Công thức và kĩ thuật bào chế Lotion giữ ẩm

Xuất bản: UTC +7

Cập nhật lần cuối: UTC +7

Lotion giữ ẩm

Lotion giữ ẩm hiện nay là một sản phẩm phổ biến và cần thiết cho mọi người, đặc biệt đây là một trong những sản phẩm skincare không thể thiếu cho các chị em phụ nữ. Hiện nay trên thị trường có rất đa dạng các sản phẩm lotion giữ ẩm cho da, bài viết này, nhà thuốc Ngọc anh sẽ trình bày về công thức và kĩ thuật bào chế nhũ tương Lotion giữ ẩm.

Công thức bào chế

Lotion giữ ẩm hiện có nhiều công thức bào chế khác nhau nhưng công thức dưới đây đã được nghiên cứu, chứng minh mang lại hiệu quả khá tốt nên được sử dụng rộng rãi trong qui mô phòng thí nghiệm cũng như qui mô công nghiệp:

  • Alcol cetylic ……………………. 2,00 g
  • Acid stearic …………………….. 0, 80 g
  • Glycerin stearat ………………… 1,50 g
  • Isopropyl myristat ……………… 1,50 g
  • Dầu vaselin …………………….. 5,00 g
  • Nước hoa hồng ………………… 0,5 g
  • Glycerin ……………………….. 1,5 g
  • Propylen glycol ………………… 2,00 g
  • Carbopol 934 …………………… 0,50 g
  • Triethanolamin ………………… 0,40 g
  • Polysorbat 20 ………………….. 1,85 g
  • Propyl paraben ………………… 0,05 g
  • Methyl paraben ……………….. 0,10 g
  • Nước tinh khiết vừa đủ ………… 100 ml

Đặc điểm tính chất, tác dụng của mỗi thành phần

Khi tiến hành nghiên cứu công thức bào chế nào ngoài việc cần tìm hiểu và lựa chọn tá dược phù hợp với đặc điểm tính chất của dược chất còn phải lựa chọn tá dược không có tác dụng dược lí riêng hoặc có tác dụng hiệp đồng với dược chất.

Alcol cetylic

Alcol cetylic thuộc nhóm các alcol béo, là chất ở thể rắn, có dạng tinh thể hoặc mảnh óng ánh, không màu, trong công thức trên, alcol cetylic có tác dụng điều chỉnh thể lotion.

Acid stearic

Acid stearic là một acid béo, có thể chất ở dạng rắn, có tác dụng điều chỉnh thể chất của lotion, và có thể tạo xà phòng với các hydroxyd kiềm hoặc các amin kiềm để làm chất nhũ hoá. Trong công thức lotion trên, acid stearic kết hợp với Triethanolamin để tạo thành chất nhũ hoá thân nước.

Glycerin stearat

Glycerin stearat là este của acid béo stearic với glycerol, có khả năng hấp thụ các chất lỏng phân cực và trộn lẫn với nước khi phối hợp với chất diện hoạt thân nước, có thể tạo thành tá dược nhũ hoá cho công thức lotion trên.

Isopropyl myristat

Isopropyl myristat thuộc các chất phân lập từ dầu mỡ sáp, là một este của acid béo với alcol isopropylic, có tác dụng tăng tính thấm, làm lotion thấm nhanh và sâu vào lớp biểu bì hơn để cấp ẩm cho da.

Dầu vaselin

Dầu vaselin có thể chất lỏng, sánh với tỉ trọng là 0,85 đến 0,89, không màu, không mùi, không tan trong nước, ethanol, dễ tan trong các dung môi hữu cơ. Dầu vaselin trong công thức là một thành phần trong pha dầu của nhũ tương, có tác dụng điều chỉnh thể chất của lotion.

Nước hoa hồng

Hình ảnh: Nước hoa hồng
Hình ảnh: Nước hoa hồng

Nước hoa hồng có mùi thơm đặc trưng từ cánh hoa khi được ngâm trong nước có thành phần hydrosol, nước ngâm này có tác dụng giữ ẩm cho da cũng như giảm các dấu hiệu lão hoá da.

Glycerin

Glycerin trong công thức nhũ tương trên có tác dụng tăng độ nhớt, góp phần tăng độ bám dính, kéo dài tác dụng của thuốc. Ngoài ra, glycerin còn là dung môi đồng tan với nước đóng vai trò điều chỉnh tỷ trọng pha nước, tăng độ ổn định cho nhũ tương. Glycerin còn hạn chế được sự ảnh hưởng của vi sinh vật trong pha nước. nhưng chú ý cần dùng hạn chế vì glycerin có tính háo ẩm.

Propylen glycol

Propylen glycol là một dung môi hữu cơ có công thức phân tử là C3H8O2.  có khả năng tan trong nước, aceton và cloroform, là chất lỏng không màu, có vị ngọt nhẹ. TRong công thức trên, Propylen glycol ngoài vai trò là có độ nhớt cao nên tăng độ ổn định của nhũ tương, còn cùng với glycerin đóng vai trò là đồng dung môi làm giảm lượng nước trong công thức lotion, hạn chế được sự ảnh hưởng của ví sinh vật đến nhũ tương, tăng thêm độ ổn định cho công thức.

Carbopol 934

Carbopol 934 là tên thương mại của poly acrylic acid, có đặc điểm là trương nở tạo gel, nhưng cần trung hoà bằng amin kiềm hoặc kiềm loãng.

