Không tìm thấy sản phẩm nào khớp với lựa chọn của bạn.

Tá dược dính

Trong sản xuất dược phẩm, đặc biệt là viên nén, viên tròn, để tạo ra những khối rắn đồng nhất, độ cứng đạt yêu cầu, tránh bị bở vụn… không thể thiếu một loại tá dược giúp tăng liên kết các hạt tiểu phân với nhau. Đó gọi là tá dược dính. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thông tin tương đối đầy đủ về tác dụng và các loại tá dược dính trên thị trường, việc lựa chọn tá dược dính sao cho phù hợp trong mỗi công thức thuốc.

Tá dược dính
Tá dược dính

Khái niệm

Tá dược dính là một thành phần thường xuất hiện trong các dạng bào chế thuốc viên, chúng là những tác nhân gắn, kết tụ các tiểu phân rời rạc để tạo hình và đảm bảo độ cứng cho sản phẩm thuốc (nhất là viên nén).

Vai trò của tá dược dính

Tá dược dính đóng vai trò quan trọng trong quá trình bào chế, nó cải thiện độ cứng, độ bền cơ học và khả năng chịu nén của khối bột, giúp bột dễ tạo hạt, tránh hiện tượng phân lớp hoặc sa lắng sau khi trộn, tăng độ đồng đều hàm lượng các chất trong công thức ở mọi vị trí trong khối bột.

Tuy nhiên, khi lựa chọn tá dược dính cần lưu ý khảo sát thời gian rã của mỗi loại và ở mỗi nồng độ khác nhau. Nếu lượng dính cao quá gây kéo dài thời gian rã hoặc khiến viên không rã được, khi viên thuốc bào chế mà không rã tại vị trí cần hấp thu, nơi cần đạt nồng độ điều trị việc bào chế không có ý nghĩa nữa. Vì thế khảo sát loại và tá dược dính ảnh hưởng lên khả năng rã của viên là thiết yếu trong quy trình điều chế thuốc mới.

Tá dược dính tối ưu là có thể phân tán được lên các tiểu phân của khối bột, cải thiện độ cứng cho viên, hầu như không ảnh hưởng lên độ rã và hòa tan của viên, cũng cần quan tâm đến sự phân bố kích thước hạt tạo ra khi sử dụng tá dược dính trong tạo hạt.

Phân loại

Ngành dược phẩm ngày càng phát triển nên việc phát minh nhiều công thức thuốc mới là điều tất yếu, tá dược vì vậy cũng được mở rộng. Người ta thường phân tá dược vào các loại khác nhau để thuận tiện cho việc lựa chọn và sử dụng. Chia theo nguồn gốc tá dược dính gồm ba nhóm đường (sucrose, siro sucrose, siro glucose); tự nhiên (acacia, tragacanth, gelatin, hồ tinh bột, tinh bột biến tính, acid alginic, cellulose); tổng hợp/bán tổng hợp (methyl cellulose, ethyl cellulose (EC), polyvinylpyrrolidone (PVP), hydroxypropyl methyl cellulose (HPMC), Na carboxymethylcellulose (NaCMC), polyvinyl alcohol (PVA), poly ethylene glycol (PEG), polymethacrylate).

Tá dược dính cũng hay được phân loại theo thể trạng là tá dược dính lỏng (ethanol, dịch gôm Arabic, Siro, hồ tinh bột…) hoặc tá  dược dính thể rắn (bột đường, avicel, tinh bột biến tính,…). Mỗi cách phân loại nhằm các mục đích khác nhau.

Tá dược dính hay sử dụng

Dưới đây là chi tiết về các tá dược dính hay sử dụng trong bào chế thuốc.

Tá dược dính lỏng

Tá dược dính lỏng là một loại thể chất lỏng hoặc kết hợp của bột tá dược với dung môi tạo hỗn hợp lỏng có thể là dạng dung dịch, hỗn dịch hoặc gel hay dùng trong phương pháp tạo hạt ướt, bồi viên…, mỗi loại có một mức độ dính khác nhau.

Ethanol

Ethanol hay còn gọi là cồn không chỉ làm dung môi hòa tan nhiều dược chất, chất sát khuẩn, chống nấm mốc… mà còn tạo khả năng dính cho các bột dược liệu, cao mềm dược liệu, bột đường, khả năng này được tạo ra do tạo cầu nối lỏng giữa tiểu phân này với tiểu phân khác, tăng sự gắn kết. Trong cao mềm, cồn còn giúp phân tán các thành phần dễ dàng hơn.

Ethanol rất dễ bay hơi nên chúng có ưu điểm là dễ sấy khô, giảm tác động lên dược chất dễ thủy phân trong nước, tuy nhiên khi nhào ẩm với ethanol cần lưu ý thao tác nhanh để tránh bị bay hơi, khô cứng khối bột.

