng đến thời gian rã của viên.

Vỏ bao dễ nứt, vỡ khó bảo quản.

Tham khảo thêm: Viên nén là gì? Các phương pháp bào chế, Quy trình sản xuất chuẩn

Yêu cầu viên nhân đem bao

Yêu cầu của nhân đem đi bao
Yêu cầu của nhân đem đi bao

Viên nhân nên ít có góc cạnh, bề mặt lồi và cạnh viên càng mỏng càng tốt

Viên cần đảm bảo về độ bền cơ học như độ mài mòn (thường dưới 1%) độ cứng (thường lớn hơn 5 Kp)

Các dược chất và tá dược trong viên nhân không tương tác với kim loại trong nồi bao cũng nhưng thành phần trong các nguyên liệu đem bao.

Thiết bị bao đường

Thiết bị dùng để bao đường
Thiết bị dùng để bao đường

Nồi bao quy ước: đây là thiết bị bán tự động: vẫn cân có công nhân để cấp nguyên liệu.

Nồi bao đục lỗ: thiết bị tự động, quá trình phun dịch, sấy khô đều được tự động hóa

Các giai đoạn của bao đường

Bao đường có 5 giai đoạn chính:

  • Bao cách ly
  • Bao nền
  • Bao nhẵn
  • Bao màu
  • Bao bóng

Bao cách ly (có thể có hoặc không)

Mục đích: bảo vệ nhân bao, cách ly nhân với lớp đường của lớp bao nền. Trong quá trình bao có sử dụng siro đường, các tá dược dính có sử dụng dung môi là nước. Dung môi này lan rộng trên bề mặt viên nhân, thấm vào nhân làm rã, mềm, xùi viên (viên nhân hút nước) làm giảm độ bền vật lý của viên. Bao cách ly làm tăng độ cứng của viên, bảo vệ viên khỏi bị sứt mẻ, mài mòm trong quá trình bao. Làm thuận lợi cho các giai đoạn bao tiếp theo. Ngoài ra, với những dược chất kém bền với ẩm, dễ bị thủy phân thì việc tiếp xúc với nước sẽ làm giảm độ bền hóa học của dược chất. Và cuối giai đoạn bao, dù có tiến hành sấy cũng không thể khô hoàn toàn vì lớp bao đường rất dày. Do đó, viên nhân cần được bao cách li để làm tăng độ bền cả vật lý và hóa học cho viên nhân.

Nguyên liệu: các polymer như Shellac, Zein, HPMC, CAP. Các polymer sẽ được hòa tan trong các dung môi hữu cơ khan nước như ethanol để vừa đảm bảo độ bền hóa học và vật lý cho viên nhân: vừa bốc hơi nhanh nên năng lượng và nhiệt độ để sấy cũng được giảm xuống. Hạn chế sự kém ổn định của dược chất. Thường pha dung dịch có nồng độ 15-30%/ ethanol. Tuy nhiên, hiện nay theo một số tài liệu, nước cũng có thể là dung môi hòa tan các polymer này.

Phương pháp bao: phun kết hợp sấy. Rót hoặc phun dung dịch polymer lên khối viên nhân. Đồng thời thổi gió nóng để sấy khô, tiếp tục phun và sấy như vậy đến khi lớp bao nền đạt các yêu cầu đề ra. Với các dung dịch bao sử dụng dung môi nước, lượng dịch bao mỗi lần ít hơn và thời gian sấy cần nhiều hơn để đảm bảo loại được tối đa nước, để tăng độ ổn định của viên nhân.

Yêu cầu: tăng độ dày hoặc khối lượng của viên khoảng 2%

Chú ý: với viên bao đường bao tan ở ruột, các Polymer bao tan ở ruột sẽ được sử dụng trong bao nền.

Bao nền

Mục đích: phủ kín bề mặt viên, phủ kín các góc cạnh của viên, đạt yêu cầu về che vị, che mùi.

Nguyên liệu: chủ yếu là đường và có thể có các chất vơ cơ. Nguyên liệu đem bao có thể dùng dưới dạng dung dịch như siro (nồng độ thường 50- 60%, có thể thêm MC, gôm, gelatin để tăng độ dính) và bột rắc (đường kết hợp với một số chất vô cơ thường bột đường, CaCO3, MgCO3, tinh bột, talc, kaolin, dextrose) hoặc hỗn dịch bao (hỗn dịch đường và các chất vô cơ để chống dính giữa các viên và thành thiết bị).

