Hướng dẫn cách sơ cứu và vận chuyển người bệnh bị tai nạn, chấn thương

Xuất bản: UTC +7

Cập nhật lần cuối: UTC +7

Hình ảnh minh họa khi sơ cứu cho bệnh nhân

Nhà thuốc Ngọc Anh – Do không được sơ cứu kịp thời, thiếu hiểu biết về sơ cứu, nhiều trường hợp bị tai nạn, chấn thương được chuyển tới bệnh viện trong tình trạng thương tổn nặng hơn ban đầu. Các chuyên gia sẽ hướng dẫn một số cách sơ cấp cứu và vận chuyển người bệnh an toàn, đối với cả trường hợp nội viện và ngoại viện.

Sơ cứu tai nạn thương tích trên đường phố thế nào?

Trên thực tế, đa số người dân khi gặp nạn nhân bị tai nạn giao thông hoặc thương tích trên đường đều không nắm được các kỹ năng sơ cứu cơ bản để trợ giúp hoặc không dám vào sơ cứu vì sợ làm nặng thêm tổn thương. Điều này rất đáng tiếc vì có thể làm giảm cơ hội cứu chữa cho bệnh nhân. Qua đó, PGS.TS Hoàng Bùi Hải – Trưởng Khoa Cấp cứu & Hồi sức tích cực, BV ĐH Y Hà Nội tóm tắt một số kiến thức cơ bản, giúp người chứng kiến mạnh dạn, tự tin hơn khi sơ cứu tai nạn thương tích trên đường phố.

Trước tiên, cần phải bảo vệ cột sống cổ của bệnh nhân khi di chuyển bằng cách một người đỡ đầu để thẳng trục với thân, một người xốc nách từ sau, một người đỡ hai chân cả 3 người cùng lùi cùng tiến. Lưu ý, luôn để đầu và cột sống cổ thẳng trục với thân mình.

Nhiều trường hợp bệnh nhân vẫn tỉnh táo, nhưng chấn thương cột sống cổ mất vững, khi di chuyển và sơ cứu, người giúp đỡ vô tình xốc ngược người bị nạn lên, cổ không được bảo vệ gây đứt tủy cổ dẫn đến nạn nhân choáng tủy có thể chết ngay, hoặc có thể bị liệt cơ hô hấp, liệt tứ chi không hồi phục. Đây là sai lầm thường gặp và dễ mắc phải của người cứu hộ thiếu kiến thức.

Theo PGS.TS Hoàng Bùi Hải, người dân có thể nắm được và xử trí theo một số bước cơ bản khi gặp bệnh nhân không may bị tai nạn, chấn thương ngoại viện như sau:

Bước 1: Nhanh chóng gọi người hỗ trợ, nên gọi 115 để có sự trợ giúp chuyên nghiệp.

Bước 2: Xem nạn nhân có bị ngừng tim chưa (gọi hỏi không biết, ngừng thở hoặc thở ngáp, mạch cổ không đập). Nếu có ngừng tim cần để nạn nhân nằm ngửa nhẹ nhàng, duỗi thẳng chân tay, tránh gập cổ…rồi ép tim ngay, đặt 2 tay chồng lên nhau giữa ngực nạn nhân và ép thật mạnh, thật nhanh, thả tay để ngực nở tối đa sau mỗi lần ép tim. Ép tim liên tục không nghỉ, sau 2 phút có người thay. Ép cho đến khi tim đập lại (tỉnh ra, thở được, có mạch cổ đập) hoặc cho đến khi nhân viên cứu hộ chuyên nghiệp đến.

Lưu ý chỉ di chuyển nạn nhân bị ngừng tim vào bệnh viện khi tim đã đập lại. Nếu nạn nhân vẫn tỉnh, hoặc lơ mơ, vẫn tự thở thì sang bước 3.

Bước 3: Đặt nạn nhân nằm nghiêng an toàn, nằm nghiêng một bên, 2 tay duỗi, một chân vắt chéo sang bên đối diện.

Hình ảnh minh họa khi sơ cứu cho bệnh nhân
Hình ảnh minh họa khi sơ cứu cho bệnh nhân

Bước 4: Cố định cột sốt cổ, yêu cầu cột sống cố phải thẳng với trục cơ thể. Có thể dùng 2 bao cát hay 2 viên gạch chèn 2 bên tai khi bệnh nhân nằm.

Bước 5: Tìm các vết thương chảy máu để cầm máu, bằng cách băng ép bằng quần áo, dây. Với nạn nhân chảy máu ở đầu, người cứu phải quấn băng quanh đầu để cầm máu, nhưng vẫn phải luôn giữ đầu cố định.

