Các phương pháp lọc được sử dụng nhiều nhất hiện nay

Xuất bản: UTC +7

Cập nhật lần cuối: UTC +7

baiblogNgocAnh 29

Nhathuocngocanh.com – Muốn tách chất rắn ra khỏi chất lỏng người ta thường nghĩ đến một cách rất đơn giản là lọc. Vậy có những phương pháp lọc nào và dụng cụ lọc là gì, xin mời độc giả hãy cùng Nhà thuốc Ngọc Anh tìm hiểu qua bài viết sau đây nhé!

Phương pháp lọc – Vật liệu lọc thường dùng

Vật liệu lọc bằng thủy tinh xốp, sứ xốp

Vật liệu lọc bằng thủy tinh xốp, sứ xốp được dùng trong những trường hợp cần lọc thuốc nhỏ mắt, dung dịch thuốc tiêm do có ưu điểm là lỗ lọc rất nhỏ. Đặc biệt, không chỉ có lọc được thuốc nhỏ mắt và dung dịch thuốc tiêm, vật liệu bằng này còn phù hợp đối với alcaloid, enzym,.. bởi lẽ chúng không hấp thụ dung dịch, không làm mất tác dụng của dung dịch.

baiblogNgocAnh 31
Vật liệu lọc bằng thủy tinh xốp

Các vật liệu lọc bằng thủy tinh xốp, sứ xốp có kích thước các lỗ lọc khác nhau phù hợp với từng loại dung dịch cụ thể.

  • Nến lọc sứ xốp Chamberland:
Ký hiệu Đường kính lỗ lọc
L1 4.7 – 8.9 mcm
L2 2.2 – 4.7 mcm
L3 2.0 – 2.2 mcm
L4 1- 2 mcm
  • Phễu lọc thủy tinh xốp:
Ký hiệu Đường kính lỗ lọc
G – 00 500 – 200 mcm
G – 0 150 – 200 mcm
G – 1 90 – 150 mcm
G – 2 45 – 90 mcm
G – 3 15 – 45 mcm
G – 4 5 – 15 mcm
G – 5 1 – 1.5 mcm
  • Màng lọc có thể được làm từ ester của cellulose như cellulose acetat hay cellulose nitrate với kích thước lỗ lọc từ 0.05 mcm đến 10 mcm. Màng lọc có lỗ lọc kích thước 0.45 mcm thích hợp để lọc dung dịch thuốc, 0.22 mcm dùng để vô khuẩn dung dịch. Ngoài ra, màng lọc còn được chế tạo từ polime như teflon, polyvinylclorua, polypropylene,…Những nguyên liệu này có độ lọc cao hơn, do đó mang lại hiệu quả lọc tốt hơn.

Vật liệu lọc bằng vải, len, da

Ưu điểm nổi trội của vật liệu lọc bằng vải, len, da là bền về mặt hóa học và cơ học, giá thành lại phải chăng. Tuy nhiên, bên cạnh đó nhược điểm của chúng là chất lượng lọc không cao, dung dịch lọc không trong như các vật liệu khác.

Vải, len, da thích hợp với dung dịch thuốc sánh như siro.

baiblogNgocAnh 29
Vật liệu lọc bằng vải, len, da

Vật liệu lọc thường dùng là Tấm lọc Seitz, đó là sự kết hợp giữa amian và các sợi cellulose. Seitz có bảng kích thước đa dạng, phù hợp với những loại dung dịch khác nhau:

Kí hiệu Đường kính lỗ lọc
Ek 1.4 – 1.8 mcm
E«s 1.2 – 1.4 mcm
EkS1 1.0 – 1.2 mcm
E«S2 0.3 – 1.0 mcm

Vật liệu lọc bằng bông

Một số yêu cầu đối với vật liệu bông chuẩn dùng trong lọc:

  • Không có mỡ.
  • Bông có sợi dài từ 14 – 20 mm.
  • Không có acid, kiềm, chất khử hay bất cứ tạp chất nào khác.
  • Đạt độ ẩm tối đa là 9%, tức là phải có khả năng thấm nước trong 10 giây.

Những dung dịch dùng ngoài hoặc là thuốc uống thì dùng vật liệu lọc bằng bông sẽ cho hiệu suất cao nhất.

Giấy lọc

Giấy lọc là loại giấy không được chế tạo từ cellulose nguyên chất và được ép thành màng. Theo bào chế có 2 loại giấy lọc:

  • Giấy lọc loại xám: có độ tinh khiết không cao. Trong giấy lọc vẫn còn chứa nhiều loại tạp chất khác như SiO2, Fe2O3, các muối clorua cacbonat, sau khi lọc dung dịch có thể bị biến thành chất khác có mất tác dụng hoặc là khiến dịch lọc bị bẩn. Chính vì vậy, khi lọc bằng giấy lọc loại xám cần lưu ý phải rửa thật kĩ bằng nước cất đun sôi.
  • Giấy lọc màu trắng: Ưu điểm của loại giấy lọc này là có độ tinh khiết cao và không chứa nhiều tạp chất như giấy lọc màu xám. Tuy nhiên, nhược điểm của loại trắng là khả năng lọc chậm hơn nên tốn nhiều thời gian hơn.
baiblogNgocAnh 32
Phân loại giấy lọc