Phương pháp bao:

Với bao nền dùng hỗn dịch bao: sấy nóng viên trước, sau đó cho từng lượng hỗn dịch bao vào viên. Tiến hành đảo viên, đảo đều để hỗn dịch bao đều lên bề mặt viên kết hợp thổi gió nóng, sấy viên bốc hơi nước để tạo một lớp đường bao lấy bề mặt viên. Tiếp tục lặp lại quá trình cấp hỗn dịch bao và sấy viên như vậy cho đến khi lớp bao nền đạt yêu cầu. Thiết bị sủ dụng trong phương pháp này thường là nồi bao đục lỗ, do đó mà khả năng tự động hóa cao.

Với bao nền dùng siro là tá dược dính và bột rắc: rót, tưới một lượng siro vào viên, đào đều để siro phân tán đều lên viên. Tiếp theo, rắc một lớp bột rắc, đảo nhẹ, để viên quay tự do giúp cho bột bám chắc vào nhân. Đồng thời kết hợp thổi gió nóng để làm khô viên. Sau đó lại tiếp tự tưới siro và làm như vậy cho đến khi lớp bao đạt các yêu cầu. Phương pháp bao này thường sử dụng nồi bao quay trong, bán tự động. Tuy nhiên phương pháp này bao nhanh hơn dạng dùng hỗn dịch.

Đặc điểm: đây là giai đoạn tăng khối lượng viên nhiều nhất và đạt được hình dạng của viên sau này.

Chú ý: nồng độ siro không nên quá loãng vì nó sẽ giảm khả năng dính và bám của bột đường, đồng thời cũng làm tăng lượng nước tiếp xúc với viên ảnh hưởng đến độ ổn định vật lý và hóa học của viên. Nồng độ siro quá đặc, độ nhớt cao làm giảm khả năng phân tán đều của siro dẫn đến bao không đều và xảy ra hiện tượng dính chập giữa các viên. Trong bột rắc, nếu nồng độ bột vơ cơ quá cao sẽ làm cho lớp bao bị giòn dễ bị nứt.

Bao nhẵn

Mục đích: làm nhẵn bề mặt viên để thuận lợi và đạt các yêu cầu của các giai đoạn sau như bao màu được đồng đều và viên không bị lốm đốm sau giai đoạn bao bóng.

Nguyên liệu: siro (thường dùng nồng độ 75% hoặc tỉ lệ đường: nước là 3:1). Đôi khi có thể thêm 1-5% TiO2 để làm chất cản quang. Và khi đó hỗn hợp này sẽ trở thành dạng hỗn dịch.

Phương pháp bao: rót lớp siro đã đung nóng vào viên và để quay tự do trong vòng từ 5 đến 10 phút kết hợp thổi khí nóng (có nhiệt độ từ 35 đến 40 độ C) để làm khô. Tiếp tục lặp lại các bước trên cho đến khi lớp bao nhẵn đạt yêu cầu.

Lưu ý: vì siro ở đây có nồng độ rất cao (75%) do đó trước khi tưới lên đung nóng để giảm độ nhớt, giúp siro thấm đều lên viên. Thêm TiO2 vừa che đi màu xấu của viên ở các lớp bao trước và tăng độ đẹp của màu cho giai đoạn bao sau.

Tham khảo thêm: Siro đơn là gì? Phương pháp điều chế siro đơn và phối hợp dược chất

Bao màu

Mục đich: để tạo lớp màu đồng nhất cho viên, tăng sức hấp dẫn.

Nguyên liệu: tá dược dính là siro (75%) kết hợp với chất màu có màu tan và không tan

Lưu ý: màu tan thường không bền, dễ bị oxy hóa, nhưng cho màu đẹp và đều hơn. Ngoài ra, các màu tan trong nước thường trong suốt chắn sáng kém do đó có thể nhìn vào bề mặt viên bên trong, với những viên bao nhẵn kém có thể tạo cảm giác viên gồ ghề, thô ráp và không đều màu. Còn màu không tan (lake) khó đồng nhất nhưng bền chống dính và chắn sáng tốt.

Phương pháp bao:

Phương pháp bao màu tan trong nước: hòa tan màu vào siro. Phun hoặc tưới từng lóp siro màu. Sau đó, đều nồi chuyển động tự do trong vòng từ 3- 4 phút đồng thời sấy khô bằng gió nóng. Tiếp tục làm như vật cho đến khi màu đạt yêu cầu. Vì màu tan thường kém bền, nên trong quá trình bào người ta sử dụng phương pháp bao có sự biên thiên về nồng độ chất màu trong siro. Ví dụ như 10 đến 15 chu kì đầu sử dụng siro có nồng độ 10^-4, 10 đến 15 chu kì tiếp sử dụng nồng độ 10^-3, tiếp theo là 10^-2, thường tổng số chu kì là 50. Đồng thời, quá trình sấy cũng nên tiến hành ở nhiệt độ quá cao vì sễ gây loang màu, di chuyển màu, oxi hóa màu.