Đôi khi dùng ethanol trong tạo hạt ở cao dược liệu cùng lực nhào ẩm nhanh mạnh có thể gây dược liệu dẻo quánh, đạt đến liên kết phân tử, cản trở quá trình xát hạt, hạt dính rây, tắc lỗ rây.

Hồ tinh bột

Hồ tinh bột được chế từ việc đun nóng nước và tinh bột phân tán và hòa tan vào nhau tạo thành dạng keo dính. Hồ tinh bột khá dễ làm, dễ kiếm, giá thấp, dễ trộn đều, phân tán đều vào khối bột. Hiện nay, tá dược dính này thường xuyên được sử dụng ở khoảng hàm lượng 5-25%, ở khoảng này ít ảnh hưởng đến khả năng rã của viên. Lưu ý nên dùng hồ tinh bột lúc còn nóng để giảm độ nhớt, vón dính, sử dụng ngay sau khi bào chế hoặc phải bảo quản phù hợp để tránh nấm mốc.

Dịch thể gelatin

Gelatin là tá dược hòa tan được  trong nước có khả năng trương nở tạo thành dịch có độ dính mạnh, vì thế hay được lựa chọn để bào chế những loại thuốc cần kéo dài thời gian rã như viên ngậm. Hàm lượng thích hợp của gelatin trong công thức là 1-4%, nên trộn cùng hỗn hợp bột khi gelatin còn nóng, cũng có thể kết hợp cùng hồ tinh bột để tăng khả năng dính của hồ.

Gelatin trong nước thường dính hơn nên khó trộn đều vào khối bột, khó sấy khô hơn so với  trong cồn. Dịch Gelatin trong cồn còn giảm thủy phân dược chất, giảm độ nhớt, giảm thời gian, chi phí sản xuất mà chất lượng sản phẩm đạt yêu cầu cao hơn nên hay được sử dụng hơn so với dịch trong nước.

Dịch gôm Arabic

Gôm Arabic là loại dịch tiết ra từ nhựa cây hoặc các tuyến của động vật, tan được trong nước nhưng không tan trong dầu mỡ, chất béo. Tá dược này có khả năng dính tương đối tốt, thường dùng trong nước với hàm lượng 10-20%. Do gôm kéo dài thời gian rã của viên nên hay dùng nó trong bào chế viên ngậm, Dịch gôm rất kém ổn định dễ bị nhiễm nấm mốc nên cần dùng ngay sau khi chế.

Dung dịch polyvinylpyrrolidone (PVP)

Khả năng tạo kết dính của PVP rất tốt mà lại ít tác động lên thời gian rã của viên, dễ sấy khô nên rất được ưa chuộng. Không những thế PVP còn có ưu điểm là tương đối ổn định, có khả năng sát khuẩn, có thể cải thiện độ thấm và độ tan của dược chất như acid salicylic, barbituric… Hàm lượng PVP hay dùng là tá dược dính khoảng 0,5-5% tùy theo loại dược chất và dạng bào chế.

Nhược điểm của PVP là dễ hút ẩm nên ảnh hưởng xấu đến độ ổn định của các thành phần khác, thường làm viên thay đổi thể chất trong quá trình bảo quản.

Siro

Siro là sự kết hợp của đường với dung môi thích hợp, không chỉ tạo kết dính mà còn điều vị, chống vi sinh vật phát triển. Siro giúp việc phân tán bột, đặc biệt là bột màu một cách đều, đảm bảo độ bền cơ học của viên, tăng độ ổn định của dược chất…

Có thể dùng siro đường, dung dịch đường, glucose với các tỷ lệ khác nhau để đạt độ dính phù hợp cho từng khối bột.

Dẫn chất cellulose

Có thể sử dụng rất nhiều các loại dẫn chất cellulose với độ nhớt khác nhau trong vai trò làm tá dược dính.

Methyl cellulose có khả năng dính tốt, hàm lượng hay dùng là 1-5%, với MC 5% có thể tạo hạt với độ bền cơ học tương đương hồ tinh bột 10%.

Ethyl cellulose là loại không tan trong nước, thường dùng trong ethanol với hàm lượng 2-10%, tuy độ nhớt thấp nhưng khả năng dính rất tốt và thường dùng cho các dược chất chịu nén kém như paracetamol, cafein, sắt fumarate…

Natri carboxymethyl cellulose (Na CMC) là muối tan được trong nước, có khả năng dính không tốt bằng PVPP nhưng lại kéo dài thời gian rã của viên, thường được dùng với hàm lượng 5-15%.

Tá dược dính thể rắn

Nhóm tá dược này thường dùng cho viên xát hạt khô hoặc dập thẳng, một số tan trong nước hoặc ethanol có thể dùng trong xát hạt ướt.

Các tá dược dính thể rắn thường gặp là avicel, tinh bột biến tính, bột đường…

Tá dược dính dùng cho dập thẳng gồm avicel PH101, SMCC 50, UNI-PURE DW, UNI-PURE LD, DI-TAB, dẫn chất lactose.

Không tìm thấy sản phẩm nào khớp với lựa chọn của bạn.