Một bài tổng quan được đăng trên thư viện Cochrane đã cho thấy có thể làm giảm tỉ lệ tử vong của trẻ sơ sinh ở các nước đang phát triển đến 12% chỉ đơn giản bằng cách lau sạch dây rốn trẻ sau sinh với một chất sát khuẩn thông thường, giá rẻ.
Các tác giả phát hiện ra rằng việc dùng chlorhexidine cho những trẻ sinh ngoài bệnh viện đã giúp làm giảm số lượng trẻ tử vong hoặc bị nhiễm khuẩn.
Thuốc chlorhexidine là gì?
Là một trong những thuốc thiết yếu theo Tổ chức Y tế Thế giới, chlorhexidine được sử dụng trong bệnh viện và các cơ sở y tế khác để phòng ngừa nhiễm khuẩn trong nhiều thập niên qua. Chlorhexidine có nhiều dạng chế phẩm bao gồm dạng gel, dung dịch pha nước tắm hoặc thoa. Trong lãnh vực chăm sóc sản khoa, người ta dùng chlorhexidine vừa như một chất sát trùng vùng âm hộ để phòng ngừa sự lây lan vi khuẩn từ mẹ sang con, đồng thời như một chất làm sạch da/dây rốn của trẻ sơ sinh. Ở một số quốc gia có tỉ lệ trẻ sơ sinh cao, việc sử dụng chlorhexidine như một chất tẩy rửa sau sinh là cách hiệu quả để làm giảm nguy cơ tử vong do nhiễm khuẩn. Tuy nhiên, cần những cách tiếp cận bao quát hơn để kiểm tra lại chứng cứ cho vấn đề này.
Nghiên cứu
Các nhà nghiên cứu xem xét lại dữ liệu từ 12 thử nghiệm bao gồm hơn 87.000 trẻ sơ sinh. 7 thử nghiệm trong số đó được tiến hành ở vùng Đông Nam Á, 2 ở châu Phi, 2 ở châu Âu và 1 ở Nam Mỹ. Trong số 12 thử nghiệm trên, 5 thử nghiệm diễn ra ở các cơ sở y tế cộng đồng, bao gồm 72.030 trẻ, đã cung cấp những chứng cứ chất lượng nhất. Những thử nghiệm này tính cả những trường hợp sinh tại nhà. Kết quả ghi nhận cho thấy tỉ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh giảm đến 12% ở nhóm được lau sạch dây rốn với chlorhexidine so với nhóm để dây rốn khô. Việc sử dụng chlorhexidine cũng làm giảm phân nửa số trẻ sơ sinh bị viêm chân dây rốn, một tình trạng sưng phù chân dây rốn do nhiễm trùng.
Theo trưởng nhóm nghiên cứu Anju Sinha, làm việc tại Hội đồng nghiên cứu y khoa Ấn Độ, New Delhi: “Dựa theo nghiên cứu của chúng tôi, việc sử dụng chlorhexidine để lau sạch dây rốn sẽ giúp cứu sống các trẻ sơ sinh”. Các tác giả cũng kết luận rằng cần thêm những chứng cứ từ các nước châu Phi để giúp ủng hộ phát hiện này. Sinha phát biểu: “Lợi ích lớn nhất được ghi nhận từ những nghiên cứu ở các nước thuộc vùng Đông Nam Á. Những kết quả từ những nghiên cứu ở các nước châu Phi có độ tin cậy kém hơn, do đó, chúng tôi muốn xem liệu kết quả từ những thử nghiệm đang được tiến hành tại Zambia và Tanzania có thể chứng minh cho bằng chứng này hay không.”
Tác giả: BS. ThS. Lê Phạm Thu Hà – BM Nhi, ĐHYD TP.HCM