Dấu hiệu giúp phát hiện ung thư tuyến tiền liệt sớm nhất

Xuất bản: UTC +7

Cập nhật lần cuối: UTC +7

Nhathuocngocanh.com – Nếu với nữ giới có ung thư cổ tử cung thì nam giới cũng có bệnh đặc thù riêng là ung thư tuyến tiền liệt – căn bệnh gây ra nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng mà chỉ có người trong giới mới hiểu. Chính vì thế, hãy cùng theo chân nhà thuốc Ngọc Anh tìm hiểu kỹ hơn về căn bệnh của phái mạnh này để có cái nhìn đúng đắn nhất về nó nhé!

Ung thư tuyến tiền liệt là bệnh gì?

Trước khi hiểu kỹ hơn thế nào là ung thư tuyến tiền liệt thì hãy cùng xác định vị trí cụ thể của tuyến tiền liệt là ở đâu trên cơ thể để dễ dàng hình dung hơn về bệnh nhé! Tuyến tiền liệt là một cơ quan đặc thù, chỉ có ở nam giới với chức năng quan trọng về giới đó là sản sinh tinh dịch và đảm nhận việc vận chuyển tinh trùng. Tuyền liệt tuyến nằm ở ngay phía trước ruột già, bên dưới bóng đái và phủ kín quanh niệu đạo.

Ung thư tiền liệt tuyến xảy ra khi xuất hiện các tế bào bất thường phát triển mất kiểm soát ở bên trong của tuyến. Lâu ngày, các tế bào này có thể di căn sang các khu vực lân cận, thậm chí chúng còn di căn qua xương, hạch bạch huyết để lại cảm giác đau và rất nhiều phiền toái cho người bệnh như: Khó tiểu, rối loạn cương dương, gặp nhiều khó khăn khi quan hệ,…

Ung thư tuyến tiền liệt đang là một căn bệnh vô cùng phổ biến ở nam giới, chỉ xếp thứ 2 sau ung thư phổi mà lại có xu hướng gia tăng theo thời gian mà triệu chứng bệnh lại không rõ ràng nên người bệnh thường bỏ qua nó và khi phát hiện ra bệnh thì thường đã ở giai đoạn nghiêm trọng rồi. Do đó, việc phát hiện bệnh ngay từ giai đoạn đầu là rất cần thiết cho quá trình điều trị để đạt hiệu quả cao.

Ung thư tuyến tiền liệt là bệnh gì?
Ung thư tuyến tiền liệt là bệnh gì?

Các giai đoạn phát triển của bệnh:

  • Giai đoạn đầu: Đây là thời điểm các tế bào ác tính mới bắt đầu hình thành tại tuyến tiền liệt.
  • Giai đoạn II: Ở giai đoạn này, các tế bào ung thư vẫn chỉ xuất hiện bên trong tuyến tiền liệt mà chưa di căn sang các vùng lân cận. Giai đoạn này có thể được phát hiện thông qua thăm khám trực tràng hay làm sinh thiết máu.
  • Giai đoạn III: Tế bào ác tính đã bắt đầu di căn sang các mô cơ quan xung quanh.
  • Giai đoạn cuối: Ung thư đã xâm lấn, di căn sang rất nhiều cơ quan như trực tràng, bàng quang, hạch bạch huyết, ăn vào xương và cả các cơ quan xa hơn như gan, phổi. Giai đoạn này bệnh nhân sẽ phải đối mặt với rất nhiều cơn đau lan tỏa khắp cơ thể.

Dấu hiệu phát hiện sớm ung thư tuyến tiền liệt

Dù triệu chứng bệnh ở giai đoạn đầu không điển hình nhưng không phải quá khó để nhận ra đâu, hãy quan tâm bản thân thêm một chút là bạn sẽ hiểu được ngay điều cơ thể muốn “nhắn nhủ” đó. Thông qua một số “tín hiệu” sau đây:

Khó kiểm soát khi đi tiểu, tiểu rắt, tiểu nhiều về đêm: Bạn cảm thấy khó kiểm soát được khi đi tiểu, có thể là cảm thấy rất buồn tiểu mà lại không đi tiểu được hoặc khi thì đi ít, khi lại đi rất nhiều mà lại đi nhiều chủ yếu vào ban đêm. Như đã nói ở trên, vị trí của tuyến tiền liệt là bao quanh niệu đạo nên chỉ cần cục u nhỏ cũng làm cho quá trình đi tiểu gặp trở ngại.

