Về việc chuyển đổi bằng dược ở Canada – Mỹ

Xuất bản: UTC +7

Cập nhật lần cuối: UTC +7

pharmacists

Nhà thuốc Ngọc Anh – Mình nhận được rất nhiều bạn hỏi về việc chuyển đổi bằng dược ở Canada – Mỹ (About pharmacist licensing procedure for IPGs in Canada – US) mà mình không trả lời từng người được.

Đầu tiên và về từng bước. Mình làm so sánh giữa canada và mỹ vì có các em sinh viên phân vân giữa hai bên. Cũng nhiều người hỏi mình bên nào khó hơn?

Sau này mình sẽ chia sẻ tiếp về trải nghiệm thực tế (insight) ở mỗi bước, cách học, thời gian học …

Một số ý kiến:

Mọi người thường nghĩ thi chuyển đổi là lợi. “Chỉ” cần thi mà không cần học lại. Nhưng đó thực chất là “tay không bắt giặc”, nôm na bạn tự học ở nhà nhưng lại đi thi học sinh giỏi với bên trường chuyên lớp chọn được đào luyện bài bản suốt 5 năm. Thi chuyển đổi chỉ có lợi là ít tốn tiền hơn.

Còn “lý thuyết” là 12 tháng là xong nhưng đó là siêu nhân và thực sự mình chưa từng biết case nào như vậy cả. Nhanh nhất trên thực tế là 18 tháng, 2-3 năm đã là giỏi, không ít người mất 4,5 năm và cả cá biệt đến 8,9 năm. Nếu học lại sẽ chỉ mất 3 năm nhưng chắc chắn hơn.

Có nhiều vấn đề cản trở làm kéo dài thời gian không chỉ vì thi khó, mà là về visa. Phụ nữ thì hoãn thi vì mang bầu ?. Áp lực đi làm song song để có kinh tế. Như mình là mới mang bầu khi sang đây. Đang lúc dầu sôi vòng 2 thì công ty chồng đột ngột đóng cửa và chồng mình phải qua Toronto kiếm việc mới. Hai vợ chồng ở xa nhau 6 tháng. Chưa có PR nên công ty mới không trả lương được suốt 6 tháng. Sát ngày thi thì phải dọn nhà lên Toronto và di chuyển qua 3 căn mới xong. Tất cả đều lúc mùa đông. Và tất cả mọi người đều có khó khăn riêng như vậy cả nên mình không thấy mình là cá biệt gì. Đó đều là những thực tế chắc chắn sẽ xảy ra mà mình phải tính đến.

Nếu ai phân vân giữa chuyển đổi ở Mỹ hay Canada: quick pros and cons mọi người cân nhắc:

Một số bang ở US chấp nhận DS Can chỉ cần thi thêm luật hoặc bang hẻo lánh có thể qua làm luôn. Đi làm rồi sẽ dễ xin vào PR Mỹ. DS Mỹ qua Can vẫn phải thi hai vòng MCQ và OSCE, đi thực tập cho license không miễn trừ.
Can thi thêm vòng OSCE cũng là vòng đau tim nhất. Có giới hạn số lần thi. Vòng TOEFL speaking là khó nhất nhưng không giới hạn số lần. Có người thi rớt 4 lần ở Can và mất cơ hội chuyển đổi, đã sang Mỹ thi TOEFL 13 lần và đậu. Nhưng để speaking 26 cũng rất nan giải!
Phí y tế Mỹ cao hơn, thời gian nghỉ sinh ngắn ở Mỹ ngắn hơn.
Nhưng sau cùng việc chuyển đổi bằng Dược ở cả hai nước là khả thi, có thể làm được! Chỉ cần cân nhắc kĩ các facts mà mình đề cập, nỗ lực cày là đều sẽ đến đích hết ?

Tạm thời mình nhớ ra gì sẽ oánh vô đây, sau đó ai hỏi thêm thì mình edit vô nha. Mong là giúp ích cho các anh chị bạn em đồng môn.

Mình sẽ để 1 số link có ích dưới mỗi câu trả lời để chúng ta dễ tra cứu nha.