Trong giấy lọc màu trắng người ta lại chia ra làm 3 loại giấy lọc khác:

  • Giấy lọc không có phẩm chất cao: được dùng trong các phương pháp định lượng. Đường kính lỗ lọc của loại giấy lọc này là từ 1-1.5 mcm.
  • Giấy lọc dày có lỗ lọc lớn: thích hợp với dung dịch có độ sánh như thuốc siro, dung dịch dầu,…
  • Giấy lọc có độ dày trung bình: dùng trong những trường hợp lọc dung dịch thuốc. Đường kính lỗ lọc là từ 3 – 7 mcm.

Trong quá trình lọc bằng giấy lọc cần phải có phễu thủy tinh để làm giá đỡ. Muốn loại bỏ chất rắn và thu lấy phần dung dịch thì sử dụng giấy lọc có nếp gấp và thành phễu nghiêng 45 độ. Ngược lại, muốn thu lấy chất rắn và loại bỏ phần dung dịch thì dùng giấy lọc không gấp nếp, thành phễu nghiêng 60 độ.

Khi lọc bằng giấy lọc bạn nên chú ý một số điểm sau:

  • Nếu giấy lọc có vết sắt, dung dịch natri salicylat hay dẫn chất phenol, adrenalin có thể có màu hồng khi lọc qua giấy.
  • Dung dịch thuốc có thể bị biến đổi nếu như giấy lọc có chứa kim loại.
  • Alcaloid hay chất màu có thể bị giấy lọc hấp thụ.
  • Trong quá trình lọc, một số chất có thể bị khử như iod, kali pemanganat,…

Xem thêm: Yêu cầu chất lượng của thuốc mỡ theo tiêu chuẩn dược điển Việt Nam V

Một số phương pháp lọc được sử dụng hiện nay

Phương trình Hagen – Poiseuille cho ta thấy được tốc độ chất lỏng đi qua vật liệu lọc phụ thuộc vào hiệu số áp suất tác dụng lên hai mặt của màng lọc. Dựa vào phương trình Hagen – Poiseuille có thể chia ra làm 3 phương pháp lọc:

  • Phương pháp lọc dưới áp suất thủy tĩnh.
  • Phương pháp lọc dưới áp suất giảm (lọc hút chân không).
  • Phương pháp lọc dưới áp suất cao (lọc nén).

Phương pháp lọc dưới áp suất thủy tĩnh

Theo phương pháp này, chất lỏng đi qua màng lọc tỉ lệ thuận với chiều cao cột chất lỏng. Do đó, đối với những dung dịch có độ sánh nhớt, để tăng tốc độ lọc người ta thường dùng cách lọc nóng với phễu thành đôi. Phễu này được thiết kế có thể chứa nước nóng hoặc hơi nước nóng lưu thông.

Phương pháp lọc dưới áp suất giảm (lọc hút chân không)

Để tăng hiệu số áp lực giữa 2 bề mặt của màng lọc có thể dùng các loại bơm chân không hoặc là sức hút của vòi nước để tạo ra chân không ở dưới màng lọc.

Trong phương pháp này, hiệu số áp suất trên và dưới màng lọc có thể đạt tối đa là 1atm, do đó trong trường hợp lỗ lọc của vật liệu quá nhỏ sẽ khiến tốc độ lọc bị chậm lại.

Một lưu ý nhỏ đó là phương pháp lọc dưới áp suất giảm không thể sử dụng cho những trường hợp lọc dung dịch quá nóng vì có thể làm sôi dung dịch.

baiblogNgocAnh 33
Phương pháp lọc dưới áp suất giảm (lọc hút chân không)

Phương pháp lọc dưới áp suất cao (lọc nén)

Phương pháp lọc dưới áp suất cao sẽ khắc phục được nhược điểm của phương pháp lọc hút chân không, đó là có thể lọc được dung dịch qua tấm vật liệu lọc có lỗ nhỏ với tốc độ cao. Hiện nay, người ta thường sử dụng không khí nén trong phương pháp này.

Đối với những chất dễ bị oxy hóa nên dùng khí trơ như nito khi lọc nén.

Trên đây là chia sẻ của bài viết về Phương pháp lọc. Hy vọng qua bài viết này, bạn có thể hiểu rõ hơn về các vật liệu và phương pháp lọc được sử dụng trong lĩnh vực Y Dược hiện nay!

Xem thêm: Viên nén phân tán

Tài liệu tham khảo

Sách giáo trình Bào chế và sinh dược học 1 – Trường đại học Dược Hà Nội.

3 thoughts on “Các phương pháp lọc được sử dụng nhiều nhất hiện nay

Để lại một bình luận (Quy định duyệt bình luận)

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

The maximum upload file size: 1 MB. You can upload: image. Drop file here