Tiểu buốt, đau khi tiểu tiện: Khối u đè lên niệu đạo cũng sẽ khiến cho người bệnh cảm thấy đau rát mỗi khi đi tiểu. Tuy nhiên, cảm giác đau cũng gặp phải nếu như người bệnh bị viêm nhiễm tuyến tiền liệt. Vậy nên tốt nhất hãy đi khám để xác định rõ hơn vấn đề sức khỏe đang gặp phải bạn nha!

Tinh dịch có máu: Chảy máu ra tinh dịch ở đây có khi là bạn chỉ thấy tinh dịch có màu hồng nhạt hoặc để ý kỹ mới thấy vệt máu loáng thoáng nên đa phần mọi người thường bỏ qua. Tuy nhiên bạn có biết có thể đây là dấu hiệu cho biết rằng các tế bào xấu đang “cắn phá” cơ thể của bạn không?

Đau vùng chậu hông và đùi trên: Các tế bào ung thư phát triển làm cho tuyến tiền liệt to hơn, có thể đè lên vùng xương chậu hoăc các dây thần kinh đùi gây cảm giác đau nhức.

Dấu hiệu phát hiện sớm ung thư tuyến tiền liệt
Dấu hiệu phát hiện sớm ung thư tuyến tiền liệt

Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt

Hiện nay, nguyên nhân gây ra ung thư tuyến tiền liệt vẫn chưa được làm rõ nhưng đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng có một số yếu tố sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh như:

  • Tuổi tác: Ung thư tuyến tiền liệt có xu hướng tăng lên theo độ tuổi, cụ thể như với nam giới dưới 54 tuổi thì tỷ lệ mắc bệnh chiếm 10% nhưng tỷ lệ này tăng đến 64% ở độ tuổi từ 55 đến 74. Đây chính là một yếu tố giúp cho các bác sĩ có thể khoanh vùng bệnh một cách chính xác hơn.
  • Tiền sử gia đình: Các thế hệ trước hoặc trong nhà bạn có người mắc bệnh thì nguy cơ mắc bệnh của bạn cũng tăng lên đến 2, 3 lần so với bình thường.
  • Chủng tộc: Nguy cơ mắc bệnh ung thư cổ tử cung đối với từng chủng tộc cũng rất khác nhau, chẳng hạn như tỷ lệ mắc bệnh cao hơn ở những người da đen mà lại thấp hơn ở những người da trắng trong cùng độ tuổi. Chính vì thế, các bạn da màu thường được khuyên đi sàng lọc và kiểm tra sức khỏe ngay khi còn trẻ để phòng ngừa và phát hiện sớm bệnh.

Chẩn đoán mắc ung thư tuyến tiền liệt

Dựa vào các triệu chứng lâm sàng

Các bác sĩ có thể dựa vào các triệu chứng lâm sàng như đã nêu ở trên để khoanh vùng bị bệnh. Tuy nhiên, những triệu chứng đó vẫn chưa đủ căn cứ để đưa ra kết luận là bệnh nhân đang mắc ung thư mà phải làm thêm các xét nghiệm cận lâm sàng khác để làm căn cứ khoa học xác định bệnh.

Các phương pháp cận lâm sàng chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt

Dựa vào xét nghiệm PSA

PSA là một loại kháng nguyên được sản xuất bởi tuyến tiền liệt mà khi bị ung thư thì PSA lại tiết ra càng nhiều hơn nên nó được coi là yếu tố quan trọng để xác định ung thư tuyến tiền liệt. Nếu PSA nằm trong khoảng từ 4 đến 10 ng/ml thì nên theo dõi bệnh nhân kỹ hơn còn nếu nồng độ lớn hơn 10 thì nguy cơ rất cao bệnh nhân mắc ung thư. Tuy nhiên PSA cũng có thể tăng trong trong viêm hay phì đại tuyến tiền liệt và có đến 1/5 số trường hợp có PSA tăng nhưng bệnh nhân lại không mắc ung thư.

Các phương pháp cận lâm sàng chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt
Các phương pháp cận lâm sàng chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt

Siêu âm: Có 2 vị trí siêu âm mà các bác sĩ có thể dựa vào đó để phát hiện bệnh đó là:

  • Siêu âm vị trí trên xương mu: Ở vị trí này, các bác sĩ có thể đánh giá được tổn thương ở đường tiết niệu trên. Nếu đúng là có tế bào ung thư thì trên hình ảnh siêu âm có thể thấy thành bàng quang mỏng, hoặc viêm dày lên, u chèn ép khiến cho bể thận ứ nước. Hình ảnh siêu âm còn giúp đánh giá được các tổn thương khác xung quanh. Tuy nhiên đầu dò của máy siêu âm sẽ có thể bị xương mu giới hạn nên hình ảnh có thể sẽ không rõ nét, dẫn đến kết luận sai.
  • Siêu âm trực tràng: Siêu âm qua trực tràng sử dụng đầu dò có tần số cao hơn so với siêu âm trên xương mu nên hình ảnh sẽ rõ hơn nên sẽ giúp quá trình chẩn đoán bệnh được chính xác hơn.