CÁC CÂU HỎI “BỎNG CHÁY” VỀ VIỆC ĐỔI BẰNG DƯỢC

Canada có công nhận bằng Đại học Dược do Việt Nam cấp không?

Có, nhưng chúng ta phải nộp hồ sơ cho Pharmacy Examining Board of Canada (gọi tắt là PEBC). Bước này có tên là Document Evaluation trên website của PEBC (pebc.ca). Đa phần có nộp đủ là đều được approved. Hiện tại ai muốn đổi bằng phải đăng ký trên Gateway trước, mục đích là để thông tin của mỗi cá nhân được quản lý tốt hơn.
Bạn nào nộp express entry (skilled worker) với ngành nghề Dược sĩ thì khi bạn pass vòng hồ sơ này, bạn có thể đề nghị PEBC cấp chứng nhận credential equivalence để tăng điểm cho hồ sơ di dân. Mất phí đâu CAD $50.
http://www.pebc.ca/index.php/ci_id/4910/la_id/1.htm
http://www.pharmacistsgatewaycanada.ca/

Các bước thi evaluating exam, qualifying exams khác nhau thế nào?

Sau khi hồ sơ của chúng ta được chấp thuận, chúng ta sẽ có 5 năm để thi cho xong evaluating exam. Đậu evaluating exam rồi thì sau đó thi qualifying exams lúc nào cũng được nhưng 2 phần MCQ & OSCE phải thi cách nhau không quá 3 năm. Vd: bạn thi đậu MCQ trước, sau đó 2 năm mới thi OSCE thì vẫn ổn, nếu qua 3 năm mà chưa thi OSCE thì bạn phải thi lại cả 2 dù MCQ bạn đã đậu đi chăng nữa. Mỗi kỳ thi đó chúng ta được thi 3 lần. Nếu rớt sạch thì phải nộp hồ sơ lại. Một số trường hợp viết thư giải trình thì có thể được thi lần 4.
http://www.pebc.ca/index.php/ci_id/39114/la_id/1.htm
http://www.pebc.ca/index.php/ci_id/4792/la_id/1.htm#NEW6

Evaluating exam, nôm na là để PEBC “chính thức” thừa nhận kiến thức của chúng ta tương đương với kiến thức dạy trong các trường Dược bên Canada. Chỉ các bạn DS tốt nghiệp ở các nước không phải Mỹ hay Canada mới phải thi kỳ thi này. Một số bạn sinh ra lớn lên ở Canada nhưng qua Anh, về Jordan,… học Dược thì các bạn cũng được xem là DS “nước ngoài” và phải thi evaluating exam luôn.
http://www.pebc.ca/index.php/ci_id/3122/la_id/1.htm

Thi qualifying exams, hay còn gọi là thi Board, là để chứng minh chúng ta đủ trình độ để bắt đầu hành nghề (entry-to-practice). Để dễ hiểu, chúng ta coi nó như kỳ thi quốc gia. Không chỉ DS tốt nghiệp ở các nước khác mà cả các bạn học trường Dược bên này cũng phải thi. Chứng chỉ PEBC này xài được trên toàn cõi Canada, trừ Quebec. Quebec có kiểu riêng để chuyển đổi bằng, không bắt phải thi Board nhưng phải đi học đâu chừng 1-2 năm & 1 số yêu cầu khác. Mình không rành nên xin không đề cập.

http://www.pebc.ca/index.php/ci_id/3156/la_id/1.htmhttp://www.pebc.ca/index.php/ci_id/3147/la_id/1.htm

Thi Board xong là sẽ được cấp chứng chỉ hành nghề?