Bao màu không tan: có thể bao bồi 1 lớp, phun tá dược dính và rắc màu không tan để bao. Hoặc sử dụng hỗn dịch màu không tan trong siro. Với hỗn dịch cũng sẽ tiến hành vừa phun và sấy kết hợp đảo đều, khoảng 20 chu kì là đạt yêu cầu.

Chú ý: sau khi bao màu viên được sấy đến độ ẩm quy định để đảm bảo quá trình bao bóng đạt yêu cầu.

Bao bóng

Mục đích: làm bóng cho viên, làm đẹp, chống ẩm. Tạo màng dẻo dai tăng độ bền cơ học và giảm ảnh hưởng các yếu tố từ môi trường bên ngoài vào.

Nguyên liệu: thường dùng các loại sáp như sáp ong, sáp carnauba, candelilla. Có 3 cách đưa tá dược bao bóng như đưa dưới dạng bột min, dung dịch trong các dung môi hữu có và dạng bột nhão trong ethanol.

Phương pháp: cho viên đã sấy khô và nóng vào nồi bao để tiến hành bao bóng. Cho nồi quay với tốc độ thích hợp và cho tá dược bao bóng vào. Quay đến khi viên đạt độ bóng theo yêu câu thì kết thúc quá trình bao. Tiến hành thu sản phẩm.

Lưu ý: quá trình đánh bóng viên cần tăng ma sát của viên với thành nồi hoặc các viên với nhau để độ bóng cho viên. Có thể cho viên vào túi bóng hoặc túi vải hay thiết kế các nồi bao có các gờ để tăng ma sát với viên.

Các yếu tố ảnh hưởng đến độ đồng nhất của các lớp bao

Cấp dịch (cấp bột rắc trong bao nền): tốc độ, lượng cấp một lần, lượng dung môi sử dụng, vị trí cấp dịch.

Xáo trộn của viên trong nồi bao: tốc độ quay của nồi bao, góc nghiêng của thiết bị nồi bao truyền thống.

Thồi gió nóng: nhiệt độ sấy và thời gian sấy

Các biện pháp để lớp bao được đồng nhất

Lớp dịch bao cần lỏng, có độ nhớt phù hợp để lan trên tất cả bề mặt của nhân bao.

Dịch bao phải thấm ướt được tất các viên, tăng dần lượng dịch bao sử dụng khi kích thước các viên tăng lên.

Nồi cần phải đảo viên tốt, giúp viên đồng đều.

Những khó khăn trong bao đường của viên nén

  • Không phải loại viên nén nào cũng có thể đem đi bao đường
    Không phải loại viên nén nào cũng có thể đem đi bao đường

    Viên bị gãy vỡ khi bao

  • Vỏ bao bị sút mẻ
  • Vỏ bao bị rạn nứt
  • Vỏ bao khó sấy khô
  • Dính viên
  • Màu không đều
  • Viên bị mờ “đổ mồ hôi”
  • Viên lốm đốm

Các yêu cầu của lớp vỏ bao

Tăng vẻ đẹp cho sản phẩm (bề mặt nhẵn, màu đều và bóng)

Có độ bền cơ học thích hợp không bị nứt vỡ. Thường sau bao độ bền cơ học của viên nén được tăng lên

Đạt được các yêu như bao bảo vệ, tan trong ruột, kiểm soát giải phóng tùy theo mục đích bao.

Che dấu được mùi vị khó chịu của dược chất

Lớp bao càng mỏng càng tốt, nhưng cần đảm bảo được các yêu cầu trên

Tài liệu tham khảo

Bộ môn Công nghiệp Dược “kỹ thuật bao viên”, kỹ thuật sản xuất dược phẩm tr 300- 328

Bộ môn công nghiệp dược “kỹ thuật bao viên, sản xuất thuốc’ tập 3

Slide bài giảng “kỹ thuật bao đường” – PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Duyên

Tài liệu tham khảo

Dược điển Việt Nam V

Xem thêm: Kem chống già hóa là gì? Các thành phần và kỹ thuật bào chế

1 thoughts on “Kỹ thuật bao đường là gì? Quy trình bào chế viên nén bao đường

Trả lời (Quy định duyệt bình luận)

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

The maximum upload file size: 1 MB. You can upload: image. Drop file here