Polysorbat 20

Polysorbat 20 hay còn gọi là tween 20, là một chất diện hoạt không ion hoá, thuộc dẫn chất polyoxyethylen, có tên là polyoxyethylen sorbitan monooleat với giá trị HLB là 16,7. Đây là chất diện hoạt thân nước, không tương kỵ với các chất diện hoạt ion hoá hay các ion nhiều hoá trị, ít gây kích ứng và độc tính cũng thấp. đây là chất nhũ hoá tạo nhũ tương D/N.

Propyl paraben và methyl paraben

Propyl paraben và methyl paraben là những chất bảo quản giúp cho nhũ tương ổn định hơn, tăng tuổi thọ của thuốc.

Nước tinh khiết

Nước tinh khiết đóng vai trò bổ sung thể tích cho nhũ tương.

Bao bì

Đối với tất cả các dạng bào chế thì bao bì đều là thành phần quan trọng, với nhũ tương cũng vậy, với chức năng bảo quản, phân phối, hướng dẫn bệnh nhân sử dụng thuốc. lotion giữ ẩm này có thể được đựng trong các chai hay lọ nhựa.

Thành phần của nhũ tương

Pha dầu: alcol cetylic, acid stearic, glycerin stearat, isopropyl myristat, dầu vaselin.

Pha nước: nước hoa hồng, glycerin, propylen glycol, carbopol 934, triethanolamin, propyl paraben, methyl paraben, nước tinh khiết.

Chất nhũ hoá: polysorbat 20, triethanolamin stearat( được tạo thành trong quá trình phối hợp hai pha)

Kiểu nhũ tương: D/N

Phương pháp bào chế nhũ tương

Có nhiều cách để nhũ hoá hai pha nước và dầu, ví dụ như kĩ thuật nhũ hoá thông thường, kĩ thuật nhũ hoá đặc biệt gồm kĩ thuật đảo pha, keo khô, tạo chất nhũ hoá trong quá trình phối hợp hai pha, lần lượt thêm vào các chất nhũ hoá,…

Nhũ tương nhỏ mắt trong bài này được điều chế bằng cách tạo chất nhũ hoá trong quá trình phối hợp hai pha:

  • Chuẩn bị pha dầu: hoà tan các thành phần tan trong dầu và đun nóng đến nhiệt độ 60- 65oC
  • Chuẩn bị pha nước: hoà tan các thành phần tan trong pha nước và đung nóng đến nhiệt độ 65- 70oC
  • Phối hợp hai pha dầu nước: phối hợp từng phần pha nội vào pha ngoại.
  • Điều chỉnh thể tích và hoàn chỉnh sản phẩm.

Vài nét về kĩ thuật tạo thành chất nhũ hoá trong quá trình phối hợp hai pha

Trong quá trình nhũ hoá hai pha, chất nhũ hoá có thể được tạo thành trên bề mặt ngăn cách pha. Phương pháp này được sử dụng phổ biến cho nhũ tương hình thành và ổn định bằng xà phòng. Phương pháp này thường cho nhũ tương bề vững và kích thước của tiểu phân phân tán thường nhỏ.

Kĩ thuật bào chế Lotion giữ ẩm

Chuẩn bị đầy đủ dụng cụ bào chế qui mô phòng thí nghiệm, bào gồm: cốc có mỏ, đũa thuỷ tinh, đèn cồn, bát sứ, chai nhựa, nhãn dán,…

Sơ đồ bào chế:

Quy trình bào chế Lotion giữ ẩm
Quy trình bào chế Lotion giữ ẩm

Qui trình bào chế cụ thể:

Chuẩn bị pha dầu:

  • Phối hợp các thành phần pha dầu, đun chảy lỏng, khuấy đều và duy trì nhiệt độ ở khoảng 60oC

Chuẩn bị pha nước:

  • Ngâm trương nở, hoà tan carbopol 934 trong một thể tích nước thích hợp.
  • Sau đó hoà tan các paraben, polysorbat 20 và triethanolamin trong hỗn hợp nước, glycerol, propylen glycol đun nóng.
  • Phối hợp dung dịch trên vào gel carbopol đã ngân trương nở, khuấy đều và duy trì nhiệt độ khoảng 65oC.

Nhũ hoá từng phần pha dầu vào pha nước, kết hợp khuấy trộn ở tốc độ thích hợp để thu được nhũ tương đồng nhất.

Thêm nước hoa hồng và bổ sung nước tinh khiết vừa đủ thể tích yêu cầu, khuấy đều

Cuối cùng đóng lọ lotion thu được vào lọ có dung tích thích hợp, dán nhãn đúng quy chế.

Đặc điểm thành phẩm của Lotion giữ ẩm

Thành phẩm sau khi bào chế có thể chất mịn màng, mùi thơm, bôi lên da cảm thấy dễ chịu.

Công dụng của Lotion giữ ẩm

Lotion là loại kem dưỡng có nhiều công dụng, cung cấp độ ẩm cho da một cách dịu nhẹ, với thành phần chứa nhiều nước nên thẩm thấu nhanh và sâu vào lớp biểu bì. Lotion còn làm giảm các vấn đề về da, giảm sự xuất hiện của các vết thâm, bong tróc da, chống lão hoá, giúp cho làn da tăng tính đàn hồi, khoẻ mạnh, xoá đi các nếp nhăn.

Tài liệu tham khảo

Slide bài giảng Thuốc mềm- GV Vũ Thị Thu Giang_ BM Bào chế- Trường ĐH Dược Hà Nội.

Sách giáo trình “ Bào chế và sinh dược học” tập 1- bộ môn Bào chế trường Đại học Dược Hà Nội.

Xem thêm: Nhũ tương Clobetasol Propionat: Công thức và kỹ thuật bào chế

Để lại một bình luận (Quy định duyệt bình luận)

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

The maximum upload file size: 1 MB. You can upload: image. Drop file here