(Rất tiếc là) Chưa. Thi xong Board rồi nhưng chưa được hành nghề đâu. Bên Canada, Dược sĩ được tỉnh bang quản lý, cơ quan chủ quản thường có tên là “College” (Bởi hồi đó ở VN lúc tìm hiểu, mình cứ tưởng lên cái trường nào đó tên Ontario College of Pharmacist để đăng ký, có biết nó là cơ quan quản lý đâu). Chúng ta phải hội đủ điều kiện đề ra của cơ quan đó (thực tập, bổ sung kiến thức…) + thi luật Dược của tỉnh bang xong thì họ cấp chứng chỉ hành nghề cho mình. Nếu các bạn đi qua tỉnh bang khác hành nghề thì các bạn sẽ phải đổi license để được hành nghề ở tỉnh bang đó, đa phần chỉ là thi luật Dược (jurisprudence) của tỉnh bang thôi.
Lý do họ bắt mình thi nhiều là để đảm bảo mình có lượng kiến thức tối thiểu để phục vụ bệnh nhân.

Ví dụ thông tin để đăng ký chứng chỉ hành nghề của tỉnh bang Ontario ở website này:
http://www.ocpinfo.com/registration/register-pharmacist/
Các tỉnh bang khác thì các bạn cứ google College of Pharmacist in Manitoba hay Alberta hay gì gì đó nha, sẽ ra website của họ.

Canada
Canada

PEBC có yêu cầu khoa Dược mình phải gửi trực tiếp bảng điểm cho họ. Mà khoa Dược mình không có tiền lệ đó. Làm sao đây?

Các bạn đến phòng Đào tạo xin bảng điểm, nhờ thầy cô bỏ bảng điểm vào phong bì của trường (tên trường, địa chỉ trường có in trên phong bì), thầy cô dán kín lại & đóng mộc chỗ dán phong bì. Hình như giờ khoa có nhận gửi giúp cho đạt yêu cầu PEBC, các bạn hỏi lại nha.

Họ có yêu cầu có chứng nhận của cơ quan quản lý mình ở VN (ý là Sở Y tế), đảm bảo rằng mình ko vi phạm gì trong quá trình hành nghề. Mà Sở Y tế không có văn bản kiểu này. Phải làm sao?

Không biết đến bây giờ đã có văn bản này chưa. Các bạn nên đi hỏi Sở Y tế thử, nếu có thì mừng rồi.
Với những bạn chưa có chứng chỉ hành nghề, các bạn kiếm Luật sư để làm tờ giấy Thề là mình chưa từng được licensed anywhere in the world.

Học thi evaluating exam: Nên học từ đâu? Học thế nào?

Đầu tiên chúng ta phải xem blueprint do PEBC đăng trên website của họ. Đọc cái đó để biết họ sẽ test mình về cái gì, % mỗi phần là bao nhiêu. Tất nhiên % phần nào cao thì phải dành thời gian học cái đó nhiều.
http://www.pebc.ca/index.php/ci_id/3127/la_id/1.htm

List sách do PEBC cung cấp trên website nhìn rất choáng. Mình cũng suýt ngất khi xem. Nhưng mình chỉ học 1 quyển thôi cho phần Pharmacology – quyển Comprehensive Review for NAPLEX (ai cũng biết Naplex là kỳ thi Board bên Mỹ). Hồi đó ở VN mình ko quen ai để mượn sách học về luật Dược, về code of ethics, thời gian lại hạn hẹp nên mình chấp luôn. % của 2 phần đó ko cao trong blueprint. Còn lúc thi thì mình oánh theo dự đoán hihi. Bây giờ các bạn muốn học về 2 thứ đấy thì mình có thể share lại sách vở.
Mình hồi đó khi học thi có xài chiêu chứ mình không thể nhét hết vô cái đầu bé nhỏ này được. Mình học kỹ những chương quan trọng như tim mạch, tiểu đường, mental health, ADHD… vì mình nghĩ/biết người ở đây hay bị. Hồi ở VN chả nhớ có học về trầm cảm không chứ bên đây thuốc trầm cảm, bipolar, schizophrenia…là những thuốc gặp hàng ngày khi thực hành. À, học về Chí (head lice) nữa nhá. Bệnh đấy tuyệt chủng ở VN nhưng bên đây hà rầm hehe. Một số bệnh khác ít gặp thì mình chỉ xem có những thuốc nào điều trị.

Học evaluating exam bao lâu?