Bước 6: Cố định các vết thương gẵy xương như xương đùi, xương cẳng tay bằng nẹp, giúp giảm đau cho nạn nhân.

Bước 7: Di chuyển nạn nhân vào bệnh viện gần nhất bằng xe cứu thương, có thể bằng ô tô… tuyệt đối không vận chuyển bằng xe máy. Giữ tư thế đầu thẳng với trục cơ thể trong suốt quá trình vận chuyển.

bbaiblogggNgocAnh 6
Nên gọi Cấp cứu 115 để được hỗ trợ một cách chuyên nghiệp

 

Đặc biệt lưu ý: Trong suốt quá trình sơ cứu, phải bảo vệ cột sống cổ của bệnh nhân khi di chuyển bằng cách một người đỡ đầu để thẳng trục với thân, một người xốc nách từ sau, một người đỡ hai chân cả 3 người cùng lùi cùng tiến. Để đầu, cột sống cổ luôn thẳng trục với thân mình.

Cấp cứu và vận chuyển bệnh nhân chấn thương sọ não

Chấn thương sọ não do tai nạn giao thông đang ngày càng gia tăng, di chứng để lại cho người bệnh thường rất nặng nề, gây tốn kém tiền bạc cho gia đình và là gánh nặng cho xã hội. Việc cấp cứu đúng, kịp thời và vận chuyển bệnh nhân đúng cách sẽ giúp phòng tránh những tổn thương thứ phát, giúp cho người bệnh hồi phục tốt hơn, tạo cho người bệnh có cơ hội tái hòa nhập được với cộng đồng.

Cần phải tiến hành tuần tự các can thiệp sau đây với mục đích phòng tránh và loại bỏ ngay các yếu tố gây tổn thương thứ phát trong sọ, vận chuyển an toàn bệnh nhân trong và ngoài bệnh viện.

Cấp cứu kịp thời, đúng cách

Kiểm soát đường hô hấp

Loại trừ tắc nghẽn đường hô hấp trên do tụt lưỡi, tắc đờm dãi hoặc máu, dị vật bằng hút sạch, đặt canul Mayo hoặc nâng và kéo cằm về phía trước.

Phòng tránh và loại trừ tổn thương cột sống cổ: Đặt ngay băng cổ (collier) nếu có; Giữ tư thế đầu trung gian và thẳng trục với cổ và thân trong mọi trường hợp khi chưa loại trừ chấn thương cột sống cổ.

Oxy liệu pháp sau khi làm thông thoáng đường thở qua mask hoặc qua sonde với lưu lượng từ 3 – 6 lần/phút. Có thể tăng lưu lượng đến 10 – 12lần/ phút nếu thiếu oxy nặng trong lúc chờ đợi đặt NKQ (nội khí quản) và thông khí nhân tạo.

Hình ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Hình ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

 

Đặt NKQ và thông khí nhân tạo cho các trường hợp:

– CTSN có điểm Glasgow ≤ 8.

– Tri giác xấu đi nhanh.

– Giãn đồng tử 1 bên hoặc cả 2 bên.

– Động kinh.

– Bệnh nhân kích động nhiều phải dùng an thần mạnh với liều cao.

– Suy hô hấp: Thở nhanh > 30 lần/phút hoặc thở chậm <10 lần/phút hoặc rối loạn nhịp thở, có cơn ngừng thở.

– Thiếu oxy hoặc ưu thán: PaO2 <70 mmHG, PaCO2 >45mmHg.

– Phối hợp với các chấn thương khác nhau như chấn thương hàm mặt nặng, chấn thương cột sống, chấn thương ngực bụng.

Lưu ý khi đặt NKQ: Chủ yếu qua đường miệng. Không nên đặt NKQ qua mũi khi có vỡ nền sọ vì có thể gây tổn thương não. Nên dùng thuốc ngủ (Hypnovel, Thipental) và giãn cơ (Myorelaxin hoặc Esmeron) phối hợp với nghiệm pháp Sellick khi đặt NKQ (ấn trên sụn nhẫn khoảng 4kg từ khi bệnh nhân ngủ đến lúc đặt xong NKQ).

Thông khí nhân tạo bằng bóp bóng hoặc thở máy đảm bảo SpO2 >95%, PaO2 >110 mmHg, PaCO2 30-35mmHg. Các tổn thương chèm ép tim phổi cần loại trừ sớm khi thông khí nhân tạo như tràn máu – khí màng phổi, tràn máu màng tim, tràn máu – khí trung thất.

