Tìm lại nụ cười hạnh phúc cho bệnh nhân dính khớp thái dương hàm

Xuất bản: UTC +7

Cập nhật lần cuối: UTC +7

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu - Phó Giám đốc BVĐHYHN và đại diện Lãnh đạo khoa RHM đến thăm hỏi và trao phần quà cho bệnh nhân trước khi xuất viện

Bài viết này nhà thuốc Ngọc Anh xin chia sẻ về chủ đề tìm lại nụ cười hạnh phúc cho bệnh nhân dính khớp thái dương hàm.

Nụ cười trở lại đã làm bừng sáng khuôn mặt cậu thanh niên 26 tuổi sau nhiều năm tự ti, gượng gạo… do mới được các bác sĩ khoa Răng Hàm Mặt (BV Đại học Y Hà Nội) phẫu thuật thành công thay khớp thái dương hàm.

Nam thanh niên tên Lê Văn C. (quê Tĩnh Gia – Thanh Hóa) đã 26 tuổi nhưng chưa bao giờ cảm thấy tự tin trong giao tiếp và có được chức năng ăn uống tối thiểu như người bình thường do xương hàm dưới teo lại, cằm lùi sâu về phía sau,… Trước đây, C. cũng nhiều lần được gia đình đưa đi thăm khám và điều trị ở các bệnh viện lớn nhỏ nhưng kết quả hầu như chưa cải thiện cả về chức năng ăn, nhai cũng như về mặt thẩm mỹ.

Mới đây, khoa Răng Hàm Mặt – Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã phẫu thuật thành công thay khớp thái dương hàm (TDH) cho cậu thanh niên ấy bằng các vật liệu nhân tạo. Đến nay, sau gần 1 tháng điều trị tích cực, cả gia đình đều vui mừng vì diện mạo mới của con trai họ đã gần như thay đổi hoàn toàn, các chức năng ăn, nhai, nuốt, nói như được hồi sinh. Bản thân C. đã cảm thấy tự tin, không còn dè dặt nhìn xuống khi tiếp xúc với người đối diện như hôm mới nhập viện.

Sau phẫu thuật, Lê Văn C. đã tự tin giao tiếp với những người xung quanh
Sau phẫu thuật, Lê Văn C. đã tự tin giao tiếp với những người xung quanh

PGS.TS Lê Văn Sơn – nguyên Trưởng khoa Răng Hàm Mặt (BVĐHYHN), người trực tiếp phẫu thuật cho bệnh nhân C. cho biết: Bệnh nhân Lê Văn C. bị thiểu sản xương hàm dưới 2 bên, khiến cằm lùi sâu về phía sau, xương hàm dưới teo lại. Nguyên nhân có thể do bị ngã từ bé, gãy chỏm lồi cầu xương hàm dưới. Do không được điều trị đúng và tập luyện phục hồi chức năng, dẫn đến khớp thái dương hàm bị dính và mất khả năng vân động. Khi lồi cầu và ổ chảo dính lại với nhau, khớp xương hàm dưới không vận động được, sẽ rối loạn chức năng ăn nhai, đặc biệt khả năng nói sẽ mất dần do không thể há miệng. Với trường hợp gãy chỏm cầu lồi xương hàm dưới, rất khó dùng vật liệu để cố định mà phải cắt sâu phần dưới và tái tạo hàm mới bằng khớp TDH nhân tạo mới có thể đảm bảo các chức năng ăn, nhai.

Dự kiến, sau khi xuất viện, anh C. vẫn được theo dõi, hẹn khám định kỳ và hướng dẫn phương pháp tập phục hồi chức năng, sau đó lần lượt được tạo hình răng giả tạm thời, nếu tiến triển tốt sẽ tiếp tục tháo nẹp vít, cắm implant làm răng giả vĩnh viễn. Lúc này, các chức năng cơ bản ăn, nhai, nói của người bệnh sẽ gần như người bình thường.

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu - Phó Giám đốc BVĐHYHN và đại diện Lãnh đạo khoa RHM đến thăm hỏi và trao phần quà cho bệnh nhân trước khi xuất viện
PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu – Phó Giám đốc BVĐHYHN và đại diện Lãnh đạo khoa RHM đến thăm hỏi và trao phần quà cho bệnh nhân trước khi xuất viện

Về khía cạnh chuyên môn, khớp TDH là một trong những khớp động phức tạp nhất của cơ thể, diện khớp gồm ổ chảo xương thái dương, đĩa khớp và lồi cầu xương hàm dưới. Xung quanh ổ khớp có các dây chằng và hệ thống cơ nhai bám vào. Hai khớp TDH độc lập với nhau về giải phẫu nhưng hoạt động phối hợp để thực hiện chức năng nhai. Vì vậy, khi bị tổn thương hay mất một hoặc hai bên khớp TDH, người bệnh sẽ khó nhai hoặc há miệng. Mặt khác, quanh vùng TDH nơi tập trung các cấu trúc giải phẫu quan trọng (các mạch máu lớn, dây thần kinh, tuyến nước bọt mang tai…) nên việc phẫu thuật tái tạo lại cho những trường hợp này rất phức tạp, có nguy cơ xảy ra tai biến.

Thay khớp TDH nhân tạo toàn phần (gồm cả lồi cầu và ổ chảo) là một kỹ thuật khó được thực hiện đầu tiên ở BVĐHYHN vào tháng 11/2015. Hiện nay, khoa Răng Hàm Mặt đã hoàn toàn làm chủ được kỹ thuật này, luôn cập nhật những tiến bộ mới nhất về chuyên môn, đem lại hiệu quả tối ưu trong điều trị các bệnh lý khớp TDH.

Theo ước tính, trên cả nước có hàng ngàn trường hợp bị tổn thương, tai biến, viêm dính khớp TDH cần phải tái tạo, thay khớp toàn phần mà chưa được phẫu thuật, ảnh hưởng rất nhiều đến chức năng sinh hoạt và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Một phần do đa số người bệnh chưa có điều kiện tiếp cận các cơ sở y tế chuyên khoa có kinh nghiệm, mặt khác do đây là một trong những dịch vụ chưa được BHYT chi trả, chi phí cho một cuộc phẫu thuật hoàn chỉnh khá tốn kém.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nếu người bệnh phát hiện có dấu hiệu bất thường khi ăn nhai, đau khớp TDH nên đi khám ở chuyên khoa răng hàm mặt để được tư vấn và điều trị kịp thời, tránh những hậu quả đáng tiếc do không được can thiệp sớm.

Cũng nhân dịp này, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã trích Quỹ từ thiện trao một phần quà nhỏ cho bệnh nhân Lê Văn C. trước khi ra viện với mong muốn chia sẻ và động viên tinh thần anh C. và gia đình luôn lạc quan, tin tưởng vào sự tiến bộ của y học để tiếp tục phối hợp với các bác sĩ khoa RHM đi đến cuối chặng đường tìm lại nụ cười hạnh phúc.

Khoa Răng Hàm Mặt bệnh viện đại học Y Hà Nội.

Xem thêm: Chuyên gia tư vấn biện pháp bảo vệ khớp trong mùa rét

Trả lời (Quy định duyệt bình luận)

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

The maximum upload file size: 1 MB. Bạn chỉ được tải lên hình ảnh định dạng: .jpg, .png, .gif Drop file here