Mình tập trung học 2 tháng, từ tháng 5 đến tháng 7 năm đó, xong thi luôn. Mỗi ngày mình chỉ học thôi (lúc đó nghỉ làm), học từ 10-11h sáng tới 10h tối, nghỉ đâu 2-3h để ăn & tắm. Thi xong mình ước giá như mình có thời gian để học cỡ 3 tháng. 2 tháng học dồn dập mệt quá chừng.

Thi evaluating có khó không?

Bây giờ nhìn lại thì thấy không khó mấy, nhưng vì hồi đó bán thuốc dạo, không thực hành, tiếp xúc với thuốc & bệnh nhân nên tất nhiên thi thấy khó rồi. Thi 2 ngày liên tiếp, mỗi ngày 3h, oánh trắc nghiệm 150 câu / ngày. Ra khỏi phòng thi cũng hoa mắt & mệt. Hiện nay thi trên máy tính nhé cả nhà.

pharmacists
pharmacists

Có cần học khóa International Pharmacy Graduate ở Uni of Toronto không? (Dành cho ai muốn đổi bằng ở Ontario)

Theo PEBC nói thì nếu bạn không đậu qualifying exams (cả 2 kỳ – MCQ & OSCE) trong lần thi đầu thì bạn phải đi học 2 khóa này. Còn không thì được miễn. Theo mình, 2 khóa CPS 1&2 (2 tháng/khóa) này rất có ích vì nó chuẩn hóa kiến thức của mình, vì thế nó giúp mình tự tin để thi qualifying exams. Thật ra phải nói nhờ nó mà mình thi MCQ & OSCE cùng lúc được & đậu ngay lần đầu thi. Thời điểm đó mình chưa từng đi thực tập, ko đi làm volunteer ở đâu cả.
http://cpd.pharmacy.utoronto.ca/programs/ipgcanada.html

Có cần student visa để học CPS?

Không, chỉ cần visitor visa cover đủ đến khi bạn hoàn thành khóa học. Bạn có thể extend visitor visa (được 1 năm) để ở lại học CPS 2 & thi luôn.
Dù họ ghi điều kiện là mình cần có PR hay Can passport hay student visa để xin học nhưng hồi đó mình check với CIC là khóa dưới 6 tháng không cần student visa. Mình email cho Ghayas (có email của bạn ấy trong link IPG program) là CIC nói ko cần visa, visitor visa của mình đủ cover đến hết khóa CPS 1 & mình có thể extend visa đến 1 năm nếu cần. Họ đồng ý, kêu mình chụp passport trang có visa cùng dấu mộc lúc nhập cảnh. Sau đó mình mới đóng tiền học.
http://cpd.pharmacy.utoronto.ca/programs/ipgcanada/admissions.html

Cần điều kiện gì để xin học CPS? Học phí nhiêu?

Thi đậu evaluating exam + IELTS 6.5.
Mình thi IELTS tại VN, cầm sang để dự phòng lỡ đậu evaluating thì xin học luôn. Mình học CPS 1 bằng visitor visa.
Học phí các bạn check trên website trường cho cập nhật nhé.

Mar 09, 2017:
Tiếp tục nha bà con…

Có thể hoàn thành Document evaluation ở VN không? Rồi sao đi thi evaluating exam được?

Lời khuyên chân thành là dù bạn chuẩn bị sang Canada du học hay di dân và bạn tính đổi bằng trong tương lai thì bước document evaluation này nên làm ở VN. Lý do là bạn sẽ đi gom giấy tờ dễ hơn và nhanh hơn. Hồi đó mình hoàn tất bước này & nộp application for evaluating exam từ VN hết.
Khi PEBC đồng ý cho bạn đi thi, họ sẽ gửi thư xác nhận. Bạn cầm thư này đi apply visitor visa của Canada. Chú ý: nộp hồ sơ visa cần chuẩn bị giấy tờ cũng nhiều, không phải có tờ giấy của PEBC là bạn có thể nộp sơ sài & lãnh sự quán chịu cấp visa nha.

Có nên thi luôn evaluating exam & qualifying exams không?

Để tranh thủ visitor visa, vì 2 kỳ thi đó cách nhau 4 tháng.

