Cồn thuốc là gì? Một số phương pháp điều chế cồn thuốc

Xuất bản: UTC +7

Cập nhật lần cuối: UTC +7

Nhathuocngocanh.comCồn thuốc ((Phụ lục 1: Cồn thuốc – Dược điển Việt Nam V)) là một dạng thuốc được bào chế bằng cách chiết xuất dược liệu có nguồn gốc từ thực vật hoặc động vật với với rượu hoặc Ethanol,… Hãy cùng nhà thuốc Ngọc Anh tìm hiểu rõ hơn về dạng thuốc này trong bài viết dưới đây. 

Cồn thuốc là gì?
Cồn thuốc là gì?

Định nghĩa

Cồn thuốc là những chế phẩm lỏng, được điều chế bằng cách chiết dược liệu thực vật, động vật hoặc hòa tan cao thuốc, dược chất với Ethanol ở các nồng độ khác nhau theo tỷ lệ quy định.

Dựa theo nguyên liệu tạo thành, cồn thuốc được chia thành 2 loại là cồn thuốc đơn và cồn thuốc kép.

  • Cồn thuốc đơn là cồn thuốc được điều chế từ một nguyên liệu.
  • Cồn thuốc kép là cồn thuốc được điều chế từ nhiều nguyên liệu khác nhau.

Cách biểu thị hoạt tính của cồn thuốc:

  • Cồn thuốc có nguồn gốc từ dược liệu thực vật (có chứa các thành phần có hoạt tính mạnh) biểu thị hoạt tính theo 10g dược liệu trong mỗi 100ml cồn thuốc.
  • Cồn thuốc có nguồn gốc từ các loại dược liệu khác thì được biểu thị theo 20g dược liệu trong mỗi 100ml cồn thuốc.

Mỗi loại cồn thuốc khác nhau có tỷ lệ giữa dược liệu ban đầu và cồn thuốc khác nhau tùy thuộc vào các yêu cầu thử nghiệm (xác định hàm lượng của hoạt chất hay của nhóm hoạt chất trong các chuyên luận riêng). Vì vậy, các loại cồn thuốc khác nhau không nhất thiết phải pha loãng để đạt cùng một tỷ lệ giữa dược liệu ban đầu và cồn thuốc.

Cồn thuốc được định lượng theo những thử nghiệm xác định hàm lượng. Từ các kết quả định lượng thu được, điều chỉnh nồng độ cuối cùng của cồn thuốc bằng cách cho thêm dung môi hoặc làm bay hơi một phần dung môi.

Xem thêm: Nhũ tương kem bôi da: Công thức và phương pháp bào chế

Phương pháp điều chế

Theo Dược Điển Việt Nam, Cồn thuốc được điều chế theo 3 phương pháp như sau: phương pháp ngâm, phương pháp ngâm nhỏ giọt và phương pháp hòa tan.

Phương pháp ngâm

Chia nhỏ dược liệu và cho vào một dụng cụ thích hợp. Chuẩn bị Ethanol và tiến hành thêm khoảng ¾ lượng Ethanol cần sử dụng vào dược liệu và đậy kín, để ở nhiệt độ phòng. Ngâm dược liệu trong khoảng thời gian từ 3-10 ngày, thỉnh thoảng khuấy trộn để tăng hiệu quả chiết xuất. Sau đó, tiến hành gạn lọc và thu dịch chiết. Sử dụng ¼ lượng Ethanol còn lại để rửa bã và ép bã.

Tập trung dịch chiết và dịch ép lại, tiếp tục bổ sung Ethanol để thu được lượng dịch chiết quy định. Để yên dịch chiết từ 1 ngày đến 3 ngày để lắng, gạn lấy dịch trong.

Phương pháp ngâm nhỏ giọt

Lựa chọn bình ngâm nhỏ giọt phù hợp với khối lượng dược liệu cần chiết. Cho phần dược liệu đã chia nhỏ vào bình ngâm, và tiến hành thêm một lượng Ethanol đến khi vừa đủ ẩm (nhớ trộn đều). Đậy nắp kín và để yên từ 2 đến 4 giờ ở nhiệt độ thường.