Phương pháp sinh thiết: Sinh thiết cũng là một trong những phương pháp chẩn đoán bệnh có độ chính xác cao được cho là tương đương với với phương pháp siêu âm trực tràng. Mức độ của bệnh sẽ dựa vào số mẫu dương tính sau khi sinh thiết.

Chẩn đoán hình ảnh: Chụp X Quang, cộng hưởng từ xương, chụp cắt lớp, chụp thận,… là những phương pháp dùng để xác định, theo dõi mức độ phát triển, di căn của bệnh trên các cơ quan.

Điều trị ung thư tiền liệt tuyến

Dưới đây là các phương pháp điều trị ung thư tiền liệt tuyến:

Phẫu thuật loại bỏ tế bào ung thư

Nếu bệnh ở giai đoạn đầu mà được các bác sĩ dày dặn kinh nghiệm tiến hành phẫu thuật cho thì tỷ lệ khỏi sẽ tăng lên rất cao nên nếu ai còn thắc mắc là bệnh có chữa được không thì hãy cố gắng thường xuyên đi khám để phát hiện bệnh kịp thời thì khả năng điều trị khỏi là rất cao đó.

Xạ trị

Đây là phương pháp sử dụng các chùm tia bức xạ mang nguồn năng lượng lớn chiếu vào bên trong vị trí ung thư để tiêu diệt các tế bào ung thư. Có 2 loại xạ trị thường dùng là xạ trị gia tốc thì tương tự như phẫu thuật và loại khác là xạ trị áp sát, được tiến hành bằng cách chiếu các tia bức xạ áp sát vào tuyến tiền liệt thì hiệu quả cũng tương tự điều trị xạ trị từ xa. Xạ trị là phương pháp điều trị giúp tiêu diệt tế bào ung thư một cách tức thì nên có thể điều trị cho mọi giai đoạn của bệnh. Tuy nhiên với những bệnh nhân cao tuổi hay bệnh nhân sức khỏe không tốt mà đang bị ung thư giai đoạn III thì nên xem xét áp dụng phương pháp này.

Điều trị nội tiết

Điều trị nội tiết là phương pháp giúp kìm hãm sự nhân lên của các tế bào ung thư bằng cách làm giảm điều kiện phát triển của tế bào, mà cụ thể ở đây là làm giảm thiểu tối đa sản sinh nội tiết tố nam. Bệnh nhân có thể lựa chọn giữa việc phẫu thuật tinh hoàn hoặc điều trị bằng thuốc nếu bệnh nhân không thể tiến hành phẫu thuật. Với bệnh đã ở giai đoạn cuối thì có thể áp dụng cả xạ trị và điều trị nội tiết nếu có thể còn khi bệnh đã xâm lấn sang các cơ quan khác nhưng vẫn chưa biểu hiện triệu chứng thì bác sĩ thường để đến khi biểu hiện bệnh mới điều trị.

Phẫu thuật cắt bỏ tuyến tiền liệt

Khi mà tế bào ung thư chưa di căn sang các mô cơ quan xung quanh thì việc cắt bỏ tuyến sẽ giúp cho bệnh có thể được loại bỏ triệt để hơn. Tùy vào từng tình trạng bệnh nhân mà các bác sĩ sẽ quyết định có nên cắt bỏ hay không và nếu có cắt bỏ thì cụ thể là tại vị trí nào. ((Yvette Brazier (Updated on November 23, 2021), What to know about prostate cancer, MedicalNewsToday, Truy cập ngày 19 tháng 10 năm 2021))

Điều trị ung thư tiền liệt tuyến
Điều trị ung thư tiền liệt tuyến

Trên đây là một số kiến thức quan trọng mà nam giới nên nắm rõ để có sự chuẩn bị và quan tâm hơn đến sức khỏe của mình. Mọi bệnh ung thư đều có thể phòng ngừa bằng cách xây dựng chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý đó!