Mỗi năm có 2 lần thi evaluating exam: tháng 1 & tháng 7. Qualifying exams cũng 2 kỳ: tháng 5 & tháng 11. Nên một khi rớt bạn phải chờ 6 tháng để thi lại.
Qualifying exams gồm 2 phần: MCQ (trắc nghiệm) & OSCE. Hồi mình thi, MCQ bao gồm 2 ngày thi liên tiếp, mỗi ngày 150 câu thi trong 3h. Nghe 150 câu thấy ok nhưng thiệt ra vô thi rất căng thẳng vì họ cho case study dài ngoằng, nội đọc cũng thấy mệt. Rồi sau đó là 3-4 câu hỏi dựa theo cái case study đó.[Update ngày Apr 8, 2018] Hiện nay có một số thay đổi về cách thi, có thể kể ra như sau:
– Thi qualifying exams phần MCQ thi trên máy tính. Chỉ còn thi trong 1 ngày, 4h30 thay vì thi 2 ngày, mỗi ngày 3h và thi trên giấy.
– Có nhiều ngày & giờ để chọn thi MCQ & OSCE không phải như xưa có 1 ngày & 1 giờ. Chắc do số lượng thi đông quá ?.

Mình nghĩ các bạn học thi cứ tập trung học đi, đừng nghĩ có cạnh tranh này nọ rồi tăng điểm sàn. Mình không nghĩ có tình trạng như vậy vì họ xét các bạn có đạt trình độ để bắt đầu thực hành không, chứ không phải thi tuyển. Bình tĩnh tự tin nha!

Quay lại OSCE, nôm na đó là thi tình huống. Mình không biết trong mỗi phòng sẽ là tình huống gì, chỉ biết sẽ gặp bệnh nhân hay y tá hay bs thôi. Chuông reng mình bước vô phòng, tương tác với diễn viên trong đó, giải xong tình huống trong 7 phút, bước ra khỏi phòng. Mỗi phòng có 1 Dược sĩ chấm thi (assessor) sẽ đánh giá mình theo tiêu chuẩn như kỹ năng giao tiếp, có giải quyết được tình huống không, có gây hại cho bệnh nhân không…. Diễn viên sẽ khai từ từ tuỳ theo bạn hỏi câu hỏi, tức là nếu bạn không hỏi họ, họ sẽ không nói, hỏi sai câu hỏi thì họ nói họ không biết. Chỉ khi hỏi đúng câu hỏi bạn mới có thông tin và từ đó giải cái case đó. Cứ ra khỏi phòng thì mình bước vô phòng khác, xử 1 case khác. 2-3 stations thì mình được break station 7 phút. Mình break lần nào cũng uống nước hoặc đi toilet vì căng thẳng quá và vì bầu bà Thỏ 6 tháng, bả cứ đá đá làm mau muốn pee :)). Hồi mình thi hình như 15-16 cái stations, trong đó có 2-3 break stations & có thể có 1 station là test station. Các bạn chuẩn bị tinh thần bị nhốt 6-7 tiếng, chủ yếu mất thời gian tập trung nhau lại: thông tin vào buổi sáng, buổi chiều thi xong còn phải chờ Vancouver thi xong thì Toronto mới được về.
Các bạn coi video về các kỳ thi đó mình đã chèn link ở phía trên. Nói như vậy để các bạn hiểu thi qualifying rất mất công chuẩn bị & fee thi cũng cao nữa. Với việc thực hành như ở VN thì mình không khuyên các bạn thi liền ngay sau khi đậu evaluating. Tất nhiên nếu các bạn muốn thử sức thì có thể thử.

Nên thực tập trước khi thi qualifying exams hay không?

Nên. Dù mình thi qualifying exams trước khi thực tập nhưng mình khuyên: nếu các bạn CÓ ĐIỀU KIỆN, các bạn nên ít ra xin volunteer ở nhà thuốc vì nó sẽ giúp các bạn hoàn thiện kỹ năng để đi thi. Nếu không volunteer gì (như mình), thì nên học khoá IPG để có cơ hội chuẩn hoá bản thân, hoàn thiện kỹ năng.
Lưu ý là để volunteer hay thực tập (ở Ontario: giờ là PACE chứ không studentship, internship gì nữa, các bạn coi trên website của OCP nhé), thì phải có work permit. Đó là lý do mình oánh chữ “có điều kiện” in hoa đó. Hồi đó mình có work permit chậm nên mình delay việc thực tập, mình chọn đi học và đi thi.