Cho dược liệu đã được làm ẩm vào một bình ngâm nhỏ giọt đến khoảng ¾ thể tích của bình (lưu ý: đặt trên bề mặt dược liệu những vật liệu thích hợp để tránh xáo trộn dược liệu khi đổ dung môi vào).

Mở khóa bình và đổ từ từ Ethanol lên dược liệu cho đến khi có một vài giọt dịch chiết chảy xuống. Sau đó, đóng khóa bình lại và tiếp tục cho thêm Ethanol đến khi lượng dung môi ngập hết dược liệu. Để yên trong 24 giờ hoặc tùy theo chuyên luận của từng loại dược liệu. Cuối cùng là rút dịch chiết.

Nếu trong chuyên luận của dược liệu không yêu cầu phải định lượng hoạt chất hoặc một nhóm hoạt chất nào đó thì tiến hành rút dịch chiết với tốc độ phù hợp (xem phụ lục 1.1 DĐVN V). Thêm Ethanol và tiếp tục chiết cho đến khi thu được lượng dịch chiết quy định.

Trộn đều dịch chiết và để yên trong 2-3 ngày và gạn lấy dịch trong,

Nếu trong chuyên luận yêu cầu phải định lượng hoạt chất hoặc nhóm hoạt chất nào đó thì gộp các dịch chiết lại và trộn rồi định lượng theo hướng dẫn trong chuyên luận đó. Từ các tính toán thử nghiệm xác định hàm lượng, pha loãng dịch chiết với một lượng dung môi thích hợp để thu được cồn thuốc đáp ứng đúng yêu cầu.

Một số phương pháp chiết xuất dược liệu
Một số phương pháp chiết xuất dược liệu

Phương pháp hòa tan

Phương pháp này khá đơn giản. Cách tiến hành như sau:

Hòa tan dược chất, tinh dầu hoặc cao thuốc với dung môi là Ethanol với nồng độ quy định. Sau đó sẽ để lắng và lọc để loại tủa, thu lấy dịch trong.

Yêu cầu chất lượng

Ngoài các yêu cầu, quy định trong các chuyên luận riêng của từng dược liệu, một số yêu cầu chung đối với cồn thuốc được quy định như sau:

  • Tỷ trọng, tạp chất, định tính, hàm lượng hoạt chất, hàm lượng Ethanol: phải đáp ứng yêu cầu quy định trong từng chuyên luận riêng của mỗi dược liệu.
  • Giới hạn Methanol: không quá 0,05% (thể tích / thể tích) nếu không có chỉ dẫn nào khác (Phụ lục 10.13 trong DĐVN V).
  • Cồn sau khi bay hơi: giới hạn được quy định trong từng chuyên luận riêng của từng dược liệu.

Cách tiến hành:

Lấy chính xác một lượng 5,0ml hoặc 5,000g cồn thuốc cho vào một cốc có đường kính 5-7cm và cao 2-3cm (cốc đã được cân trừ bì trước), làm bay hơi đến khô bằng cách đun cách thủy và sấy khô ở 100-105 độ trong vòng 3 giờ, để nguội trong bình hút ẩm có chứa Diphosphorpentoxyd và cân. Tính % khối lượng hay số gam cắn trong 1 lít chế phẩm.

Bảo quản

Cồn thuốc phải được bảo quản trong bao bì kín, tránh ánh sáng và để ở nơi thoáng mát.

Nhãn phải được ghi theo quy định hiện hành và có ghi tên của bộ phận dùng làm thuốc của cây, tên dung môi hoặc hỗn hợp dung môi được sử dụng để chiết xuất, nồng độ các thành phần quan trọng và tỷ lệ giữa các dược liệu thô ban đầu so với cồn thuốc.

Tài liệu tham khảo

Cồn thuốc – Dược điển Việt Nam V.

Xem thêm:

Dạng dược dụng là gì? Có những dạng dược dụng nào?

1 thoughts on “Cồn thuốc là gì? Một số phương pháp điều chế cồn thuốc

Trả lời (Quy định duyệt bình luận)

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

The maximum upload file size: 1 MB. You can upload: image. Drop file here