Đảm bảo huyết động

Duy trì huyết áp động mạch tối đa trong giới hạn 120 – 140mmHg, bao gồm các can thiệp sau:

Đặt đường truyền ngoại vi đủ lớn (catheter 16-14). Đường truyền tĩnh mạch cảnh ngoài và tĩnh mạch bẹn được lựa chọn để đánh giá khối lượng tuần hoàn và hồi sức trong cấp cứu.

Bù đủ khối lượng tuần hoàn. Dịch truyền nên sử dụng là NaCl 0,9%, dịch keo như Gelatine, Heas steril… Không dùng Ringerlactate vì áp lực thẩm thấu thấp cũng như dịch đường các loại vì làm tăng chuyển hóa yếm khí, toan hóa tế bào não.

Các thuốc trợ tim – co mạch như Dopamin, Adrenaline, Noadrenaline có thể sử dụng nhằm duy trì HA tương đối cao như mong muốn trong trường hợp đã bù đủ khối lượng tuần hoàn.

Bù đủ máu mất, duy trì Hema trong khoảng 30 – 33%. Can thiệp ngoại khoa quan trọng hàng đầu trong trường hợp mất máu ồ ạt như vỡ phức tạp nền sọ – hàm mặt, chảy máu trong ổ bụng, vết thương mạch máu.

Chống phù não

Kiểm soát đường thở và thông khí tốt là can thiệp quan trọng nhất chống phù não sau chấn thương.

An thần, giảm đau tốt.

Tư thế đầu cao 300, đầu cổ ở tư thế trung gian và thẳng trục.

Hạ sốt ngay khi nhiệt độ > 380.

Kiểm soát đường máu sớm.

Liệu pháp Mannitol 20%, liều 0,5-1g/kg truyền nhanh trong 10 – 20 phút có tác dụng giảm ALNS và lợi tiểu sau 15 – 30 phút sử dụng. Mannitol có thể có hại nếu bệnh nhân thiếu khối lượng tuần hoàn, thiếu máu. Lúc này huyết thanh mặn ưu trương (NaCl 7,5%) được chỉ định thay thế vì làm giảm ALNS trong khi làm tăng khối lượng tuần hoàn. Chỉ định Mannitol trong cấp cứu bao gồm:

– CTSN có dấu hiệu thần kinh khu trú nặng: Giãn đồng tử, liệt nửa người.

– CTSN có dấu hiệu tăng ALNS nặng: Đồng tử hai bên giãn, không co lại mặc dù đã kiểm soát hô hấp và tuần hoàn.

– Điểm Glasgow ≤ 8.

– Tri giác xấu đi nhanh chóng sau chấn thương.

Hình ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Hình ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

 

Công tác vận chuyển bệnh nhân

Các rối loạn chức năng có thể xảy ra trong khi vận chuyển làm CTSN nặng lên, thậm chí gây tử vong. 24 – 41% bệnh nhân có rối loạn tuần hoàn trong lúc vận chuyển: tăng HA, tụt HA, mạch nhanh là các rối loạn thường gặp nhất. 42% bệnh nhân hôn mê không được đặt NKQ có tắc đường hô hấp trên trong lúc vận chuyển. Các rối loạn hô hấp thường gặp là thiếu oxy, ưu thán hoặc cả hai, nhược thán.

Vận chuyển bệnh nhân CTSN trong bệnh viện hay giữa các bệnh viện chỉ nên tiến hành khi có các điều kiện sau:

– Bệnh nhân chấn thương sọ não đã được sơ cứu, hô hấp và tuần hoàn được kiểm soát, cột sống cổ được bảo vệ.

– Phương tiện theo dõi ít nhất phải có các chỉ số: HA động mạch, nhịp tim, SpO2. Theo dõi ETCO2 cần thiết cho bệnh nhân được thông khí nhân tạo.

– Oxy liệu pháp hoặc thông khí nhân tạo với oxy.

– Phương tiện hồi sức hô hấp và tuần hoàn phải được mang theo.

– Bệnh nhân cần được bác sĩ gây mê hồi sức áp tải trên đường vận chuyển đến Bệnh viện.

Tài liệu tham khảo

ABC First Aid: Rules for CPR and Other First Aid Situations, healthline, truy cập ngày 2/11/2021.

Xem thêm: Bệnh lý tim mạch: Ghi nhận nhiều tiến bộ trong điều trị

Để lại một bình luận (Quy định duyệt bình luận)

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

The maximum upload file size: 1 MB. You can upload: image. Drop file here