Làm sao có work permit để đi thực tập?

Hoặc là các bạn đã xong di dân (skilled worker/investor/spousal sponsorship….), hoặc là oxa/bxa bạn đăng ký học Master/PhD bên Can, xong bạn đi theo được cấp open work permit. Các bạn lên website của CIC coi thông tin nha.

Aug 2, 2018:

Tiếng Anh ielts 6.0 liệu có đủ để thi đậu EE, MCQ & OSCE?

Ahhh câu hỏi hay ?. Trên nguyên tắc, để cày bừa kiến thức đi thi thì tiếng Anh phải đạt trình độ nào đó. Mỗi kỳ thi đòi hỏi khác nhau nên các bạn cũng cần tự đánh giá bản thân đã sẵn sàng chưa. Với EE & MCQ các bạn chỉ cần đọc hiểu t Anh tốt & siêng năng. IELTS 6.0 mà reading 6.0-7.0 là ok rồi, không bàn các skills khác. Với OSCE thì khó nói, thông thường mình thấy speaking & listening 6.5-7.0 là ok để bắt đầu luyện. Bạn không cần quá lưu loát hay nói như người bản xứ để đậu OSCE. Có vài người bạn mình là dân sinh ra lớn lên ở Canada, về quê nhà học Dược (vì vô không nổi trường ở đây???) rồi quay lại Canada thi chuyển đổi. Tiếng Anh các bạn ấy khỏi nói rồi nhưng không đậu OSCE. Còn các bạn Trung Đông, Bồ Đào Nha…hay An nam mít như mình accent thấy rõ nhưng đậu. Nghe-nói tiếng Anh tốt là điều kiện cần, còn điều kiện đủ là kỹ năng khác nữa.

Ngoài thi chuyển đổi bằng, còn con đường nào khác cho chúng ta?

Còn chứ, không ai cấm chúng ta học ngành khác hết. Không làm DS thì làm registered pharmacy technician (sau đây viết tắt là RPhTech). RPhTech nhìn chung được làm mọi việc mà DS làm, trừ việc tư vấn, hay nhận/chuyển toa giảm đau gây nghiện, hướng tâm thần. Quá trình học khoảng 4 học kỳ, thi cũng bao gồm MCQ & OSCE, cơ hội làm ở BV, viện dưỡng lão & nhà thuốc bán lẻ. Lương thì xin google hihihi.
Các ngành khác có thể kể: optician, massage therapist, denturist, lab technician, nursing… Theo mình các bạn nên có plan dự phòng khi đi qua xứ người. Ngày xưa mình có back-up plan là bán phở (tự tin quá mức) hay mở tiệm giặt ủi / bán vé số, nói thiệt, cũng là cày cuốc kiếm thóc thôi mà.

P/s: sau khi lết qua 8 vạn 8 ngàn dặm chúng ta sẽ cập bến gọi là entry-level (chim non mới vào đời!). Tiếp tục các khoá training nâng cao để được làm nhiều hơn như tiêm chích, kê toa, order lab test… rất là thú vị ? vì DS bên này đc phép làm rất nhiều thứ một cách bài bản rất là oách xà lách ☺️!! Và thi lại mỗi năm để không bị mất bằng. Con đường học cả đời sẽ chính thức chào đón bạn, và hãy quên tư tưởng có tấm bằng Dược là yên tâm ôm suốt đời mốc meo như ở Việt Nam nhé ☺️

Xem thêm: Giới thiệu trang web về thông tin thuốc eMC

Trả lời (Quy định duyệt bình luận)

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

The maximum upload file size: 1 MB. Bạn chỉ được tải lên hình ảnh định dạng: .jpg, .png, .gif Drop file here