Xem thêm:

Bệnh Thalassemia

Câu hỏi lâm sàng

Câu 1

Bệnh nhân nam 28 tuổi đến phòng khám để thăm khám khối ở tinh hoàn trái. Khối đã xuất hiện 2 tháng nay và tăng dần về kích thước. Bệnh nhân không đau tinh hoàn bên tổn thương và không sụt cân. Bệnh nhân khỏe mạnh và không có triệu chứng khác. Bệnh nhân không sử dụng thuốc lá, rượu hay chất cấm. Dấu hiệu sinh tồn bình thường. Bụng mềm ấn không đau và không sờ thấy u cục. Thăm khám sờ thấy một nốt mật độ chắc, không đau ở tinh hoàn trái. Không có hạch bạch huyết phản ứng ở bẹn. Siêu âm bìu cho thấy khối đặc, giảm âm kích thước 5cm ở tinh hoàn trái. Bước xử trí tiếp theo tốt nhất ở bệnh nhân này là gì?

  1. Liệu pháp triệt androgen
  2. Kháng sinh và tái khám sau 1 tháng
  3. Chọc hút tế bào học kim nhỏ
  4. Cắt toàn bộ tinh hoàn qua ống bẹn
  5. Sinh thiết xuyên bìu
Ung thư tinh hoàn
Dịch tễ 
  • Tuổi 15-35
  • Yếu tố nguy cơ: tiền sử gia đình, tinh hoàn lạc chỗ
Type
  • U tế bào mầm (95%): u tinh bào hoặc không tinh bào (ung thư biểu mô phôi, túi noãn hoàng, nguyên bào nuôi, u quái, hỗn hợp)
Biểu hiện
  • Khối một bên tinh hoàn không đau
  • Đau âm ỉ vùng bụng dưới
Chẩn đoán
  • Thăm khám: khối hình bầu dục, mật độ chắc
  • Tăng marker u (AFP, beta-HCG, LDH)
  • Siêu âm bìu

Khối ở tinh hoàn đặc, mật độ chắc, không đau của bệnh nhân gợi ý nhiều khả năng ung thư tinh hoàn, là u ác tính tạng đặc thường gặp nhất ở nam giới độ tuổi 15-35. Trong nhiều trường hợp biểu hiện với một nốt ở một bên tinh hoàn mà thường không đau nhưng kèm theo đau âm ỉ bụng dưới. Thăm khám hai tay sau cùng phát hiện một khối hình bầu dục cứng nằm trong lớp áo trắng.

Chẩn đoán sớm và điều trị là cần thiết để tạo cơ hội điều trị tốt nhất. Điều này bao gồm:

  • Siêu âm bìu, thường phát hiện tổn thương đặc giảm âm (u tinh bào) hoặc tổn thương với các diện nang và canxi hóa (u tế bào mầm không tinh bào)
  • Marker ung thư huyết tương như beta-HCG và AFP và LDH
  • Cắt tinh hoàn toàn bộ qua ống bẹn được thực hiện để xác định chẩn đoán mô bệnh học và điều trị triệt để.

Ý A: Ung thư tuyến tiền liệt lan tỏa thường điều trị với liệu pháp triệt androgen. Ung thư tuyến tiền liệt thường biểu hiện với tuyến tiền liệt có nốt và tăng nồng độ kháng nguyên đặc hiệu tuyến tiền liệt. Triệt androgen không phải là điều trị đầu tay của ung thư tinh hoàn.

Ý B: Viêm mào tinh-tinh hoàn cần dùng kháng sinh và thường kèm sưng đau vùng sau tinh hoàn. Khối ở tinh hoàn đặc, mật độ chắc không đau ở bệnh nhân này nên được nghi ngờ ung thư tinh hoàn cho đến khi xác định được chẩn đoán khác; chậm trễ trong chẩn đoán và điều trị thường dẫn đến tiên lượng xấu.

Ý C và E: Cắt tinh hoàn qua bìu, sinh thiết tinh hoàn xuyên bìu và chọc hút kim nhỏ thường kèm theo kết quả điều trị kém và tăng nguy cơ tái phát vì đường rạch da bìu gây gieo rắc khối u qua hệ bạch huyết tại chỗ. Do đó, cắt tinh hoàn hoàn toàn qua ống bẹn thường được ưu tiên để chẩn đoán xác định và điều trị.

Mục tiêu học tập: Khối ở tinh hoàn đặc, mật độ chắc, không đau nên được nghi ngờ ung thư tinh hoàn cho đến khi chứng minh được chẩn đoán khác. Xét nghiệm chẩn đoán thường bao gầm siêu âm tinh hoàn 2 bên, marker u huyết tương và cắt tinh hoàn toàn qua ống bẹn.

Câu 2

Bệnh nhân nam 35 tuổi đến phòng khám do sự gia tăng kích thước ngực trong vòng 6 tháng. Bệnh nhân có quan hệ tình dục, không có bệnh lý nội khoa mạn tính, và không dùng thuốc. Bệnh nhân không sử dụng thuốc lá, rượu hay chất cấm. Dấu hiệu sinh tồn bình thường. BMI 28 kg/mm2. Thăm khám vú thấy nữ hoá tuyến vú kèm ấn đau nhẹ 2 bên vú. Thăm khám niệu sinh dục nhận thấy một nốt 1cm ở tinh hoàn phải. Thăm khám khác bình thường. Kết quả xét nghiệm như sau:

LH 3 U/L; FSH 2 U/L;

Testosteron 270 ng/dL (bình thường 300-1000 ng/dL)

Estradiol 115 pg/mL (bình thường 20-60 pg/mL)

Chẩn đoán nào sau đây nhiều khả năng nhất ở bệnh nhân này?

  1. Ung thư nguyên bào nuôi
  2. Ung thư tế bào Leydig
  3. U tinh bào
  4. U quái
  5. U túi noãn hoàng
Các u ác tính tinh hoàn
Tế bào mầm U tinh bào
  • Vẫn còn đặc tính tạo tinh trùng
  • Beta HCG, AFP thường âm tính
U không tinh bào
  • ≥1 tế bào biệt hoá không hoàn toàn: túi noãn hoàng, u biểu mô phôi, u quái, và hoặc u nguyên bào nuôi
  • Beta HCG, AFP thường dương tính
Tế bào đệm Leydig
  • Thường bài tiết lượng lớn estrogen (nữ hoá tuyến vú) hoặc testosteron (mụn)
  • Có thể gây dậy thì sớm
Sertoli
  • Hiếm gặp
  • Đôi khi có bài tiết lượng lớn estrogen (nữ hóa tuyến vú)

Bệnh nhân với một khối ở tinh hoàn, nữ hóa tuyến vú và tăng nồng độ estrogen nhiều khả năng có u tế bào Leydig, thể thường gặp nhất của u đệm dây sinh dục tinh hoàn. Các u này thường khởi phát từ các tế bào đệm của tinh hoàn như Leydig, Sertoli và tế bào hạt; chiếm khoảng 5% các u tinh hoàn (u tế bào mầm chiếm 95%), xảy ra ở nhiều lứa tuổi, và không có yếu tố nguy cơ rõ ràng.

Tế bào Leydig là nguồn bài tiết testosterone chính tinh hoàn nhưng cũng có khả năng tổng hợp estrogen. Do đó, u tế bào Leydig thường biểu hiện nội tiết do dư thừa estrogen (nữ hóa tuyến vú, mất ham muốn, rối loạn cương dương) hoặc testosterone (mụn, rậm lông). Thăm khám thường phát hiện khối ở tinh hoàn, thường được xác định bằng siêu âm bìu 2 bên. Ngược lại với nhiều loại u tế bào mầm, u tế bào Leydig thường không để lại marker u trong huyết tương như beta-HCG hoặc AFP. Tuy nhiên, sự bài tiết estrogen hoặc testosterone thường gây ức chế bài tiết LH và FSH.

Ý A, D và E: U nguyên bào nuôi, u quái, và u túi noãn hoàng là các u tế bào mầm không tinh bào. Chúng thường biểu hiện là một khối không đau, mật độ chắc ở tinh hoàn. Tuy nhiên, chúng thường tiết beta-HCG (u nguyên bào nuôi) hoặc AFP (u túi noãn hoàng); chúng hiếm khi bài tiết estrogen nên nữ hóa tuyến vú là không phổ biến.

Ý C: U tinh bào là u tế bào mầm không thường tiết beta-HCG, AFP, hoặc estrogen. Do đó không gây nữ hóa tuyến vú. Hầu hết u tinh bào biểu hiện với một khối hoặc sưng một bên tinh hoàn không gây đau.

Mục tiêu học tập: U tinh hoàn tế bào Leydig thường gây nữ hóa tuyến vú do tế bào u bài tiết estrogen. Điều này thường gây ức chế thứ phát bài tiết FSH và LH. Marker u huyết tương thường không tăng.

1 thoughts on “Dấu hiệu giúp phát hiện ung thư tuyến tiền liệt sớm nhất

Để lại một bình luận (Quy định duyệt bình luận)

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

The maximum upload file size: 1 MB. You can upload: image. Drop file here